TỪ CẢM NHẬN ĐẾN SÁNG TẠO TRONG HỘI HỌA

         Trong nghệ thuật tạo hình, mỗi tác phẩm đều hàm chứa những yếu tố tinh thần, thể hiện sự cảm nhận và suy ngẫm của người nghệ sĩ. Có thể nói, sự cảm nhận và sáng tạo có mối quan hệ mật thiết với nhau, đó là một quá trình liên tục: đầu tiên là những kích thích, cảm xúc được tiếp nhận nhờ thị giác; qua thời gian, những cảm xúc này được tích lũy, bổ sung nhằm nâng cao năng lực tư duy sáng tạo cho người nghệ sĩ, giúp họ tìm ra ngôn ngữ phù hợp sáng tạo tác phẩm để thể hiện hiệu quả nhất ý tưởng của mình.

Từ những cảm nhận ban đầu…

Đối với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, cảm nhận đóng một vai trò quan trọng. Sự cảm nhận có thể bắt nguồn từ một cảm xúc, kích thích, một câu chuyện, giai thoại; có thể từ sự vận dụng suy nghĩ, suy luận, liên hệ bản thân hay từ chính nhu cầu sáng tạo nhằm biểu lộ, thể hiện tình cảm.

Trong nghệ thuật tạo hình (còn gọi là nghệ thuật hình tượng), một tác phẩm được phôi thai từ những cảm xúc được sản sinh từ hình thức bên ngoài đến một cảm xúc khác được đào sâu hơn. Đối với họa sĩ, những cảm xúc này chính là niềm phấn khích trong quá trình sáng tạo. Do đó, đặc trưng của nghệ thuật tạo hình là mang tính tượng hình và không gian

Nghệ sĩ tạo hình luôn có cảm nhận rất riêng. Nếu người nhạc sĩ rung động với tiết tấu, nhịp điệu của âm thanh thì khi đứng trước đối tượng quan sát, người họa sĩ thông qua con mắt tinh tế rất dễ rung lên với các hiện tượng tạo hình như: màu sắc, đường nét, hình khối, chất cảm. Những rung động này thôi thúc người nghệ sĩ hành động, hiện thực hóa những cảm nhận này bằng sáng tạo tác phẩm. Đây chính là nhu cầu, tình cảm tự thân của người đó. Trong quá trình tái hiện, không chỉ miêu tả hình ảnh cảm nhận theo cách nhắc lại nguyên vẹn, mà họa sĩ đã nâng những rung động thẩm mỹ của mình khái quát lên thành những lý tưởng thẩm mỹ; nói cách khác, những vẻ đẹp tự nhiên đã được sáng tạo thành những hình tượng nghệ thuật.

Mỗi hình tượng nghệ thuật đã thể hiện những cảm nhận rất riêng của người nghệ sĩ ở từng giai đoạn nhất định. Chẳng hạn về cái đẹp: Trong thời cổ đại, họa sĩ đã lý tưởng hóa, thần thánh hóa con người (mà bức tượng Venus de Milo là điển hình). Còn những họa sĩ thời Phục hưng lại muốn quay về với vẻ đẹp thực tại của người thiếu nữ với những hình thức khác nhau: vẻ đẹp mang tính tình cảm, mềm mại, sâu lắng và tinh tế (trong tranh Raphael), nét đẹp của trí tuệ, lý tưởng hóa theo dạng tinh thần (Leonard de Vinci) và vẻ đẹp mang tính cơ bắp, mạnh mẽ (Michellangelo). Đến thời hiện đại, các nghệ sĩ đã rung động trước sự đối lập sáng tối với những tác phẩm tôn vinh nét đẹp của ánh sáng qua những khuôn mặt, làm nó rực sáng, tinh tế sâu lắng hơn (như tranh chân dung của Rembrand). Sang thời hiện thực, các họa sĩ thấy vẻ đẹp không chỉ ở thần thoại mà còn hiện hữu ngay trong cuộc sống đời thường (như trong Tiếng chuông chiều hay Những người mót lúa của Jean Francois Millet)…

Như vậy, sự cảm nhận trong nghệ thuật tạo hình chính là sự nhạy bén, tinh tế, sắc sảo của thị giác về hiện thực khách quan, hay chính là trí nhớ về hình thể, màu sắc ở sai số nhỏ nhất giúp phán đoán chính xác. Từ cảm nhận ban đầu, bằng tài năng của mình, người họa sĩ đã tạo nên tác phẩm mang nội dung không chỉ ở kết cấu vật thể mà còn ở chính hình tượng nghệ thuật mà nó chuyển tải. Rõ ràng, nguồn cảm hứng cho sự hình thành tác phẩm là những rung động thẩm mỹ, tinh tế và mãnh liệt trong tâm hồn nghệ sĩ trước nhịp điệu của cuộc sống, được bộc lộ thông qua khuynh hướng tạo hình mà họ thụ cảm. Cảm hứng chính là khởi nguồn, là động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật.

… đến ý tưởng sáng tạo tác phẩm

Nếu ý tưởng nghệ thuật nói chung xuất phát từ tình yêu nghệ thuật và mong muốn tìm tòi, khẳng định mình của bản thân người nghệ sĩ, thì ý tưởng tạo hình mang đặc thù của cảm hứng thông qua các yếu tố về thể loại, bố cục và hình thức biểu đạt. Khác với văn học, hội họa không chỉ có cảm xúc, cảm thụ về chủ đề nào đó mà còn có đặc điểm riêng, đó là sự xúc cảm về một hình ảnh cụ thể, một đường nét, một màu sắc, thậm chí là một vấn đề xã hội.

Người nghệ sĩ tạo hình không chỉ là một cái máy phản ánh đơn thuần, nguyên vẹn những rung động cảm nhận được. Thị giác chỉ tiếp nhận những kích thích mang tính hưng phấn, bản thân người nghệ sĩ mới là một tâm hồn phong phú, đa dạng. Cùng một hiện tượng, sự vật nhưng mỗi họa sĩ có những cảm nhận riêng, từ đó hình thành những ý tưởng khác nhau. Chúng ta thấy một Mondrean có xu hướng phá vỡ hình thể, tuyệt đối hóa và đơn giản hóa hình thể; một Salvador Dali với những hình ảnh tuyệt mỹ nhưng bất an của thế giới phi thực được thể hiện dưới cái nhìn siêu thực mộng mị (tác phẩm Sự dai dẳng của ký ức) hay một Picasso với ý tưởng thiên về tư duy trí tuệ; một Delacroix có tính chất trữ tình lãng mạn với cuộc đời, hướng tới vẻ đẹp thanh tao trong khi Paul Cezanne lại có cái nhìn gồ ghề, mộc mạc… Như vậy, có thể thấy rằng, những cảm nhận từ thiên nhiên, cuộc sống là khởi nguồn, động lực cho người nghệ sĩ hình thành những ý tưởng nghệ thuật ở nhiều góc nhìn, khía cạnh khác nhau. Chính sự cảm nhận đa chiều như thế đã hình thành những trường phái, trào lưu với phong cách, ý tưởng riêng, góp phần tạo nên bức tranh muôn màu muôn vẻ cho nền mỹ thuật.

Bắt nguồn từ những cảm nhận chủ quan, quá trình hình thành ý tưởng nghệ thuật ở mỗi nơi một khác. Theo quan niệm phương đông, tiêu biểu là Khổng tử, đó là quá trình đượm ít nhiều màu sắc triết lý, từ tư duy đến cụ thể theo hệ thống: ý - tượng - hình (với mức độ quan trọng giảm dần). Ý là tư duy trừu tượng, gợi nên những suy ngẫm, phán đoán, đánh giá về đối tượng và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và cuộc sống để hình thành ý tưởng theo một hướng nào đó. Tượng là sự khái quát hóa các suy nghĩ bằng những cặp phạm trù đối lập có mối quan hệ giữa hai mặt đó theo tương quan đồng điệu hay hài hòa, đối lập hay đối kháng. Hình là sự cụ thể hóa của tượng. Còn theo phương Tây, các nghệ sĩ lại đi từ cụ thể qua khái quát đến trừu tượng. Như Piet Mondrian, trong tác phẩm Cây xám đầu tiên ông vẽ cây xám có cả thân và nhiều cành ngang, sau đó ông thấy cành gây ấn tượng đặc thù hơn cho cây xám nên ông đã khái quát chúng bằng những nét chuyển động ngang. Rồi từ đó, ông suy ra các ý tưởng đối lập khác để mô tả trừu tượng ý nghĩa cuộc sống mà nghệ sĩ muốn thể hiện.

Một đặc thù trong quan sát và cảm xúc của họa sĩ là thiên về các yếu tố tạo hình: chuyển động của cơ thể, mối quan hệ tình cảm, cá tính, cảm xúc qua âm thanh, những giai điệu và tiết tấu của ngôn ngữ… Mỗi họa sĩ có khuynh hướng sáng tạo khác nhau khi chọn một yếu tố nào đó để nghiên cứu sâu hơn, sau đó sáng tạo ra những hình thức biểu đạt nghiêng hẳn về hướng đó và trở thành trọng tâm trong sáng tạo. Có người thích mạnh mẽ, người khác lại ưa mềm mại, người khai thác độ xù xì góc cạnh, kẻ thể hiện nét đa dạng tinh tế; trong hình thể, người này thiên về cách điệu theo hướng động, khỏe khoắn, chắc chắn, cục mịch nhưng lạ mắt, người khác lại thích sự thành thật, mộc mạc và giản dị; với màu sắc, có người thích ít màu mà độc đáo, có người lại thích sự phức hợp của đa sắc màu… Như vậy, từ cảm xúc thực tế, họa sĩ đã tạo ra những hình tượng nghệ thuật giàu sức thuyết phục, tác động mạnh mẽ vào tình cảm và tâm hồn người xem.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật nói chung, tác phẩm hội họa nói riêng đều bắt nguồn từ cảm xúc về cuộc sống đang hiện hữu xung quanh với muôn hình vạn trạng. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng mỗi họa sĩ có những cảm nhận khác nhau, từ đó khúc xạ chúng qua những lăng kính không giống nhau. Bằng năng lực sáng tạo, người họa sĩ lựa chọn những phương pháp riêng nhằm thể hiện rõ nhất, hiệu quả nhất cảm xúc và ý tưởng của mình.

Tạm kết

         Họa sĩ Trần Văn Cẩn từng nói, cuộc đời như vườn hoa đầy màu sắc với hương thơm và mật ngọt, mà người nghệ sĩ như những con ong cần cù chăm chỉ hút nhụy ở từng bông để tạo ra mật ngọt cho đời. Cùng xuất phát từ những cảm thụ về vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật, con người, nhưng trong quá trình sáng tạo tác phẩm, mỗi họa sĩ có ý tưởng và phương thức biểu đạt riêng. Chính những điều đó đã tạo nên nét đặc trưng, phong cách cũng như giá trị của các tác phẩm nghệ thuật.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 336, tháng 6-2012

Tác giả : Trần Đình Tuấn

;