Nữ sĩ Hồ Xuân Hương và giá trị trường tồn của một di sản

Cùng với lễ vinh danh nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022), Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản” vừa diễn ra tại TP Vinh ngày 3-12-2022, do UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Hơn 100 tham luận, bài nghiên cứu được gửi về, tìm hiểu nhiều phương diện đặc sắc, độc đáo… cho thấy giá trị trường tồn của một di sản.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Phan Quỳnh Nga

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: “Hơn 200 năm qua, Hồ Xuân Hương - một tài năng văn học gắn với nhiều bí ẩn, đã không ngừng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và giới nghiên cứu ở cả trong, ngoài nước. Phong cách thơ Hồ Xuân Hương khoáng đạt, sáng tạo, độc đáo bậc thầy với hệ thống các phương thức, phương tiện nghệ thuật, được vận dụng và thực thi đầy linh hoạt, biến hóa, nhiều bài đạt tầm kiệt tác, xứng đáng là đỉnh cao của thơ Nôm (tiếng Việt). Về tư tưởng, thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã nói lên tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống cho con người, trước hết là nữ quyền và quyền bình đẳng”…

Tham luận của GS, TS Trần Đình Sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu bật: “Trong văn học nhân loại, có một dòng văn học mang yếu tố sắc dục (…). Điều khác biệt của Hồ Xuân Hương là thơ có yếu tố sắc dục của bà, chỉ là một bộ phận trong thơ truyền tụng và luôn đậm đà chất thơ. Điều này tuyệt đối không được nhầm lẫn. Thơ của bà không chuyên về một phương diện nhục cảm, mà trước hết bà là một nhà thơ trữ tình, với cái tôi cô đơn, số phận thiệt thòi, khát khao hạnh phúc. Bà còn có những bài nói về cuộc sống gia đình, số phận người làm lẽ, chế nhạo kẻ dốt nát, những bài thơ khóc chồng, những bài thơ bỡn cợt, những bài thơ thù tạc, đối đáp với các bạn trai. Ở trong loại thơ này, ta thấy một nhà thơ kiêu hãnh, không hề có mặc cảm thua lép của người phụ nữ dưới chế độ trọng nam khinh nữ. Đây là điều rất hiếm có trong tất cả các nhà thơ nữ thời trung đại Việt Nam”.

GS, TS Trần Đình Sử phát biểu tham luận - Ảnh: Thanh Hà

Nhà văn - học giả Lady Borton (Hoa Kỳ), một người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, đã phát biểu bằng tiếng Việt tại hội thảo đại ý rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường và cũng như mọi nhà thơ khác, bà là một hiện tượng độc nhất vô nhị, nhưng bà không đơn độc, vì cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ sĩ Việt Nam tiêu biểu như là một người thầy khả kính.

Khác với cách tiếp cận của nhiều đồng nghiệp, PGS, TS Đoàn Lê Giang (Đại học Quốc gia TP.HCM) khám phá di sản thơ ca Hồ Xuân Hương từ cái nhìn hậu hiện đại. Theo ông, thơ Hồ Xuân Hương mặc dù không có liên quan gì đến chủ nghĩa hậu hiện đại mà người ta đang nói hiện nay, nhưng thơ của bà thì lại rất gần với tinh thần hậu hiện đại. Bởi tinh thần hậu hiện đại nhấn mạnh vào chỗ “giải ảo”: giải trung tâm, giải các “đại tự sự” - các huyền thoại không có thật và một trong những thủ pháp Hậu hiện đại thường dùng là giễu nhại. Tất cả những điều có vẻ xa lạ với văn chương trung đại ấy đều gần với thơ Hồ Xuân Hương. Chẳng hạn, trong thi ca nữ sĩ, nhân vật Hoàng đế không còn là một đấng thiêng liêng “con trời” với chân mệnh đế vương nữa, mà cũng là một con người như bao kẻ phàm trần khác; hình ảnh nhà sư nhiều lần đi về trên luống chữ, song không có một bài nào mang cảm hứng ngợi ca; mẫu người quân tử - vốn là trung tâm của nền học vấn và đạo đức xã hội lúc bấy giờ - cũng bị “giải ảo” bằng cái tục, cái giả: “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”…

PGS, TS Lê Thị Bích Hồng (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) nhìn thấy nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật lớn từ cuộc đời, sự nghiệp thơ ca Hồ Xuân Hương. Bởi bao văn nhân - thi sĩ đã khai thác nhiều chi tiết, khía cạnh, mối quan hệ trong cuộc đời nữ sĩ để sáng tạo nên các tác phẩm của mình. Nữ sĩ Xuân Hương thực sự là đối tượng nghệ thuật của nhiều sáng tác, nghiên cứu gắn với tên tuổi: Nguyễn Hữu Tiến, Ngô Tất Tố, Hoàng Xuân Hãn, Xuân Diệu, Kiều Thu Hoạch, Đào Thái Tôn, Đỗ Lai Thúy… Những tác giả nước ngoài như Antony Landes, Maurice Durand (Pháp); Lady Borton, John Balaban (Hoa Kỳ) cũng dành nhiều trí tuệ, tâm huyết nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của nữ sĩ họ Hồ. Vẫn theo PGS, TS Lê Thị Bích Hồng, nhân dịp UNESCO thông qua Nghị quyết vinh danh nữ sĩ, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Xuân Hương: tiếp tục nghiên cứu về bà, bổ khuyết những phần chưa sáng tỏ, quảng bá tác phẩm thơ Hồ Xuân Hương ở cả trong và ngoài nước, sáng tác văn học nghệ thuật về bà…

Nhà văn - học giả Lady Borton (Hoa Kỳ, trái) và dịch giả Eva Antoshchenko Muckova (phải) - Ảnh: Phan Quỳnh Nga

PGS, TS Trần Lê Hoa Tranh (Đại học Quốc gia TP.HCM), từ thơ Hồ Xuân Hương đã nghĩ về cuộc vượt thoát không gian của văn học Việt Nam. Bởi theo bà, thơ Hồ Xuân Hương đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, sánh ngang với các nhà thơ nữ phương Đông như Lý Thanh Chiếu (Trung Hoa), Hoàng Chân Y (Hàn Quốc)… Thơ Hồ Xuân Hương từng được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Nhật, tiếng Hoa, tiếng Slovakia, tiếng Bulgaria, Romania, tiếng Anh… song các công trình này còn nhiều hạn chế, vì thơ Hồ Xuân Hương mang tính đa nghĩa, sắc thái “thanh - tục”, đòi hỏi phải có hệ thống từ vựng tương ứng trong tiếng nước ngoài, mà điều này là rất khó. PGS, TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng, việc tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương đã được giới thiệu, dịch, nghiên cứu, so sánh như thế nào trên thế giới là một nhiệm vụ và trách nhiệm vô cùng cấp bách của giới dịch thuật, phê bình Việt Nam. Không nhiều nhà thơ nữ trên thế giới có số lượng thơ, nội dung và nghệ thuật mang tính cách tân, mới mẻ như Hồ Xuân Hương. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao đưa bà ra thế giới, để bà xứng với tầm vóc là một nhà thơ nữ cổ điển lớn của nhân loại.

Lấy phong cách nghệ thuật làm trung tâm, GS, TS Lã Nhâm Thìn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đưa ra ý kiến: “Phong cách nghệ thuật trong văn học được nhìn từ 3 bình diện: phong cách thể loại, phong cách thời đại, phong cách tác giả. Nghiên cứu thơ Nôm truyền bản và tập Lưu hương ký, từ điểm nhìn nghệ thuật, nội dung cảm xúc, hình tượng thơ và ngôn ngữ nghệ thuật - những biểu hiện căn bản của phong cách tác giả - có thể thấy một Hồ Xuân Hương nữ sĩ, một nữ lưu đặc biệt, xuất hiện trong trào lưu nhân đạo chủ nghĩa của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Đây là ý kiến rất đáng chú ý, vì đây đó không phải không có người vẫn cho rằng, không có tác giả Hồ Xuân Hương, hoặc tác giả chỉ là nam giới “mượn giọng”, “giả trang” nữ sĩ, hoặc Hồ Xuân Hương chỉ là tác giả của tập thơ chữ Hán Lưu hương ký

Dịch giả người Slovakia Eva Antoshchenko Muckova đã chia sẻ tâm tư vì sao bà dịch 80 bài thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Slovakia: “Trong những câu thơ có âm điệu gợi tình, đầy châm biếm và mỉa mai. Sự nghiệp thi ca của nữ sĩ là một đóng góp với kho tàng văn học thế giới cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX”. Dịch giả cũng tỏ ý xin lỗi bạn đọc những chỗ dịch “chưa tới” song sự thực thì bà đã cố gắng hết sức để độc giả Slovakia ngày càng yêu thích những bài thơ độc đáo của Hồ Xuân Hương.

Phát biểu của dịch giả Slovakia Eva Antochchenko Muckova - Ảnh: Thanh Hà

Ở một phương diện khác, TS Hồ Khánh Vân (Đại học Quốc gia TP.HCM) tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương từ điểm nhìn của phê bình nữ quyền sinh thái, bởi thơ Hồ Xuân Hương được viết bằng ý thức xanh và thi pháp xanh đậm đà, mạnh mẽ, sâu sắc. “Thứ nhất, thân thể con người, đặc biệt là thân thể người nữ, được tái hiện cùng với thiên nhiên, bằng thiên nhiên. Thân thể con người cũng chính là thiên nhiên và thiên nhiên là hiện thân của thân thể người. Trong đôi mắt của nữ sĩ, con người và thiên nhiên là nhất thể, vô sai biệt. Hơn nữa, thiên nhiên cũng chính là khát vọng và biểu đạt tính dục của con người. Thứ hai, thông qua sự tái hiện thiên nhiên, Hồ Xuân Hương bộc lộ tiếng nói phản kháng những giá trị hà khắc, cổ hủ của nam quyền đã áp bức, thống trị nữ giới. Thiên nhiên chính là dấu triện biểu đạt giá trị thân thể của người nữ và khát vọng đạt được quyền sống, quyền tự do tính dục của nữ giới. Thứ ba, tinh thần nữ quyền sinh thái của Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện qua tư tưởng, mà còn bộc lộ qua thi pháp ngôn từ. Bà viết bằng ngôn ngữ xanh: ngôn ngữ của thiên nhiên, của đời sống tự nhiên mạnh mẽ, hồn nhiên. Đời sống phóng khoáng, gắn liền với thiên nhiên của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẫu và cá tính sáng tạo, vượt khuôn mẫu lễ giáo của Hồ Xuân Hương là những yếu tố quan trọng, hình thành nên ý thức sinh thái nữ quyền trong di sản thi ca của “bà chúa thơ Nôm”.

Tuy nhiên, trong các tham luận được gửi tới hội thảo, không phải không có ý tứ, luận điểm chưa hẳn đã thỏa đáng, như có người lại cho rằng: Hồ Xuân Hương là nhà thơ Việt Nam đầu tiên bênh vực người… LGBT+ (LGBT+ là viết tắt của người đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), lưỡng tính (Bisexual) và chuyển giới (Transgender)) bởi đó là cái nhìn hiện đại hóa lịch sử, hiện đại hóa quá khứ… Song nhìn chung, các tham luận, báo cáo được chọn trình bày tại hội thảo khá tiêu biểu, toàn diện cho một chặng đường nghiên cứu, khám phá, phát hiện, làm sáng tỏ cái hay, vẻ đẹp của di sản thơ ca Hồ Xuân Hương, khẳng định bà xứng đáng là một Danh nhân văn hóa nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một thi hào!

THANH HÀ

;