Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội

Văn kiện Đại hội XII Đảng ta đã khẳng định: “Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.

Nhận thức được tầm quan trọng về vai trò, vị trí của công tác gia đình, trong giai đoạn hiện nay, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác gia đình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Gia đình đang ngày càng phát huy những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với các hoạt động thông tin tuyên truyền và sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn đã góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác gia đình; huy động được toàn xã hội tích cực tham gia để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch và văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể liên quan và các phường xã triển khai phối hợp thực hiện công tác gia đình. Hằng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBMTTQ thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao; UBND các xã phường triển khai nhiều hoạt động liên quan đến gia đình như: thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan, pa nô, áp phích, băng rôn, xe loa tuyên truyền và tọa đàm kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6; hội diễn, liên hoan các CLB GĐVH; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống bạo lực gia đình; các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11...; xây dựng các chương trình, kế hoạch liên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động PCBLGĐ trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương lồng ghép nội dung tuyên truyền về PCBLGĐ trong các buổi họp ở tổ dân phố, thôn và sinh hoạt câu lạc bộ Gia đình văn hóa.

Cùng với các mô hình, đề án như: "Gia đình Việt Nam phát triển bền vững", nhóm "Phụ nữ không có hội viên người thân phạm tội, mắc tệ nạn xã hội", CLB "không có trẻ em suy dinh dưỡng", đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (đề án 343), và đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” (Đề án 704); đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình... đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao kiến thức, năng lực hoạt động cộng đồng, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội từ gia đình. Đến cuối năm 2019, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 37.883/40.847 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong thời đại phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thời kỳ cách mạng 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Sự mở cửa, giao lưu giúp chúng ta tiếp nhận những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân, gia đình cùng phát triển nhưng cũng phải đối mặt với hành loạt các tệ nạn xã hội. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung không kết hôn, bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp với lối sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, lãng phí; nhiều tệ nạn xã hội đã và đang thâm nhập vào các gia đình đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên. Nhiều tệ nạn xã hội không chỉ hủy hoại sức khỏe của bản thân người mắc phải mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của mỗi gia đình, gây nguy hại cho cuộc sống gia đình cả về kinh tế và các mối quan hệ tình cảm, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội; đến đạo đức lối sống truyền thống thuần phong mỹ tục tại cộng đồng dân cư. Nếu không được kịp thời kiểm soát và xử lý có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình, làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, an toàn ở địa phương… Đây là những vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.

Để thực hiện tốt hơn nữa và nâng cao hiệu quả công tác gia đình trên địa bàn, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên của mình trước các tệ nạn của xã hội, góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội. Vì vậy, cần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, quan tâm chăm sóc lẫn nhau trong gia đình, sớm phát hiện những hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn và bảo vệ hạnh phúc gia đình. Cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình cần quan tâm đến mọi hoạt động của gia đình, giúp nhau nâng cao nhận thức, hiểu biết để có thể cùng nhau tránh xa tệ nạn xã hội. Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên hiểu sâu sắc tác hại của tệ nạn xã hội để từ đó mỗi người tự nâng cao ý thức tự giác và tích cực tham gia phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác gia đình; nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, của UBND tỉnh về công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể giải quyết những thách thức khó khăn về gia đình và công tác gia đình; phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng và các thành viên gia đình về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Đây cũng là một trong những giải pháp chủ yếu trong chương trình hành động quốc gia về PCBLGĐ đến năm 2020 của Chính phủ. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động tại gia đình, cộng đồng; phối hợp với các cơ quan truyền thông duy trì xây dựng các chuyên mục, chuyên trang; đăng tải các tin, bài. Trong đó chú trọng nội dung truyền thông, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình, giúp các gia đình có kiến thức và kỹ năng sống, chủ động phòng chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống  tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.

Thứ tư, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, có tác dụng định hướng dư luận, giáo dục cộng đồng và là giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức của xã hội, góp phần ngăn chặn nạn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về gia đình, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp đáp ứng yêu cầu quản lý, tổ chức thực hiện công tác gia đình. Ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực trong quản lý, bồi dưỡng, cung cấp nội dung về giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đời sống gia đình.

Mỗi chúng ta cần nhận thức xây dựng gia đình không chỉ là việc riêng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Sự quan tâm, hỗ trợ, động viên của các cấp, các ngành, mỗi địa phương cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống…, xây dựng gia đình thực sự hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Hãy xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thiết thực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng vào cuộc để thực hiện tốt công tác gia đình có hiệu quả, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào trong mỗi gia đình, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, gia đình hạnh phúc.

Tác giả: Nguyễn Đình Hoàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 444, tháng 11-2020

 

;