Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Càng khó khăn, càng phải quyết liệt, bản lĩnh

Sáng 28-8, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023 bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và kết nối trực tuyến đến các Sở VHTTDL, Sở VHTT, điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì và điều hành Hội nghị.

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương chủ trì, điều hành Hội nghị

Cùng chủ trì Hội nghị còn có các Thứ trưởng: Hoàng Đạo Cương, Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có: các Vụ trưởng, Cục trưởng, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ VHTTDL; các lãnh đạo UBND, Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố và đặc biệt đại biểu là 78 gương điển hình tiên tiến được tuyên dương năm 2023.

Tại điểm cầu ở 63 địa phương: lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng, ban liên quan thuộc sở, phòng văn hóa, thông tin cấp huyện, lãnh đạo trung tâm văn hóa nghệ thuật, Trung tâm văn hóa điện ảnh, Trung tâm thông tin – triển lãm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị là dịp để đội ngũ cán bộ quản lý, người thực hành văn hóa từ trung ương đến địa phương trao đổi kinh nghiệm, nhận diện các mô hình tiêu biểu  trong môi trường văn hóa, từ đó đưa ra các giải pháp và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu quản lý nhà nước về văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc các dân tộc. Đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy phát triển đất nước.

Chú ý nhiều hơn về chiều sâu của văn hóa

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh “Hôm nay là ngày 28-8, đúng 78 năm ngành Văn hóa được thành lập và ngày này trở thành ngày truyền thống của ngành Văn hóa Việt Nam. Năm nay, mặc dù không phải là năm chẵn nhưng gắn liền với việc chúng ta đang hướng tới kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 và cũng là thời điểm mà toàn ngành đánh giá và nhìn lại trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về nhiệm vụ chấn hưng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Lãnh đạo Bộ đã quyết nghị và kịp thời báo cáo với các cấp có thẩm quyền và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các hoạt động quy mô cấp quốc gia. Một trong các hoạt động, đó là chương trình nghệ thuật chính luận do Bộ VHTTDL phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với chủ đề Giai điệu Tổ quốc. Thông qua chương trình nghệ thuật, truyền tải những thành tựu đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tham mưu của ngành Văn hóa mà đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp của ngành văn hóa. Tiếp tục làm sáng tỏ và phát huy lời dạy của Bác Hồ về “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, để tiếp thêm động lực để chúng ta làm tốt các nhiệm vụ.

Cũng tại Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Văn hóa đã làm lễ báo công với Bác, “78 gương điển hình  tiêu biểu như 78 mùa xuân của ngành Văn hóa, đã nói lên những khát vọng, cách làm, quyết liệt trong hành động. Những bông hoa đẹp đó được kính dâng lên Bác Hồ trong vườn hoa nghìn việc tốt mà sinh thời Bác Hồ thường xuyên chú ý, căn dặn, phát huy. Bởi lẽ, một tấm gương sáng còn hơn 100 bài viết tuyên truyền mà Bác Hồ đã từng căn dặn chúng ta” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sau lễ báo công, chúng ta có mặt tại Hội trường của Bộ VHTTDL, cùng với lãnh đạo Bộ với Giám đốc các Sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố.

“Hội nghị là cuộc gặp gỡ, để cùng nhau nhìn lại công việc trong thời gian qua, khi chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc khái niệm Văn hóa mà Bác Hồ đã nhận định hoặc khái niệm Văn hóa mà UNESCO đã định nghĩa, hoặc một cách tiếp cận khác đơn giản hơn đó là “Văn hóa là cái còn lại khi mà người ta đã lãng quên”. Hội nghị là dịp để chúng ta nhìn lại nửa nhiệm kỳ đã đi qua, khi năm 2022 đã đi qua sẽ thấy kết quả để lại. Hội nghị này, là dịp để chúng ta gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi, đồng thời chúng ta cũng luận giải vì sao phải có hoạt động quy mô cấp quốc gia nhân sự kiện lớn của ngành” – Bộ trưởng nêu rõ.

Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Ngoài các hoạt động mà chúng ta đã làm, trong thực tiễn vừa qua, đã có 15 địa phương đang sôi động tổ chức Hội nghị văn hóa trong dịp kỷ niệm ngành năm nay. Theo từng loại hình, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở cấp địa phương đã được tổ chức. Văn hóa là một lĩnh vực rộng, tuy nhiên phải xác lập trên vị trí là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa ở cấp trung ương và cấp địa phương. Điều chúng ta cần phải nói là công tác tham mưu về quản lý nhà nước trên địa bàn, đó là sự nỗ lực trong vấn đề kiến tạo chính sách và đề xuất khơi thông nguồn lực thông qua hệ thống công cụ pháp luật để kiến tạo sự phát triển.

Bộ trưởng lưu ý: “Cần phải chú ý nhiều hơn về chiều sâu của văn hóa, trong tổng thể hoạt động của văn hóa, cần đặt mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, đơn vị. Văn hóa được hình thành trong những môi trường đó, và đã được xác định ngay trong đầu nhiệm kỳ, lấy địa bàn dân cư, địa bàn cơ quan, đơn vị là nơi để ngành văn hóa tác nghiệp và đề cao vai trò chủ thể là nhân dân, đề cao sự quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn, Hội nghị đạt được những công việc đề ra, trong đó, công tác xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi địa phương sẽ có sức lan tỏa và chiều sâu, đạt được những kết quả như sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những bài học, kinh nghiệm quý từ các mô hình cơ sở

Hội nghị đã nghe tham luận Xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc do Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô trình bày. Theo ông Bùi Hồng Đô, mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” được thực hiện với 3 nội dung chủ yếu: đầu tư các khu thiết chế văn hóa – thể thao; hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (dựa trên các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn), trong đó lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch gồm có 2 tiêu chí: tiêu chí về văn hóa, thể thao và tiêu chí chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước…; Để hoàn thành các tiêu chí nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 16 chính sách, trong đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 5 chính sách: Hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng; Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Vĩnh Phúc đã xác định xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành…

Việc xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh Vĩnh Phúc, hướng tới mục tiêu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.

Tham luận về mô hình tiêu biểu của các địa phương

Mô hình “Đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái” đã được Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Lê Thị Thanh Bình trình bày tại Hội nghị. Bà Lê Thị Thanh Bình cho biết, để bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái hiệu quả, tỉnh đã có nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có: “Xây dựng và phát triển mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Mô hình không chỉ là nhân rộng các đội văn nghệ thông qua truyền dạy, tôn vinh các nghệ nhân, mà còn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, tỉnh đã có các chính sách kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng. Chỉ trong năm 2021 và 2022, đã có 154 đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách với tổng số tiền là 2.460 triệu đồng, với mức không quá 60 triệu đồng đối với đội văn nghệ nhóm I; và 40 triệu đồng đối với đội văn nghệ nhóm II; và hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động hằng năm cho các đội văn nghệ với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/đội.

Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiện nay, tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành các di sản trong cộng đồng, là nòng cốt để duy trì các đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc… Trên địa bàn tỉnh có hơn 150 mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động du lịch thường xuyên, hiệu quả trong việc, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống…

Năm 2022, toàn ngành Du lịch Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt khách. 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 670.350 lượt khách (tăng 27,5% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế là 19.930 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 481 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ…

Hội nghị cũng đã nghe báo cáo mô hình từ các địa phương: Ninh Bình (mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; bài học kinh nghiệm và giải pháp nhân rộng đến năm 2025); Bắc Ninh (Giải pháp về đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn giá trị di sản Quan họ Bắc Ninh); Nghệ An (mô hình “Phát triển Câu lạc bộ bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”…

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan làm nhiệm vụ văn hóa

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc nghiêm túc và khẩn trương, đến thời điểm này chúng ta đã hoàn tất các nội dung đã hoạch định. Hội nghị cũng rất phấn khởi, khi lần đầu tiên tổ chức có đông đủ cán bộ ở các địa phơng về tham dự. Theo thống kê tại điểm cầu Hà Nội và địa phương, có đến 1000 đại biểu tham dự hội nghị này. Con số đó đã nói lên tính chất, quy mô của hội nghị và thấy được sự cần thiết, sự hưởng ứng của các địa phương khi tham gia hội nghị. Tại hội nghị đã nghe các đại biểu trình bày 10 tham luận.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị đã có tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức, đồng thời văn hóa là một lĩnh vực rộng và phải được tiến hành một cách thường xuyên và Đảng ta nhận định, đây là nhiệm vụ chiến lược. Muốn vậy, đòi hỏi phải có sự phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, có sức mạnh của từng cơ quan làm nhiệm vụ văn hoá.

Để có tính kết nối, lan toả ngay từ đầu nhiệm kỳ, với tinh thần “Bộ mạnh sẽ giúp cho Sở mạnh”, tinh thần này nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương, và đã dần bỏ được tư duy "mạnh ai nấy làm", để cùng nhìn về cùng một hướng, tạo thành một "dòng chảy chung" nhằm thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả của toàn ngành Văn hóa cả nước.

Bộ trưởng cho biết, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, toàn Ngành Văn hóa đã nhìn thấy rõ các điểm sáng.

Đầu tiên là chúng ta đã chuyển tư duy từ làm văn hóa đơn lẻ sang quản lý nhà nước về văn hóa, điều đó được lượng hóa cụ thể chứ không phải bằng những đánh giá chung chung. Theo đó, trong hơn 2 năm qua, toàn ngành đã tập trung rà soát khoảng trống pháp lý để từ đó tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành 2 Bộ luật quan trọng: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)… Đồng hành cùng Bộ ngành khác để tham mưu trình các bộ luật mà trong đó lĩnh vực Văn hóa được đề cập như một thành tố quan trọng…

Điểm sáng thứ hai, đó là toàn Ngành đã chủ động tham mưu "trúng" và "đúng" cho Đảng, Nhà nước để từ đó nhiều Hội nghị, Hội thảo nhằm khơi thông nguồn lực phát triển ngành Văn hóa. Có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ngành Văn hóa đã nhận sự quan tâm "đặc biệt" của Đảng, Nhà nước. “Chưa bao giờ cụm từ văn hóa, con người được đề cập liên tục, với yêu cầu cao hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ ba, toàn Ngành đã bám sát các nhiệm vụ chính trị quan trọng để tổ chức nhiều sự kiện VHTTDL quan trọng cấp Trung ương và địa phương. Qua đó không ngừng khẳng định về vai trò, vị thế của ngành Văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Điểm sáng thứ tư đó là toàn Ngành đã xác định hướng đi đúng khi chọn môi trường văn hóa là vấn đề căn cơ, mục tiêu để hướng đến. Sau Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ" được Bộ phát động tại Nam Đàn, Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Có thể vui mừng đánh giá, chưa bao giờ môi trường văn hóa được quan tâm như hiện nay. Qua báo cáo các mô hình tại Hội nghị đã cho thấy sự chuyển biến, sáng tạo của các địa phương khi lấy nhân dân là chủ thể để xây dựng môi trường văn hóa” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

"Điều căn bản là chúng ta đã khắc phục được tình trạng "mạnh ai nấy làm", hình thức, khi biết chọn việc chọn điểm để làm. Nổi bật đó là Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để xây dựng phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Bộ đã phối hợp xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị; hình thành văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội nghị

Bên cạnh với việc điểm qua một số điểm sáng của toàn Ngành, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại như: sự quan tâm về ngành Văn hóa ở một số nơi, số chỗ chưa đồng đều; nguồn lực cho ngành Văn hóa dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn…

Từ những trăn trở đó, với  cách tiếp cận phải làm có trọng tâm trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó, làm phải có sản phẩm, lấy sản phẩm làm thước đo, Bộ trưởng đề nghị từ nay đến cuối nhiệm kỳ, các Sở địa phương tiếp tục xác định vấn đề thể chế phải giữ vai trò quan trọng, ngành Văn hóa muốn phát triển thì phải đẩy mạnh thể chế, chính sách.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở địa phương tiếp tục đồng hành cùng Bộ VHTTDL để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện các chính sách về ngành Văn hóa. Trong đó, tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Luật  Di sản Văn hóa; Luật Quảng cáo… Và, trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển Văn hóa: "Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Văn hóa trong năm 2023. Chương trình sẽ tạo điều kiện, cơ sở cho ngành Văn hóa phát triển đúng hướng, mạnh mẽ trong những năm tiếp theo" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tập trung xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia về sự phát triển bền vững. Có được bộ tiêu chí này chúng ta sẽ lượng hóa được giá trị đóng góp của văn hóa trong nền kinh tế.

Đi kèm với đó là phát triển công nghiệp văn hóa. Sắp tới Bộ sẽ tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị quốc gia về phát triển công nghiệp Văn hóa trên tinh thần không dàn hàng mà chỉ chọn cái nào lợi thế để làm, làm từng bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Cùng với Văn hóa, Bộ cũng tập trung phát triển đồng đều lĩnh vực Thể thao và Du lịch trên tinh thần không thể tách rời "cỗ xe tam mã Văn hóa- Thể thao-Du lịch. Chúng ta dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, xây dựng các các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, tiêu biểu. Phát triển thể thao cũng để rèn luyện ý chí, thể chất con người, góp phần xây dựng văn hóa".

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ đang rà soát để đề xuất Ban Bí thư sửa đổi Quy định 284 về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Khi quy định này được sửa đổi sẽ tạo cơ sở cho công tác tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Văn hóa ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh nhấn mạnh về những nhiệm vụ vinh quang, cao cả nhưng cũng rất nặng nề trong thời gian tới, “cán bộ toàn Ngành Văn hóa phải luôn ghi nhớ tinh thần như lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông", câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", để từ đó tu dưỡng, rèn luyện cho mình một khí thế, một quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, đó là "Càng khó khăn ,càng phải quyết liệt, càng phải bản lĩnh, nếu khó đã chùn bước thì đó không phải là cán bộ ngành Văn hóa”.

NGỌC BÍCH, NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

;