Tìm giải pháp để Việt Nam phát huy “sức mạnh mềm văn hóa”

Ngày 8-4, tại Hà Nội, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo và đông đảo sinh viên.

Toàn cảnh chương trình

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) cho rằng, sức mạnh mềm văn hóa không chỉ là một khái niệm đơn thuần, mà còn là một yếu tố cốt lõi trong việc định hình hình ảnh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, và Pháp từ lâu đã khẳng định vị thế của mình thông qua sức mạnh mềm văn hóa, trong khi các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc cũng đang tích cực mở rộng ảnh hưởng văn hóa của mình. Với nền văn hóa phong phú và đa dạng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức từ việc tiếp nhận và bảo vệ bản sắc văn hóa trong quá trình hội nhập. Chương trình đối thoại "Sức mạnh mềm văn hóa" là một sự kiện quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Mục tiêu của Chương trình không chỉ là nhận thức được tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hóa, mà còn tạo một diễn đàn cùng chia sẻ kinh nghiệm, xác định các chiến lược cụ thể và đề xuất những giải pháp khả thi nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa. 

Bà Nguyễn Thị Thu Phương cũng bày tỏ hy vọng rằng không chỉ dừng lại ở việc thảo luận mà chương trình còn góp những hành động cụ thể, thiết thực, đề ra những giải pháp mới mẻ, giúp phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại chương trình, ông Franck Bolgiani - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội cho rằng, sức mạnh mềm là khái niệm quan trọng mà quốc gia nào cũng muốn khai thác, phát triển. Sức mạnh mềm văn hóa của mỗi quốc gia cần được phát triển dựa trên bản sắc của mình chứ không phải chỉ là học theo các quốc gia khác. Với nhiều nỗ lực trong những năm qua, Viện Pháp tại Việt Nam luôn mong muốn đồng hành cùng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH)và sáng tạo, trên nhiều lĩnh vực như  hoạt hình, sách, truyện tranh, các chương trình biểu diễn nghệ thuật... tại Việt Nam.

Ông Franck Bolgiani - Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội phát biểu tại chương trình

Với tham luận “Lợi ích và hạn chế của khái niệm “Sức mạnh mềm văn hóa” đối với Việt Nam và toàn cầu”, TS Frédéric Martel nhà văn, giảng viên đại học ZHdK (Zurich) cho rằng, khái niệm “Sức mạnh mềm văn hóa” từng được giáo sư kiêm cựu bộ trưởng Joseph Nye đưa ra tại Mỹ, nó tương ứng với một sự ảnh hưởng “mềm” và chủ yếu dựa trên văn hóa, tư tưởng, truyền thông hoặc công nghệ số. 

Theo ông, các quốc gia đều muốn có được quyền lực mềm này, nhưng muốn có, trước tiên phải duy trì vững chắc văn hóa mang đậm bản sắc riêng. Do vậy, điều quan trọng là xác định được giới hạn cũng như các khả năng của khái niệm này. Với một quốc gia như Việt Nam, có thể lấy cảm hứng từ đó mà gia tăng ảnh hưởng của mình ở nước ngoài, để sau đó đạt được tầm nhìn xa cải thiện hơn tại các cuộc thảo luận toàn cầu, thu hút được nhiều khách du lịch và cuối cùng là có thêm các dự án đầu tư mới dành cho văn hóa và tư tưởng. 

Dẫn chứng cho quan điểm “sức mạnh mềm có thể ở bất cứ đâu”, TS Frédéric Martel đưa ra dẫn chứng Việt Nam đã có những sản phẩm thể hiện sức mạnh mềm văn hóa, tạo ảnh hưởng trên trường quốc tế, với ẩm thực là các món phở, bún chả, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật gần đây có MV ca nhạc Bắc Bling hay bộ phim điện ảnh Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đang tạo sức hút lớn… có khả năng truyền thông điệp hòa bình với thế giới thông qua văn hóa - một kênh tạo ra ảnh hưởng và sức mạnh mềm rất hiệu quả.

Ông Frédéric Martel cũng lưu ý, văn hóa không giống các sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu, đậu phụ... mà là một sản phẩm đặc thù cần có sự bảo vệ, điều tiết để chống lại những tác động bất lợi của quy luật thị trường. Nói về những kinh nghiệm của Pháp trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa, ông Frédéric Martel cho rằng, Việt Nam cần tận dụng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, bản sắc riêng có để tạo những sản phẩm văn hóa hấp dẫn, có sức lan tỏa, nhiều lợi thế, tạo ảnh hưởng trên thế giới. Quốc gia nào - dù là phương Đông hay phương Tây - cũng đều cần vận dụng những chính sách linh hoạt để bảo hộ cho các sản phẩm văn hóa bản địa. Bằng các công cụ chính sách Nhà nước cần phải làm tốt vai trò điều tiết và hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) để làm đa dạng hóa các thực thể của nền văn hóa. Có những lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm như múa, opera, thư viện, bảo tàng... nếu nhà nước không hỗ trợ thì rất khó tồn tại. Các tổ chức xã hội dân sự và các cơ sở giáo dục cũng cần làm tốt vai trò của mình, trong đó các cơ sở giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng để đào tạo ra đội ngũ nghệ sĩ. Tất cả các yếu tố đó đều có đóng góp lớn để hình thành sức mạnh mềm văn hóa của một quốc gia. 

Ông Martel gợi ý, để  trở thành một nhân tố chủ đạo trong sức mạnh mềm toàn cầu cần phát triển mạnh mẽ thị trường văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm hơn, Việt Nam cũng cần tham gia một cách tích cực vào các tổ chức và công ước quốc tế để bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Vừa cần bảo vệ nền văn hóa trước các tác động bên ngoài, vừa phải thúc đẩy sức mạnh nội sinh từ bên trong của nền văn hóa bản địa.

TS Frédéric Martel phát biểu tại chương trình

Với tham luận “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương nhận định rằng, trong những năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam đề cao và có nhiều chính sách phát triển văn hóa. Xét về tiềm năng, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia giàu có về văn hóa với 8 trụ cột bao gồm: danh nhân và giá trị văn hóa; tổ chức văn hóa cộng đồng; không gian và nền tảng văn hóa; di sản văn hóa phi vật thể; di sản văn hóa vật thể; di sản thiên nhiên; lễ hội và sự kiện; nhân lực và sản phẩm văn hóa. Sự phối hợp giữa các kênh truyền thông, ngoại giao văn hóa và một số ngành CNVH đã từng bước tạo nên sức lan tỏa của hình ảnh quốc gia, thương hiệu địa phương và bản sắc Việt, qua đó chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam. 

Tuy nhiên, các ngành CNVH chưa phát huy được hết khả năng chuyển đổi từ các nguồn tài nguyên và thành tố thành sức mạnh mềm văn hóa. Thời gian qua, dù du lịch văn hóa và điện ảnh có nhiều tiến bộ, nhưng các ngành CNVH Việt Nam nhìn chung chưa khai thác hết các tài nguyên văn hóa để chuyển hóa thành sức mạnh mềm. Năm 2019 và 2022, CNVH sáng tạo đóng góp lần lượt 3,61% và 4,04% GDP, chưa phản ánh hết tiềm năng sức mạnh mềm. Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng (68% lao động năm 2023), trong đó tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, thị trường văn hóa trong nước cũng bị lấn át bởi sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. CNVH thiếu kết hợp sáng tạo, công nghệ, bản quyền, chưa tạo thương hiệu mạnh vươn ra quốc tế.

Để góp phần hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa bản địa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương đưa ra một số giải pháp như: Cần lựa chọn những kênh truyền dẫn phù hợp tạo sức hấp dẫn, thu hút trong quan hệ quốc tế. Cần xác định sức mạnh mềm văn hóa là công cụ chính sách đối ngoại quan trọng trong địa chính trị. Việt Nam đối mặt thách thức nhưng có động lực xây dựng khung lý thuyết chuyển hóa tài nguyên thành sức mạnh mềm. Việt Nam cần tính toán nguồn lực mềm, ưu tiên kênh truyền dẫn phù hợp để đạt mục tiêu ngắn và dài hạn. 

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế đã thảo luận, trao đổi về vai trò, vị trí của sức mạnh mềm văn hóa trong sự phát triển của quốc gia, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phát biểu bế mạc, TS Hoàng Thị Bình - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, từ kinh nghiệm quý báu mà các diễn giả chia sẻ, chương trình đã có cái nhìn tổng quan về vai trò, vị trí của sức mạnh mềm văn hóa trong sự phát triển của quốc gia, cũng như những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các ngành CNVH Việt Nam cho đến nay vẫn chưa phát huy được hết khả năng chuyển đổi từ các nguồn tài nguyên và thành tố thành sức mạnh mềm. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân trong khai thác và phát huy sức mạnh văn hóa là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đó.

Bài, ảnh: NGÔ HỒNG VÂN

;