Tối ngày 2-7-2025, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ V-2025 với vở kịch “Đoạn kết” của tác giả Lê Quý Hiền và đạo diễn Đào Duy Anh. Vở kịch không chỉ là một câu chuyện hình sự đơn thuần, mà còn là nơi những cung bậc cảm xúc của con người, sự giằng co giữa công lý và ân tình, giữa đúng và sai, được phơi bày một cách trần trụi và sâu sắc, để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng khán giả.
Cảnh trong vở kịch
Đoạn kết mở màn bằng một vụ tai nạn giao thông tưởng chừng đơn giản, nhưng lại nhanh chóng lột tả những tầng lớp dối trá, che đậy chằng chịt. Hùng, kẻ gây án xuất thân từ gia đình quyền thế, là hiện thân của sự lầm lạc khi quyền lực và tiền bạc được dùng để che giấu tội lỗi. Tuy nhiên, điểm đặc biệt và gây trăn trở nhất của vở kịch chính là việc bóc tách những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự dung túng cho tội ác, đó chính là: ân tình và tình cảm khi đặt sai chỗ.
Người cha tìm mọi cách “chạy án” cho con vì thương con, còn cô người yêu thì im lặng vì tình riêng. Tất cả để người em họ gánh tội thay vì món nợ ân nghĩa, và thậm chí cả một trưởng phòng công an, từng là biểu tượng của công lý, cũng làm sai lệch hồ sơ vì món nợ ân tình với cha của Hùng. Tác giả Lê Quý Hiền đã rất tinh tế khi không chỉ ca ngợi hình tượng người chiến sĩ công an, mà còn lột tả một thực tế nghiệt ngã: tội ác đôi khi không bắt đầu từ lòng tham, mà khởi phát từ những yêu thương sai chỗ, khi người ta thỏa hiệp với sai lầm vì nghĩ mình đang làm điều đúng. Thông điệp này là một lời cảnh tỉnh đanh thép, khiến người xem phải suy ngẫm về ranh giới mong manh giữa tình yêu và sự mù quáng, giữa sự bao dung và sự dung túng cho cái ác.
Hình ảnh ba chiếc vali tiền bị ném mạnh trên sàn diễn rồi bị người điều khiển xe đẩy lao tới hất đổ là một hình ảnh mang tính ước lệ, khẳng định chiến thắng của sự thật, lương tâm và sự thức tỉnh
Giữa “những vùng xám” nơi công lý bị mờ nhòe bởi các mối quan hệ, ánh sáng vẫn le lói từ nhân vật Ngọc, một chiến sĩ công an trẻ tuổi, bản lĩnh và kiên định. Anh đại diện cho lẽ phải, cho sự quyết tâm theo đuổi sự thật đến cùng, bất chấp những áp lực từ quyền lực và tiền bạc. Cuộc đối đầu giữa Ngọc và những kẻ nhân danh tình nghĩa để che giấu sai lầm không chỉ là mâu thuẫn nghiệp vụ mà còn là cuộc giằng co dữ dội giữa công lý và quyền lực, tiền bạc, giữa lý trí và những ràng buộc tình cảm.
Vở kịch không ngừng đặt ra câu hỏi đầy trăn trở: khi tình nghĩa bị đặt lên bàn cân cùng pháp luật, ai đủ dũng khí để lựa chọn sự thật? Và chính những giằng xé nội tâm của các nhân vật, đặc biệt là sự thức tỉnh của nhân vật Hương - người yêu của Hùng và trung tá Bình, đã làm nên chiều sâu của Đoạn kết.
Thành công của Đoạn kết không thể không nhắc đến đóng góp của đạo diễn Đào Duy Anh. Với lối kể chuyện mạch lạc, tiết chế nhưng đầy dụng ý, đạo diễn đã khéo léo dẫn dắt khán giả vào hành trình tìm ra sự thật, được mở ra từ những lát cắt đầy kịch tính của vụ án. Các tình tiết không phô trương mà được xếp đặt lớp lang, đẩy dần lên cao trào, khiến người xem liên tục bị cuốn theo mạch diễn biến. Những cảnh diễn vừa thực vừa hư, giàu sức gợi như: hồn ma người bị nạn hiện về báo mộng hay cảnh Hương hoảng loạn khi nhớ lại việc chứng kiến tai nạn, đã tạo cảm xúc mạnh và ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người xem.
"Đoạn kết" không hề đóng lại một câu chuyện mà thay vào đó, mở ra niềm tin mãnh liệt vào sự tử tế, công bằng và bản lĩnh của con người
Với thời lượng gần hai tiếng, vở kịch được dàn dựng một cách gọn gàng, súc tích và chặt chẽ, từ kịch bản đến khâu dàn dựng. Sự hỗ trợ đắc lực của âm nhạc, thiết kế sân khấu và ánh sáng đã góp phần tạo nên một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn. Đặc biệt, đạo diễn Đào Duy Anh đã tạo “đất diễn” tối đa cho dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, giúp họ thể hiện trọn vẹn chiều sâu tâm lý và biến chuyển nội tâm của từng nhân vật. Quang Trọng trong vai Ngọc đã khắc họa thành công hình ảnh một chiến sĩ công an trẻ bản lĩnh, kiên định. Lâm Đức Anh (vai Hùng) và Huyền Trang (vai Hương) đã lột tả ấn tượng những toan tính, dằn vặt, nỗi ám ảnh tội lỗi. NSƯT Quang Ánh (vai ông Dũng) và nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai Lê Bình) cũng góp phần tạo nên những hình mẫu sống động, gần gũi, khiến khán giả không chỉ xem mà còn thấu cảm. Sự đồng đều và ăn ý trong diễn xuất của cả ê-kíp đã biến câu chuyện trên sân khấu trở nên chân thực và đầy ám ảnh.
Đoạn kết không chỉ đơn thuần là sự khép lại một câu chuyện mà còn là khởi điểm cho những giá trị sống còn mãi. Vở diễn như một hồi chuông cảnh tỉnh đanh thép, khẳng định mạnh mẽ rằng con người sẽ không thể nào thoát khỏi những hậu quả do chính mình gây ra. Qua đó phản ánh sâu sắc cái giá phải trả của sự ích kỷ, dối trá và thái độ buông xuôi trong một xã hội đầy biến động. Đồng thời, vở kịch cũng đặt ra những câu hỏi lớn về lương tâm, trách nhiệm và ý nghĩa thực sự của công lý trong cuộc sống. Đoạn kết không hề đóng lại một câu chuyện mà thay vào đó, mở ra niềm tin mãnh liệt vào sự tử tế, công bằng và bản lĩnh của con người khi đứng trước lằn ranh đúng - sai.
Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG