Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng, công chúng Thủ đô và đông đảo du khách quốc tế đã có dịp được tận mắt chứng kiến Lễ Cấp sắc của dân tộc Sán Chỉ huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) qua phần trình diễn của các nghệ sĩ và đồng bào. Đây là nghi lễ có từ lâu đời dành cho người con trai Sán Chỉ mới lớn với mục đích công nhận sự trưởng thành, có tên âm khi về với ông bà tổ tiên.
Tại Lễ Cấp sắc, người thụ lễ được các thầy truyền cho những điều cần thiết để trở thành một người đàn ông có đầy đủ đức, trí, dũng thực thụ, đảm đương những công việc của gia đình và dòng tộc. Sau này nếu học tập và đạt được trình độ nhất định, được mọi người tín nhiệm có thể hành nghề thầy cúng, tham gia vào công việc của cộng đồng.
Người Sán Chỉ tổ chức nghi Lễ Cấp sắc tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, thường vào các năm tròn tuổi của người được Cấp sắc và theo thứ bậc trong gia đình. Người con trai tuổi từ 12 trở lên, đàn ông ai cũng phải qua nghi thức này, kể cả khi đã có vợ con rồi mà chưa làm lễ cũng vẫn phải làm. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 2 và 9 âm lịch.
Thông thường lễ vật trong lễ cấp sắc bao gồm 4 con lợn, mỗi con từ 1 tạ trở lên, gạo khoảng 1,5 tạ, tiền lễ thầy và rượu mời dân làng. Ngoài ra cần chuẩn bị trang phục riêng cho người làm lễ. Bên cạnh đó còn có trang phục của thầy làm lễ, chiêng, não bạt, trống, mặt nạ… do đó, việc chuẩn bị có thể lên đến vài năm, chỉ khi sẵn sàng gia chủ mới chọn ngày giờ, mời thầy làm lễ và dân làng tới chứng kiến Lễ Cấp sắc.
Thầy làm lễ được chọn phải hợp tuổi với người thụ lễ, có thể là người trong làng hoặc họ hàng gần
Để Lễ Cấp sắc diễn ra thuận lợi, cần có 5-6 thầy cùng hỗ trợ trong 3 ngày làm lễ. Thầy làm lễ được chọn phải hợp tuổi với người thụ lễ, có thể là người trong làng hoặc họ hàng gần. Lễ Cấp sắc được tổ chức liên tục cả ngày lẫn đêm, gồm nhiều lễ lớn nhỏ khác nhau bao gồm: dựng đàn ngũ đài, bàn thờ trong nhà, trình diện, lên đèn, hạ đèn, giao âm binh, lễ đặt tên âm, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình, và lễ trình diện Ngọc Hoàng…
Lễ Cấp sắc khéo dài khoảng 3 ngày đêm với khoảng 20 lễ lớn nhỏ
Trong đó, phần quan trọng nhất là tái hiện lại quá trình một đứa trẻ được đầu thai, chăm sóc, lớn lên và trưởng thành. Người được thụ lễ ngồi trên đàn ngũ đài bằng gỗ dựng ngoài trời, từ từ thả mình rơi xuống lớp chăn được trải phía dưới, được quấn kín lại, tượng trưng cho quá trình đầu thai. Sau đó chăn được thầy mở ra, người thụ lễ được cho ăn uống tượng trưng cho đứa trẻ được chăm sóc, lớn lên và trưởng thành. Cuối cùng, người thụ lễ được đưa về nhà để làm các nghi lễ khác như đội mũ áo, lễ cấp quyền, lễ giao âm binh, lễ hướng dẫn hành nghề, dâng lễ vật, tạ ơn tổ tiên và nghi thức hạ đàn. Kết thúc Lễ Cấp sắc không thể thiếu màn múa mặt nạ gỗ truyền thống và lễ khao làng chúc mừng chàng trai đã được cấp ấn, công nhận là người trưởng thành.
Người được thụ lễ ngồi trên đàn ngũ đài bằng gỗ dựng ngoài trời
Có thể nói, Lễ Cấp sắc thể hiện tính đoàn kết cộng đồng của người Sán Chỉ một cách rõ nét. Dân làng chứng kiến thời khắc người con trai Sán Chỉ được công nhận là người trưởng thành, giúp gia chủ chuẩn bị món ăn trình thần linh, dựng vũ đài, làm nhà lễ và tham gia tiệc khao làng cùng gia chủ khi nghi lễ kết thúc. Đó cũng chính là một trong những cách để lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Sán Chỉ nói chung và người dân Sán Chỉ Bảo Lạc nói riêng.
Tin, ảnh: NGÔ HUYỀN