Tự hào là con Rồng, cháu Tiên

Qua lăng kính văn hóa – lịch sử đất nước Việt Nam có nét uốn lượn của một con Rồng. Chẳng hạn, đầu Rồng chính là miền Bắc với con mắt là Thủ đô Hà Nội (vùng Thăng Long xưa); râu Rồng chính là là địa danh Long Tu (Quảng Ninh) và miệng Rồng là địa danh núi Hàm Rồng (Thanh Hóa). Thân của con Rồng là dải đất miền Trung với nét uốn lượn mềm mại được điểm tô bởi các địa danh như Long Cốt (Quảng Ngãi) và cả huyền thoại về vùng đất Tây Nguyên, nơi máu Rồng nhuộm đỏ và tạo nên sự trù phú cho các dân tộc sinh sống nơi đây. Cuối cùng, đuôi Rồng chính là dòng sông chín nhánh Cửu Long tuôn trào như con Rồng đang đạp sóng gió ở biển Đông và khát vọng bay ra biển lớn của dân tộc.

 

Theo huyền thoại con Rồng cháu Tiên, Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng tiên Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng nở ra trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn được, đành từ biệt Âu Cơ dẫn năm mươi con xuống biển và sau đó Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Mười mấy đời truyền nối vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc của mình thường xưng là con Rồng cháu Tiên.

Về việc đặt tên thành Đại La thành thành Thăng Long của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự. Nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Việc định đô ở Thăng Long (vùng đất rồng bay lên) vào năm 1010 của Lý Thái Tổ là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long – Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước Việt Nam.

Tự hào là con Rồng cháu Tiên, trong tác phẩm Lịch sử nước ta (1943), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”. Do đó, Người đã kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”. Tại lễ mừng Quốc khánh vào ngày 2/9/1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước” .

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc đề cao và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã chỉ rõ: “Củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Tiếp đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”  nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43). Nghị quyết 43 khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược, xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi.

Thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Quy mô GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300USD năm 2023. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta ước đạt 683 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu.

Việt Nam cũng trở thành đất nước hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến để kinh doanh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 12 đối tác chiến lược, 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam đang là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013 - 2017 và 2023-2027... Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Vào năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”. Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa đa dạng và hấp dẫn, Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) - giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch vào các năm 2019, 2020, 2022, 2023. Bên cạnh đó, năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt trên 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện của đất nước đã khẳng định việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

 

;