Trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10: Thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 sẽ diễn ra sáng 6-3-2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội; có 389 nghệ sĩ vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng, truy tặng danh hiệu cao quý, trong đó có 125 NSND và 264 NSƯT. Trao đổi với báo chí trước thềm lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Lễ trao tặng không chỉ là niềm hạnh phúc được các nghệ sĩ mong chờ mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ”.

Nói về ý nghĩa của Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Gần 400 nghệ sĩ là những tinh hoa của nước nhà, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Bởi vậy, sự kiện không chỉ là niềm hạnh phúc được các nghệ sĩ mong chờ mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp công chúng, khán giả bày tỏ sự thương yêu, ngưỡng mộ những gương mặt nghệ sĩ đã góp phần làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy

Một trong những điểm mới của Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đó là sẽ có nhiều nghệ sĩ không trực thuộc đơn vị nghệ thuật nào. Điều này góp phần khích lệ, động viên những cống hiến, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của họ trong hoạt động nghệ thuật.

Chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của điểm mới trong Lễ trao tặng năm nay, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: Qua đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 cho thấy, có nhiều nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ không thuộc quân số của đoàn nghệ thuật nào nhưng với tài năng đã được đồng nghiệp và nhân dân ghi nhận. Họ được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các hãng phim nhà nước hoặc tư nhân mời tham gia biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, tham gia đóng phim… và nhiều tiết mục, vở diễn, bộ phim mà nghệ sĩ tham gia đã đạt Giải Vàng, Giải Bạc tại các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp trong nước và quốc tế…

Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, có nhiều nghệ sĩ hoạt động tự do nên số lượng nghệ sĩ được vinh danh lần này nhiều hơn các tỉnh, thành phố khác.

“Việc xét trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ hoạt động tự do không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nghệ sĩ, mà còn là sự ghi nhận, quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ sĩ, phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật hiện nay, qua đó động viên những người nghệ sĩ ngày đêm miệt mài dưới ánh đèn sân khấu, đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và chịu không ít thiệt thòi để họ tiếp tục có những cống hiến, sáng tạo ra nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật có giá trị, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, phục vụ đông đảo nhân dân” – Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Tiết mục nghệ thuật sẽ được trình diễn tại Lễ trao tặng

Chia sẻ về tiêu chí, quy định đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, trong đợt xét tặng lần này, Hội đồng các cấp đã thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng về từng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, đánh giá toàn diện về tài năng, quá trình cống hiến của các nghệ sĩ trong từng lĩnh vực, ngành, nghề nghệ thuật cũng như sức lan tỏa của nghệ sĩ trong đời sống xã hội.

Trong số các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, có những hồ sơ được Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng cấp trên xét theo tiêu chí giải thưởng; có những hồ sơ trình xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”. Những hồ sơ được trình xét theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt”, đó là những nghệ sĩ được đánh giá có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc nằm trong các trường hợp như: nghệ sĩ cao tuổi vẫn tiếp tục có nhiều cống hiến đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là trong những năm kháng chiến cứu nước, tích cực phục vụ và cổ vũ tinh thần lao động của nhân dân; các nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; những nghệ sĩ là giảng viên các Trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

125 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND và 264 nghệ sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu NSƯT lần này đều đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định.

P.V - Ảnh: TUẤN MINH

;