Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam

Hiện nay, các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị, bọn phản động trong và ngoài nước đang chống phá quyết liệt với cách mạng Việt Nam. Mục tiêu nhất quán của chúng là chống phá tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; xóa bỏ độc lập dân tộc và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đối lập chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh... hòng làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ; làm tha hóa về chính trị, tư tưởng đối với một số cán bộ, đảng viên. Chúng muốn tạo ra được một “khoảng trống” về tư tưởng trong Đảng, trong xã hội ta, làm cho chúng ta tự tan rã từ bên trong... Nội dung bài viết này tập trung làm rõ luận cứ cơ bản để đấu tranh, phê phán quan điểm cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”.

Những luận điệu chống phá đối với tư tưởng Hồ Chí Minh được các thế lực thù địch nêu ra trên nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tập trung ở hai vấn đề: một là, “Tư tưởng Hồ Chỉ Minh không phải là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triến chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam”; hai là, “Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, tiếp thu mù quáng, đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm”. Cả hai quan điểm đánh giá về tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động là những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt; mặc dù đây là sự bịa đặt, vu khống, nhưng rất nguy hiểm. Có những quan điểm bề ngoài có vẻ như ca ngợi sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng đi sâu phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin; thực chất là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, một sự ngụy biện trắng trợn để bác bỏ sự thống nhất biện chứng tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin hòng, tạo ra sự ngộ nhận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây mất niềm tin đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh có hiệu quả trong việc vạch trần những quan điểm sai trái, thù địch, nhất thiết chúng ta phải xây dựng được hệ thống lý luận sắc bén. Nội hàm cơ bản và tính thực tiễn của lý luận là phải đầy đủ các luận cứ, luận chứng khoa học, đủ khả năng và tính thuyết phục để vạch rõ được âm mưu, thủ đoạn, tính chất sai trái, phản khoa học, phi lịch sử, cũng như tính chất nguy hại của các quan điểm sai trái, thù địch phải đấu tranh, phản bác. Muốn làm được điều đó phải dựa trên những luận cứ khoa học đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam về tính đúng đắn, sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn đuốc soi đường cho thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam hơn 89 năm qua.

Một là, “tư tưởng Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin”

Từ năm 1911-1920, Nguyễn Ái Quốc dày công nghiên cứu một số cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu; các cuộc cách mạng đó đã đưa một số nước từ chế độ phong kiến lạc hậu trở thành những nước tư bản hùng mạnh, với một xã hội được coi là có dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái, như các nước: Pháp, Anh, Mỹ... Tuy vậy, đằng sau sự “hào nhoáng” về dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái là sự lừa bịp, phản bội lợi ích của nhân dân lao động, chế độ người bóc lột người ngày càng phát triển với trình độ cao hơn trước...

Vấn đề đặt ra đối với cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc cho một số ít người hay cho đại đa số người? Độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa tư bản hay độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội? Khi được biết thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc ngưỡng mộ cuộc cách mạng đó, kính phục Lênin. Người đã tham gia nhiều cuộc vận động ủng hộ nhân dân Nga bảo vệ thành quả cách mạng. Vào tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa của Lênin đăng trên báo L,Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920. Luận cương đã giải đáp đúng và trúng những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc đang trăn trở tìm hiểu, giúp Người thấy rõ con đường thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, nhận rõ lập trường của Lênin và Quốc tế thứ ba khác hẳn với những lời tuyên bố suông của Quốc tế thứ hai. Luận cương của Lênin có ảnh hưởng quyết định đến lập trường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc: Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tán thành Quốc tế thứ ba, đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản, trở thành một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Người cho rằng: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” (1). Người chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (2).

Sống trong thời kỳ lịch sử thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc sau Cách mạng Tháng Mười Nga, đất nước ta vẫn phải sống dưới ách đô hộ của đế quốc, phong kiến. Nhiều nhà yêu nước trong thời kỳ đó cũng muốn tìm đường cứu nước và đưa ra những tư tưởng canh tân mới như Hoàng Hoa Thám, Phạm Bội Châu, Phan Châu Trinh. Tuy vậy, họ đều bị hạn chế về lập trường tư tưởng, nhận thức về con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Nhìn ra nước ngoài, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911, với chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên cũng không đủ sức thu hút với Nguyễn Ái Quốc. Người tiếp tục khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” (3). Sau này, Người còn chỉ rõ: Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không chỉ là “cẩm nang thần kỳ”, không những là kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng với chủ nghĩa Mác - Lênin về những vấn đề của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đó là: Xây dựng Đảng, đội tiên phong của giai cấp và dân tộc để lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của quần chúng nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân và xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng toàn dân; về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đây là những vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, “tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam”

Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác - Lênin như là kim chỉ nam, như cẩm nang cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và luôn nhấn mạnh rằng cần phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” đó. Với phương pháp tiếp cận đúng đắn, khoa học, cách mạng trong kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời bám sát thực tiễn Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã có những luận điểm sáng tạo góp phần làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin trong vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ mới và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nội dung đó được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, luận điểm về chủ nghĩa thực dân và vấn đề giải phóng dân tộc. Qua các tác phẩm Bản chất chế độ thực dân PhápĐây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bản chất, quy luật vận động, những thủ đoạn bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp đối với các dân tộc thuộc địa; nêu rõ những nguyện vọng khát khao được giải phóng và những cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa. Sự phân tích về chủ nghĩa thực dân của Nguyễn Ai Quốc đã vượt hẳn những gì mà những nhà lí luận mácxít đề cập đến. Người đã nêu lên những luận điểm sáng tạo: Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa quan hệ chặt chẽ với cách mạng chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng chính quốc. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và qua đó, thúc đẩy cách mạng chính quốc phát triển. Nguyễn Ái Quốc tiếp thu, vận dụng quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo. Người tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn cho dân tộc, đó là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” (4). Người đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới.

Thứ hai, về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Sau khi cơ bản hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, chúng ta nhất định phải quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta mới thực sự giải phóng được dân tộc, xã hội và con người. Đặc điểm lớn nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (5). Điều này thực sự là một sáng tạo lớn, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin chưa có điều kiện chỉ ra.

Thứ ba, về Đảng và về công tác xây dựng Đảng. Lí luận chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra quy luật hình thành Đảng Cộng sản trên cơ sở hai yếu tố: chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân. Tuy nhiên, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa tuân thủ theo quy luật chung, vừa có tính đặc thù. Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông dân chiếm đa số dân cư, Hồ Chí Minh đã xác định quy luật hình thành của Đảng là “kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước”. Bản chất của Đảng trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu – Đảng là đội tiền phong của giai cấp, đồng thời cũng là đội tiền phong của nhân dân và của cả dân tộc.

Thứ tư, về tư tưởng quân sự, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự hình thành học thuyết quân sự cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Xuất phát từ nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân, ngay từ đầu, Người đã xác định: Phải giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, bằng khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng nếu kẻ thù ngoan cố, không chịu hạ vũ khí. Những tư tưởng quân sự của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục là cơ sở để Đảng ta xây dựng, phát triển quân đội ta ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân; một quân đội của dân, do dân và vì dân.

Thứ năm, về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, sau khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ thiết lập nên nền chuyên chính vô sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện sự phát triển một hệ thống các quan điểm sáng tạo về Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (năm 1930), Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: Thiết lập chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941), Người đề ra chủ trương thành lập “một nước Việt Nam dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng một giai cấp nào, mà của chung toàn thể dân tộc”.

Thứ sáu, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Người chỉ rõ chiến lược đại đoàn kết dân tộc theo phương châm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Đường lối của cách mạng Việt Nam là đi từ giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Động lực cơ bản của toàn bộ sự nghiệp cách mạng đó là đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Tóm lại, những luận điểm của Hồ Chí Minh trên đây là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Hiện nay, Đảng và Nhân dân ta đều thống nhất và khẳng định nhất quán: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta, là cơ sở dẫn đường, chỉ lối cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá mà Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam, Người là tấm gương chuẩn mực về đạo đức cách mạng, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.584.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.9.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.1.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.411.

Tác giả: TS Hoàng Văn Vân - TS Phạm Văn Vĩnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 458, tháng 4-2021

;