Tượng cổng làng - di sản văn hoá độc đáo của người Xê Đăng

Khi nói về những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình, người Xê Đăng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) luôn xem nghệ thuật điêu khắc tượng cổng làng mang âm hưởng tâm linh của hồn thiêng sông núi, tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng về một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tượng cổng làng còn là di sản văn hóa độc đáo đã gắn bó với người Xê Đăng nơi đây từ bao đời...

Hình ảnh tượng cổng làng của người Xê Đăng (huyện Nam Trà My) tại không gian trưng bày của Bảo tàng Quảng Nam
 

Lần theo những giá trị văn hóa truyền thống của người Xê Đăng, chúng tôi tìm về huyện miền núi Nam Trà My, nơi có số đông đồng bào dân tộc thiểu Xê Đăng sinh sống giữa cái nắng nóng của những ngày trung tuần tháng 9/2023. Thật may mắn, chúng tôi đã được gặp anh Nguyễn Văn Quyết (43 tuổi), dân tộc Xê Đăng ở tại làng Tơ Ma (thôn 1) xã Trà Mai. Anh Quyết được xem như người “giữ hồn” về nghệ thuật tạc tượng cổng làng Xê Đăng với sự am hiểu và niềm đam mê cháy bỏng.

Anh Quyết cho biết: Xưa kia, theo truyền thống, đồng bào dân tộc Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My xem làng là khu dân cư tập trung phòng thủ kiên cố, rào kín xung quanh, có hào sâu, đặt bẫy, chông để bảo vệ làng trước thú dữ và các tác nhân từ bên ngoài. Mỗi làng đều có ngôi nhà Rông (Cượt) - nơi để dân làng hội họp, tổ chức những lễ hội truyền thống của cộng đồng và bàn những công việc quan trọng. Phía ngoài làng là những kho thóc của từng gia đình và luôn được bảo vệ bằng hàng rào khép kín từ cây lồ ô, cây gỗ có lối ra vào.

Trong văn hóa truyền thống của người Xê Đăng, việc làm tượng cổng làng là nét văn hóa khá đặc sắc, còn lưu truyền lại đến ngày nay. Trước cổng làng của người Xê Đăng, bao giờ cũng được đặt một cặp tượng cổng làng dáng hình nộm bằng cây dớn, nhằm mục đích xua đuổi những ma xấu về làng gây nhũng nhiễu, xui xẻo cho người dân, ngăn không cho con sâu, con mối phá lúa giống đã tỉa, ngăn cản những thế lực xấu vào phá làng, lấy lúa của người dân.

Tượng cổng làng hết sức linh thiêng, là một phần quan trọng không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tâm linh của họ. Tượng cổng làng được làm từ cây dớn - loại cây rừng mọc rất nhiều ở vùng người Xê Đăng sinh sống (có nơi gọi là cây dương xỉ). Theo tiếng Xê Đăng, họ gọi là tiên lây. Tượng cổng làng, thường làm chỉ bằng con dao nhọn với những nhát dao gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ để tượng cổng làng đơn sơ, mang tính biểu tượng cao. Đây được xem là những tác phẩm nghệ thuật do chính bàn tay và người Xê Đăng thể hiện nên là một nhân vật không có chân, có kích thước cao từ 80-85cm, đường kính khoảng 25cm, đôi tay được làm bằng tre gắn vào thân cây dớn với gương mặt khá dữ tợn, mắt trợn tròn, miệng nhe răng với những chiếc răng được làm từ thanh cây lồ ô gắn vào miệng nhân vật lởm chởm, tay trái cầm gươm, tay phải cầm chiếc khiên tre, trên đầu gắn nhiều tua thanh tre, gây ấn tượng mạnh.

Anh Quyết giới thiệu với khách về ý nghĩa của tượng cổng làng Xê Đăng
 

Tìm hiểu về tượng cổng làng Xê Đăng, chúng tôi được anh Hồ Văn Nếp (76 tuổi) - nguyên Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Trà My (cũ) hiện ở thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: Trong tâm thức của người Xê Đăng huyện Nam Trà My, từ bao đời nay họ luôn tin vào các đấng siêu nhiên, các vị thần linh để cầu mong sự bảo hộ cho cuộc sống của họ luôn được yên lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Tượng cổng làng không chỉ được xem như một vị thần bảo vệ làng, là biểu tượng cho sức mạnh của làng mà người Xê Đăng còn xem tượng cổng làng là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cộng đồng, luôn mang âm hưởng của hồn thiêng sông núi, đánh thức sức sống của họ.

Cũng theo anh Nếp, từ xa xưa truyền lại, tượng cổng làng của người Xê Đăng không chỉ đơn thuần là một hình thức trang trí thẩm mỹ của người xưa mà còn có khả năng xua đuổi, chống lại tà ma về làng, gây nhũng nhiễu cho người dân. Qua tượng cổng làng, họ cũng sẽ biết ai trong làng có cái bụng xấu, cái tâm không trong sáng, là một trong những quan niệm mang đậm màu sắc phong tục, tín ngưỡng. Thật kỳ lạ, khi những người xấu nhìn vào bức tượng cổng làng sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, cảm giác bất an và có lẽ không dám đặt chân tới ngôi làng này. Người làng khác khi đến làng Xê Đăng nhìn thấy tượng cổng làng họ rất kính nể, mến phục. Vì thế, tượng cổng làng được xem là một biểu tượng thiêng liêng, từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người Xê Đăng. Tượng cổng làng còn tạo thêm niềm tin yêu cháy bỏng về một cuộc sống an lành và hạnh phúc đã gắn bó với người Xê Đăng từ bao đời nay.

Ngày nay, khi đến khu vực miền núi phía Tây của Quảng Nam, có dịp ghé thăm thôn/làng dân tộc Xê Đăng sinh sống trong huyện Nam Trà My, du khách không chỉ được tham quan, khám phá những cảnh đẹp của núi rừng Trà My hoang sơ, đẹp đến mê đắm lòng người, mà còn rất ấn tượng về tượng cổng làng - di sản văn hóa độc đáo của của người Xê Đăng mà ít có ở nơi nào khác. Khi gặp tượng cổng làng, sẽ thổi bùng sự háo hức khám phá những điều thú vị trong văn hóa truyền thống người Xê Đăng. Một số địa phương còn đặt tượng cổng làng ở các khu trưng bày của Nhà văn hóa thôn/làng, tại ngôi nhà Rông gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng.

Nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, tại không gian trưng bày Bảo tàng Quảng Nam, cũng có một diện tích thích hợp trưng bày hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của đồng bào thiểu số, trong đó có tượng cổng làng của người Xê Đăng, nhằm thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm, tạo nền tảng vững chắc cũng như tiềm năng để phát triển du lịch Quảng Nam thông qua hoạt bảo tàng trong hành trình tương lai gần để đưa du lịch Quảng Nam phát triển một cách bền vững. Đến đây, du khách có thêm những trải nghiệm và còn có cơ hội chiêm ngưỡng tượng cổng làng - di sản văn hóa độc đáo mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn về tín ngưỡng dân gian của người Xê Đăng bản địa, qua đó hiểu biết thêm về đời sống văn hóa tâm linh khá phong phú và đặc sắc của các cư dân bản địa miền núi Quảng Nam.

Đường về làng Xê Đăng - Nóc Tơ Ma (thôn 1), xã Trà Mai với hai tượng cổng làng án ngữ

 

NGUYỄN VĂN GIA PHÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;