Cách trung tâm thị xã Chũ chừng 20km, ngược lên phía Bắc-Đông Bắc, đi qua xã Biên Sơn là tới chân đèo Váng (xưa có tên gọi là đèo Vắng, vì quanh co, vắng vẻ; nay gọi chệch thành đèo Váng). Qua đèo Váng (cổng trời của vùng cao Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Giang) chừng 5km nữa là tới trung tâm xã Phong Vân, theo nghĩa từ Hán - Việt có nghĩa là gió mây, bỗng dưng nhớ tới bài thơ Biên Sơn – Phong Vân và nỗi nhớ của nhà thơ Trần Thái Chiển: Nhớ hoài ngày bị lạc/ Biên Sơn thành Phong Vân/ Thảo nào mà gió nổi/ Thảo nào mà mây vần…
Các cháu mầm non đi hội
Phong Vân là một trong 7 xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.. Xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chủ yếu là người Nùng Phàn slình, chiếm khoảng 70%, dân tộc Kinh và Tày là thiểu số, chiếm khoảng 30% dân số còn lại. Với toàn huyện, dân tộc Nùng có tổng số dân đông thứ hai sau dân tộc Kinh của huyện Lục Ngạn.
Như lạc bước vào cõi thần tiên, nơi gió mây ôm ấp núi, chúng tôi lên với Hội chợ Phong Vân (còn có tên gọi là chợ Cầu Trắng). Chợ chạy dài theo dọc quốc lộ 279 ngay trung tâm xã họp vào ngày 4, ngày 9 hằng tháng, cũng là nơi trai gái dân tộc Nùng về gặp nhau trong chợ phiên ngày đầu xuân 14 tháng Giêng hằng năm để trao gửi tâm tình qua câu shoong hao, một lối hát giao duyên. Sau Hội chợ Thác Lười của xã Tân Sơn 12 tháng Giêng, họ lại kéo nhau về hát tại chợ Cầu Trắng.
Lại nhớ, cách nay đã 27 năm, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lục Ngạn khôi phục Hội chợ shoong hao Thác Lười của Tân Sơn (năm 1998). Sau khi thành công ở Tân Sơn, tiếp tục khôi phục chợ hội hát shoong hao Phong Vân. Không gian ở đây thoáng đãng, rộng rãi, kề bên chợ Cầu Trắng là sân vận động, Phòng Văn hóa phối hợp với Huyện đoàn Lục Ngạn tổ chức Hội, khai hội có: hát đối đáp, thi trình diễn trang phục dân tộc đẹp và diễn ra các hoạt động thể thao, cắm trại, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian… Điểm thu hút đông đảo, sôi nổi nhất kết thúc ngày hội là trận chung kết Giải bóng đá thanh niên 7 xã vùng cao: Tân Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sơn Hải và Sa Lý.
Hát đối đáp tại Ngày hội VHDT huyện Lục Ngạn - Ảnh: dulichbacgiang.gov.vn
Trở lại Phong Vân, dù chỉ một thoáng lên với chợ hội nhưng một thoáng không có nghĩa thoảng qua, một thoáng không có nghĩa là không lưu đọng gì mà còn gợi lại trong ký ức một thời chưa xa về Phong Vân khi nghèo khó và cơ cực, giờ đây chộn rộn, ngỡ ngàng với những nét mới, sự đổi mới đã làm “thay da đổi thịt” một Phong Vân hiện tại, bao ấn tượng đẹp về Phong Vân, một bức tranh Phong Vân tươi màu rực rỡ giữa trời xuân. Gặp lại các nghệ nhân và nhiều thành viên CLB hát dân ca dân tộc Nùng, họ vô cùng hào hứng và phấn khởi, háo hức chờ đón được Đảng và Nhà nước tổ chức các ngày hội cho dân tộc thiểu số để phục hồi những nét văn hóa cổ truyền đang bị mai một. Vì vậy, khi được tổ chức thành lập CLB, họ đã bỏ bao công sức để truyền dạy hát dân ca, đặt lời mới nhiều bài hát phục vụ ngày hội của xã, tham gia giao lưu và dự hội ở các xã lân cận, với nguyện vọng được tham gia nhiều hơn, có những sân chơi đậm đà bản sắc hơn của lối hát dân tộc trong ngày hội.
Nhìn vào không khí Hội chợ là thấy sức mạnh của ý chí, của lòng dân, của tình yêu quê hương, yêu cộng đồng, được thể hiện ở việc thành lập các CLB hát dân ca dân tộc, các lớp dạy hát Then, dạy hát Shong hao cho cháu từ mầm non, vận động các gia đình may trang phục và mặc trang phục dân tộc cho các cháu khi đến lớp, tiến tới phát động đến các cháu lớp Tiểu học và THCS, truyền dạy cách làm các món ẩm thực truyền thống và duy trì nói tiếng dân tộc khi ở cộng đồng dân cư.
Gặp các cán bộ xã, các anh chị cho biết: Hội năm nay có 6 xã lân cận ở huyện Chi Lăng, Đồng Mỏ của tỉnh Lạng Sơn, các xã lân cận trong huyện Lục Ngạn, đơn vị đóng quân trên địa bàn về dự. Đặc biệt, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện ủy: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch; Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Trưởng ban Dân vận, các ban, ngành và các cơ quan chức năng Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm VH-TT huyện dự đông đủ hơn những năm trước.
Hát Shoong hao trong hội chợ
Trở lại Phong Vân, với những cán bộ lớp trẻ hiện nay, những gương mặt tươi rói nụ cười, những cái nắm tay siết chặt như thể hiện sự quyết tâm làm đẹp giàu vùng đất này. Họ có niềm tin, họ có tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vượt khó bởi họ có niềm tin vào tương lai tươi sáng, có lòng tin vào dân, sức mạnh thể hiện tiếp nối từ truyền thống của các lớp cha anh đi trước… để kinh tế làm khởi sắc cho văn hóa, để văn hóa làm động lực thúc đấy cho một nông thôn mới đang tiếp bước với Phong Vân. Qua Ngày hội và cách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Phong Vân, ta thấy đó là việc làm từ gốc để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, điều mà các ngành chức năng cần nghiên cứu, để nhân rộng trên toàn địa bàn huyện Lục Ngạn.
Bài và ảnh: BÁ ĐẠT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025