Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, trong cấu trúc của mỹ học với tính cách một khoa học và trong cấu trúc của những ngành khoa học chung và các ngành nghiên cứu nghệ thuật chuyên môn, bên cạnh những phạm trù, những nguyên lý, những lý luận, những vấn đề thì những quy luật mà trước hết là những quy luật của bản thân tác động qua lại giữa yếu tố thẩm mỹ với yếu tố nghệ thuật với tính cách những hiện tượng xã hội chiếm một địa vị chủ yếu. Bản chất thực tiễn thống nhất của yếu tố thẩm mỹ và yếu tố nghệ thuật cho phép ta phân xuất được một quy luật của mối tương quan của chúng. Đó là quy luật về tính có trước và tầm rộng lớn của quá trình chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ so với hoạt động nghệ thuật, bởi vì yếu tố thẩm mỹ gắn liền một cách hữu cơ với tất cả các hình thức hoạt động trong đó có yếu tố nghệ thuật. Nghệ thuật là biểu hiện tập trung của các quan hệ thẩm mỹ.
Quy luật về tính chất siêu cá nhân của quan hệ thẩm mỹ và tính chất cá nhân sâu sắc của quan hệ nghệ thuật là gắn liền với quy luật giữa cái bộ phận và cái toàn thể. Sự khác nhau vô cùng quan trọng này có những cơ chế loại biệt của bản thân sự hình thành những quan hệ của con người đối với hiện thực làm cơ sở cho nó. Tính chất cá nhân của quan hệ của con người đối với hiện thực không thể nảy sinh trước khi bản thân cá nhân đã hình thành và sự hình thành của cá nhân là công việc của hàng vạn năm tồn tại của tập thể.
Khi nói về công xã nguyên thủy phát triển, Mác và Ăngghen đã nhấn mạnh rằng: bộ lạc đối với con người là một giới hạn cả đối với một người bộ lạc khác, cũng như đối với bản thân mình. Cá nhân tách rời hiển nhiên vẫn phụ thuộc những tình cảm, ý chí và hành vi của mình. Dù cho ở trước mắt, những con người ở thời đại ấy có vẻ đồ sộ đến đâu, họ vẫn còn chưa tách rời khỏi nhau, chưa thoát ly khỏi cái rốn của công xã nguyên thủy. Chính điều đó cũng xuất hiện hết sức cụ thể trong tính chất của sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ trong những điều kiện của ý thức huyền thoại. Ở đây sự sáng tạo mang tính chất phi cá nhân. Vì vậy, suốt thời kỳ quan hệ thị tộc nguyên thủy, nếu những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ của hoạt động con người được tạo nên bởi nhiều thế hệ của tập thể thì những kết quả lao động của các cá nhân đã hình thành, được gạn lọc. Chỉ có những phát hiện thẩm mỹ nào khách thể hóa được cuộc sống một cách hình tượng và làm cơ sở cho xu hướng chính của sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ thì mới được lựa chọn và cuối cùng có quyền tồn tại. Con người riêng rẽ trong điều kiện này đóng vai trò bảo vệ, thực hiện những quy định của hoạt động sáng tạo đã tồn tại hàng thế kỷ ở trong môi trường của tập thể.
Ở đây nảy sinh một mâu thuẫn: nếu như quan hệ thẩm mỹ là siêu cá nhân, còn quan hệ nghệ thuật là có tính chất cá nhân sâu sắc thì cái thứ nhất có thể là khách quan và chân thực một cách lộ liễu còn cái thứ hai sẽ là chủ quan và sai lầm một cách lộ liễu. Việc giải quyết những mâu thuẫn này chỉ có thể có được đối với mỹ học và một lý luận nghệ thuật dựa trên phương pháp luận duy vật biện chứng, bộc lộ một cách khoa học mối tương quan của những nhân tố chủ quan và những nhân tố khách quan trong sự phát triển của xã hội. Người ta hiểu rằng, sáng tạo nghệ thuật dù cho chủ quan đến đâu, độc đáo đến đâu cũng nằm trong quan hệ xã hội.
Như vậy, mặc dù tất cả ý nghĩa của nhân tố cá nhân chủ quan trong đời sống xã hội, những xu hướng chủ đạo trong sự phát triển của hoạt động con người, những quá trình hình thành của những hình thức hoạt động của nó là bị quy định không phải bởi cái ý muốn chủ quan của con người, mà chính là bởi cái lôgic khách quan của quá trình lịch sử, bởi sự phát triển của cái cơ sở khách quan của nó là tồn tại xã hội. Cùng với sự thay đổi những điều kiện xã hội, bản thân cuộc sống sản sinh ra sự tất yếu của việc hoán cải cấu trúc hoạt động của con người và cấp một cách mới mẻ những sắc thái cho những bộ phận tạo thành của nó. Vì vậy, khả năng có thể có sự tách rời tương đối của hoạt động nghệ thuật ở trong toàn bộ trường thẩm mỹ. Đối với ý thức và cảm nghĩ chủ quan của quan hệ thẩm mỹ con người, sự hình thành mối quan hệ cá nhân đối với thế giới làm nảy sinh hoạt động nghệ thuật, và sau đó sự hình thành những hình thức và những thể loại nghệ thuật đều được chuẩn bị ở quá trình xã hội khách quan. Dù trong hoạt động của những cá nhân đang được hình thành, chúng cũng đã xuất hiện và đang xuất hiện những quá trình sáng tạo chủ quan. Những sáng tạo này có thể là nguồn gốc quan hệ nghệ thuật của con người đối với hiện thực. Quan hệ này đã được phát triển trong những quá trình chiếm hữu hiện thực một cách thẩm mỹ. Vì thế, mọi tính độc đáo thẩm mỹ cá nhân trong sáng tạo thẩm mỹ vẫn có cơ sở xã hội của nó.
Ở một giai đoạn lịch sử nhất định của sự hình thành văn hóa, hoạt động thẩm mỹ của con người bộc lộ thành sáng tạo nghệ thuật, thành nghệ thuật. Xét theo nghĩa này, người ta có thể nói đến bản chất thẩm mỹ của nghệ thuật. Ở đây sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ có được khả năng tồn tại độc lập của mình với tính cách một loại hình đặc biệt của hoạt động con người. Sự tồn tại độc lập này không hề tách khỏi tâm lý cộng đồng, dân tộc, thời đại.
Tính chất phức tạp của sự phân tích yếu tố thẩm mỹ bị quy định bởi bản chất sinh động, độc đáo của những quan hệ thẩm mỹ trong cấu trúc của tất cả các hình thức hoạt động. Vì vậy, sự nổi bật của hoạt động thẩm mỹ trong tính đa dạng của những hình thức hoạt động xã hội là một vấn đề vô cùng khó khăn. Cách giải thích giá trị thẩm mỹ xem đó là quan hệ của con người và của thế giới sự vật ở sự hài hòa hay không hài hòa những thước đo của nó cho phép ta giải quyết nó một cách thành công. Tính chất phổ quát của yếu tố thẩm mỹ không cho phép ta quy định nó thông qua những tiêu chí bộ phận, cá biệt, vật lý, hóa học, hình học, sinh vật học… của đối tượng hay của con người. Yếu tố mỹ học không nằm bất biến chỉ ở trong một đặc tính đã cho nào. Không những thế, nó cũng không nằm cả ở trong một đối tượng toàn vẹn hay trong một con người toàn vẹn nào. Nó là cái ý nghĩa chỉ nảy sinh và tồn tại trong quan hệ đối tượng – con người, và quan hệ này là khách quan, nghĩa là nó tồn tại và nảy sinh độc lập đối với ý thức của con người. Tính chất phổ quát của quan hệ này trong khi bộc lộ ý nghĩa thẩm mỹ của nó làm thành mối quan hệ thước đo của đối tượng và thước đo của con người. Sự hài hòa của những thước đo đó là cái đẹp (cái thẩm mỹ tích cực), tình trạng mất hài hòa của những thước đo đó là cái xấu (cái thẩm mỹ tiêu cực). Chỉ có chú ý tới tất cả những cái đó thì chúng ta mới có thể phân tích cơ cấu chung của quá trình chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ, bằng cách nêu bật những đặc điểm của cấu trúc này quy định khả năng tập trung và đi sâu vào trong nghệ thuật.
Những thành tựu của mỹ học mácxít trong việc nghiên cứu cấu trúc của từng điểm nút, quá trình, thành tố riêng của hoạt động nghệ thuật (thị hiếu, phong cách, phương pháp, giá trị, tri giác….) cho phép ta hình dung một cách toàn vẹn cấu trúc trường thẩm mỹ của hoạt động con người.
Phân tích sự hình thành, phát triển cũng như những hình thức cụ thể của hoạt động nghệ thuật, có thể thấy cấu trúc hoạt động thẩm mỹ được tạo nên từ nhiều cấu trúc con và nhiều điểm nút có tính chất phức tạp. Ở những trình độ nghiên cứu chuyên sâu ta cần chú ý tới 3 quá trình:
Sự chủ thể hóa có tính chất thẩm mỹ với tính cách sự phản ánh sáng tạo của con người, tính độc đáo thẩm mỹ của hiện thực, xét cho cùng đem đến cái ý thức thẩm mỹ toàn vẹn của xã hội, là cấu trúc con đầu tiên của hoạt động thẩm mỹ. Sự chủ thể hóa thẩm mỹ bộc lộ trong mối quan hệ qua lại của bốn điểm nút cấu trúc đối tượng thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ, quá trình chủ thể hóa thẩm mỹ, sản phẩm của sự chủ thể hóa thẩm mỹ. Nó bao gồm mọi hành động của chủ thể từ việc lựa chọn cái khách thể phản ánh đến việc xây dựng chương trình, kế hoạch khách quan hóa sự hoạt động. Về bản chất của nó đó là một hoạt động tinh thần, lý tưởng. Về mặt nội dung của nó, sự chủ thể hóa thẩm mỹ là sự thống nhất của hoạt động nhận thức – thông tin, đánh giá và sáng tạo tinh thần của chủ thể. Sự chủ thể hóa thẩm mỹ là một hình thức tích cực của mối quan hệ con người với hiện thực và của sự chiếm hữu tinh thần đối với hiện thực. Nói khác đi, ở đây con người trong khi khắc phục tính chất xa lạ của thế giới bên ngoài đồng thời lại chiếm hữu nó về tinh thần, chủ thể hóa nó, biến nó thành thành tựu của thế giới tinh thần và do đó thực hiện bước đi đầu tiên trên con đường hoán cải đối tượng của tự nhiên thành sản phẩm của hoạt động xã hội. Sản phẩm này được thực hiện dưới hình thức nhận thức, tri giác cái đối tượng bên ngoài cả dưới hình thức hoán cải nó một cách lý tưởng, phân chia nó ở trong tư duy, gộp nó vào cái hệ thống của những liên hệ mới…
Chính vì vậy, sự chủ thể hóa thẩm mỹ là giai đoạn đầu tiên của sự hình thành tế bào của trường thẩm mỹ, là cái sau này lớn lên thành quan hệ nghệ thuật, quan hệ này đã gắn liền một cách hữu cơ với giai đoạn thứ hai, tức là quá trình khách thể hóa nhằm khắc phục hoàn toàn tính chất xa lạ của khách thể và chủ thể).
Sự khách thể hóa thẩm mỹ là sự thể hiện những hình thức lý tưởng, cái ý thức thẩm mỹ ở trong những phương tiện vật chất khác nhau, làm thành thế giới những sản phẩm có giá trị thẩm mỹ của xã hội. Nó chứa đựng những điểm nút cấu trúc sau đây: tác giả những phương tiện khách thể hóa thẩm mỹ, quá trình khách thể hóa thẩm mỹ, sản phẩm khách thể hóa thẩm mỹ. Sự khách thể hóa thẩm mỹ là hoạt động của con người sáng tạo, thể hiện dự định kế hoạch trong những phương tiện thẩm mỹ vật chất. Về bản chất, nó là một hoạt động sản xuất vật chất, một bước quá độ độc đáo từ tính tính cực bên trong tới tính tích cực bên ngoài, từ hoạt động tinh thần trong phạm vi ý thức của cá nhân tới hoạt động vật chất trong những hình thức tất yếu khách quan của nó. Về mặt cội nguồn, sự sản xuất vật chất là gắn liền với sự sản xuất có tính chất lý tưởng vì nó là sự biểu hiện khách quan hoạt động của chủ thể. Nhưng mối liên hệ này là gián tiếp bởi vì ở giữa sự sản xuất lý tưởng và sự thể hiện vật chất còn có một hoạt động loại biệt - hoạt động dự kiến. Hoạt động dự kiến đó là lĩnh vực chuyển sự sản xuất lý tưởng thành sự sản xuất vật chất. Một mặt, nó gắn liền với sự sáng tạo lý tưởng, với sự phát triển thêm nữa những cấu tạo tinh thần (hình tượng, ý niệm, dự định…) và mặt khác, với sự sáng tạo vật chất, với hành vi thể hiện những sản phẩm của hoạt động tinh thần dưới những hình thức vật chất. Dự án là sản phẩm loại biệt của hoạt động dự kiến. Nó có điểm giống nhau và điểm khác nhau với sản phẩm của hoạt động lý tưởng (dự định, ý niệm) cũng như với sản phẩm của sự sáng tạo vật chất (tác phẩm). Sự giống nhau với cái thứ nhất ở chỗ cũng giống như dự định, dự án là sự báo trước tác phẩm và sự khác nhau của chúng là bị quy định bởi tính chất của sự tồn tại: dự định, ý niệm đều tồn tại một cách chủ quan, trái lại dự án xuất hiện với tính cách một hiện tượng khách quan, tồn tại ở ngoài ý thức của bản thân người sáng tạo. Sự giống nhau của dự án với tác phẩm là bị quy định bởi sự tồn tại khách quan của chúng, làm cho chúng thành đối tượng của thế giới hiện thực và sự khác nhau là bị quy định và lệ thuộc vào tính chất của cái vật liệu trong đó chúng tồn tại.
Cũng như sự phản ánh đối tượng và sự chế tạo lý tưởng làm thành quá trình chủ thể hóa thẩm mỹ. Quá trình này là sự vận động đi từ cái chủ thể tới cái khách thể, từ những kiến trúc tinh thần bên trong tới những hình thức vật chất bên ngoài của sự tồn tại của chúng. Chính nhờ cái quá trình khách thể hóa mà cái trường thẩm mỹ của hoạt động con người được vật chất hóa thành một thể liên tục về không gian, thời gian của những hình thức xã hội của cái thế giới vật thể có ý nghĩa thẩm mỹ.
Vì vậy, trong cấu trúc của phương thức hoạt động thẩm mỹ những hoạt động của một xã hội phát triển ta thấy những hình thức hoạt động khác nhau có nội dung và có ý nghĩa thẩm mỹ: hoạt động xây dựng, hoạt động thể thao, công viên – vườn cây, âm nhạc, hội họa, văn học…
Xét về mặt nội dung, sự khách thể hóa thẩm mỹ là một hoạt động vật chất hóa những sức mạnh bản chất, dự định, biểu tượng, lý tưởng, mục đích của con người ở trong những hình thức hoạt động khác nhau, trong những phương tiện vật chất của chúng. Trong sự khách thể hóa thẩm mỹ diễn ra quá trình chiếm hữu hiện thực của con người. Tính chất xa lạ của thế giới bên ngoài được khắc phục ở cấp độ này không phải dưới hình thức lý tưởng nữa mà dưới hình thức vật chất, bắt những phương tiện vật chất phải phục tùng những mục đích của việc xây dựng những đối tượng xã hội mới của hiện thực (những tác phẩm nghệ thuật, những mô hình thiết kế của các sản phẩm, những công trình kiến trúc…). Không những thế, ở giai đoạn khách thể hóa bộc lộ khả năng hoạt động nghệ thuật nằm ở trong trường thẩm mỹ đã hình thành, trở thành hiện thực và một trong những tiêu chí quan trọng nhất của nghệ thuật chính là xu hướng không thể kìm hãm được của con người, của nghệ sĩ muốn khách thể hóa tri giác của mình về thế giới khách quan ở trong những phương tiện vật chất cụ thể.
Sự chủ thể hóa thẩm mỹ thứ hai là cấu trúc con hoàn thành quá trình chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ. Nó là sự phản ánh của xã hội ở những sản phẩm được thể hiện một cách thẩm mỹ, bao gồm tác phẩm nghệ thuật và sự sáng tạo toàn bộ những giá trị thẩm mỹ cũng như những hình thức phản ánh khác của con người đối với giá trị thẩm mỹ. Do lôgic phát triển của hoạt động thẩm mỹ, những sản phẩm đa dạng của sự khách thể hóa thẩm mỹ bị kéo ra khỏi lĩnh vực sản xuất để đưa vào lĩnh vực sử dụng thẩm mỹ, và từ chỗ là những sản phẩm của sự sáng tạo, nó biến thành những đối tượng của sự tri giác và đánh giá thẩm mỹ.
Nếu như sự chủ thể hóa thẩm mỹ thứ nhất là xuất phát từ những hình thức bẩm sinh, tự nhiên bị thu hút vào hệ thống hoạt động của con người thì sự chủ thể hóa thứ hai là phản ánh những hình thức nhân tạo, xã hội và nói lên sự chiếm hữu tinh thần về giá trị văn hóa – xã hội. Sự chủ thể hóa thứ hai tiêu biểu cho lĩnh vực hoạt động của những sản phẩm của sự khách thể hóa thẩm mỹ, cho quá trình thực hiễn những khả năng nằm trong những sản phẩm ấy khi các giá trị văn hóa biến thành tài sản tinh thần cá nhân (L.N.Kôgan). Về bản chất, sự chủ thể hóa thẩm mỹ thứ hai xuất hiện với tính cách một hoạt động tinh thần, lý tưởng (tri giác, đánh giá…) dưới hình thức một hoạt động vật chất về mặt sử dụng, tổ chức và thay đổi những tác phẩm đã có tính chất thẩm mỹ. Và nếu như sự sáng tạo thẩm mỹ (sự chủ thể hóa thứ nhất + sự khách thể hóa), về thực chất là một hoạt động thực tiễn tinh thần, thì việc sử dụng thẩm mỹ (sự chủ thể hóa thẩm mỹ thứ hai) về bản chất là một hoạt động thực tiễn – tinh thần của xã hội và của từng cá nhân.
Như vậy, theo cách lý giải này người ta có thể bao quát được khái niệm chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ như là một hoạt động sáng tạo – sản xuất, cũng như một hoạt động tái hiện của con người. Bởi vì, sự hình thành của trường thẩm mỹ nói chung của quan hệ thẩm mỹ và của hoạt động con người bộc lộ sự vận động của bản thân hoạt động đi từ khách thể đến chủ thể và sau đó từ xã hội với tính cách chủ thể của hoạt động tới cá nhân với tính cách chủ thể của quan hệ, có những căn cứ để xem sự sản xuất thẩm mỹ (hoạt động sản xuất và sự tiêu thụ thẩm mỹ) với tính cách chủ thể sáng tạo cũng như công chúng tiếp nhận, sử dụng. Điều này được thực hiện bằng con đường hoán cải cả các thành tố của hoạt động thẩm mỹ thành những thành tố của hoạt động nghệ thuật nhưng lại giữ lại bản thân cấu trúc với tính cách một yếu tố bất biến.
Đối tượng thẩm mỹ biến đổi thành đối tượng nghệ thuật là cái chứa đựng không những tự nhiên trong quan hệ của nó đối với con người mà cả đời sống xã hội với những hình thức chiếm hữu thẩm mỹ của nó. Sản phẩm của sự khách thể hóa thẩm mỹ thứ nhất xuất hiện với tính cách một hệ thống những dự định nghệ thuật và những hình tượng. Và nghệ sĩ là người thực hiện một sự sáng tạo hình tượng - tinh thần, tức là một cá nhân có khả năng thể hiện những dự định nghệ thuật, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tập trung ở bản thân nó cái cảm nghĩ thẩm mỹ của thế giới mà con người cảm thấy. Nói khác đi, sản phẩm của sự khách thể hóa thẩm mỹ ở trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật bị hoán cải thành một hiện tượng đặc thù là nghệ thuật trong tất cả tính chất phong phú của những hình thức của nó. Do đó, công chúng nhận được tác phẩm nghệ thuật với tính cách cái khách thể của sự chủ thể hóa thẩm mỹ thứ hai, và tác phẩm nghệ thuật đóng vai khách thể nghệ thuật, con người sử dụng những tác phẩm thẩm mỹ biến thành công chúng, cử tọa nghệ thuật thành những người xem, người nghe và những sự đánh giá nghệ thuật với tính cách phản ứng loại biệt đối với giá trị nghệ thuật.
Một sự chuyển hóa tương tự cũng xảy ra cả với các yếu tố khác của quá trình chiếm hữu thế giới biến những lý tưởng, thị hiếu, tiêu chí, phong cách thẩm mỹ… thành lý tưởng, thị hiếu, tiêu chí, phong cách nghệ thuật…
Như vậy, sự chiếm hữu thế giới một cách thẩm mỹ cũng như hoạt động nghệ thuật đều có bản chất thực tiễn thống nhất và mối quan hệ nghệ thuật với hiện thực là phát triển từ mối quan hệ thẩm mỹ. Chúng quy định sự tồn tại của một quy luật khác nữa của mỹ học đó là quy luật về tính bất biến của quan hệ thẩm mỹ và quan hệ nghệ thuật dựa trên tính bất biến của tình cảm cộng đồng và cá nhân.
Cố nhiên, trong sự biểu hiện của một cá tính tài giỏi, tính chất ngẫu nhiên vẫn đóng vai trò quan trọng. Những người có tài năng bẩm sinh như Hômer hay Pracxiten đã xuất hiện ở thời kỳ này. Cố nhiên không phải chỉ ở thời cổ đại mới có những tài năng. Song cá nhân chỉ có thể trở thành Hômer, Pracxiten với những phẩm chất này trong thời cổ đại và trong một hoàn cảnh xã hội nhất định của thời đại này mà thôi.
Như vậy, ngay ở cội nguồn của văn hóa đã bộc lộ lôgic của hoạt động nghệ thuật với tính cách phản ánh lôgic khách quan của sự phát triển của xã hội nhằm hướng dẫn hoạt động của cá nhân. Chính vì vậy, lịch sử nghệ thuật chỉ biết đến những trường hợp ít ỏi trong đó những nhà nghệ sĩ độc lập biểu lộ một tính chất chung làm người ta ngạc nhiên trong những biểu hiện xuất chúng về tư tưởng, nghệ thuật của sự sáng tạo của mình. Thí dụ nổi bật của hiện tường này là tính chất chung của nhiệt tình trong quan hệ của nghệ thuật đối với hiện thực của những bậc thày của thời kỳ Phục hưng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015
Tác giả : NGUYỄN DUY CƯỜNG