Vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng đời sống văn hóa tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về khám chữa bệnh cho trẻ em của cả nước, đồng thời là bệnh viện hàng đầu về nghiên cứu y học trong lĩnh vực nhi khoa. Để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ lớn lao ấy, Bệnh viện Nhi Trung ương phải quan tâm rất nhiều lĩnh vực, trong đó có xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH). Xây dựng ĐSVH ở Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay là trách nhiệm của mọi cấp, mọi lực lượng từ Ban Giám đốc đến từng cán bộ, viên chức. Trong đó, vai trò của nữ cán bộ, viên chức đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hoạt động xây dựng ĐSVH trong bệnh viện.

Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phải tiến hành xây dựng ĐSVH trên phạm vi cả nước, ở mọi ngành và mọi lĩnh vực, trong đó có các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trở thành một trong ba bệnh viện nhi hàng đầu khu vực Đông Nam Á, Bệnh viện Nhi Trung ương cần có chiến lược cho từng lĩnh vực cụ thể, trong đó xây dựng ĐSVH bệnh viện là vấn đề quan trọng. Bệnh viện đã phát huy vai trò của tất cả các lực lượng cả trong và ngoài bệnh viện, trong đó thực tiễn chỉ ra vai trò rất quan trọng của nữ cán bộ, viện chức.

Hơn 50 năm kể từ ngày thành lập bệnh viện, số lượng nữ cán bộ, viên chức của bệnh viện có sự phát triển lớn về số lượng, chuyên môn và y đức. Đội ngũ nữ cán bộ, viên chức với hơn 1.000 người là chủ thể quan trọng để xây dựng ĐSVH bệnh viện, bởi công việc và các hoạt động văn hóa liên quan trực tiếp đến khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng đặc biệt, đó là bệnh nhi.

Những năm gần đây, vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH tại Bệnh viện Nhi Trung ương ngày càng được thể hiện. Họ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc quán triệt và chấp hành nghiêm mọi chủ trương, biện pháp, kế hoạch xây dựng ĐSVH mà lãnh đạo bệnh biện đã đưa ra; luôn gương mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử, tích cực tham gia Hội thi “Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử” góp phần đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; tuân thủ nghiêm túc giờ giấc làm việc và chế độ trực, luôn thể hiện tác phong, lề lối làm việc đúng mực của người thầy thuốc gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Ảnh tư liệu minh họa: Thanh Hưng

Trong quá trình công tác, nữ cán bộ, viên chức luôn gương mẫu thực hiện tốt 12 điều y đức, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, triển khai thực hiện nhiều kỹ thuật cao. Tham gia các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng người cán bộ, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, nữ cán bộ, viên chức còn tích cực tham gia xây dựng cảnh quan, khuôn viên, nơi làm việc của bệnh viện xanh, sạch, đẹp. Tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí như: câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, văn hóa văn nghệ, dancing, yoga…; tham gia các cuộc thi cắm hoa, nấu ăn nhân ngày 8-3 và ngày 20-10; các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia, tư vấn về ứng xử trong bệnh viện, tư vấn làm đẹp, các kỹ năng mềm... (1).

Để thúc đẩy hoạt động chuyên môn, các chương trình vì cộng đồng góp phần xây dựng ĐSVH tại bệnh viện, nữ cán bộ, viên chức đã tích cực tham gia các câu lạc bộ như Câu lạc bộ bác sĩ trẻ, Câu lạc bộ điều dưỡng viên, Câu lạc bộ vì người nghèo, Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo… Thông qua các câu lạc bộ trên, nữ cán bộ, viên chức đã phát huy khả năng sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, thắp sáng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, chung tay vì sức khỏe cộng đồng; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tạo nên giá trị và phẩm chất tốt đẹp của người nữ cán bộ y tế, được thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng vượt qua những khó khăn, tận tụy với công việc, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, đồng cảm với sự đau khổ của người bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trên, vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH tại Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định cần được khắc phục. Một số nữ cán bộ, viên chức vẫn chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giữ gìn môi trường “xanh - sạch - đẹp”. Vẫn còn một số biểu hiện thờ ơ, vô tâm đối với người bệnh; tồn tại một số cá nhân thiếu trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Ngoài ra, do quá tải, áp lực công việc cao, một số nữ cán bộ, viên chức chưa thực sự yêu nghề, dẫn đến làm giảm đi hình ảnh tốt đẹp của người thày thuốc đối với nhân dân… Những hạn chế trên đã ảnh hưởng đến việc xây dựng ĐSVH trong bệnh viện, từ đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong thời gian sắp tới.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Đây là biện pháp quan trọng nhằm trang bị cho mỗi người những kiến thức lý luận cơ bản về văn hóa, về ĐSVH và vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH. Qua đó, tự giác và chủ động tham gia vào công tác xây dựng ĐSVH ngay tại đơn vị mình, biết sáng tạo, biết hưởng thụ những giá trị mà ĐSVH mang lại để phát triển, hoàn thiện bản thân, đồng thời góp phần mang lại cho cơ quan, đơn vị mình một ĐSVH lành mạnh. Vì vậy, Ban Giám đốc và các tổ chức, đoàn thể cần quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục một cách thường xuyên, liên tục cho toàn thể nữ cán bộ, viên chức nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng ĐSVH.

Nâng cao nhận thức cho lãnh đạo bệnh viện, cán bộ các khoa, phòng về vị trí, vai trò của xây dựng ĐSVH và vai trò nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH ở bệnh viện. Từ đó, lãnh đạo bệnh viện, cán bộ các khoa, phòng trung tâm trong bệnh viện sẽ đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, phát huy cao nhất khả năng, sức sáng tạo của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH.

Theo đó, lãnh đạo bệnh viện, cán bộ các khoa, phòng trung tâm Bệnh viện Nhi Trung ương cần căn cứ kế hoạch xây dựng ĐSVH, triển khai đầy đủ các nội dung kế hoạch của Bô ̣Y tế đã đề ra. 100% các khoa, phòng, đơn vị của bệnh viện triển khai việc phổ biến, quán triệt nội dung xây dựng ĐSVH tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, nghiêm túc thực hiện các nội dung trong kế hoạch, quyết tâm thực hiện đúng mục đích đã đề ra. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, ban hành, xây dựng kế hoạch riêng để phát huy vai trò nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH. Việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phát huy vai trò nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH phải được duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục; cách thức tổ chức triển khai phải phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, với đối tượng là nữ cán bộ, viên chức.

Nâng cao nhận thức cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong bệnh viện về tầm quan trọng của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH. Trước hết cần quán triệt đến toàn thể đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong bệnh viện các quy định, hướng dẫn của cấp trên về chủ trương xây dựng ĐSVH; chủ trương của bệnh viện về phát huy vai trò nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH; các kế hoạch, nội dung cụ thể phát huy vai trò nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH để mọi người được biết và tích cực làm theo.

Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương và lãnh đạo các khoa, phòng cần tạo điều kiện để nữ cán bộ, viên chức hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, cũng cần lắng nghe những ý kiến tham gia, góp ý của nữ cán bộ, viên chức trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động xây dựng ĐSVH trong bệnh viện. Nâng cao nhận thức cho nữ cán bộ, viên chức trong bệnh viện gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phong cách, thái độ phục vụ và với cải cách hành chính trong khám chữa bêṇh; tổ chức tập huấn kỹ năng, giao tiếp ứng xử cho nữ cán bộ, viên chức. Từng nữ cán bộ, viên chức phải luôn có trách nhiệm làm cho trụ sở, cảnh quan môi trường ngày càng đẹp hơn, sạch và gọn gàng hơn. Phải bắt đầu từ ngay chính chỗ làm việc, nơi điều trị của chính mình và tham gia bảo vệ, giữ gìn những công trình văn hóa chung của bệnh viện. Nữ cán bộ, viên chức cần thực hiện nghiêm túc các quy định của bệnh viện về nếp sống văn hóa, văn minh công sở, từ trang phục đến giao tiếp, ứng xử. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp. Xây dựng các mối quan hệ thân thiện, bằng hữu với đồng nghiệp, thương yêu người bệnh, rèn luyện nâng cao y đức khẳng định uy tín của mình, phát triển năng lực chuyên môn, năng lực chính trị và các quan hệ xã hội…

Hai là, tạo dựng những tiền đề về cơ sở vật chất, phương tiện cho nữ cán bộ, viên chức Bệnh viện Nhi Trung ương tham gia xây dựng ĐSVH

Để phát huy vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH trong bệnh viện, yếu tố quan trọng là phải tạo ra các tiền đề về cơ sở vật chất. Bệnh viện cần đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trụ sở phục vụ cho công tác khám chữa bệnh hiện đại, tạo môi trường làm việc văn minh, an toàn vệ sinh lao động cho nữ cán bộ, viên chức làm việc. Thực hiện triệt để các giải pháp giảm tải bệnh viện, coi đây là biện pháp hữu hiệu để nữ cán bộ, viên chức phục vụ, chăm sóc tốt hơn cho người bệnh. Tổ chức sắp xếp phù hợp các phòng ban làm việc, khu kỹ thuật, các phòng bệnh; đầu tư xây mới hoặc tu bổ các công trình đã xuống cấp, thường xuyên sơn sửa, quét vôi, ve cho các công trình, đảm bảo mỹ quan bệnh viện.

Các khu vực làm việc của nữ cán bộ, viên chức cần phải có không gian mát, hệ thống ghế ngồi, hệ thống bảng biểu chỉ dẫn phục vụ cho công việc như: màn hình quảng bá, giới thiệu về các thủ tục, quy trình trong bệnh viện... Bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho nữ cán bộ, viên chức tại nơi nghỉ ngơi như điều hòa, quạt điện, đèn chiếu sáng, buồng vệ sinh, ti vi, các dụng cụ cần thiết trong sinh hoạt…

Về cảnh quan, cần phải bảo đảm khuôn viên bệnh viện theo mục tiêu: xanh - sạch - đẹp. Tiến hành cải tạo, đầu tư xây dựng và sửa chữa khuôn viên, tăng độ che phủ của cây xanh. Đa dạng hóa các loại cây cảnh, hoa cảnh, cây lâu năm; sử dụng nhiều cây có độ che phủ rộng, dày, bền lá... Từ đó tạo ra không gian thoáng mát, bố trí các ghế đá, ghế nhựa đảm bảo hài hòa với khuôn viên, làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho nữ cán bộ, viên chức và người bệnh. Cải tạo đường đi cho bằng phẳng, các đường nối giữa các khoa/phòng cần phải có mái che. Bố trí khu vực để xe hợp lý. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp và nhắc nhở thường xuyên việc bán hàng, khu vực xe máy chở khách, taxi xung quanh bệnh viện. Tăng cường công tác vệ sinh cả ngoại cảnh và bên trong các phòng bệnh, đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.

Bố trí các biển báo, biển chỉ dẫn cho hợp lý, dễ nhìn, dễ hiểu để nâng cao hiệu quả làm việc của nữ cán bộ, viên chức. Tăng cường các biển pa nô, áp phích với các nội dung cụ thể “nên làm gì”, “được làm gì”, “không được làm gì” để xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa .

Việc đầu tư hoàn thiện trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng và cảnh quan bệnh viện của Bệnh viện Nhi Trung ương là các yếu tố làm nên diện mạo của ĐSVH trong bệnh viện, có tác dụng tích cực đến các yếu tố khác của ĐSVH. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ cho hoạt động ngoài chuyên môn cũng là một nội dung quan trọng, trên cơ sở đó, nữ cán bộ, viên chức sẽ có điều kiện phát huy hết khả năng, sức lực, trí tuệ của mình tham gia xây dựng ĐSVH trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, để mỗi nữ cán bộ, viên chức phát huy được năng lực chuyên môn, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhi, lãnh đạo bệnh viện cần chăm lo đến đời sống, thu nhâp của mỗi người, để họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho công việc. Bên cạnh đó, cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mỗi người, giải tỏa những bức xúc, mâu thuẫn để cùng nhau đồng thuận, tạo ra bầu không khí làm việc dân chủ, tích cực.

Ba là, xây dựng nữ cán bộ, viên chức Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành con người văn hóa

Con người là chủ thể trong xây dựng ĐSVH, là mục tiêu, động lực, kết quả của công tác xây dựng ĐSVH. Vì vậy, xây dựng con người văn hóa, có trí tuệ, đạo đức, có lối sống lành mạnh, hiện đại là giải pháp quan trọng cho việc xây dựng ĐSVH. Con người văn hóa nói chung và con người văn hóa trong bệnh viện nói riêng cần phải hội tụ đầy đủ những phẩm chất: trí tuệ, trình độ chuyên môn, đạo đức mới có thể đáp ứng được những yêu cầu xây dựng ĐSVH (2).

Vai trò của nữ cán bộ, viên chức trong xây dựng ĐSVH là phát huy sức sáng tạo, khả năng tiềm tàng, tính tự giác, chủ động của từng nữ cán bộ, viên chức trong các hoạt động chuyên môn cũng như ngoài chuyên môn. Khuyến khích những suy nghĩ, hành động đúng, tích cực và xây dựng vì lợi ích chung đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, thương yêu bệnh nhi, chia sẻ, đồng cảm với người nhà của bệnh nhi. Nữ cán bộ, viên chức sẽ kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng cá nhân cục bộ, mất đoàn kết, những hành động, hành vi không đẹp, không phù hợp với ĐSVH trong bệnh viện. Kiên quyết chống lại những thói hư, tật xấu, các hủ tục lạc hậu, các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội trên tinh thần nhân văn, cảm hóa, giáo dục.

Xây dựng nữ cán bộ, viên chức có tài và đức, trong đó cần đề cao y đức trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao y đức cho nữ cán bộ, viên chức trong thời kỳ kinh tế thị trường là một chủ trương lớn của ngành Y tế, cần được chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc trong bệnh viện. Trong những năm qua, Bộ Y tế đã ban hành một số quyết định, thực hiện chủ trương nhằm “chấn hưng y đức”, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thày thuốc với bệnh nhi và xã hội. Lãnh đạo bệnh viện cần không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ nữ cán bộ, viên chức trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm túc các nội dung được quy định trong Quy tắc ứng xử đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Quan tâm đúng mức tới vấn đề y đức, ứng xử trong bệnh viện, coi rèn luyện quan trọng như các hoạt động chuyên môn, mang tính “sống còn” của bệnh viện. Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục nữ cán bộ, nhân viên về nâng cao y đức. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thực hành giao tiếp, ứng xử trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo bệnh viện cũng cần phải có lối sống đẹp, chân thành, cởi mở, nghĩa tình, vị tha với cấp dưới, đặc biệt là đối với nữ cán bộ, viên chức; đoàn kết thống nhất trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh bài trừ những hành vi tiêu cực; thực hiện tốt tinh thần “phê bình và tự phê bình”. Đối với nữ cán bộ, viên chức cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở nhau trong việc giao tiếp, ứng xử, tôn trọng bệnh nhi và người nhà của họ, coi họ như những người thân trong gia đình.

_______________

1. Trần Đình Thêm, Văn hóa bệnh viện, Nxb Thanh niên, TP.HCM, 2007.

2. Nguyễn Hữu Thức, Về văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2005.

Tác giả: Trần Văn Học - Nguyễn Thị Hạnh - Trần Thanh Hưng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

;