THƯƠNG ĐIẾM HIRADO TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI ĐÔNG Á CỦA CÔNG TY ĐÔNG ẤN ANH

Từ cuối TK XVI, sau hàng loạt các nỗ lực không mệt mỏi, người Anh đã thành công trong quá trình mở rộng mạng lưới thương mại ở phương Đông. Sau khi thiết lập được trụ sở thương mại ở Bantam, Indonesia, Công ty Đông Ấn Anh phái tàu Clove đến Nhật Bản, diện kiến chính quyền Mạc Phủ và chính thức thiết lập quan hệ thương mại với đất nước này. Công ty Đông Ấn Anh sớm giành được một số đặc quyền thương mại ở Nhật Bản, đặc biệt là sự ra đời của thương điếm Anh ở Hirado, năm 1613. Thương điếm tuy chỉ tồn tại trong 10 năm nhưng đã thể hiện những chiến lược cụ thể của người Anh trong việc thiết lập mạng lưới thương mại ở Đông Á. Mọi hoạt động của thương điếm Hirado đều không tách rời hệ thống thương mại của Công ty Đông Ấn Anh ở Đông Á.

Sự ra đời của thương điếm Hirado

Cuối TK XVI, người Anh trong quá trình tìm kiếm và mở rộng thị trường ở Viễn Đông đã xây dựng được hệ thống thương điếm ở Calcutta, Madras, Bantam, Auythaya… Trên cơ sở đó, Anh muốn mở rộng hệ thống thương điếm này đến Đông Bắc Á mà Nhật Bản là mục tiêu tiếp theo của công ty. Ngày 18-4-1611, từ Bantam, trụ sở chính của công ty Đông Ấn Anh ở phương Đông, ba tàu Clove, Thomas và Hector, dưới sự chỉ huy của John Saris, bắt đầu hành trình đến Nhật Bản (1). Tháng 6-1613, tàu Clove cập cảng Hirado và nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt từ lãnh chúa địa phương là Matsura Takanobu, người đang muốn nhanh chóng tìm kiếm những đồng minh mới để tăng sức cạnh tranh với các thế lực khác (2).

Sau khi ổn định chỗ neo đậu và tạm trú, Saris, Adams và 10 thành viên của tàu Clove đến thăm cung điện của Tướng quân Ieyasu ở tỉnh Suruga và Tướng quân Hidetada ở Edo. Saris đã gửi thư của Quốc vương James I và quà tặng lên Tướng quân Ieyasu, đệ trình những nguyện vọng kinh doanh của người Anh ở Nhật Bản. Thời điểm đó, Mạc phủ Tokugawa muốn tăng cường tiềm lực tài chính cho chính quyền đồng thời muốn thiết lập quyền lực ở Đông Á, thách thức Trung Quốc, nên đã ban hành nhiều đặc quyền kinh doanh cho người Anh (3). Một số quyền lợi đáng chú ý như người Anh được quyền kinh doanh trên khắp lãnh thổ Nhật Bản thông qua mạng lưới thương điếm; tàu được cập bến ở mọi cảng biển trên đất nước Nhật Bản; nhân viên có quyền định đoạt hàng hóa của những người Anh quá cố, giám đốc thương điếm có quyền xét xử nhân viên khi phạm tội... Đây là thuận lợi cơ bản bước đầu mà Anh đạt được ở Nhật Bản.

Sau nhiều đắn đo, suy xét, Công ty Đông Ấn Anh quyết định thành lập một thương điếm ở Hirado. Các lý do cơ bản bao gồm Hirado là một trong những cảng đầu tiên đón tàu đến từ Bantam và từ lâu, đã được mở cửa cho thương mại với vùng biển Trung Quốc. Bên cạnh đó, Anh cũng muốn cạnh tranh với thương điếm Hà Lan ở Hirado. Theo quan điểm của các nhân viên thương điếm Hirado, có hai chiến lược cần theo đuổi để chứng minh sự tồn tại của thương điếm: thứ nhất là mua lụa Trung Quốc, một loại hàng hóa có lợi nhuận lớn nhất ở Nhật Bản để thu đổi bạc, xây dựng mạng lưới thương mại nội Á. Nếu không thâm nhập được vào Trung Quốc, thương điếm Hirado có thể thu mua lụa Trung Quốc ở những thị trường Đàng Trong, Đàng Ngoài, Ayuthaya, Patani…; thứ hai, sử dụng Hirado làm cơ sở để cung cấp nhân công nam, thực phẩm và đúc súng, phục vụ tham vọng của công ty tại vùng Viễn Đông (4). Những mục tiêu này chứng tỏ, công ty đánh giá rất cao trụ sở ở Hirado và mong muốn duy trì lâu dài thương điếm này trong mạng lưới thương mại ở phương Đông.

Thương điếm Hirado của người Anh tồn tại trong thời gian ngắn nên chưa có cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh như thương điếm Zeelandia (Đài Loan) của Hà Lan hay thương điếm Macao (Trung Quốc) của Bồ Đào Nha. Hoạt động của thương điếm nằm dưới sự giám sát và quản lý của Toàn quyền Batavia thông qua một số nhân viên chính gồm Richard Cocks, Tempest Peacock, Richard Wickham, Walter Carwarden, William Eaton và Edmond Sayers. Richard Cocks là giám đốc duy nhất của thương điếm Hirado bởi kinh nghiệm thương mại vững chắc và khả năng ngôn ngữ. Cocks chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến thương điếm như nhận và thực hiện chỉ thị của Ban giám đốc Công ty Đông Ấn Anh, thực hiện các nghi thức ngoại giao với chính quyền bản địa, điều hành hoạt động mua bán hàng hóa. Khi đã thiết lập được vị trí vững chắc ở Hirado, thương điếm Anh thường xuyên gửi các chuyến tàu đi buôn bán hoặc thiết lập các quan hệ thương mại, ngoại giao với các nước khác trong khu vực Đông Á. Những nhân viên cấp cao của thương điếm sẽ được lựa chọn làm thuyền trưởng bởi họ là những người có trình độ học vấn khá cao, có kinh nghiệm thương mại, uy tín và chỉ đạo được các thủy thủ (5).

Một nghĩa vụ quan trọng và thường xuyên nhất của nhân viên thương điếm Hirado là phải gửi những bản báo cáo về trụ sở ở Bantam. Những báo cáo này thường bao gồm nhiệm vụ của thuyền trưởng, các giao dịch thương mại với Mạc phủ và lãnh chúa ở Hirado, kế hoạch kinh doanh, hóa đơn và tình hình tài chính… Tất cả nhân viên đều phải viết báo cáo để đảm bảo thông tin cung cấp sẽ đa dạng, phong phú và khách quan. Nhưng Cocks, trưởng thương điếm sẽ phải viết thường xuyên và chi tiết hơn so với các nhân viên khác. Dựa nào những báo cáo này, Công ty có những chỉ thị hoạt động tiếp theo. Ở giai đoạn đầu trong quá trình xâm nhập vào thị trường Đông Á, người Anh chưa xây dựng được mạng lưới thương mại liên hoàn nhưng chắc chắn, những thương điếm này không hề tồn tại biệt lập mà vẫn có những mối liên hệ qua lại nhất định.

Vị trí của thương điếm Hirado trong hệ thống thương mại Đông Á của người Anh

Thương điếm Hirdado không tách rời những thương điếm khác ở Đông Á. Mối quan hệ chặt chẽ này được thể hiện rất rõ trong việc thu mua và trao đổi những mặt hàng chiến lược cũng như số lượng thương thuyền hàng năm giao thương giữa các thương điếm.

Mục tiêu của người Anh khi thiết lập thương điếm ở Hirado là biến đây thành cở sở bán vải len, mặt hàng chiến lược của người Anh và những hàng hóa của châu Âu ở Nhật Bản để thu mua bạc, phục vụ cho nền thương mại nội Á. Những hàng hóa có giá trị khác là thuốc súng, đạn, vải Cambay… Số hàng này chủ yếu bán cho gia đình Matsura, các lãnh chúa láng giềng của Karatsu, Omura và Li Tan (6). Lợi nhuận từ chuyến hàng đầu tiên khiến cho đại diện của Công ty Đông Ấn Anh nhận định sai lầm về nhu cầu hàng hóa tại thị trường Nhật Bản. Thuyền trưởng John Saris khẳng định rằng, Nhật Bản có nhiều đồi núi và bị bao phủ bởi tuyết rơi nên là thị trường tiềm năng cho vải len Anh. Tuy nhiên, đây là một kế hoạch đầy ảo tưởng của những người không có nhiều kinh nghiệm thương mại ở Nhật Bản, nơi chưa bao giờ có nhu cầu lớn về vải len Anh. Thị trường này đã ngập tràn vải len, ngà voi, thiếc rẻ như ở Anh và không có nhu cầu về hạt tiêu và gia vị. Tàu thuyền đến thương điếm Hirado, trong khoảng thời gian 1613-1620, thường mang những hàng hóa rất khó bán hoặc không giá trị ở thị trường Nhật Bản. Việc bán trung bình 31 cuộn vải len mỗi năm hầu như không đủ để biến Nhật Bản thành nguồn cung cấp bạc cho Công ty Đông Ấn Anh (7).

Công ty Đông Ấn Anh, sau khi đặt được thương điếm chiến lược ở Bantam, đã sử dụng thương điếm này thành trụ sở chính để hình thành mạng lưới buôn bán liên hoàn ở vùng Đông Ấn. Từ đây, Công ty Đông Ấn Anh thường xuyên cử những đoàn thương thuyền đến Hirado để bán thương phẩm cần thiết. Ngược lại, thương điếm sẽ thu mua những sản phẩm địa phương, tập kết về Hirado, chất lên tàu và đưa đến trao đổi ở các thương điếm khác. Đây là bản chất của nền thương mại nội Á mà người Anh luôn cố gắng thiết lập. Do đó, số lượng tàu đến và đi quyết định sự thịnh suy của thương điếm. Tuy nhiên, sau khi tàu Clove rời đi, chỉ có ba tàu từ Anh, trong năm 1615 và 1616, cập bến Nhật Bản. Năm 1617, có một tàu mang hàng hóa từ Đông Nam Á, đến Hirado và phải ba năm sau mới có thêm một tàu khác tới thương điếm này. Do vậy, Công ty Đông Ấn Anh ở Bantam phải cung cấp lượng bạc rất lớn để duy trì sự tồn tại của thương điếm Hirado.

Trong khi đó, thương điếm Hirado cũng rất khó khăn trong khi tìm mua thương thuyền phục vụ cho hành trình đến Bantam hay Đông Nam Á bởi mọi tàu thuyền đều phục vụ cho nền thương mại châu Ấn thuyền. Thương điếm Hirado được chính quyền Mạc phủ cho phép thuê thuyền buồm và sử dụng châu Ấn trạng. Trong 4 năm (1614-1618), có bảy tàu từ Hirado đến Đàng Trong và Ayuthaya. Do đó, người Anh dựa vào hệ thống thuyền mành Nhật Bản để buôn bán với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm việc thuê tàu, thủy thủ và những người Nhật làm nhiệm vụ bảo vệ tàu. Trong quá trình chuẩn bị tàu De Hoope, các công việc xếp hàng, chọn và đóng gói da hươu, sản phẩm của Xiêm đều do người Nhật Bản tiến hành.

Richard Cocks gửi thư cho Thomas Smythe, ngày 15-2-1618, khẳng định: “Tôi cho rằng một phương tiện chuyên chở nhỏ sẽ không thể sử dụng cho buôn bán ở Xiêm, tốt nhất phải có các phương tiện lớn có thể chuyên chở được các sản phẩm nặng như gỗ tô mộc, da đanh. Không có thuyền to, chi phí gửi hàng sẽ rất cao… Nếu đưa thuyền của chúng ta sang sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với việc thuê thuyền của người Nhật. Lý do là chúng ta sẽ phải trả lương rất cao cho các thủy thủ và các khoản chi phí lớn khác. Nếu chúng ta dùng tàu thuê, mua bên này và sử dụng các thủy thủ Nhật thì tiền trả lương sẽ thấp    hơn” (8). Người Anh đã khắc phục những hạn chế của thương điếm Hirado thông qua sử dụng hệ thống châu Ấn thuyền. Nhờ đó, thương điếm Hirado không bị cô lập hoàn toàn mà vẫn có khả năng kết nối với những thị trường khác trong điều kiện khách quan khó khăn và tình trạng kinh doanh thiếu hiệu quả.

Khi thiết lập thương điếm ở Hirado, Công ty Đông Ấn Anh hy vọng có thể xây dựng nhịp cầu thương mại kết nối giữa Nhật Bản với thị trường Trung Quốc để xuất khẩu bạc Nhật Bản và nhập khẩu lụa Trung Quốc. Tuy nhiên, nền mậu dịch tơ lụa đổi bạc đã được người Bồ Đào Nha xây dựng thành công và khai thác rất hiệu quả. Theo Cocks, cách tốt nhất để tiếp cận Trung Quốc là thông qua Li Tan - người đứng đầu cộng đồng thương gia Trung Quốc tại Nhật Bản, một khách hàng chính của thương điếm Anh. Trong khi các nhân viên khác của thương điếm nghi ngờ mục đích của Li Tan, Cocks lại khá sốt sắng và nhiệt tình trong quan hệ với Li Tan với hy vọng ông sẽ giúp người Anh giành quyền xâm nhập vào thương mại Trung Quốc. Tuy nhiên, triều Minh đang trong tình trạng suy tàn và phải đối mặt với sự tiếm quyền của triều đại Mãn Châu nên không tập trung phát triển kinh tế ngoại thương. Li Tan không không có địa vị cao ở chính quyền nhà Minh nên không bảo đảm mở cửa cho người Anh tại Nam Kinh. Qua nhiều năm, thương điếm Hirado đã chi phí rất lớn cho quà tặng và tiền hối lộ nhưng không thu được kết quả, ngoại trừ việc thiết lập được hoạt động thương mại chính thức ở bờ biển Phúc Kiến. Trong khi đó, tiền trao cho Li Tan như để trang trải các chi phí lên đến hơn 4.826 tael bạc (9). Trước những tổn thất lớn đó, Ban giám đốc ra lệnh cho thương điếm Hirado dừng kế hoạch mua lụa của Trung Quốc mà tập trung nhập khẩu hạt tiêu vào châu Âu.

Do không thâm nhập vào được thị trường Trung Quốc, người Anh buộc phải tìm cách khác để có được tơ lụa và sa tanh. Họ quyết định cử tàu đến ở Xiêm, Đàng Trong, Ayuthaya, Patani, Campuchia, nơi thuyền mành Trung Quốc tập trung khá đông. Sau khi xem xét tình hình, Cocks quyết định thuê      một trong những Châu Ấn thuyền đi đến Đàng Trong. Ngày 18-3-1614, Peacock và Carwarden đã tham gia vào một châu Ấn thuyền là Roquan đến Hội An. Hàng hóa mang đi gồm tám bộ quần áo, một nửa bộ ngà voi, vải Cambay và 1.000 tael bạc. Hai người Anh đã dâng một lá thư của Quốc vương James I và một món quà lên Chúa Nguyễn. Thoạt đầu mọi việc diễn ra tốt đẹp, Chúa Nguyễn mua hàng hóa và đối xử rất thân thiện. Nhưng sau đó Peacock bị giết và không ai biết gì về số phận của Cawarden. Cocks đã phái Edmond Sayer và William Adams đến Hội An năm 1617 để điều tra về vụ việc và yêu cầu chính quyền chúa Nguyễn trả lại tiền. Tuy nhiên, cuộc hành trình không mang lại kết quả. Chiến lược thương mại của Anh từ Hirado đến Đàng Trong kết thúc trong bi kịch.

Năm 1614, William Adams được cử đến Xiêm để đón đầu thương mại với Trung Quốc và mua thuốc nhuộm địa phương, sản phẩm thuộc da. Nhờ đó, Cocks đã có một số thông tin quý báu về hoạt động của thương điếm Anh ở Xiêm. Ông đã chỉ thị cho Wickham chuyển thư của mình đến thuyền trưởng Jourdain ở Bantam, thông báo rằng các loại hàng hóa như gỗ nhuộm brazil, gỗ đỏ, da hươu, tơ sống, một số sản phẩm khác của Trung Hoa… đang có nhu cầu cao ở Nhật Bản. Nhật ký của Cocks ghi nhận rằng tàu trở về Hirado ngày 11-6-1615, mang được nhiều sản phẩm của Xiêm.

Tháng 9-1615, tàu Hosiander từ Xiêm, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Ralph Coppindale, cập bến Hirado. Ông gửi quà tặng đến các Tướng quân Ieyasu, Hidetada và một số quan chức khác. Coppindale quan sát và nhận thấy hàng hóa từ Xiêm, Patani, Bantam ở Nhật Bản chỉ thu được lợi nhuận ít ỏi. Ông hy vọng rằng bên cạnh lợi nhuận từ quan hệ thương mại Hirado - Trung Quốc, nếu có thể thì phải chú trọng nền thương mại với Xiêm, đồng thời phải giảm chi phí để tiếp tục việc duy trì thương điếm ở Nhật Bản. Hơn nữa, hàng hóa từ Xiêm và Patani nên được vận chuyển trên tàu của Anh hơn là trên các thuyền mành của Nhật Bản. Cocks cũng đồng quan điểm này và khẳng định, Nhật Bản có thể cung cấp bạc cho toàn bộ thương điếm của công ty ở Đông Ấn. Đó hoàn toàn không phải là dự án hão huyền nhưng do thương điếm ở Ayuthaya và Hirado đều tồn tại trong một thời gian ngắn nên kế hoạch đầy triển vọng của ông không trở thành hiện thực.

Thương điếm Hirado hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi và hiệu quả trong những năm đầu tiên. Từ năm 1617 trở đi, những cuộc xung đột nội bộ ở Nhật cùng với sự cạnh tranh quyết liệt của Hà Lan đã làm cho thương điếm trì trệ. Những chuyến hàng từ các thương điếm ở khu vực phía nam lên Hirado ngày càng thưa vắng, hoạt động thương mại với Trung Quốc không được thiết lập. Do đó, cuối năm 1622, sau 10 năm tồn tại, Giám đốc ở Bantam quyết định đóng cửa thương điếm Hirado và triệu hồi nhân viên thương điếm. Như vậy, người Anh không bị trục xuất khỏi Nhật Bản như nhiều thương gia khác mà họ chủ động rút lui khi việc kinh doanh không hiệu quả, để tập trung củng cố lại thị phần ở các thương điếm khác trong vùng Đông Ấn.

Với mong muốn thiết lập một mạng lưới thương mại liên hoàn ở Đông Á, ngoài việc trao đổi thương mại với Nhật Bản, Công ty Đông Ấn Anh ở Hirado thường xuyên tiến hành những hoạt động kết nối thương mại với thị trường Đông Nam Á như Xiêm, Đàng Trong, Patani… Tuy nhiên, do tiềm lực còn hạn chế nên những chuyến hải trình của Công ty không thu được kết quả, thậm chí còn tổn thất nặng nề cả về người và tài sản. Cùng với đó là sức ép rất lớn từ sự cạnh tranh quyết liệt của người Hà Lan khiến cho thương điếm Hirado ngày càng lâm vào tình trạng trì trệ.

Mặc dù tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng sự hiện diện người Anh cũng đã để lại những dấu ấn nhất định ở Nhật Bản. Hoạt động của thương điếm Hirado đã tạo nền tảng cơ sở để Công ty Đông Ấn Anh quay trở lại thiết lập thương mại với Nhật Bản cuối TK XVII. Bởi trong chiến lược của các công ty Đông Ấn Anh, thị trường Nhật Bản luôn có tầm quan trọng đặc biệt. Sau này, người Anh còn xác định Nhật Bản là trung tâm của mạng lưới thương mại của EIC ở Viễn Đông: “Nhật Bản là bánh lái và động cơ chính để vận hành mạng lưới thương mại vùng biển Bắc Á” (10).

______________

1. K.N.Chaudhuri, The English East India Company: The Study of an Early Joint Stock Company, 1600-1640 (Công ty Đông Ấn Anh: nghiên cứu về một công ty cổ phần đầu tiên, 1600 - 1640), Frank Cass & Co Ltd, London, 1965, p.77.

2, 4, 7. Massarella, Derek, A World Elsewhere. Europe’s Encounter with Japan in the Sixteenth and Seventeenth Centuries (Một thế giới khác ở đâu đó. Cuộc gặp gỡ giữa châu Âu và Nhật Bản trong TK XVI - XVII), New Haven and London: Yale University Press, 1990, p.98, pp.120-121, pp.126-127.

3, 8. Cocks, Richard, Diary of Richard Cocks, Cape-merchant in the English factory in Japan, 1615-1622: with Correspondence (Nhật ký của Richard Cocks, phụ trách thương điếm của Anh ở Nhật Bản, 1615 - 1622), ed. Edward Maunde Thompson, London: Hakluyt Society, 1883, p.208, 340.

5. Farrington, Anthony, The English Factory in Japan, 1613-1623 (Thương điếm Anh ở Nhật Bản, 1613 - 1623), 2 vols. London: British Library, 1991, p.1566.

6, 9. Iwao, Seiichi, Li Tan, Chief of the Chinese Residents at Hirado, Japan, in the Last Days of the Ming Dynasty (Li tan, thủ lĩnh người Hoa ở Hirado, Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của triều Minh). Memoirs of the Research Department of the Toyo Bunko 17, 1958, pp.27-83. Thời kỳ này, Tael là đơn vị thuộc hệ thống đo lường được áp dụng chủ yếu ở vùng Viễn Đông, thường được dịch là lạng hay lượng trong tiếng Việt.

10. Hoàng Anh Tuấn, Kế hoạch Đông Á và sự thất bại của Công ty Đông Ấn Anh ở Đàng Ngoài, thập niên 60 của TK XVII, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9, 2005, tr.76.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : DƯƠNG THỊ HUYỀN

;