Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII

Ngày 6-12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục làm việc ngày thứ 2. Hội nghị đã nghe hai chuyên đề: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022) và "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trong chuyên đề thứ 3, Hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt về Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay.

Qua mỗi kỳ Đại hội, dù cho cách diễn đạt có thể khác nhau, nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách khác nhau cần giải quyết trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, song về cơ bản, Đảng ta đã đề ra và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về CNH - HĐH, với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh CNH - HĐH, nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày chuyên đề thứ 3 tại Hội nghị

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh CNH - HĐH dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là từ Đại hội XII trở lại đây đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của CNH - HĐH. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết số 29, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề CNH - HĐH.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết số 29 là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH - HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nêu bật những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong thực hiện CNH - HĐH thời gian qua, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 29 đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, bám sát các quan điểm chỉ đạo nêu trên, đồng thời căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: "Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao"...

Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trong chuyên đề thứ 4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trình bày tóm tắt nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia là rất cần thiết, nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trình bày tóm tắt nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Đồng thời, việc sớm ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; đã khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất nước.

Phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.

Bước đầu đã hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao... được quan tâm đầu tư.Các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên... được bảo vệ, mở rộng, góp phần tăng đa dạng sinh học.Đã hình thành mối quan hệ, liên kết phát triển giữa các ngành, lĩnh vực, nhất là việc liên kết phát triển giữa các ngành kết cấu hạ tầng với các ngành sản xuất, kinh doanh, phát triển đô thị trong phạm vi một địa phương, tiểu vùng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức: không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; liên kết vùng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều bất cập; đầu tư phát triển vẫn còn dàn trải theo các vùng, miền; chưa tập trung nguồn lực hình thành rõ các vùng động lực đóng vai trò đi đầu và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của đất nước; chưa hình thành được bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia đồng bộ và hiện đại, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được hoàn thiện, hạ tầng năng lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển; một số công trình hạ tầng xã hội quan trọng chậm được đầu tư...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; và phát triển các hành lang kinh tế.

Các vùng động lực quốc gia được hình thành trên cơ sở lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay; từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa và phụ cận).

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia định hướng hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn và gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên phát triển các hành lang kinh tế gắn với vùng động lực quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu ứng lan tỏa…

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Kết thúc 4 chuyên đề được trình bày, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, nội dung các nghị quyết và kết luận mà Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) thông qua là rất hệ trọng; tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng; CNH - HĐH đất nước…

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng, nên trong quá trình tiến hành phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời phải cẩn trọng, có bước đi vững chắc. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết đổi mới, kiên quyết thực hiện; những vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm; những chủ trương đã thực hiện nhưng không phù hợp thì nghiên cứu, điều chỉnh sửa đổi kịp thời...

Đồng chí cũng nhấn mạnh đến vấn đề nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Sau hội nghị này, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung, tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp; giúp cho các cấp ủy tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6.

Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 6 phải được tiến hành thường xuyên, xuyên suốt nhiệm kỳ; đồng thời với việc tuyên truyền giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện; kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt. Chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết, kết luận của Trung ương bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng khẩn trương nghiên cứu cụ thể hóa nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị thành chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, có sự phân công, phân nhiệm, lộ trình thực hiện rõ ràng, hiệu quả với phương châm: Chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20. Khắc phục tình trạng "nghị quyết thì rất hay nhưng mà thực hiện thì rất gay", vài năm sau xem lại vẫn còn nguyên giá trị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết hôm nay mới chỉ là bước đầu. Tiếp theo cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện đạt kết quả cao, hiệu quả thực sự; kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, phù hợp với điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng rằng, với quyết tâm của toàn Đảng, hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân. Các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6 sẽ sớm đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi thực sự trong các lĩnh vực mà Nghị quyết, kết luận của Trung ương đề cập, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị toàn quốc (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành chương trình đề ra và bế mạc vào chiều 6-12.

NGỌC BÍCH - Ảnh: VGP

 

 

;