TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN VÀ LỄ KHAO LỀ THẾ LÍNH HOÀNG SA

Từ xưa đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn chiếm được vị trí thiêng liêng trong đời sống tinh thần người Việt. Trong tâm thức người Việt, nó giản dị và gần gũi, với niềm tin rằng tổ tiên là rất thiêng liêng. Họ tuy đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh, phù hộ, che chở cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn. Họ vui mừng khi con cháu gặp may mắn, và cũng quở trách khi con cháu làm những điều không nên. Trong tín ngưỡng này, đạo lý là đặc điểm nổi trội.

Ý niệm con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn được bảo tồn trong cõi tâm linh và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù sống trong nước hay nước ngoài. Có thể coi hình thức tín ngưỡng cổ truyền này là một thứ đạo thờ cúng tổ tiên. Đạo ở đây được hiểu là niềm tin ở đời sống tâm linh siêu việt, nhân sinh quan là lẽ sống, đạo lý mà cá nhân và cộng đồng nhất trí lựa chọn, tự nguyện tuân thủ. Do đó, đạo thờ tổ tiên không phải là thứ tôn giáo thông thường. Tín ngưỡng thờ tổ tiên gắn với quan niệm cho rằng: chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, là sự trở về với ông bà, tổ tiên (sống gửi, thác về). Phần hồn người đã khuất luôn hiện diện, ngự trên bàn thờ. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở người Việt đã hình thành, tồn tại, phát triển trên cơ sở quan niệm tâm linh và một nền tảng kinh tế xã hội tư tưởng khá bền vững. Có thể nói, những yếu tố tâm linh có tính bản địa, mộc mạc đã được thể chế hóa, hợp pháp hóa nhờ hệ tư tưởng Nho giáo và sự ủng hộ của các vương triều. Chính vì vậy, tín ngưỡng này đã được bảo tồn qua suốt tiến trình lịch sử nhiều biến động.

Đặc biệt, đây là hình thức tín ngưỡng được các thể chế chính trị từ xưa đến nay trân trọng thừa nhận, dù với những mức độ khác nhau. Cùng với tiến trình lịch sử của dân tộc, nó là sự bồi đắp, lắng đọng, kết tụ những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam.

Xã hội cổ truyền của người Việt cũng có những cơ sở kinh tế nhất định cho việc hình thành và duy trì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước hết, đó là nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp, môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện tín ngưỡng đa thần. Xét về phương diện kinh tế, làng xã Việt Nam đã gần như là một đơn vị độc lập và tương tự như thế, là tế bào - hộ gia đình nhỏ. Đây là nhân tố quan trọng gắn bó các thành viên của gia đình cùng một thế hệ và giữa các thế hệ. Mở rộng ra, các gia đình cư trú quần tụ theo họ và nhiều họ tập hợp thành làng. Trước làng, con người không tồn tại với tư cách cá nhân mà dưới danh nghĩa gia đình dòng họ - những đơn vị huyết thống. Có thể nói, nền kinh tế tiểu nông ấy là mảnh đất thuận lợi cho việc củng cố và phát triển ý thức dân tộc cũng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã.

Với mỗi gia đình người Việt, nơi thờ tự là linh thiêng nhất, nên bàn thờ bao giờ cũng được đặt ở chỗ trang trọng nhất của ngôi nhà. Gia đình nào đặt bàn thờ không đúng nơi trang trọng trong nhà thì thường bị chê trách, bởi như vậy là không tỏ lòng tôn trọng tổ tiên. Với những gia đình khá giả thì tủ thờ được làm bằng gỗ quý, cẩn xà cừ, khảm các hoa văn họa tiết rồng, phụng, mai, lan, cúc, trúc... Hai bên bàn thờ còn có treo liễn đối bằng gỗ, khắc chữ Hán, nói về công ơn ông bà, cha mẹ. Phía trên bàn thờ là đại tự, thường có các chữ Hán: Đức lưu quang, Đức lưu phương, Thế đức lưu truyền... Trên bàn thờ đặt lư hương, bộ đồ đèn, lư trầm, bình phong, bình hoa, bài vị, ảnh người đã khuất...

Tín ngưỡng thờ tổ tiên biểu hiện các mặt giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam, được coi là việc làm hệ trọng nhất của cá nhân, gia đình, dòng họ. Cùng với quan niệm nước là nhà, nước mất thì nhà tan, tín ngưỡng này góp phần bổ sung vun đắp cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Thờ cúng tổ tiên còn là hình thái tín ngưỡng có ý nghĩa lớn về mặt tổ chức cộng đồng trong xã hội truyền thống. Trong xã hội, con người không thể sống biệt lập, đơn độc. Theo phụ hệ, thờ cúng tổ tiên là sự nối tiếp liên tục các thế hệ: ông bà - cha mẹ - bản thân. Mỗi con người phải có trách nhiệm thờ phụng 4 đời trước: cao, tằng, tổ, khảo (kỵ, cụ, ông, bố). Thờ cúng tổ tiên đã gắn bó con người trong mối liên kết dòng họ. Với tư cách một tập thể - gồm cả người đang sống và người đã chết gắn bó với nhau về huyết thống, thờ chung một thủy tổ, gia đình, dòng tộc có sức mạnh đảm bảo giá trị tinh thần cho mỗi thành viên của nó trong làng xã.

Vai trò tổ chức liên kết cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn rõ hơn khi ta xem xét vấn đề thờ quốc tổ. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là đỉnh cao, sự thăng hoa của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Tác giả Đào Duy Anh cho rằng: “Tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn đồng bào, đều là con Lạc cháu Hồng.

Đó cũng chính là sức mạnh giúp cho dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của giặc ngoại xâm. Suốt từ TK XV, XVI đến nay, khi Hùng Vương được coi là quốc tổ, ý thức này đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc.

Các quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển luôn phải có nhu cầu cố kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện ba vấn đề. Thứ nhất là vượt qua những thử thách khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên: mưa bão, lũ, lụt, hạn hán, động đất... để xây dựng đất nước, tạo lập cuộc sống ấm no. Thứ hai là quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập tự chủ của quốc gia. Thứ ba là giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc (trong cùng cộng đồng quốc gia dân tộc) Việt Nam với những quốc gia khác trên thế giới. Một mặt phải giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, làm chỗ dựa tinh thần cho phát triển; mặt khác tiếp tục chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài để sáng tạo ra các giá trị mới, làm giàu thêm văn hóa dân tộc.

Ở một chừng mực nào đó, tín ngưỡng thờ tổ tiên, bắt rễ từ ý thức cội nguồn, nòi giống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đã tạo ra sức mạnh hỗ trợ đắc lực cho cả dân tộc ta hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ cơ bản nêu trên.

Văn hóa Đông Sơn cùng với tín ngưỡng dân gian từ xa xưa là sức mạnh tinh thần để chúng ta không bị đồng hóa về văn hóa trong suốt nhiều năm Bắc thuộc. Đó cũng là điểm tựa, cơ sở để phục hưng văn hóa dân tộc rực rỡ thời Lý, Trần. Văn hóa dân tộc (trong đó có tín ngưỡng thờ tổ tiên) có vai trò liên kết cộng đồng, nâng cao ý thức dân tộc, giúp chúng ta đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, giữ vững độc lập. Tinh thần đoàn kết, sức mạnh liên kết cộng đồng giúp chúng ta xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, kênh rạch dài hàng ngàn km để khắc phục thiên tai, làm ruộng lúa nước để tạo lập cuộc sống no ấm. Mặt khác, chúng ta còn xây dựng được hệ thống đô thị tương đối hoàn chỉnh và các địa điểm cư trú khác là không gian nhân tạo mang tính nhân văn cao.

Ngoài những tín ngưỡng truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc còn được thể hiện rõ nét thông qua các lễ hội. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội mang đậm nét truyền thống nhân văn, ý nghĩa chính trị, là mỹ tục tốt đẹp của cha ông ta.

Đảo Lý Sơn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, gồm đảo Lớn (cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Đảo có diện tích tự nhiên 9,97 km2, dân số trên 19.800 người. Toàn huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình. Theo Lê Quý Đôn: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn...” (1). Điều đó cho thấy, việc quản lý quần đảo Hoàng Sa là một chủ trương nhất quán của các chúa Nguyễn để thực thi chủ quyền của mình. Hàng năm đội thuyền Hoàng Sa đều được cắt cử thay phiên nhau ra đảo ttháng 2 - 8. Theo Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hàng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân” (2). Như vậy, hải đội Hoàng Sa vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ, để tiện luồn lách trong quần đảo có nhiều rạn san hô và bãi đá ngầm hiểm trở. Các nguồn sử liệu cho thấy, khi vào trấn nhậm vùng đất phía Nam, chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa để bảo vệ và khai thác biển Đông. Đội Hoàng Sa chính thức được thành lập từ năm nào chưa rõ, sử liệu cũ chỉ ghi “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” và chấm dứt hoạt động vào những năm thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa thường được các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa xưa (như họ Võ, Phạm…) tổ chức vào dịp cúng việc lề của họ, do cộng đồng tổ chức tại đình làng vào ngày 15 và 16 - 3 âm lịch. Đây là một lễ thức hết sức độc đáo, chỉ có ở huyện đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền trong các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa, tìm kiếm hải vật, sản vật, tuần phòng và bảo vệ biển Đông, ngay từ thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này. Hàng năm, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa làm lễ vào ngày 19 và 20 - 2 âm lịch, thời điểm những người đi lính thuở trước chuẩn bị lên thuyền ra biển. Ngoài các thành viên trong gia đình, tộc họ, trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa còn có thày pháp. Lễ vật cũng gần giống như lễ hiến tế ông bà tổ tiên, khác biệt chút ít ở các linh vị, thuyền lễ. Thuyền lễ là chiếc thuyền làm bằng giấy màu, đế là bè chuối cây, có 4 hình nộm bằng rơm (hình người đi lính Hoàng Sa), củi, gạo, vàng mã... (tựa như thuyền lễ trong lễ tống ôn). Sau khi làm lễ tại nhà thờ tộc họ, mọi người thả thuyền lễ xuống biển, với sự cầu mong những người đi lính Hoàng Sa sẽ tránh được rủi ro, bất trắc (là một hình thức cúng thế mạng, tế sống ngày trước), bởi họ thường là một đi không trở lại. Ngày nay, lễ này chỉ thuần túy là tế, không có nghĩa khao quân, nhưng tên gọi vẫn là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (và cả Trường Sa).

Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ (sau này là phường An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn). Họ là những anh hùng vô danh nhưng mãi mãi được ghi nhớ trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi hôm nay và mai sau. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển Đông, đặc biệt là đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghi lễ tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu. Đây là nghi lễ gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông của nước ta. Đây còn là một lễ thức văn hóa tín ngưỡng giàu tính nhân văn, có ý nghĩa chính trị, tỏ lòng biết ơn những người con giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc, là mỹ tục cần phải gìn giữ.

Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xây dựng con người Việt Nam trở nên hết sức bức thiết. Rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội để gìn giữ những giá trị bền vững, tinh hoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

 _______________

1. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.155.

2. Lê Minh Quốc, Nhớ Phan Huy Chú (1782-1840), nhà bách khoa toàn thư của Việt Nam, phunuonline.com.vn, 2009.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Tác giả : QUẢN HOÀNG LINH

;