Đình làng Ngọc Thạnh nét đẹp văn hóa cộng đồng

 

Ở làng quê Việt Nam, hình ảnh ngôi đình hay mái đình luôn gần gũi, thân quen với bất kỳ người dân nào. Đình làng là nét văn hóa mang tính dân tộc sâu sắc, nơi thực hiện mọi sự kiện của đời sống xã hội Việt Nam. Đó là nơi thờ Thành hoàng, vị thần bảo trợ làng; trụ sở hành chính của xã, thôn; nơi hội họp của hội đồng kỳ mục để phân chia công điền, công thổ, đặt khoán ước, giải quyết các vụ tranh chấp, thu thuế, thúc sưu… và cũng là nơi phạt vạ, ăn khao, có khi được dùng làm hành cung để mỗi khi vua tuần du qua làng nghỉ lại. Trong những ngày hội làng, thường gắn với giỗ Thành hoàng, đình trở thành trung tâm văn hóa của một cộng đồng dân cư. Những kho tàng văn hóa tích lũy từ đời này qua đời khác đã được trình diễn, lưu giữ, tích lũy ở đây với sự tham gia tự nguyện của tất cả mọi người. Đình làng Ngọc Thạnh thuộc xã Phước An, huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng như bao đình làng khác trong cộng đồng làng xã Việt Nam, không nằm ngoài chức năng và giá trị trên.

Đình được xây dựng trên một khoảng đất cao ráo, diện tích khoảng 2.000m2, nằm về phía Đông của làng, phía Bắc giáp núi Hòn Vồ, phía Nam giáp mương thủy lợi - con mương mang dòng nước từ đập Cây Me về tưới cho cánh đồng Bầu Diên (Bà Diêu) và cánh đồng lúa Vân Hội, Diêu Trì. Ngôi đình thuộc làng Ngọc Thạnh nên người dân lấy tên của làng đặt tên cho đình: Đình Ngọc Thạnh. Du khách muốn đến di tích, có thể đi bằng các phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy): từ trung tâm thành phố Quy Nhơn đi đường Hùng Vương đến ngã ba Phú Tài, theo quốc lộ 1A về hướng Bắc tới ngã ba Diêu Trì, rẽ trái, vào quốc lộ 19C khoảng hơn 1km rồi rẽ phải - di tích cách quốc lộ 19C chừng 200m.

Ngôi đình làng Ngọc Thạnh từ lâu đã là niềm tự hào của người dân nơi đây, nơi gắn kết cộng đồng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của bà con… Có thể nói, đình làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian và là nơi gắn kết của cộng đồng. Điều đặc biệt nữa là đình làng Ngọc Thạnh thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) - một tướng lĩnh kiệt xuất, một nhà chính trị, văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức, đã trở thành vị thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Di tích không chỉ có ý nghĩa giao lưu, gắn kết cộng đồng làng xã, mang giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn tôn vinh một nhân vật lịch sử, một anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, lòng tự cường dân tộc, từ đó động viên mọi người phát huy sức lực và trí tuệ đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp.

Ấy thế nhưng, trải qua thời gian, do những tác động của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, phần lớn Đình làng Ngọc Thạnh đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Việc bảo quản, tu bổ, trùng tu, tôn tạo và phục hồi di tích đã được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện quan tâm. Ông Huỳnh Thanh Trang – Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tuy Phước cho biết: “Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin và các phòng chuyên môn khác của huyện đã khảo sát thực địa, khoanh vùng bảo vệ làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích đình làng Ngọc Thạnh. Hiện nay, chúng tôi đã đề nghị các ngành chức năng tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí tiến hành tu bổ, sửa chữa đình làng Ngọc Thạnh trong thời gian đề nghị được xếp hạng; việc bảo vệ, duy trì hoạt động của đình vẫn được nhân dân tự quản dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương và theo quy định của pháp luật ”.

Chắc chắn trong tương lai không xa, khi du lịch địa phương phát triển, Đình làng Ngọc Thạnh sẽ là một điểm tham quan với các chuyến đi về nông thôn, về với các làng nghề truyền thống. Không gian văn hóa làng xã tập trung, ngưng đọng dưới mái đình làng là địa chỉ để du khách tiếp xúc và giao lưu với cư dân địa phương, với văn hóa (vật thể và phi vật thể) địa phương, tìm hiểu những nét đặc sắc của văn hóa làng xã, bản xứ.

 

HUỲNH NAM VIỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;