Là một trong những gương mặt quen thuộc của giới điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Xuân Phước được biết đến là một người khiêm tốn, gần gũi, luôn sáng tạo và tận tâm trong từng tác phẩm. Bộ phim cổ tích "Thánh Gióng" là một trong những tác phẩm ông đang trong quá trình thực hiện và đã trong giai đoạn hậu kỳ.
Khai thác về đề tài lịch sử, bộ phim là câu chuyện huyền thoại gắn liền với đời Vua Hùng thứ sáu. Thánh Gióng là sự tiếp nối hành trình làm phim đầy trăn trở, chất chứa cảm xúc và tâm huyết của đạo diễn Xuân Phước.
Đạo diễn Xuân Phước cho biết, chuyện phim dựa theo câu chuyện cổ tích kể về Thánh Gióng. Ngày xưa, ở làng Gióng (thuộc huyện Sóc Sơn), có hai vợ chồng nghèo hiền lành nhưng không có con. Một hôm, người vợ ra đồng thấy một vết chân rất to, bà đặt chân vào thử, sau đó về nhà thì mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh được một bé trai nhưng đứa trẻ lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng không biết đi.
Cảnh làm phim "Thánh Gióng"
Khi giặc Ân tràn sang xâm lược nước ta, triều đình sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài cứu nước. Nghe tiếng sứ giả, đứa bé bỗng cất tiếng nói đầu tiên, nhờ mẹ mời sứ giả đến. Gióng bảo sứ giả về tâu vua chuẩn bị cho mình một con ngựa sắt, áo giáp sắt và roi sắt. Từ đó, cậu bé lớn nhanh như thổi, ăn bao nhiêu cũng không no.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, Gióng vươn vai trở thành một tráng sĩ khổng lồ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra trận đánh tan giặc Ân. Khi roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường làm vũ khí tiếp tục chiến đấu.
Sau khi chiến thắng, Gióng không về làng mà cưỡi ngựa bay thẳng lên trời. Nhân dân lập đền thờ và tôn Gióng là Thánh Gióng, một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Thánh Gióng không chỉ là một nhân vật truyền thuyết mà còn là biểu tượng của tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
“Việc đưa câu chuyện này lên màn ảnh đòi hỏi tinh thần làm việc phải nghiêm túc và nghiên cứu kỹ lưỡng, sự tinh tế trong cách kể chuyện, đặc biệt là khả năng tái hiện một thời kỳ lịch sử xa xưa với tất cả sự hùng tráng và thiêng liêng của nó” – đạo diễn Xuân Phước chia sẻ.
Cảnh trong phim "Thánh Gióng"
Để đưa bộ phim đến với khán giả, đạo diễn và ê-kíp sản xuất phải trải qua một quá trình chuẩn bị công phu và nhiều tầng lớp thử thách. Từ khâu khảo sát, lựa chọn bối cảnh phù hợp với không gian văn hóa thời đại Hùng Vương, đến việc tuyển chọn diễn viên có thần thái và chiều sâu phù hợp với nhân vật huyền thoại. Công tác thiết kế phục trang đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng để vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa tôn trọng tính lịch sử. Bên cạnh đó, kỹ xảo điện ảnh cũng là một phần không thể thiếu để tái hiện những cảnh chiến đấu kỳ ảo, những hình ảnh mang đậm tính biểu tượng như Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vươn mình hóa thần. Tất cả những khâu này đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo và khả năng vượt qua áp lực rất lớn của cả tập thể làm phim. Chính những trăn trở, thách thức đó đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt, tiếp thêm nội lực để đạo diễn và ê-kíp kiến tạo nên một tác phẩm giàu dấu ấn và đáng nhớ.
Với bề dày kinh nghiệm và sự nhạy bén trong cảm quan nghệ thuật, hy vọng đạo diễn Xuân Phước sẽ mang đến một góc nhìn mới mẻ, vừa tôn vinh những giá trị truyền thống bằng ngôn ngữ điện ảnh, tạo nên sức hấp dẫn, sâu sắc và gần gũi đối với khán giả hôm nay.
Bộ phim thuộc dòng phim lịch sử, có thời lượng 50 phút, được khởi quay ngày 16-6-2025. Phim quy tụ 200 diễn viên, các diễn viên chính: Tony (vai sứ giả) và Henry Vig Nguyễn (vai Thánh Gióng); Cu Bin (Gióng lúc nhỏ); Trần Anh Ngọc (Gióng lúc lớn). Trường quay: Khu địa đạo Củ Chi, Rừng tre Bình Dương, Núi Dinh – Vũng Tàu…
GIẢN THANH SƠN