Nét văn hóa trong Lễ hội mừng mùa của dân tộc M’Nông, tỉnh Đắk Nông

“Răm Rhơn Loch Kach Koi” được hiểu là Lễ mừng mùa của dân tộc M’Nông, tỉnh Đắk Nông. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian lâu đời, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp như: thần suối, thần sông, thần núi, thần rừng, thần cây… đã tạo ra sắc thái văn hóa riêng của đồng bào dân tộc ở tỉnh Đắk Nông nói riêng và người đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.

Lễ mừng mùa thường được thực hiện sau khi thu hoạch xong, có ý nghĩa quan trọng với mục đích cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho bon làng có được mùa vụ bội thu no đủ. Đây là nghi lễ mang ý nghĩa riêng, không những có giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng, gắn với thiên nhiên mà từ xa xưa cha ông cũng đã từng thực hiện.

Trong hệ thống nghi lễ, lễ hội của người M’Nông thì Lễ mừng mùa là một trong những lễ hội có quy mô lớn, thường được tổ chức vào mùa khô, từ tháng 1 đến 3 dương lịch, khi đã thu hoạch xong, mùa màng bội thu cũng là lúc đồng bào M'Nông tổ chức lễ cúng mừng mùa để tạ ơn. Lễ cúng mừng mùa là lễ hội lâu đời của đồng bào M’Nông nhằm tôn vinh hạt thóc mà các vị thần linh ban cho dân làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà sung túc. Trong đời sống tâm linh của người M’Nông, lễ cúng mừng mùa được xem là dịp lễ quan trọng trong năm, nhằm thể hiện sự cảm tạ của đồng bào M’Nông đối với các vị thần linh như: cúng trời đất, thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng cầu cho mưa thuận gió hòa.

Thầy cúng kêu gọi bon làng trước ngày cúng lễ

Theo truyền thống, trước khi diễn ra ngày hội, Bon làng phải bàn bạc tại nhà già làng, trưởng bon, các gia tộc có thế lực để đi đến thống nhất ngày và lễ vật dâng cúng. Lễ vật chuẩn bị gồm có heo, gà, lúa gạo, trái cây, rau củ quả, rượu cần, vòng sức khỏe… Khi họp bàn công việc tổ chức và được sự thống nhất của mọi người về ngày tháng, địa điểm, quy mô tổ chức lễ hội, già làng kể cho con cháu về ý nghĩa của việc tổ chức lễ, phân công con cháu của các bon làm công việc chuẩn bị cho lễ hội.

Già làng kêu gọi bon làng: Hỡi con cháu…! Hỡi bà con bon làng… Họ hàng bà con, bon trên, bon dưới, bon xa, bon gần. Ngày mai chúng ta sẽ làm “Lễ mừng mùa” để tạ ơn, cảm tạ trời đất, thần linh đã che chở, phù hộ cho Bon làng chúng ta có được một mùa vụ thật bội thu no đủ! Xin mỗi con cháu, bà con bon trên, bon dưới, bon xa, bon gần cùng về chuẩn bị cho buổi lễ, về chung vui ăn mừng!

Thầy cúng cắt tiết gà chuẩn bị cho cúng lễ

Trước khi diễn ra nghi thức cúng lễ, đồng bào M’Nông thường thể hiện những làn điệu hát đối đáp nhằm biểu thị tình cảm của chủ nhà khi đón khách đến tham dự. Bon khách hát rằng: Chúng tôi từ phương xa tới đây. Nghe tiếng chim Pút gọi từ ngọn cây R’nhông. Biết bon mình tổ chức lễ hội sum họp cộng đồng. Chúng tôi rủ nhau về đây sum họp. Bon chủ đáp lại rằng: Tôi ở phía Đông, anh ở phía Tây. Mình gặp nhau như cá gặp nước. Như cần lâu ngày không gặp rượu. Bon khách lại đối rằng: Anh với tôi. Như nồi với cơm. Như rượu với bã. Tôi với anh là anh em một nhà. Không có gì phải chê phải trách. Lúc đó bon chủ đáp rằng: Cái bụng ta đã thấu. Con mắt ta đã rõ, lỗ tai đã thông. Mời bon bạn đến từ phương xa. Mời cùng lên đây uống chén rượu mời. Cùng bon làng ta vào lễ hội.

Sau khi cộng đồng đã tề tựu đông đủ, già làng tiến hành nghi thức cúng, cầu các thần linh chứng giám, giúp cho bon làng làm ăn phát đạt, no ấm, đoàn kết gắn bó: Ơ… Các thần linh! Hôm nay chúng tôi làm lễ mừng mùa. Chúng tôi cho giao, xà gạc ăn trước. Chúng tôi cho rìu, cào ăn trước. Nhờ xà gạc, rìu giúp mới có lúa. Nhờ con dao, cào giúp mới có bơ. Chúng tôi trả công bằng ché rượu mới, con gà, con heo.

Khi cúng xong, già làng lấy tiết gà pha rượu phết vào các vật dụng như dao, cào, rìu, xà gạc… mời các vị tổ tiên về dự lễ mừng mùa với bà con

Khi cúng xong, già làng lấy tiết gà pha rượu phết vào các vật dụng như dao, cào, rìu, xà gạc… mời các vị tổ tiên về dự lễ mừng mùa với bà con; mong thần linh bảo vệ, phù hộ cho con cháu luôn bình an, no đủ để những năm tiếp theo, bà con, bon làng tiếp tục phấn đấu để có một vụ mùa bội thu hơn nữa, cùng đoàn kết, cùng chung sức lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu đẹp.

Tiếp sau nghi lễ cúng mùa, già làng tiến hành nghi lễ cúng sức khỏe: Ơ… Các thần linh. Hỡi các thần linh trên trời. Hôm nay các bon chúng tôi sum họp về đây. Chúng tôi vui mừng khi gặp anh em chú bác. Có bon Pi Nao, bon Bù Bir, bon Bu Ja Rah, bon Bu Dấp. Chúng ta lâu ngày mới sum họp. Mời anh cùng nhảy múa. Mời anh cùng ăn uống no say. Mong thần bảo vệ, phù hộ cho con cháu bình an, no đủ. Hỡi thần linh trên trời.

Sau đó, già làng tiến về chân cây nêu thực hiện nghi lễ theo phong tục, trao vòng sức khỏe. Những chiếc vòng đồng được già làng khấn, cầu các vị thần linh, cầu mong các thần ngự trị bên trong chiếc vòng, để những ai đeo chiếc vòng cũng gặp được nhiều may mắn, sức khỏe bình an.

Già làng tiến về chân cây nêu thực hiện nghi lễ trao vòng sức khỏe

Nghi lễ kết thúc, già làng mời dân làng diễn tấu cồng chiêng và những điệu múa xoang với những tiết mục vui tươi, rộn ràng thể hiện niềm vui sau một mùa bội thu. Khách mời cùng dân làng đã cùng nhau thưởng thức men rượu cần cùng ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Đăk Nông trong lễ mừng mùa: Ché rượu gri ngon ngọt và nồng. Ché rượu Yăng ngon ngọt và cay. Ché rượu nấu bằng hạt kê, ngon ít ai chê. Tất cả như chắt chiu, gửi gắm tình cảm của đồng bào, với những tín ngưỡng, những nét văn hóa đặc trưng truyền thống của dân tộc M’Nông.

HỒNG VÂN - Ảnh: TUẤN MINH

;