Vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay

Bảo tàng tỉnh, thành phố (còn gọi là bảo tàng khảo cứu địa phương, bảo tàng địa phương, bảo tàng tổng hợp) chiếm một số lượng lớn trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Đây là một thiết chế văn hóa đặc thù, có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật tiêu biểu - một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa địa phương. Những biến chuyển trong hoạt động của bảo tàng tỉnh, thành phố ở nước ta, đặc biệt trên phương diện giao tiếp, phục vụ cộng đồng rất phù hợp với bối cảnh cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay.

1. Vai trò giáo dục của bảo tàng

Năm 2007, ICOM (Hội đồng quốc tế các viện bảo tàng) đưa ra định nghĩa về bảo tàng: “Bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội đó, mở cửa cho công chúng. Bảo tàng thu mua, giữ gìn, nghiên cứu, liên lạc, và trưng bày các hiện vật vì mục đích giáo dục, thưởng thức những di sản vật thể và phi vật thể của con người và môi trường xung quanh con người” (1). Theo Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, “Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng” (2). Các định nghĩa cho thấy sự khẳng định thống nhất về tôn chỉ hoạt động hướng tới cộng đồng của bảo tàng.

Bảo tàng cũng được coi là một thiết chế văn hóa đa chức năng, trong đó có chức năng giáo dục quốc dân, tạo điều kiện vui chơi giải trí, làm phong phú thêm cuộc sống của con người. Từ thời kỳ cận đại, loại bảo tàng công cộng xuất hiện, phát triển mạnh mẽ và chiếm đa số trong tổng số bảo tàng của thế giới cũng như mỗi quốc gia. Bảo tàng không chỉ phục vụ cho nhu cầu của một giai cấp, một tầng lớp xã hội nhất định mà tồn tại vì lợi ích chung. Do đó, đối tượng công chúng mà bảo tàng phục vụ rất rộng, không phân biệt thành phần xã hội, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn... Bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục thông qua việc phổ biến những kiến thức, hiểu biết khoa học cho công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu trên cơ sở khai thác đặc trưng và khả năng cung cấp thông tin trực quan sinh động thông qua hệ thống trưng bày các tổ hợp hiện vật gốc.

Về mặt hoạt động, giáo dục được coi là một khía cạnh nghiệp vụ quan trọng của bảo tàng. Theo ICOM, “giáo dục bảo tàng có thể hiểu như một tập hợp các giá trị, khái niệm, kiến ​​thức và thực hành nhằm đảm bảo sự phát triển của khách tham quan; đây là một quá trình tiếp biến văn hóa dựa trên các phương pháp sư phạm, phát triển, hoàn thành và tiếp thu kiến ​​thức mới” (3). Ở Việt Nam, chúng ta hiểu giáo dục bảo tàng là “việc thiết lập chương trình giáo dục nhằm tạo cơ hội rộng rãi để khách tham quan học tập, trải nghiệm thông qua việc tìm hiểu hiện vật và tham gia các hoạt động của bảo tàng, với mục đích cung cấp đầy đủ, hấp dẫn những thông tin, kiến thức mà bảo tàng muốn truyền tải tới công chúng” (4). Hoạt động giáo dục của bảo tàng cũng được triển khai theo Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL (31-12-2010) về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, bao gồm hướng dẫn tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản ấn phẩm.

Bảo tàng thực hiện vai trò giáo dục xã hội, đáp ứng nhu cầu trong đời sống của con người - học tập, tìm hiểu, khám phá tri thức trên cơ sở giá trị nhiều mặt của hiện vật. Nhà nghiên cứu Prabhas Kumar Singh (Ấn Độ) đã so sánh, nêu rõ sự khác biệt giữa học tập ở trường học và bảo tàng theo các tiêu chí (tự do lựa chọn, tài liệu cơ bản, giác quan sử dụng, giáo trình định hướng, đánh giá chính thức, thời khóa biểu, thái độ học tập), cho thấy được đặc điểm cơ bản của giáo dục bảo tàng trên cơ sở các hiện vật, cụ thể là tính trực quan sinh động, gợi mở và khả năng kích thích thái độ tiếp nhận tích cực từ phía đối tượng (5).

Có thể nói, mặc dù không phải là cơ quan giáo dục chuyên trách, song, vai trò, tiềm năng và ưu thế của bảo tàng đối với xã hội ngày càng được khẳng định.

2. Bảo tàng tỉnh, thành phố - một thiết chế văn hóa, giáo dục của địa phương

Hiện nay, Việt Nam có tổng số 182 bảo tàng (129 bảo tàng công lập, 53 bảo tàng ngoài công lập), gồm nhiều loại hình, trong đó, bảo tàng tỉnh, thành phố (còn gọi là bảo tàng khảo cứu địa phương, bảo tàng tổng hợp, bảo tàng địa phương) có số lượng đáng kể - 63 bảo tàng, chiếm tỷ lệ 34,6% (6). Đây là loại hình bảo tàng tương đối phổ biến, có vai trò vị trí quan trọng, không những bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, mà còn là cơ quan có tác dụng trực tiếp phục vụ việc nghiên cứu và giáo dục phổ biến kiến thức về nhiều lĩnh vực ở địa phương.

Ở nước ta, các bảo tàng tổng hợp ở miền Bắc xuất hiện khá sớm, có thể kể đến như Bảo tàng Hải Phòng - 1959, Bảo tàng lịch sử và cách mạng khu Hồng Quảng (Quảng Ninh) - 1960, Bảo tàng khu Tây Bắc (Sơn La) - 1960, Bảo tàng Lai Châu - 1963… Các bảo tàng ở miền Trung, miền Nam được thành lập muộn hơn, sau năm 1975 khi chúng ta hoàn thành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Về cơ bản, quá trình ra đời, hoạt động của các bảo tàng tỉnh, thành phố có sự liên quan mật thiết với bối cảnh xã hội với những đặc điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa của địa phương, đất nước; đồng thời có những đóng góp vào thành tựu phát triển chung của ngành Bảo tàng Việt Nam.

Tại các địa phương, bảo tàng là cơ quan giữ nhiệm vụ chính trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Đây là thiết chế văn hóa có chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục phổ biến khoa học. Với tính chất tổng hợp về nội dung, hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng tỉnh, thành phố thường có kết cấu ba phần, bao gồm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; lịch sử xã hội và đặc trưng văn hóa của địa phương. Bảo tàng tỉnh, thành phố có thể coi là “ngôi nhà của ký ức”, “bách khoa toàn thư” bằng hiện vật của địa phương. Bởi vì, hiện vật bảo tàng không chỉ phản ánh lịch sử thuần túy mà còn chứa đựng giá trị khoa học, văn hóa, thẩm mỹ… có khả năng mang lại kiến thức phong phú trên nhiều phương diện.

Bảo tàng tỉnh, thành phố tiếp đón và phục vụ mọi đối tượng công chúng, trước hết là người dân địa phương, không phân biệt thành phần xã hội, lứa tuổi, giới tính… Trên cơ sở thực hiện chức năng giáo dục của bảo tàng nói chung, kết hợp với phạm vi hoạt động cụ thể, bảo tàng tỉnh, thành phố được coi là một môi trường giáo dục ngoài nhà trường tại mỗi địa phương, kết hợp hài hòa giữa học tập và giải trí, có khả năng ảnh hưởng đến mỗi cá nhân và cộng đồng. Quyết định 156/2005/QĐ-TTg ngày 23-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định 208/2014/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã khẳng định: Bảo tàng tỉnh, thành phố phải trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nêu rõ nhiệm vụ: Phấn đấu 100% bảo tàng cấp tỉnh ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa; tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương ngay tại bảo tàng.

Trong quá trình hoạt động, bảo tàng tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các hiện vật - một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của địa phương, bao gồm cả việc tổ chức trưng bày, giới thiệu về tự nhiên, xã hội, văn hóa của địa phương trên cơ sở các hiện vật gốc, sưu tập hiện vật gốc tiêu biểu; tổ chức tuyên truyền giáo dục, giúp công chúng có được hiểu biết về tự nhiên, xã hội và đặc điểm văn hóa của địa phương thông qua các hiện vật bảo tàng. Hiện vật, sưu tập hiện vật quý hiếm của bảo tàng tỉnh, thành phố chính là phương tiện giáo dục, truyền tải thông điệp từ quá khứ, giúp khách tham quan có thể tìm hiểu một cách khá toàn diện về tự nhiên, xã hội, văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều bảo tàng tỉnh, thành phố tạo nên ấn tượng khá quen thuộc, có phần nhàm chán. Chính vì thế mà giới truyền thông đã bàn luận vấn đề lãng phí bảo tàng địa phương - số lượng nhiều nhưng hoạt động đơn điệu, ít hiệu quả. Việc thực hiện chức năng, hoạt động giáo dục của bảo tàng tồn tại một số hạn chế như nội dung trùng lặp, đơn điệu, nặng về tuyên truyền, dẫn đến tình trạng kém hấp dẫn, vắng khách tham quan. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần có sự thay đổi trong nhận thức và thực hành về vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố, đặc biệt trên phương diện giao tiếp, phục vụ cộng đồng.

3. Vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh xã hội thông tin và Cách mạng công nghiệp 4.0, phương thức tiếp nhận tri thức thụ động, việc truyền đạt kiến thức một chiều ngày càng trở nên bất cập. Đối với bảo tàng, công chúng có những đòi hỏi mới, đặc biệt là nhu cầu được trực tiếp tự khám phá và khai thác các giá trị của hiện vật, sưu tập, chủ động trong quá trình tiếp nhận tri thức tại bảo tàng, thậm chí là nhu cầu tự thể hiện. Có thể nói, đây là một xu hướng tích cực, mang hơi thở thời đại của nền kinh tế tri thức trong xã hội đa văn hóa; đồng thời cũng đặt ra cho bảo tàng những thách thức nhất định trong quá trình phục vụ công chúng. Bản thân các bảo tàng buộc phải tự cạnh tranh với nhau (trong bối cảnh bùng nổ bảo tàng), cạnh tranh với các thiết chế văn hóa khác (cũng có sự gia tăng đáng kể) về chất lượng, sự đa dạng của sản phẩm cùng các loại hình dịch vụ để lôi cuốn công chúng. Ngoài ra, để đáp ứng các tiêu chí về tính hiện đại, bảo tàng ngày nay không chỉ giới hạn ở việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mà còn coi trọng nền tảng kinh tế (yếu tố phát triển), đồng thời đề cao nhân tố văn hóa và con người.

Bảo tàng tỉnh, thành phố cần có sự thay đổi trong nhận thức và hành động nhằm đảm bảo vai trò giáo dục, mang lại lợi ích cho cộng đồng và phù hợp với sự phát triển của địa phương, đất nước. Đây cũng hệ quả tất yếu của việc nhìn nhận bảo tàng như một hiện tượng trong đời sống, biến đổi phù hợp với yêu cầu xã hội. Giáo sư Eilean Hooper-Greenhill (người Anh) là một chuyên gia hàng đầu về giáo dục bảo tàng trên thế giới, bà cho rằng, các hình thức giáo dục, diễn giải và giao tiếp tích hợp hài hòa trong vai trò giáo dục xã hội của bảo tàng hiện đại. Chủ yếu dựa vào quan điểm của Eilean Hooper-Greenhill, gắn kết với một số ý kiến có nội dung liên quan, xin được phân tích về vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay.

Giáo dục tích cực

Kể từ lúc bảo tàng được coi là dành cho công chúng từ giữa TK XIX, đến khi những nhà giáo dục bảo tàng được tham gia tích cực hơn vào quá trình tổ chức trưng bày từ những năm 80 TK XX là cả một chặng đường dài, cho thấy vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng dạy gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào. Ở đây, công chúng là người học chủ động chứ không còn là người nghe thụ động. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những kết luận, bài học, kiến thức mới. Các trưng bày ở bảo tàng cố gắng không đưa ra những kết luận áp đặt mà thường gợi mở. Đó là sự khác nhau cơ bản giữa phong cách giáo dục cũ và phong cách giáo dục mới trong bảo tàng. John Dewey - triết gia giáo dục nổi tiếng của Hoa Kỳ đã từng nhấn mạnh về ý nghĩa của trải nghiệm trong giáo dục nói chung. Đối với bảo tàng, các học giả trên thế giới cũng có sự bàn luận, trao đổi về vấn đề tự học, trải nghiệm của công chúng khi đến với thiết chế này. “Ở phương Tây, có nhà Bảo tàng học cho rằng mục đích của giáo dục bảo tàng không phải là dạy mà là giúp khách tham quan học”; còn Tô Đông Hải - nhà Bảo tàng học Trung Quốc - cũng khẳng định “bảo tàng thực hiện mục đích giáo dục thông qua việc phục vụ cho khách tham quan tự học” (7).

Bảo tàng tỉnh, thành phố cũng nằm trong xu thế phát triển chung, hoạt động giáo dục cần có sự đa dạng, nâng cao tính hấp dẫn cũng như khả năng cạnh tranh với các thiết chế văn hóa khác về mặt hấp dẫn, thu hút công chúng. Bảo tàng như kênh trao truyền lượng thông tin hữu ích, đa dạng, phong phú; không chỉ giới hạn ở việc giới thiệu về địa phương thông qua hiện vật. Bởi, “những bảo tàng tốt thu hút giải trí công chúng và khơi gợi tính tò mò trong họ, khiến họ phải đưa ra câu hỏi và do đó khuyến khích được việc học hỏi” (8). Thông điệp về lịch sử - văn hóa của địa phương, câu chuyện từ hiện vật cùng với sự thể hiện của các chủ thể nếu được trực tiếp lĩnh hội, cảm nhận, cũng như thể hiện trong mối quan hệ tiếp xúc, đối thoại và tương tác sẽ đạt hiệu quả hơn sự truyền đạt một chiều và quá trình nhận thức thụ động. Có thể kể đến hình thức mời nghệ nhân dân gian trình diễn hát văn, trải nghiệm trang phục hầu đồng dành cho công chúng trên cơ sở trưng bày chuyên đề về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị của Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ở đây, giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương được thể hiện một cách sinh động thông qua các hiện vật liên quan, chủ thể văn hóa trực tiếp giới thiệu và giúp khách tham quan có cơ hội trải nghiệm thực tế. Vai trò chủ động của bảo tàng không mang tính chất độc quyền, được chia sẻ, mang lại sắc thái mới, tích cực với sự tham gia của cộng đồng.

Diễn giải hiện vật

Quan điểm diễn giải di sản cũng được chuyên gia Peter Howard (Anh) phân tích khá cụ thể. Diễn giải được hiểu là phương tiện truyền tải di sản đến với công chúng, gồm diễn giải trực tiếp, sử dụng hướng dẫn viên và một số phương tiện trung gian khác như sử dụng thiết kế… Đối với bảo tàng, có thể hiểu diễn giải là đưa ra cách giải thích, hoặc trình bày các hiện vật, di vật và kiến thức dưới dạng một ngôn ngữ mà khách tham quan có thể hiểu được.

Theo quan điểm diễn giải, đối với các bảo tàng tỉnh, thành phố, từ trưng bày, giới thiệu về các đặc điểm của địa phương trên cơ sở hiện vật cùng thông tin kèm theo, mang tính chất minh chứng, sang giải thích về các hiện vật tiêu biểu một cách hiệu quả và hấp dẫn. Ý nghĩa của hiện vật, các câu chuyện liên quan được quan tâm, khai thác, không chỉ dừng lại ở các thông tin ngắn gọn thường thấy như cái gì, của ai, ở đâu, khi nào và dùng để làm gì. Các hiện vật, bài viết cùng tư liệu, thiết bị phụ trợ được kết hợp linh hoạt với mục đích tạo điều kiện cho khách tham quan tương tác, tìm kiếm thông tin sâu hơn về mỗi chủ đề trưng bày. Với quan niệm mới, bảo tàng để hiện vật “kể chuyện” theo trình tự thời gian, không gian, địa điểm… kết hợp với bối cảnh, hình ảnh, video clip, các hoạt động trải nghiệm trong việc truyền tải thông điệp. Bối cảnh có sự liên quan, giúp ích cho quá trình giới thiệu cũng như cảm nhận về hiện vật. Bối cảnh có thể là việc tái hiện sinh động khung cảnh, môi trường tồn tại thực tế của hiện vật hoặc tạo dựng một không gian văn hóa thích hợp cho các hình thức sinh hoạt văn hóa cũng như trình diễn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của địa phương. Sự hiện diện của các yếu tố phi vật thể, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chủ thể văn hóa… giúp hiện vật “cất lên tiếng nói” và dễ đi vào lòng người hơn. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho việc giao lưu giữa các chủ thể văn hóa và khách tham quan.

Học giả Vôn Men-sơ (Hà Lan), nguyên Chủ tịch ICOFOM (Ủy ban quốc tế về Bảo tàng học), đã tổng kết ba xu thế khác nhau trong sự phát triển của bảo tàng trên toàn thế giới, bao gồm xu thế về tính khác biệt, chuyên môn hóa, xác định lại vị trí và tác dụng của bảo tàng. Các xu thế đều có tính thực tiễn, song đối với các bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam, trong quá trình hoạt động cần coi trọng xu thế về tính khác biệt. Có thể nói, tính địa phương có thể coi là chìa khóa để khẳng định sự khác biệt cũng như vị trí xã hội của bảo tàng tỉnh, thành phố, nhất là giữa các địa phương lân cận, liền kề, có nhiều nét tương đồng, gần gũi. Do đó, diễn giải phải có sự gắn kết chặt chẽ với bản sắc. Đây không phải là quan điểm cục bộ, địa phương chủ nghĩa mà phù hợp với đặc điểm vốn có, từ đó phát huy được vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố. Bởi vì, bảo tàng tỉnh, thành phố nên là miếng ghép hữu ích và sắc nét chứ không phải là bức tranh thu nhỏ và nhạt nhòa về diện mạo đất nước. Do đó, bối cảnh phiên chợ, bếp Việt hay trình diễn tò he... chưa hẳn phù hợp với bất kỳ bảo tàng tỉnh, thành phố nào mà phải là sự nhìn nhận thấu đáo về đặc trưng, nhất là về văn hóa của địa phương, vùng miền. Trên khía cạnh diễn giải hiện vật - giá trị tiêu biểu, chúng tôi đồng thuận cao với sự lựa chọn tinh tế, thành công của Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên trong việc trưng bày các hiện vật, tạo dựng bối cảnh cùng các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu về nghề chè, việc thưởng trà - một đặc trưng văn hóa nổi trội của địa phương cho đông đảo công chúng trong không gian văn hóa trà Tân Cương.

Môi trường giao tiếp, tương tác văn hóa

Vì hoạt động giáo dục nằm ở diện tiếp xúc giữa bảo tàng và công chúng, do đó phù hợp và có thể xem xét trên cơ sở của lý thuyết giao tiếp. Giáo dục bảo tàng trước hết là sự tác động của cán bộ giáo dục tới khách tham quan, nay hoàn toàn được nhìn nhận một cách đa chiều, linh hoạt, có thêm sự thể hiện trực tiếp và chân thực của chủ thể văn hóa, nhân chứng lịch sử, chủ sở hữu hiện vật… Trong môi trường giáo dục của bảo tàng, giới hạn thời gian và không gian đều có thể mở rộng, làm biến đổi trạng thái tồn tại của hiện vật, tăng cường mối liên hệ môi trường tồn tại vốn có, khuyến khích và thu hút sự tham gia của các nhân tố trong quá trình giới thiệu cũng như tiếp cận hiện vật, qua đó truyền tải những hiểu biết về văn hóa. Trên thực tế, ngoài hiện vật, sự xuất hiện của các nhân tố, sinh hoạt cộng đồng và các yếu tố có liên quan... đã thúc đẩy tiếp xúc và tương tác văn hóa tại bảo tàng, khuyến khích công chúng chủ động, tích cực hơn trong quá trình bồi dưỡng hiểu biết cá nhân cũng như tăng cường tri thức xã hội.

Nhà nghiên cứu Simona Bodo (Ý) đã khẳng định vai trò của bảo tàng trong việc thúc đẩy bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng trong xã hội đa văn hóa. Với quan điểm của Simona Bodo, bảo tàng là không gian giao thoa văn hóa, không chỉ thúc đẩy các quyền văn hóa của các cộng đồng mà còn là nơi nuôi dưỡng mọi cá nhân. Đây là cách nhìn nhận linh hoạt về giáo dục bảo tàng, phù hợp với xu thế phát triển của bảo tàng hiện đại, đồng thời rất tương đồng với quan niệm của ICOM, giáo dục bảo tàng không thuần túy mang tính chất bồi dưỡng cho con người công cụ; mà còn là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cho một sự phát triển toàn diện, gắn kết cá nhân với cộng đồng.

Tại bảo tàng tỉnh, thành phố, hiện vật phong phú, có giá trị nhiều mặt của địa phương cùng các nhân tố, yếu tố liên quan mở ra cả một hành trình khám phá, trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử đầy hấp dẫn, lý thú. Bảo tàng không chỉ là một cơ quan, một thiết chế giáo dục ngoài nhà trường mà trở nên gần gũi, thân thiết, sống động hơn trong đời sống cộng đồng như một môi trường giao lưu, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Trong đó, không chỉ là cán bộ bảo tàng giới thiệu, khách tham quan học tập, tìm hiểu trên cơ sở sự hiện hữu của hiện vật mà là mối quan hệ tương tác, trao đổi diễn ra sinh động, hiệu quả giữa chủ thể văn hóa, cán bộ bảo tàng và đông đảo khách tham quan. Thời gian gần đây, mỗi dịp Tết Nguyên đán, chương trình Sắc xuân miệt vườn tại Bảo tàng tỉnh Cần Thơ chính là môi trường văn hóa hết sức sinh động, bổ ích trên cơ sở tôn vinh giá trị văn hóa tiêu biểu của các dân tộc sinh sống tại địa phương, chủ yếu là người Việt, Hoa, Khmer. Khách tham quan có cơ hội trải nghiệm, thưởng thức về văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động trình diễn, gặp gỡ, giao lưu cùng các nghệ nhân… Sắc xuân miệt vườn được đánh giá là một hoạt động giáo dục tiêu biểu của bảo tàng địa phương vào năm mới, tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hóa trong cộng đồng.

Kết luận

Có thể nói, các quan điểm về giáo dục của bảo tàng nói chung là cơ sở để bàn luận về vai trò giáo dục của bảo tàng tỉnh, thành phố. Với tư cách của một thiết chế văn hóa, giáo dục tại địa phương, bảo tàng tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay không chỉ là nơi công chúng tham quan, học tập, bổ sung kiến thức, tìm hiểu thông tin từ hiện vật mà còn là không gian biểu đạt các giá trị tiêu biểu, môi trường, địa điểm lý tưởng cho quá trình trải nghiệm cũng như giao lưu văn hóa.

______________________

1, 3. André Desvallées and François Mairesse, Những khái niệm cơ bản về bảo tàng học, Nguyễn Thị Thu Hương dịch, Phạm Lan Hương hiệu đính, Cục Di sản văn hóa, Nxb Văn học, Hà Nội, 2021, tr.55, 26.

2. Văn phòng Quốc hội, Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Di sản văn hóa, Hà Nội, 2013.

4. Di sản văn hóa và các vấn đề liên quan - Thuật ngữ và định nghĩa chung, Tiêu chuẩn Việt Nam 10382:2014, Hà Nội, 2014.

5. Prabhas Kunar Singh, Museum and Education (Bảo tàng và Giáo dục), magazines.odisha.gov.in, 2004.

6. Cục Di sản văn hóa, Tài liệu Tập huấn và Hội thảo khoa học ngành Di sản văn hóa năm 2021, Hải Phòng, 2021, tr.7.

7. Vương Hoằng Quân (chủ biên), Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Nguyễn Duy Chiếm, Nguyễn Thị Hường dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.459.

8. Gary Edson, David Dean, Cẩm nang bảo tàng, Lê Thị Thúy Hoàn dịch, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội, 2001, tr.36.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài, Hoạt động của bảo tàng tỉnh, thành phố trong định hướng quy hoạch phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, Tài liệu Hội nghị Tổng kết công tác Bảo tồn di sản văn hóa năm 2005, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2005.

2. Simona Bodo, Museums as intercultural spaces (Các bảo tàng như những không gian giao thoa văn hóa), A Museum Studies Approach to Heritage (Phương pháp tiếp cận nghiên cứu bảo tàng đối với di sản), tái bản lần 1, Routledge, 2018, tr.517-529.

3. Eilean Hooper - Greenhill, The Educational Role of the Museum (Vai trò giáo dục của bảo tàng), tái bản lần 2, Routledge, 1999.

4. Bùi Thị Hồng Loan, Tạo điểm nhấn văn hóa vùng miền cho bảo tàng địa phương, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 405, 2018, tr.41-43.

5. UNESCO, Phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng trong phát triển bảo tàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì văn hóa và sự phát triển bền vững, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2012.

Ths PHẠM THU HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;