Tu Vũ vang vọng bản anh hùng ca bất tử

 

Cách đây đúng 70 năm, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, một chiến thắng đã làm nức lòng toàn quân và dân ta là chiến thắng Tu Vũ thu đông 1951 - trận công kiên mở đầu cho chiến dịch giải phóng thị xã Hòa Bình, nối liên vùng tự do với liên khu Việt Bắc. Cứ điểm Tu Vũ có vị trí quân sự rất quan trọng phía tả ngạn sông Đà nằm ở xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh  Phú Thọ, cách thị xã Hoà Bình khoảng 20 km về phía Bắc. Quân Pháp đã xây dựng cứ điểm Tu Vũ cùng với núi Chẹ tạo thành phòng tuyến then chốt trên  sông Đà, cứ điểm này có các lô cốt kiên cố, các ụ chiến đấu, xung quanh được bao bọc 9 lớp rào dây thép gai và hệ thống công sự hầm ngầm vững chắc do 1 tiểu đoàn Âu Phi thuộc trung đoàn Ma-rốc thứ nhất rất thiện chiến cùng 1 đại đội nguỵ Mường đóng giữ. Tu Vũ còn được sự yểm trợ bởi 19 khẩu pháo đặt tại núi Chẹ, Đá Chông, Cổ Pháp; tăng viện từ ca nô tàu chiến theo đường sông Đà. Với địa hình có 3 mặt giáp đồi, một mặt là sông Đà, Tu Vũ thực sự là cứ điểm án ngữ đường Sông Đà tiến lên Hòa Bình, là bàn đạp thọc sâu vào vùng tự do của tỉnh Phú Thọ.

Để khẩn trương thiết lập phòng tuyến Sông Đà nhằm hỗ trợ cho mặt trận Hòa Bình, địch còn huy động thêm 3000 quân tấn công đánh chiếm các khu vực còn lại như: Đá Chông, Núi Chẹ (Sơn Tây), La Phù, Tu Vũ phía Tây nam tỉnh Phú Thọ; chia khu vực Hòa Bình thành 2 phân khu, trong đó vùng tây nam Phú Thọ thuộc phân khu Sông Đà. Địch chia cứ điểm này thành 3 khu, khu A có 1 đại đội bộ binh, 6 ụ chiến đấu bao quanh 1 lô cốt lớn được trang bị hỏa lực mạnh gồm trọng liên 12 ly 7, DKZ 57, cối 87… nối liền với khu B; khu C tách khỏi khu A và B bằng ngòi Lát do 1 đại đội chiếm giữ, nằm riêng biệt phía đường đi thị xã Hòa Bình - nơi đây có 1 lô cốt lớn và 7 ụ chiến đấu, ngoài trang bị DKZ 57 còn có pháo 37 mm. Quanh Sở chỉ huy của địch là một vành đai rộng 100 mét. Cứ điểm Tu Vũ được yểm trợ của các loại hỏa lực từ núi Chẹ, Đá Chông, Cổ Pháp… và được tăng viện lực lượng từ ca nô,tầu chiến theo đường Sông Đà.

Thu đông năm 1951, Trung ương ra chỉ thị thực hiện “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công  Hòa Bình của địch”. Bộ Tổng tham mưu đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Hòa Bình mà cứ điểm Tu Vũ là trận đánh mở đầu chiến dịch. Nội dung chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đại đoàn trưởng đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ thể hiện quyết tâm bằng mọi giá phải phá băng được được cứ điểm này : “Tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ và Chẹ (Tu Vũ là chính). Nếu địch chiếm lại thì phải kiên quyết tiêu diệt nhằm phá vỡ mắt xích quan trọng của phòng tuyến Sông Đà mở cửa A đưa lực lượng vào trong triển khai bao vây tiến công địch ở thị xã Hòa Bình. Trung đoàn 88 đánh có thể thuận lợi nhưng cũng có thể phải trả giá rất đắt, một trung đoàn không xong thì ta dùng hai trung đoàn dù phải hy sinh bộ phận cho toàn bộ cũng phải làm…”

Nhằm chặn đứng những hành động của địch, ngày 24 tháng 11 năm 1951 Trung ương Đảng ra chỉ thị 22/CT-TU về “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch” Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình để tiêu diệt địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích phối hợp chặt chẽ để đánh bại cuộc tấn công của giặc Pháp. Ta đã triển khai thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, kết hợp cả mặt trận chính diện và sau lưng địch, kết hợp tiền tuyến với hậu phương, đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm phân tán lực lượng, tiến tới tiêu hao sinh lực địch.

Sau một thời gian nghiên cứu và chuẩn bị chiến trường, Bộ Tổng tư lệnh quyết định chuyển từ chiến dịch phản công sang chiến dịch tấn công quân địch. Đây là lần đầu tiên ta đánh địch trong công sự kiên cố. Để đảm bảo cho trận mở màn thắng lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch phát triển và mở rộng hành lang vận chuyển hậu cần, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung binh lực, hỏa lực đột phá tuyến phòng thủ Sông Đà bắt đầu bằng trận Tu Vũ. Sở chỉ huy tiền phương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tại vị trí gần Đồn Vàng (Thanh Sơn) cách cứ điểm Tu Vũ chưa đầy 20 km. Quân và dân Tây Bắc, đặc biệt là quân và dân Phú Thọ được Tổng Quân ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ phối hợp tấn công đồn Tu Vũ. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lãnh đạo chỉ huy các lực lượng vũ trang luôn chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ, đồng thời nhanh chóng kiện toàn lực lượng và chuẩn bị hậu cần sẵn sàng đánh địch dài ngày. Bất chấp sự lùng sục vây ráp, khủng bố của địch, lực lượng dân quân du kích các xã quanh cứ điểm Tu Vũ vẫn kiên quyết bám làng, lập chốt chặn không cho địch đi càn quét, đồng thời luồn sâu vào khu vực đồn địch điều tra nắm tình hình, bí mật dẫn đường cho bộ đội chủ lực vào các vị trí trú quân, trinh sát nắm địch và chuẩn bị trận địa tấn công… Đúng 20h ngày 10 tháng 12 năm 1951, các mũi tiến công của trung đoàn 88 đã bí mật chiếm lĩnh trận địa và nổ súng tấn công đồn Tu Vũ. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, địch lợi dụng lô cốt hầm ngầm và xe tăng, pháo binh chi viện đã ngoan cố chống trả. Pháo binh của địch ở các điểm xung quanh cứ điểm Tu Vũ bắn liên tục vào những nơi nghi có quân ta chiếm lĩnh, tạo thành vành đai lửa hòng chặn đường tấn công. Trong mưa đạn, các cán bộ chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, anh dũng chiến đấu tiêu diệt địch. Những mũi tấn công của đại đội 225, 229 đã áp sát hàng rào thép gai, dùng thủ pháo đánh tan các lớp rào rồi xông lên tiêu diệt địch trong công sự ngầm. Nhiều vị trí ta đã đánh giáp lá cà với địch giành giật từng mét chiến hào, công sự. Với phương châm đánh điểm diệt viện và ý chí sắt đá tiến công như vũ bão, sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, cứ điểm Tu Vũ đã bị quân dân ta tiêu diệt gọn. Ta đã tiêu diệt 158 tên địch, bắt sống 12 tên, phá hủy 2 xe tăng, 2 xe thiết giáp, thu 10 khẩu đại liên và nhiều quân trang, quân dụng. Hơn 100 tên địch đã phải bỏ cứ điểm rút chạy về núi Chẹ và thị xã Hòa Bình. Trận tấn công cứ điểm Tu Vũ là trận đánh mở màn xuất sắc của chiến dịch Hòa Bình, bẻ gãy phòng tuyến Sông Đà, tạo điều kiện rất thuận lợi cho quân và và dân ta triển khai lực lượng đánh bại âm mưu chiếm đóng Hoà Bình và tiến lên Tây Bắc của địch. Sau chiến thắng Tu Vũ, trung đoàn 88 thuộc đại đoàn 308 được vinh dự mang tên trung đoàn Tu Vũ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ và nhân dân: “Chiến thắng Tu Vũ là trận công kiên lớn nhất mở màn chiến dịch. Nó biểu hiện tinh thần hy sinh quả cảm, tích cực tiêu diệt địch và tính chủ động linh hoạt trong chiến đấu. Nó chứng tỏ bước tiến của của trung đoàn nói riêng và của quân đội ta nói chung…” - Chiến thắng Tu Vũ gây nỗi kinh hoàng khiếp sợ cho quân địch, buộc chúng phải thay đổi kế hoạch và dàn mỏng lực lượng để đối phó với ta. Chiến thắng Tu Vũ đã ghi thêm trang sử vàng chiến công vẻ vang của quân và dân đất Tổ.

Cũng chính tại mảnh đất anh hùng này, nhân kỷ niệm 65 năm chiến thắng Tu Vũ, tượng đài Chiến thắng Tu Vũ hoành tráng được khánh thành với vốn đầu tư trên 36 tỷ đồng trên diện tích đất 5213 m2; cụm tượng đài chiến thắng Tu Vũ được thiết kế với nhóm tượng ở tư thế bay lên, chiều cao khối tượng đồng là 19,2 m, nặng 28 tấn. Bức phù điêu đại cảnh mô tả diễn biến trận đánh Tu Vũ và quá trình xây dựng quê hương đất nước, phía trên là hình tượng các chiến sĩ xung kích trong tư thế tiến công và chiến thắng. Cụm tượng đài là công trình văn hóa nghệ thuật mang đậm giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc. Nó đáp ứng được lòng mong đợi của toàn quân và dân ta, là sự tri ân đối với công lao, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng. Cùng với cụm tượng đài, còn có công trình nhà trưng bày với nhiều hiện vật quý ghi đậm dấu ấn chiến công năm xưa, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan.

70 năm đã đi qua, hôm nay quê hương anh hùng Tu Vũ đã thực sự có nhiều đổi thay. Từ xuất phát điểm nghèo khó năm xưa, Tu Vũ đã vươn lên thành vùng quê trù phú, thành xã nông thôn mới, cuộc sống của người dân có nhiều khởi sắc. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Tu Vũ, chúng ta càng thấu hiểu hơn ý nghĩa và tầm vóc của trận công kiên mở đầu cho một chiến dịch quân sự lớn để từ đó, quân và dân ta mỗi ngày thêm mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên “Chấn động địa cầu”.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

 

;