Sáng 11-4, tại Hà Nội, Ban cán sự đảng Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì Hội nghị
Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt; các đồng chí trong Tổ công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương; thủ trưởng, đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ.
Toàn ngành Văn hóa đã nỗ lực xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ ngày 25/10/2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là hai chiến lược cơ bản của cách mạng Việt Nam để nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để kịp thời tổng kết Nghị quyết sau 10 năm tổ chức thực hiện, thực hiện chỉ đạo của Bộ chính trị, Ban chỉ đạo tổng kết nghị quyết Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bảo vệ Tổ quốc là chiến lược quốc gia mang tính tổng thể và bao trùm, là cơ sở quan trọng để chúng ta xây dựng các chiến lược quốc gia chuyên ngành như: chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược để phát triển văn hóa, chiến lược về văn hóa đối ngoại… Mục đích để nhằm nâng cao hơn nữa sức mạnh tổng hợp của đất nước, của dân tộc, của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) sau khi tổ chức thực hiện, chúng ta càng nhận rõ hơn 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cơ bản mà Nghị quyết đã nêu ra, trong đó vấn đề về nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị, vấn đề về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, vấn đề về phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng an ninh, giải quyết tốt các vấn đề về xã hội. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã dành thời lượng để xác định nhiệm vụ về xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy vững mạnh.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng nhấn mạnh: 10 năm qua, bên cạnh việc tập trung thực hiện toàn diện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong Nghị quyết, Bộ VHTTDL và trực tiếp là Ban cán sự đảng đã chỉ đạo về vấn đề học tập và phát triển, đồng thời xây dựng các kế hoạch để tổ chức thực hiện toàn bộ nhiệm vụ này. Trong đó nhấn mạnh về yếu tố: xây dựng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đây không chỉ là chức năng quản lý nhà nước của Bộ, mà còn là, giữ được văn hóa chính là giữ được đất nước chúng ta.
Nhắc về lời dụ tướng sĩ của Vua Quang Trung - vị vua “áo vải cờ đào”: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng…”, Bộ trưởng nhấn mạnh, ý chí đó, như đang nhắc nhở thế hệ ngày hôm nay phải kiên quyết giữ được nền văn hóa của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư đã từng chia sẻ tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”, chính vì vậy với sự nỗ lực và cố gắng, toàn ngành Văn hóa đã nỗ lực xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tại Hội nghị lần này, bên cạnh việc đánh giá lại toàn diện việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu, cần phải dành thời gian để nghiên cứu sâu về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Văn hóa vai trò tham mưu, tổ chức chỉ đạo và triển khai công tác này. Bên cạnh khẳng định những kết quả làm được, chúng ta cần rút ra được nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để chúng ta tập trung thực hiện tốt hơn cũng như kiến nghị, đề xuất với Trung ương những nội dung trong Nghị quyết mới.
Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch, quán triệt, học tập Nghị quyết
Trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Ban cán sự đảng Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, tổ chức các lớp học quán triệt Nghị quyết, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các biện pháp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trình bày báo cáo tóm tắt tại Hội nghị
Về việc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa trong thời gian qua, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển văn hóa. Bộ đã trình Chính phủ ban hành những văn bản triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như: Nghị định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa; Nghị định quy định về tổ chức lễ hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và đẩy mạnh nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; triển khai thực hiện đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gắn với cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại…
Việc thực hiện phong trào đời sống văn hóa ở cơ sở đã có những bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Các văn bản được ban hành phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý về hoạt động văn hóa ở cơ sở, góp phần quan trọng trong việc đề cao vai trò của văn hóa trong đời sống. Nhiều giá trị chuẩn mực văn hóa đã trở thành hiện thực trong đời sống, tạo ra những giá trị mới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Đời sống văn hóa ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa tuy còn thấp hơn so với đơn vị đồng bằng nhưng cũng đã có cải thiện rõ rệt. Để có kết quả trên là do có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương, Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trong công tác chỉ đạo, phối hợp hoạt động thực hiện chiến lược phát triển văn hóa…
Công tác quốc phòng, an ninh được thực hiện nghiêm túc. Đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự các cấp, lực lượng tự vệ ở các cơ quan, đơn vị, được tập trung xây dựng vững mạnh.
Trong những năm tiếp theo, Bộ VHTTDL tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hoá, xây dựng con người, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, vui chơi lành mạnh, không ngừng nâng cao mức thụ hưởng văn hoá của nhân dân, từ đó góp phần vào công tác bảo vệ Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng con người Việt nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hoá có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Đồng thời, xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hoá, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hoá Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Ngành Văn hóa cần tiếp tục tham mưu chiến lược sâu sắc hơn nữa cho Đảng, Nhà nước
Sau khi nghe các ý kiến tham luận của đại diện một số Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí đã biểu dương những kết quả Ban Cán sự đảng Bộ VHTTDL đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; đánh giá cao vai trò tham mưu về văn hóa của Bộ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc đã chứng minh, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Dưới “ánh sáng” soi rọi của văn hóa, người dân chung sức, đồng lòng, hết mình phụng sự sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh trường tồn của dân tộc được hiển hiện trên nền tảng văn hóa.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, thời gian tới, Bộ VHTTDL phải tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra, để các quan điểm, mục tiêu, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 được thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển VHTTDL với đảm bảo quốc phòng - an ninh, và tiếp tục khẳng định với nội hàm sâu sắc hơn về văn hóa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ngành Văn hóa cần tiếp tục tham mưu chiến lược rõ hơn và sâu sắc hơn nữa cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn liền với bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện hệ thống pháp luật văn hóa đồng bộ với hệ thống pháp luật của Nhà nước và quốc tế. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, những gì đã làm tốt, ngành VHTTDL phải phát huy, theo đuổi đến cùng. Nhiệm vụ nào chưa làm tốt phải nghiêm túc nhìn nhận, đưa ra giải pháp khắc phục.
Đối với lĩnh vực văn hóa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị ngành VHTTDL phải xác định tư tưởng Văn hóa còn thì dân tộc còn để đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chống xâm lăng về văn hóa; bảo vệ an ninh tư tưởng – văn hóa. Thực hiện xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phương châm kiên trì, thực chất; xây dựng được thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huy động được sức mạnh trí tuệ của đội ngũ nghệ nhân, trí thức, văn nghệ sĩ có đạo đức, lý tưởng và khát vọng phụng sự dân tộc, Tổ quốc.
Đối với du lịch, cần phải tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các di tích lịch sử, chiến khu cách mạng... thông qua công tác thông tin đối ngoại để thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Từ đó, du lịch trở thành nguồn lực kinh tế mạnh mẽ, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Về lĩnh vực thể thao, ngành VHTTDL phải nêu bật các giải pháp nêu cao tinh thần của cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; đẩy mạnh phát triển TDTT trong quần chúng để thể hiện tinh thần thượng võ, tự tôn dân tộc.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, trong đó, tập trung nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương, theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu
Phát biểu tiếp thu, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị. Bộ trưởng nhấn mạnh, trên tinh thần không say sưa, không chủ quan với những kết quả đã đạt được, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương đi vào chiều sâu, trong đó tiếp cận tốt hơn theo định hướng có trọng tâm, trọng điểm với những nội hàm về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, ngành Văn hóa đã có sự chủ động trong công tác phối hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp; từ đó có nhận thức đúng hơn về trách nhiệm của mình. Toàn ngành chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Sau Hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng xác định rõ hơn những công việc cần làm, bổ sung thêm những lĩnh vực còn thiếu, như lĩnh vực thể thao với các số liệu minh chứng cho những kết quả nổi bật, đặc biệt có sự so sánh trong từng giai đoạn, để thấy được sự chuyển mình của văn hóa và sự đóng góp của ngành văn hóa trong vấn đề tổng hợp sức mạnh của toàn dân tộc trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Từ yêu cầu đó, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như ý kiến đóng góp của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề cập, với thiên hướng là cần phải làm sâu hơn nữa các nội dung về xây dựng môi trường văn hóa, để hoàn thiện thể chế về pháp luật, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và đặc biệt là phân cấp rõ ràng trong vai trò: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, ngành văn hóa làm công tác tham mưu.
Đồng thời, tập trung cho vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, văn học nghệ thuật giữ vai trò là hệ điều tiết trong quá trình hình thành, phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam. Tiếp đến, cần quán triệt sâu sắc hơn nội hàm con người - văn hóa theo cách tiếp cận là những chủ thể sáng tạo, vì không ai khác ngoài nhân dân, chỉ có nhân dân mới thực hiện được sự chấn hưng phát triển văn hóa.
Thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước, triển khai công tác có tính dài hơi, trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” để tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế; đồng thời tăng cường xây dựng các mô hình, đi vào một số lĩnh vực từ thực nghiệm, thí điểm, đến tổng kết, thận trọng nhưng không cầu toàn, để triển khai có hiệu quả mà trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã đề ra.
NGỌC BÍCH - Ảnh: THẾ CÔNG