Tây Ninh: Đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh, năm 2023, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 5,1 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, Tây Ninh đã định vị được thương hiệu điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia, tạo được sức hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi đến với khu vực Đông Nam Bộ.

Tây Ninh là tỉnh thuộc Đông Nam Bộ, cách TP.HCM chưa đến 100km về phía Tây Bắc, cửa ngõ giao thông đường bộ, kết nối giữa Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) và TP.HCM. Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, hạ tầng du lịch, đặc biệt là kho tàng di sản văn hóa phong phú, Tây Ninh trở thành điểm sáng về du lịch khu vực Nam Bộ.

Tòa Thánh Tây Ninh - Ảnh: Vân Anh

Di sản văn hóa - dấu ấn trong du lịch tỉnh Tây Ninh

Theo thống kê, Tây Ninh hiện có 96 di tích (1 di tích cấp quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, 27 di tích cấp quốc gia, trong đó tiêu biểu là Di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và du lịch Núi Bà Đen, 68 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh). Số lượng di tích trên cho thấy, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của Tây Ninh vừa có giá trị về lịch sử, dân tộc, văn hóa, vừa đa dạng về loại hình (di chỉ khảo cổ, di tích tín ngưỡng dân gian, di tích cổ, di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, danh thắng…) thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Đứng trước những di sản văn hóa độc đáo của Tây Ninh, du khách như được đắm chìm trong bức tranh sống động giữa quá khứ và hiện tại. Sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa tâm linh và vẻ đẹp của thiên nhiên, mang tới cảm giác trang nghiêm nhưng rất đỗi yên bình. Chính cảm xúc đó đã thôi thúc du khách muốn tìm hiểu, khám phá nhiều hơn nữa văn hóa của vùng đất này.

Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn (cao 72m) tọa lạc trên đỉnh núi Bà Đen - Ảnh: Vân Anh

Ngoài hệ thống di tích dày đặc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 8 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc; Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa trống Chhay-dăm; Nghề thủ công truyền thống, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen, thành phố Tây Ninh; Lễ hội Quan lớn Trà Vong, tỉnh Tây Ninh; Nghệ thuật chế biến món ăn chay; Nghề làm muối ớt Tây Ninh. Trong đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di sản văn hóa phi vật thể chính là những giá trị gắn với cộng đồng, thể hiện bản sắc cộng đồng, không ngừng được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Bên cạnh đó, con người cũng không ngừng sáng tạo, hình thành nên những giá trị văn hóa mới, tiêu biểu như nghệ thuật chế biến món ăn chay. Hiện nay, người Tây Ninh đã chế biến được hàng trăm món ăn chay, không chỉ phục vụ nhu cầu của tín đồ đạo Cao Đài, mà đông đảo du khách thập phương đều muốn thưởng thức khi đến với vùng đất này.

Phát huy giá trị văn hóa - chìa khóa cho sự phát triển bền vững của du lịch

Du lịch không đơn thuần là việc khám phá các điểm đến mới mà sau mỗi hành trình là những câu chuyện văn hóa, dấu ấn của di sản và bản sắc của địa phương. Trong bối cảnh du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, việc phát huy giá trị văn hóa trở thành yếu tố không thể thiếu để tạo ra sự phát triển bền vững và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương trong phát huy giá trị các di tích, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Bà Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035, theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định ban hành Quy định quản lý theo Đồ án quy hoạch chung trên quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên; đồng thời tỉnh đã kêu gọi được nhà đầu tư nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hóa - tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao nhằm thu hút đầu tư, khắc phục tính thời vụ trong khai thác, phát triển du lịch; hướng tới xây dựng Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành một trung tâm du lịch đặc sắc, có chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao.

Chùa Bà - Ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa tại núi Bà Đen - Ảnh: Vân Anh

Năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục, công trình thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam nhằm chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, hiện tại vẫn đang triển khai thực hiện.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, việc truyền dạy luôn được tỉnh quan tâm, thường xuyên tổ chức thực hành trong cộng đồng, như nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được các nghệ nhân, các Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố cùng các Câu lạc bộ thực hiện. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tư nhân tổ chức các chương trình giao lưu, sinh hoạt, biểu diễn đờn ca tài tử, các nghệ nhân mở lớp truyền dạy đờn ca tài tử, chú trọng đến công tác chăm sóc, bồi dưỡng, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho phong trào, đưa đờn ca tài tử thành mục tiêu quan trọng của công tác văn hóa, văn nghệ hàng năm, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

Hiện tại, Tây Ninh định kỳ tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống (2 năm/lần): Lễ hội văn hóa, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ hội quảng bá Nghệ thuật chế biến món ăn chay, nhằm giới thiệu nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người dân Tây Ninh đến đông đảo du khách.

Món ăn chay ở Tây Ninh mang hương vị đậm đà, hình thức bắt mắt - Ảnh: Vân Anh

Những định hướng để khai thác giá trị văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch ở địa phương hiệu quả hơn trong tương lai.

Ngày 14-8-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2570/KH-UBND về Quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, các kế hoạch xác định những điểm di tích lịch sử để kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng các tuyến du lịch mới trong việc kết hợp các điểm du lịch đặc sắc của địa phương gắn với giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Để thu hút khách du lịch trong thời gian tới, tỉnh đã xác định lợi thế, tiềm năng để định hướng phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch với các nhóm sản phẩm, trong đó:

Du lịch văn hóa - lễ hội: Hình thành sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa tìm hiểu lịch sử về nguồn, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống dân tộc Khmer, dân tộc Chăm, trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và đờn ca tài tử Nam Bộ; Hội Yến Diêu Trì Cung, Hội Xuân Núi Bà Đen…

Du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử: Tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển điểm đến du lịch như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Tây Ninh tại Bời Lời…, tạo lợi thế phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác tối đa nguồn khách từ học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, khách tham quan về nguồn. Xác định các loại hình, khu vực được phép đầu tư; kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa những khu vực được phép đầu tư trong các khu di tích.

Sau đại dịch COVID-19, ngành Du lịch của nước ta nói chung và Tây Ninh nói riêng, đã có nhiều khởi sắc. Năm 2023, khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 5,1 triệu lượt khách (tăng 13,2% so với năm 2022, tăng 2% so kế hoạch); tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ (tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so kế hoạch).

Tây Ninh đặt ra mục tiêu, ước thực hiện quý I/2024, khách tham quan các khu, điểm du lịch ước đạt 2,5 triệu lượt khách, đạt 45% so kế hoạch; tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ, đạt 60% so kế hoạch (1).

Có thể nói, Tây Ninh là một điểm đến thú vị cho những ai đam mê khám phá và muốn tìm hiểu về những nét văn hóa độc đáo của vùng Nam Bộ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn giúp bảo vệ và tôn vinh những di sản quý báu của dân tộc. Đồng thời, phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa cũng giúp tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho cộng đồng địa phương.

P.V

____________________

1. Thông tin trong bài do Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh cung cấp.

;