TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC TRONG LỄ HỘI TRÒ TRÁM Ở TỨ XÃ, LÂM THAO, PHÚ THỌ

Huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là một vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa độc đáo của dân tộc. Ngày nay, kho tàng văn hóa đồ sộ gắn với những truyền thuyết, thần phả, thần tích, ca dao, điệu hát… gần như còn nguyên bản, kết tụ trong nhiều lễ hội, tín ngưỡng và tập tục của con người nơi đây. Lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao thể hiện rõ đặc trưng của tín ngưỡng phồn thực, mang những giá trị tốt đẹp, là ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Tín ngưỡng chính là niềm tin đã đạt tới mức ngưỡng mộ, sùng bái những đối tượng siêu hình mà con người thờ phụng. Còn khi nói đến tín ngưỡng phồn thực, nghĩa là nói đến việc duy trì và phát triển sự sống. Bên cạnh yếu tố con người, ở nước ta, cuộc sống của người dân đa số gắn với nông nghiệp lúa nước, nên rất cần mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống. Hai hình thức sản xuất lúa gạo và con người có bản chất giống nhau, đều là sự kết hợp hai yếu tố khác loại, đó là đất và trời, mẹ và cha (1). Tư duy sơ khai, ngây thơ đã dẫn con người đi đến một niềm tin tuyệt đối và sùng bái, thờ phụng việc sinh sôi nảy nở. Do vậy, biểu hiện cơ bản của tín ngưỡng phồn thực là thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối.

Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao

Miếu Trò thờ nữ thần bản thổ Ngô Thị Thanh, bà là con gái lạc hầu Ngô Quang Điện, tướng triều Hùng, có công chiêu dân lập ấp, dạy dân cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm… Tương truyền, hàng năm bà Ngô Thị Thanh tổ chức hội Trò để khuyến khích lao động và thu hút thêm người về xóm. Bà được nhân dân ở đây tôn làm nữ thần, sau khi chết nhân dân lập miếu thờ. Vào ngày 11 và 12 tháng giêng âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội tại sân miếu Trò để tưởng nhớ công ơn bà (2).

Theo một số lời kể của các cụ trong xóm Trám, lễ mật bấy giờ diễn ra vào lúc nửa đêm ngày 11 rạng ngày 12 tháng giêng, đây được xem là giờ lành, thời khắc giao hòa giữa đất trời. Một cụ cao tuổi trong làng, gia đình nề nếp, không bận tang, con cháu đầy nhà, có con trai, có uy tín trong làng, hoặc ông từ của miếu Trò sẽ được cử làm chủ lễ. Lễ tế thường bắt đầu vào trước 23 giờ ngày 11 tháng giêng, kéo dài 1 tiếng rưỡi, do 13 bô lão trong làng thực hiện. Ông từ là người cầu khấn cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, nòi giống thịnh cường, làng xóm đông vui sầm uất, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống. Buổi lễ diễn ra trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân già có, trẻ có trong niềm hân hoan chờ đợi.

Tiếp đó, cụ từ thắp hương và rước nõ - nường trên ban thượng của miếu Trò xuống, trao cho một đôi nam nữ chưa lập gia đình, khỏe mạnh, gia đình gia giáo. Nõ - nường là hai vật biểu trưng cho nam và nữ, được đặt trong 2 lần hòm, tất cả các hòm và cửa ra vào đều khóa. Linh vật này được cất giữ kỹ càng, lấy ra duy nhất một lần trong năm. Việc đặt thờ ở nơi trang trọng nhất trong miếu đã chứng tỏ sự coi trọng linh vật của người dân nơi đây. Từ trước đến nay, chỉ ông từ và đôi nam nữ được chọn có thể nhìn thấy và được sờ tận tay linh vật này.

Trước linh vị thần miếu – thần nõ nường, “đôi trò” nam thanh, nữ tú đứng sau chủ tế, hướng mặt vào nhau sẵn sàng chờ đợi lệnh diễn trò. Khi ông chủ tế hô “linh tinh tình phộc”, đồng thời hai tay khoát lên tạo thành hình chữ “V” trước trán, tất cả đèn, nến trong và ngoài miếu đều tắt hết. Khi nghe hiệu lệnh “cắc” và tiếng hô “linh tinh tình phộc”, nam hỏi “cái sự làm sao?”, nữ đáp lại “cái sự làm vầy!”. Hai người đưa hai vật linh chọc vào nhau như một hành vi tượng trưng cho việc tính giao. Cuộc hỏi - đáp và thực hiện hành vi tính giao như thế 3 lần. Mỗi lần đôi nam nữ sẽ cùng giơ nõ và nường lên, cố gắng cho chúng giao hòa với nhau. Trong đêm tối, chủ tế nghe "cạch" đủ 3 tiếng, đèn sẽ sáng trở lại, chiêng trống nổi lên để mừng và kính cáo với thần linh, thiên địa biết, lễ mật đã hoàn thành. Dân làng ở đây quan niệm, nếu đôi trai gái làm cho nõ - nường đi chệch nhau, có nghĩa đã bị thần quở phạt, năm đó làng sẽ mất mùa, làm ăn khó khăn.

Khi lễ mật hoàn tất, chủ tế hô to: “tháo khoán!”. Tất cả trai gái dự hội đứng ngoài miếu trò từng đôi một hò reo, tản vào rừng, tự do tâm sự, thực hiện hành vi tính giao, coi như đó là nghi lễ truyền giống cho đất đai, vạn vật sẽ bắt chước hành vi của con người để sinh sản sung túc, dồi dào.

Ngày nay, không còn tục tình phộc hay tháo khoán, chỉ là hò reo vui vẻ, nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh, chứa đựng ý niệm tốt đẹp nguyện vọng tha thiết nghìn đời cư dân nông nghiệp.

Trong hội làng Trò Trám, còn có lễ rước lúa thần, diễn ra sau lễ mật, cũng với mục đích cầu mùa nông nghiệp, đồng thời ca ngợi ông cha ta dạy dân trồng lúa nước. Lúa thần là những bông lúa tốt, hạt to, mẩy, được chọn cẩn thận trong năm. Lá lúa là lá mía, được cắm vào lọ lục bình đặt trên kiệu hàng cùng hoa quả, hương, sáp… Ông chủ tế được chọn là người "niên cao hữu đức", đông con cháu, có danh vọng chức sắc, gia đình hạnh phúc.

 
 
 
 Thực hiện nghi thức. Ảnh Phúc Quang

Khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng ngày 12 tháng giêng hàng năm, lễ rước lúa thần được diễn ra. Nhưng, từ chiều tối hôm trước bát hương đã được rước từ miếu ra điếm Trám để cúng tế cáo, đây chỉ là hình thức cúng đơn giản, gồm xôi gà, hoa quả cầu thần đất (thổ kỳ, thổ địa) ban phúc. Sáng ngày 12 tháng giêng, thực hiện nghi thức tế đốn, ngôi phân thứ bậc tại điếm, tục lệ chia chác nặng nề, ăn uống linh đình. Đám rước bông lúa được diễn ra qua những cánh đồng thôn xóm, đi theo con đường bờ hồ, gò vườn cũ, bờ đầm ở miếu Trò.

Như vậy, qua lễ mật và rước lúa thần, có thể thấy, nhân dân nơi đây luôn biểu dương và cổ vũ đời sống nông nghiệp, nâng cao đời sống và phát triển văn hóa mà bắt đầu từ những lễ hội mang tính chất tâm linh.

Ngoài ra, phần hội còn có trò diễn "tứ dân chi nghiệp", hay còn gọi là "bách nghệ khôi hài", được diễn ra trong lễ hội Trò Trám, nhằm tôn vinh nghề nghiệp của chính người dân làng Tứ Xã. Trò diễn như nhắc nhở mỗi làng quê, phải lấy 4 nghề ấy làm gốc. Mỗi người, mỗi nhà hãy chọn lấy một nghề để tạo dựng một cuộc sống vững bền, “có một nghề còn hơn cả một vương quốc” chính là vậy. Cái lạ, cái mới đượm chất dân gian, tình người được biểu hiện trong trò diễn. Với lối diễn xuất độc đáo, các nghệ nhân đã sử dụng lời ca, tiếng hát để truyền lại cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy.

 Giá trị văn hóa của tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội Trò Trám

Trước hết, đây là tín ngưỡng phồn thực tự sinh, nghĩa là nó không hề gắn với một thần phả, thần tích nào. Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội Trò Trám nảy sinh trong lòng đời sống của người dân, gắn với nhu cầu của chính họ.

Có thể nói, tín ngưỡng phồn thực là sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước. Những nghi thức trong lễ hội Trò Trám không ảnh hưởng từ nơi khác, điều này chứng minh xã Tứ Xã, Lâm Thao là một trong những cái nôi của nền nông nghiệp lúa nước ở nước ta.

Lễ hội Trò Trám bao hàm nhiều nghi lễ cổ (lấy giờ, lễ mật, múa linh tinh tình phộc hoạt động tính giao, rước nõ - nường, rước vía lúa, cày voi...), và cũng là lễ hội có sự tích hợp cả văn bản văn học lẫn âm nhạc. Đồng thời có nhiều trò diễn, trò chơi cực kỳ phong phú và phóng túng. Tính nghi lễ nghiêm ngặt song hành với tính hài hước và trò chơi dân dã đã khiến lễ hội Trò Trám mang những nét đặc trưng riêng biệt, không bắt gặp ở một làng quê nào khác.

Hành vi tính giao trong lễ hội Trò Trám phản ánh một cách tự nhiên bản năng của con người. Điều này chỉ thấy được ở một vài lễ hội khác như lễ hội mở cửa rừng Phú Lộc, lễ thờ đá ông đá bà ở đền Hùng...

Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội Trò Trám góp phần giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân. Khi sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh còn hạn chế thì con người tin và thờ phụng để cầu mong nhiều thứ. Hệ thống tín ngưỡng lúc bấy giờ thật đa dạng, hỗn tạp, một trong những biểu hiện đó là tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở về con người, cầu phồn thịnh trong sản xuất, thịnh vượng của mùa màng. Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Người cổ sơ, qua trực giác, tin rằng năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người đều có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy, tín ngưỡng phồn thực, với nhiều nghi thức thờ cúng, phát sinh và phát triển đa dạng trở thành một tín ngưỡng tiêu biểu và lan tỏa mạnh.

Tín ngưỡng phồn thực được biểu đạt bởi rất nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục của từng vùng mà có những cách làm và thờ những hình “giống” khác nhau. Bên cạnh những tiểu dị ấy vẫn có những cái đại đồng của văn minh nông nghiệp lúa nước. Cơ quan sinh sản của nam và nữ được hình tượng hóa thành hai vật thiêng linga và yoni, Việt hóa với cái tên nõ và nường. Nõ tượng trưng cho sinh thực khí nam, nói lên sức mạnh dương khí, sinh sản. Nường tượng trưng cho sinh thực khí nữ, biểu thị sức chứa đựng.

Đặc sắc nhất trong tín ngưỡng phồn thực ở lễ hội Trò Trám ở Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ chính là tính chất nội sinh. Trong khi đó, các lễ hội tín ngưỡng phồn thực khác, ngoài việc được gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần làng (thành hoàng), thần nông, thần nước, hoặc các vị thần khác, nó còn được gắn với các nhân thần, đó là những anh hùng lịch sử, văn hóa (vua Hùng và các tướng, Hai Bà Trưng và các tướng của Hai Bà Trưng, Lý Nam đế…).

Tín ngưỡng phồn thực trong lễ hội Trò Trám giúp chúng ta hiểu rõ hơn, thấu đáo hơn trí tuệ sâu sắc, trí tưởng tượng kỳ diệu, thế giới tâm linh sâu thẳm, khát khao hướng thiện và hướng thiêng của cha ông. Không những thế, trong tâm thức dân gian, dân tộc ta cũng tỏ rõ trí thông minh bởi sự linh hoạt mềm dẻo trong cách ứng xử giữa thiêng và tục, đạo và đời. Niềm tin vào một điều trong tâm linh luôn là một điểm tựa để con người đứng vững hơn trong sự hối hả và phức tạp của cuộc sống. Với những giá trị to lớn như vậy, chúng ta vẫn cần những hoạch định để bảo tồn lễ hội truyền thống và những giá trị văn hóa tốt đẹp, để những điều ấy không bị biến tướng thành những giá trị tầm thường, dung tục. Có lẽ, trước hết cần thay đổi từ trong nhận thức của mỗi người trong cộng đồng.

 _______________

1. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994.

2. Nhiều tác giả, Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, Sở VHTTDL Phú Thọ - Hội Văn nghệ dân gian, 2012.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : BÙI HUY TOÀN

;