TỔ CHỨC GIÁP Ở LÀNG MẬU HÒA TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Giáp là thiết chế có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền, được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, gợi mở thêm nhiều khía cạnh cần đi sâu tìm hiểu về thiết chế này. Làng Mậu Hòa trước là một xã thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây; đầu TK XX thuộc tỉnh Hà Đông. Sau cải cách ruộng đất (giữa năm 1956), Mậu Hòa cùng làng Sơn Tượng, một số xóm trại của 2 làng Dương Liễu, Quế Dương tách ra thành xã Minh Khai huyện Hoài Đức. Ngày nay, để tiện cho việc quản lý hành chính, làng Mậu Hòa được chia thành 4 thôn, cùng có tên là Minh Hòa.


Về tổ chức, điều hành của giáp ở làng Mậu Hòa

Trước Cách mạng tháng Tám, trai đinh trong làng Mậu Hòa được chia làm 3 giáp:

Giáp Đa Hòa gồm 3 dòng họ: Nguyễn Chí, Nguyễn Văn, Bùi Văn, ở vị trí anh cả (có lẽ do trước kia giáp này có quyền thế trong làng).

Giáp Thuần Dịch, thường gọi là phe nhì, có 9 dòng họ: Đỗ (có 5 chi), Đỗ Đăng, Hồ Văn, Phí Văn, Nhữ Văn, Phùng Văn, Ngô Văn, Nguyễn Văn, Nguyễn Trọng, xếp vị trí anh hai (là giáp có số trai đinh đông nhất),

Giáp Lộ Dịch thường gọi là phe ba, gồm 10 dòng họ: Hoàng Kim, Hoàng Văn, Đỗ Danh, Nguyễn Văn, Trần Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Bùi Văn, Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, ở vị trí anh ba.

Theo các bậc cao niên trong làng, trong một giáp, nam giới được phân thành các lớp tuổi sau:

Sơ sinh: theo lệ, các gia đình sinh con trai trong năm phải làm lễ vào làng cho con trong 3 ngày tết Nguyên đán tại đình. Lễ gồm 30 khẩu trầu, tiền (người giáp Đa Hòa, giáp Thuần Dịch đóng 1 hào, giáp Lộ Dịch đóng 5 hào, số tiền này để các giáp dùng chi tiêu công việc chung). Sau đó chấp bạ cho viết phiếu bỏ thăm trong quả trầu (khay đựng trầu cau), từ số 1 đến số cuối. Con số mà đứa trẻ bắt được sẽ là số định danh, đi theo chúng suốt đời. Ông sổ (thư kí) của giáp ghi tên những đứa trẻ vào giáp trong đinh bạ (sổ hằng giáp) theo thứ tự ở trên. Danh sách này là căn cứ chính thức để xác định vị trí ngôi thứ, phân công nghĩa vụ cho mỗi trai đinh về sau. Tuy nhiên, ở Mậu Hòa, nhiều trường hợp trai đinh cùng vào giáp một dịp nhưng không hẳn cùng lứa tuổi, lý do là để tránh việc khó nuôi con trai nên bố mẹ chờ đến khi con thật sự cứng cáp mới sửa lễ vào giáp. Cũng có trường hợp con trai sinh ra trùng với thời điểm gia đình có tang nên phải chờ hết tang mới nhập giáp.

Nét khác biệt ở làng Mậu Hòa là những người ngoài làng hoặc những người có gốc ở làng nhưng xa quê đã lâu cũng được nhập giáp; song sau này, phải đóng góp (trong 3 đời) các khoản gấp 2 lần hoặc gấp 1,5 lần so với người chính cư. Người ngoài làng còn phải có người chính cư bảo lãnh (bằng giấy cam đoan). Người đã vào giáp nếu bỏ làng quá 3 năm không về, không có đóng góp sẽ bị cắt suất trong giáp; nếu trở về, muốn vào làng, phải làm lễ trình hàng giáp, ngôi thứ sẽ được tính theo thời điểm này. Những trai đinh hoàn cảnh nghèo khó, xin làm tích đinh (làm mõ), giáp chấp thuận, song vẫn phải đóng góp đủ ngôi giáp, chỉ được nhận phần xôi, thịt theo sự chỉ đạo của hội thượng lão, không được ngồi trong đình, khi nào từ bỏ chức phận mõ làng mới được ngồi ăn theo vị trí hàng giáp. Mõ làng suốt đời không được vào lễ bái ở đình, chùa, miếu.

Trai đinh khi đến tuổi 18, để được giáp chia đất khẩu phần phải mang 10 khẩu trầu trình lý trưởng, nộp 2 hào vào quỹ đồng dân.

50 tuổi làm lễ vọng lão (trước năm 1940, lễ này tiến hành khi trai đinh 53 tuổi, sau năm 1940, do giáp thiếu kinh phí để lo liệu các công chung nên rút xuống tuổi 50). Đến ngày mồng 7 tháng giêng, người vọng lão mang lễ trầu trình thánh. Ngày hôm sau (18 tháng giêng) sửa 2 cỗ mặn, mỗi cỗ gồm 1 con gà, 1 mâm xôi, 2 chai rượu, trầu, 1 mâm cỗ chay (hoa quả).

70 tuổi làm lễ vọng cụ thượng, chuẩn bị 1 cỗ chay (nải chuối, chai rượu) vào ngày 18 tháng giêng. Trong ngày này, cụ thượng được mặc áo, giày đỏ do giáp chuẩn bị.

Từ người tuổi cao nhất đến người thứ 12 của mỗi giáp gọi là ba mâm lềnh, làm nhiệm vụ điều hành việc giáp. Khi một người trong số họ qua đời thì người cao tuổi thứ 13 trong giáp làm lễ vọng lềnh để thay thế. Trong 12 lềnh, cử 4 người tuổi cao từ trên xuống làm thôn trưởng. Mỗi người phải sửa 100 khẩu trầu, 1 chai rượu trình giáp, nếu ai không làm phải tìm người thay thế. Thôn trưởng, 2 đương thứ (người cận kề tuổi thôn trưởng) của cả 3 giáp đảm nhiệm việc tế thần, ứng tiền lo việc sửa lễ các tiết đó.

Theo quy định, những người ở 3 giáp cùng vào giáp 1 dịp thì ngang hàng nhau về vị trí ngôi thứ, được sắp xếp thành các mâm đồng niên. Đối với những người lềnh, mâm nhất đồng niên gồm 3 người cùng vào giáp một dịp (người của giáp Đa Hòa được gọi là nhất đồng niên, người của giáp Thuần Dịch là nhì đồng niên, người của giáp Lộ Dịch là thứ ba đồng niên, cùng người thứ nhì của giáp Thuần Dịch là thứ tư đồng niên). Ở tất cả các mâm, giáp nhì được 2 người là do có số đinh đông hơn. Tiếp tục xếp người vào mâm ở các tuổi dưới (giống như ở mâm nhất) cho đến khi có 1 giáp hết số người để ghép thì 2 giáp còn lại ghép vào 1 mâm. Khi chỉ còn lại người của 1 giáp thì ghép 4 người cùng giáp vào những mâm cuối của đồng niên.

Vai trò của giáp trong đời sống làng Mậu Hòa trước Cách mạng tháng Tám

Đơn vị quản lý ruộng đất

Mậu Hòa là làng ven sông, toàn bộ đất đai bên ngoài đê là công châu thổ, thuộc sở hữu chung của cả làng, dùng vào các việc công, chia cho các suất đinh từ 18 tuổi trở lên. Cứ 6 năm lại chia lại 1 lần. Sau khi trừ hết các diện tích được dùng để đấu thầu, các phần chia cấp cho các đối tượng đảm nhiệm các công việc thờ cúng, các việc công của làng, các đối tượng là người già (từ 50 tuổi trở lên), số còn lại đem chia cho các suất đinh (tuổi 18 - 49) của 3 giáp, thời hạn sử dụng trong 6 năm. Người được chia đất nếu chết thì thân nhân họ được tiếp tục sử dụng đến khi hết tang. Các trai đinh mới sinh được nhận đất từ người chết, người lên lão trả lại, có bao nhiêu chia bấy nhiêu.

Đơn vị tổ chức biện lễ, phục vụ tế lễ thờ thần

Mỗi năm có 1 giáp đăng cai, tức giáp chịu trách nhiệm chính việc sửa lễ, phục vụ tế lễ ở đình. Giáp đăng cai năm sau gọi là thứ đăng cai. Giáp đăng cai năm sau nữa gọi là quý đăng cai. Các thôn trưởng (ông trưởng) của giáp đăng cai đảm nhiệm việc mua sắm hương, đèn, nến, trầu cau, hoa quả...; bảo quản các đồ thờ của làng.

Ngoài nhiệm vụ đăng cai, hàng năm, các giáp phải sửa lễ tế thần vào các dịp lễ, tiết: Nguyên đán (mùng 1 - 3 tháng giêng), khai hạ (mùng 7 tháng giêng), tiệc cỗ chay ở chùa (mùng 9 tháng giêng), lễ kỳ phúc (rằm tháng giêng), lễ xuân thủ (ngày đinh của tháng 2)...

Ngoài các đối tượng phải sửa lễ, các lễ tiết còn lại được phân theo lần lượt cho các trai đinh đảm nhiệm theo độ tuổi. Nghĩa vụ nặng nề nhất là làm bánh thờ. Hàng năm đến ngày 17 - 5, 3 giáp ngồi tính số người trong giáp để định lượng gạo, định số người giã bánh, thổi xôi (mỗi trai đinh được 1 bánh dày, 1 bánh cuốn mang về, còn lại tính đủ số mâm ăn ngay tại đình, mỗi mâm 1 bánh dày, 1 bánh cuốn to chia làm 4 phần, ngoài ra tính số bánh biếu). Chẳng hạn có năm mỗi người đóng 16 đấu gạo sửa thành 48 chiếc bánh dày, 48 chiếc bánh cuốn, mỗi chiếc bánh dày tương đương với 2 mẹt xôi. Nhà nào cũng cố gắng giã chiếc bánh lớn, đẹp mắt để được giải thưởng. Bánh được giải nhất phải là bánh to, đẹp, phần thưởng là một khoanh bí (cổ lợn); giải nhì được một chân giò trước. Công việc giã bánh lấy người từ 18 tuổi trở lên, thổi xôi thì bắt lượt người cao tuổi từ trên xuống, người nào giã bánh thì không phải thổi xôi. Những người còn lại, phải đóng tiền để trả cho những người thổi xôi, giã bánh. Lượt giã bánh, thổi xôi này gọi là gạo xôi lượt trong hàng giáp.

Đơn vị trông coi thủy lợi, bảo vệ an ninh

Để việc sản xuất nông nghiệp được đảm bảo, ngày 28 - 5, các lềnh của 3 giáp (mỗi giáp lấy 8 người tuổi từ trên xuống) đi khám bờ đìa khuyến nông, đìa của giáp nào không đạt chuẩn, bắt phạt 3 hào. Những người đi khám đìa được đãi cơm; những người trông giữ đìa (phường đìa) được nhận tiền, chi phí cho các khoản này cả giáp phải chịu. Khi thu hoạch, các giáp thu mỗi sào 1 lượm 3 tay lúa để chi tiêu các khoản kể trên.

Hàng năm, vào ngày mồng 3 tháng chạp, giáp cắt cử ban tuần. Đến 15 tháng chạp, phiên mới ra làm nhiệm vụ, phiên cũ về nghỉ. Theo hương ước, mỗi năm quan viên chính lần lượt cử 1 người ở trong độ tuổi chưa vọng hội lão làm thủ khoán, đứng đầu phiên trong năm. Lý trưởng, khán thủ đương nhiệm phải đi phiên liên tục, cử lần lượt 3 ông nhiêu cùng tham gia phiên năm ấy. Các ông kể trên là 6 ông đàn anh của phiên, còn các ông đầu lớp, đàn em thì cử 18 người, tuổi từ 18 đến 50 tuổi, những người này phải có vợ để chăm sóc gia đình, cửa nhà khi các ông đi làm nhiệm vụ.

Vai trò của giáp trong các hoạt động khác

Giáp với việc tang: khi có người mất, giáp là đơn vị đứng ra tổ chức tang lễ. Gia đình tang chủ phải sửa lễ trình giáp. Gia đình nào muốn nộp tiền thay thế thì nộp theo 3 hạng: hạng 1 nộp 30 quan tiền (trong số này, biếu các lềnh của giáp 3 quan); hạng 2 nộp 20 quan tiền (biếu lềnh giáp 2 quan); hạng 3 nộp 1 quan 8 tiền (không biếu lềnh giáp); ngoài ra, cả 3 hạng còn nộp thêm 12 khẩu trầu.

Mỗi giáp có 1 ngày kỵ (ngày kỵ giáp): mồng 6 - 6 (Đa Hòa), mồng 10 - 1 (Thuần Dịch). Hàng năm, vào ngày đinh tháng 2 (lễ xuân thủ hàng tổng, lễ xuân thủ của làng), giáp đăng cai, 2 giáp khác phải sửa lễ gồm: xôi, lợn, trầu, rượu, trước đó các giáp phải sửa lễ cáo, mời 3 bàn lềnh ăn uống.

Lệ cải táng (bốc mộ): làng quy định, gia đình nào muốn cải táng phần mộ nào phải trình hội đồng hàng giáp, nếu đặt mộ mới ở ruộng nhà ai phải được sự đồng ý của chủ ruộng. Người nơi khác muốn đặt mộ mới tại làng phải xin giấy phép, mời lý trưởng đến trình hội đồng, chỉ cho phép đặt mộ ở ruộng công, không phải là nơi đất cấm. Nếu táng ở ruộng tư thì phiên tuần phải thỏa thuận với chủ ruộng, được đồng ý thì gia đình tang chủ nộp 12 đồng bạc, 30 khẩu trầu vào công quỹ.

Vai trò của giáp còn thể hiện ở việc thu kinh phí sửa sang đình, miếu, công sở, đường giao thông. Kinh phí sửa sang đình tổng, chùa, miếu  được chia đều cho 3 giáp, còn sửa đình, các công sở, dốc đê thuộc nhiệm vụ của 4 người đầu dâu của các giáp. Ngoài ra, đoạn đường đất công từ lối rước đến cửa cống thuộc địa phận giáp nào thì giáp ấy được trồng bưởi, bán lấy tiền để đưa vào công quỹ, khoảnh đất ven quán gần dốc đê thì giao cho 4 ông dâu trồng tre, bán để lấy kinh phí chi tiêu việc thờ cúng ở miếu, đình.

Cũng giống như tổ chức giáp ở nhiều làng quê khác thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ, giáp ở Mậu Hòa là thiết chế của nam giới thuộc các dòng họ, xóm ngõ khác nhau. Giáp vẫn tuân thủ vai trò cơ bản như Trần Từ đã tổng kết trong Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ, là đơn vị quản lý nhân đinh, quản lý công điền, tổ chức, biện lễ phục vụ tế thờ, đảm bảo thủy lợi, an ninh làng xóm. Tổ chức giáp ở Mậu Hòa thể hiện sự chặt chẽ trong quản lý con người.

Tuy nhiên, giáp ở làng quê ven sông Đáy này lại có những quy định riêng, thể hiện tính khác biệt trong phong tục cổ truyền của làng, xã. Những khác biệt đó là:

Nếu ở đa số các làng, giáp chỉ gồm trai đinh là dân chính cư,  thì ở Mậu Hòa, giáp thu nạp cả người ngoài làng (những người này phải đóng góp các khoản chung với mức cao hơn người trong làng). Điều này cho thấy sự nới lỏng về đối tượng của giáp nhằm mở rộng số nhân đinh, xóa bỏ phần nào sự cách biệt giữa chính cư, ngụ cư (vốn rất ngặt nghèo của làng Việt) ở làng Mậu Hòa.

Trong khi các làng quê khác, ngôi thứ của bé trai xếp ở vị trí nào trong giáp phụ thuộc vào thời điểm bố (mẹ) chúng sửa lễ đến trình hội đồng hàng giáp (vì vậy có những trường hợp, bố đứa trẻ phải mang lễ, chầu chực trước nhà của trưởng giáp cả ngày để không trượt mất vị trí của con mình sau này; trường hợp những đứa trẻ có cùng thông số trên thì giáp căn cứ vào tuổi bố, ai cao tuổi hơn thì được ở ngôi trên). Trong khi đó, ở Mậu Hòa, việc xác định ngôi thứ của đứa trẻ được thông qua việc bốc thăm (bỏ phiếu) vào quả trầu. Điều này thể hiện sự công bằng của mỗi đứa trẻ khi được giáp xác lập vị trí ngôi thứ trong giáp (được ghi trong đinh bạ).

Ở các làng Việt, bộ máy điều hành giáp là 12 lềnh - những người từ trước tuổi lên lão (tuổi cụ thể tùy từng làng) trở xuống. Trong khi đó, ở làng Mậu Hòa, 12 lềnh được lấy từ người cao tuổi nhất trong giáp xuống dưới. Quy định của giáp ở các làng khác chỉ lấy lềnh từ người 49 tuổi (hoặc 50 tuổi) trở xuống, vì trên thực tế một số người có tên trong lềnh nhưng không hoạt động vì tuổi cao, sức yếu.

Ngoài các nhiệm vụ quản lý dân đinh, sửa lễ, phục vụ tế lễ thờ thần, tổ chức tang lễ, đóng góp tu bổ các công trình công cộng như ở phần đông các làng quê khác, giáp ở làng Mậu Hòa có nhiệm vụ theo dõi việc thủy lợi (khám bờ đìa khuyến nông) - công việc rất hệ trọng với sản xuất nông nghiệp ruộng nước.

Tư liệu trên đây cho thấy, thiết chế giáp ở Mậu Hòa được tổ chức rất chặt chẽ, thể hiện văn hóa tổ chức cộng đồng khá khoa học của làng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THANH HÒA

;