Trà Cú (Trà Vinh): Những kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Thực hiện theo Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 43-CTr/TU, ngày 19/8/2014 của Tỉnh ủy Trà Vinh, Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Cú đã ban hành Kế hoạch số 124-KH/HU, ngày 30/9/2014 thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn; tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt và lồng ghép tuyên truyền thông qua các kỳ sinh hoạt lệ chi bộ, chi, tổ hội đoàn thể… Tổng số 30.126 cuộc, có 619.325 lượt người dự.

Trà Cú  tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024

 

Trong thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới gắn với hoàn chỉnh các công trình thiết chế văn hóa, thể thao cơ bản. Đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới; 2 thị trấn đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh; 2 xã đạt xã Nông thôn mới nâng cao, 15/15 xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch); toàn huyện có 38.968/43.181 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới (chiếm 90,24% tổng số hộ toàn huyện). Hiện nay, huyện có 1 quảng trường, 16 sân bóng đá, 134 sân bóng chuyền, 7 hồ bơi, 1 sân quần vợt, 4 sân cầu lông, 9 phòng tập gym, 3 phòng tập thể dục thẩm mỹ, 1 đội ghe ngo, 1 đội thuyền rồng, 17/17 xã, thị trấn có khu vui chơi dành cho trẻ em. Trà Cú còn quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư phát triển du lịch như đầu tư mô hình du lịch nông trại Rithy Farm (xã Hàm Tân), nhà cổ Đại An, nhà hàng RITHY (thị trấn Định An), ẩm thực Đặc sản quê (xã Hàm Giang), cơ sở chế tác mặt nạ nghệ thuật Khmer (cơ sở Kim Mạnh, xã Thanh Sơn), cơ sở may trang phục truyền thống của đồng bào Khmer (cơ sở Kim Ngọc Song, xã Kim Sơn).

Huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; chú trọng phát triển giáo dục nghệ thuật truyền thống như: nhạc ngũ âm, múa chằn ở các chùa Nam tông Khmer...; thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, nghệ thuật trong các dịp lễ hội như: Chôl Chnam Thmây, Sêne Đôlta, Ok Om Bok của đồng bào Khmer... ; tích cực tuyên truyền, phát động nhân dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đến nay, Trà Cú có 37% dân số tập luyện thể thao thường xuyên; 22% gia đình luyện tập thể dục, thể thao. Trà Cú còn quan tâm tổ chức các giải thể thao như đẩy gậy, kéo co, đua ghe ngo, bóng chuyền, bóng đá, chạy việt dã, cầu lông… có trên 24.000 lượt người tham dự; thường xuyên tuyển chọn, tập luyện và đưa vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao do tỉnh, khu vực tổ chức và đạt nhiều thứ hạng cao.

Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, xuất bản; nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện huyện, thư viện trường học, các phòng đọc ở cơ sở và trong các cơ sở tôn giáo. Đến nay, toàn huyện có 1 thư viện cấp huyện, 21 thư viện trường học và 37 điểm, phòng đọc sách cơ sở, với tổng số 16.295 quyển sách, tài liệu và các ấn phẩm khác. 17/17 xã, thị trấn được trang bị tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, kiến thức của người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên thực hiện và phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số. Qua 10 năm, huyện đã đề nghị và 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Chầm Riêng - Chà Pây và Lễ hội Đom Lơng Netk Tà, 3 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Chùa Chông Bát (xã Tân Hiệp), chùa Chà (xã Thanh Sơn), chùa Mé Láng (thị trấn Định An. Đến nay, toàn huyện có 1 di tích được xếp hạng quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 6 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Trà Cú cũng tăng cường các hoạt động văn học, nghệ thuật; quan tâm bồi dưỡng và phát hiện những cá nhân có năng khiếu trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng phục vụ người dân nhân các dịp lễ, Tết; hằng năm có trên 800 diễn viên chuyên và không chuyên tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng Khmer và trên 340 học sinh tham gia các hội thi, hội diễn như: Hội thi sắc màu tuổi thơ, Hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu, kể truyện sách, Hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ…; chỉ đạo tổ chức các chương trình giới thiệu nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc Khmer, các hoạt động văn hóa mang tính truyền thống tại địa phương; bảo tồn và duy trì các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc; chú trọng đổi mới đề tài, nội dung và phương pháp thể hiện qua các tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh; khuyến khích văn nghệ sĩ khai thác các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, sự nghiệp đổi mới, những vấn đề thời sự của đất nước, địa phương; đẩy mạnh các loại hình báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, góp phần giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng. Qua đó, được Chủ tịch nước công nhận 2 Nghệ nhân Ưu tú loại hình tri thức dân gian: Nghệ nhân Thạch Mâu (xã Tân Hiệp) loại hình Chầm Riêng - Chà Pây và Nghệ nhân Ngô Thị Xuân (Ngô Thị Pho) loại hình dệt chiếu.

Trà Cú đã triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa. Qua đó, có 36 cá nhân đầu tư xây dựng 8 sân bóng đá, 4 hồ bơi, 4 sân cầu lông, 9 phòng tập gym, 3 phòng tập thể dục thẩm mỹ… góp phần phát triển thể chất, thẩm mỹ và nâng cao chất lượng môi trường văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Huyện cũng quan tâm thu hút đầu tư, phát triển du lịch; giai đoạn 2014 – 2024, thu hút khoảng 82.410 lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện quảng bá văn hóa của địa phương với khách du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, nét đẹp của quê hương, đất nước thông qua các phương tiện truyền thông gắn với chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa; phối hợp kiểm tra 135 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, qua kiểm tra phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 65 cơ sở, nhắc nhở, buộc khắc phục 70 cơ sở vi phạm.

UBND huyện ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa gắn với chỉ đạo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn kinh phí được phân bổ. Hằng năm, Trà Cú bố trí kinh phí phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao 2.015.254.000 đồng. Đầu tư xây dựng 4 công trình văn hóa, tổng kinh phí 57 tỷ đồng gồm xây dựng 2 công viên, 1 quảng trường, 1 nhà thi đấu đa năng; đầu tư mua sắm dụng cụ, trang thiết bị cho 18 điểm vui chơi, giải trí và nâng cấp 8 điểm vui chơi, giải trí, tổng kinh phí trên 610.000.000 đồng. Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa tổng số tiền 595.000.000 đồng... góp phần phát triển văn hóa, con người trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, Trà Cú đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định rõ giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể. Kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, kế hoạch sát hợp với tình hình thực tiễn gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển và phát huy tinh thần tự do sáng tạo của cá nhân; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”. Tích cực đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Thứ tư, tập trung xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh; phát huy tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh.

Thứ năm, tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu, đội ngũ những người làm công tác giáo dục và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa... Tích cực đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; gắn bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, các giá trị văn hóa trong tôn giáo, tín ngưỡng với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Trà Cú. Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển sâu rộng văn học, nghệ thuật quần chúng. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên môi trường mạng Internet trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam  đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

THẠCH KIM SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;