Tham vấn Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo góp phần phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô

Chiều ngày 2-10, tại Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT) tổ chức Hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội”.

Hội thảo “Tham vấn về Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội” với mục đích giới thiệu tầm nhìn Mạng lưới không gian sáng tạo tại Hà Nội, từ kết quả rà soát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội do doanh nghiệp xã hội Hanoi Grapevine thực hiện, là cơ sở để đánh giá, phân loại các Không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, các không gian hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, trình diễn, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, nhiếp ảnh, điện ảnh...; do các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức nước ngoài, các cá nhân, nhóm sáng tạo điều phối, tổ chức hoạt động; các không gian cũng phong phú về loại hình: là các bảo tàng, thư viện, không gian nghệ thuật, phòng trưng bày, trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục, quán cafe, không gian làm việc chung…

Hội thảo tham vấn các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, đại diện không gian, người thực hành sáng tạo về tiêu chí đánh giá Không gian văn hóa sáng tạo và sự phối hợp, hỗ trợ của các bên liên quan trong hoạt động của các Không gian sáng tạo, từ đó kêu gọi các đơn vị, tổ chức và tư nhân tham gia hình thành Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, kết nối các hoạt động Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội với Mạng lưới không gian sáng tạo các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn thế giới, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: "Hà Nội, một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, đã tiến bước và đang “nuôi dưỡng” các ngành công nghiệp văn hóa và tiềm năng sáng tạo của mình. Các hoạt động thực chất của Hà Nội trong 2 năm qua kể từ khi gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO là minh chứng rõ ràng cho sự tận tâm, cống hiến của thành phố trong việc khai phá sự sáng tạo như một động lực cho sự tiến bộ về xã hội, kinh tế và văn hóa. Đây thực sự là một bước tiến đáng khen ngợi hướng tới việc xây dựng một tương lai đô thị bền vững và thịnh vượng hơn". 

Các không gian sáng tạo và văn hóa đóng vai trò là trung tâm trong việc thúc đẩy kết nối giữa các nghệ sĩ, nhà sáng tạo tới cộng đồng. “Những không gian này không chỉ làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Hà Nội mà còn tạo cơ hội việc làm, tạo sức sống cho thành phố và xúc tác cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Tầm quan trọng của không gian sáng tạo đã vượt ra ngoài các địa điểm vật lý đơn thuần, làm thay đổi nhận thức về các hoạt động sáng tạo và nhấn mạnh vai trò thiết yếu của ngành công nghiệp sáng tạo trong sự phát triển toàn diện của thành phố” – ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Giám đốc Đỗ Đình Hồng cũng cho biết, "Sở VHTT Hà Nội xây dựng Bộ Tiêu chí với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa. Theo bộ tiêu chí, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định; hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức thành phố sáng tạo Hà Nội".

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS, KTS Phan Đăng Sơn đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam TS, KTS Phan Đăng Sơn cho biết: "Hiện nay, di sản lịch sử văn hóa của Hà Nội rất lớn, nhưng đánh thức được các di sản đó tham gia vào hoạt động sống động và tiếp biến phát triển công nghiệp văn hóa trong tương lai thì vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, thực hiện chương trình phát triển không gian sáng tạo, tạo lập hệ thống không gian sống động là điều vô cùng quan trọng, nếu thực hiện thành công, Hà Nội sẽ trở nên lung linh hơn, có nhiều cơ hội cho chúng ta hoạt động, thu hút được khách du lịch và làm cho người dân yêu quê hương của mình hơn. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ sẽ có cơ hội tương tác và thể hiện sự sáng tạo, phát triển bản thân, góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam đến với thế giới…".

Nêu ý kiến tại Hội thảo, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại - Giàn nhạc giao hưởng Mặt trời Vũ Cao Cường chia sẻ: "Giàn nhạc Giao hưởng Mặt trời thành lập từ năm 2017 và hoạt động đến năm 2019 phải tạm dừng do dịch COVID-19. Đến năm 2023, Giàn nhạc mới hoạt động thường xuyên. Do vậy, việc đưa ra các số liệu không gian sáng tạo văn hóa phải có từ 3 – 5 năm hoạt động là khó đáp ứng. Bên cạnh đó, đại diện một số không gian sáng tạo như Bảo tàng Hồn Đất Việt, Heritage Space… mong muốn bộ tiêu chí có thêm các nội dung về việc cơ quan Nhà nước hỗ trợ thêm về việc kết nối giữa các không gian sáng tạo văn hóa với nhau theo thế mạnh từng đơn vị và có sự hỗ trợ, hướng dẫn về pháp lý…". 

Đồng quan điểm với ông Vũ Cao Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa và nghệ thuật đương đại (VICAS), TS Nguyễn Thu Hà góp ý, bộ tiêu chí còn đang theo hướng hành chính hóa. Theo bộ tiêu chí, để tham gia mạng lưới của Thành phố, các không gian sáng tạo cần phải đảm bảo PCCC, kê khai thuế, có tư cách pháp nhân… “Với tiêu chí như vậy, trong 124 không gian văn hóa sáng tạo có bao nhiêu nơi đủ điều kiện? Theo tôi mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo cần giảm thiểu thủ tục hành chính, hoạt động trên tinh thần tự nguyện” - TS Nguyễn Thu Hà nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp không gian sáng tạo như “Mạng lưới vì một Hà Nội đáng sống”, “Complex 01”, “Tired City”, “VIC”… mong muốn khi thành lập bộ tiêu chí, để tham gia mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo của TP Hà Nội sẽ tạo thuận lợi, có định hướng về phát triển sáng tạo văn hóa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi kinh doanh.

Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Tính đến nay, với 295 thành phố từ 90 quốc gia trong thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO cùng nhau hướng tới một sứ mệnh chung, tăng cường hợp tác quốc tế, đặt sự sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong việc phát triển đô thị. Đây là một công cụ và một cam kết quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển Công nghiệp văn hóa của TP Hà Nội. Hà Nội là nơi tập trung nguồn lực sáng tạo và là nơi có số lượng không gian văn hóa sáng tạo nhiều nhất cả nước. Các không gian văn hóa sáng tạo có khả năng kết nối cộng đồng sáng tạo, lan truyền cảm hứng sáng tạo, tạo bản sắc và sức hấp dẫn cho các đô thị trên nền tảng các giá trị truyền thống, bồi dưỡng đời sống tinh thần của cộng đồng, mang lại việc làm và hỗ trợ các ngành nghề sáng tạo phát triển, giúp cho Thành phố đạt được mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững.

NGỌC BÍCH - Ảnh: NGUYỄN TRUNG

;