GS,TS Đinh Xuân Dũng
Lâu nay người ta biết về Tào Mạt như một người tự học, người làm chèo tài giỏi, là tác giả của bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước nổi tiếng. Nhưng với GS Đinh Xuân Dũng, Tào Mạt là một tài năng lạ, một con người hết sức đặc biệt mà ông có cơ hội gắn bó trong thời gian khá dài.
Gs Đinh Xuân Dũng và Tào Mạt làm bạn vong niên với nhau vào những năm 1980, khi đó Tào Mạt là người của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần, Đinh Xuân Dũng là Phó trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Cục tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Sau này, Tào Mạt cũng được cử về phòng Văn hóa văn nghệ, hai người trở thành thân thiết khi cùng sinh hoạt chi bộ. Khi mỗi người được phân một căn hộ trong Khu tập thể ở phố Lý Nam Đế thì càng có điều kiện gần gũi nhau. Vừa là đồng nghiệp, vừa là hàng xóm nên cả hai thường sang chơi nhà nhau, rất thân thiết. “Thực ra, tôi cũng không nắm rõ toàn bộ cuộc đời của anh Tào Mạt vào giai đoạn trước đó. Song, những ngày tháng được gần gũi anh thì tôi ấn tượng đến tận bây giờ” - GS Đinh Xuân Dũng nhớ lại. Sau đó, GS Đinh Xuân Dũng giữ vị trí Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, rồi Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu văn chương, nghệ thuật và phát triển sự nghiệp khoa học theo con đường riêng. Còn Tào Mạt cần mẫn làm nghệ sĩ chèo đến cuối đời. Vì yêu cầu công việc, GS Dũng được gặp gỡ nhiều nhân vật tài giỏi, song với ông, Tào Mạt là con người đặc biệt hiếm hoi cả về tài năng lẫn cá tính.
Tào Mạt - tác giả bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước - một tài năng lạ
Rất nhiều năm tháng đã qua đi, nhưng đến nay nhắc đến Tào Mạt, người ta nghĩ ngay đến vở chèo Bài ca giữ nước gồm 3 tập. Có thể nói, đây là một tượng đài của nghệ thuật Chèo dân tộc mà đến nay chưa tác phẩm nào vượt qua. Thế nhưng, để có được vở diễn như thế, các nghệ sĩ và nhất là cha đẻ của nó - tác giả Tào Mạt đã phải vượt qua biết bao vất vả, khó khăn.
Tập ba của bộ chèo Bài ca giữ nước, lúc đầu Tào Mạt lấy tên là Lý Nhân Tông học làm vua, sau đó đổi thành Lý Nhân Tông kế nghiệp, trong đó có nhân vật hề hoạn hết sức độc đáo và cực kỳ tâm huyết của tác giả. Khi diễn báo cáo, có người cho rằng, tập này làm quyết liệt, gai góc quá. Thậm chí, có ý kiến không đồng ý cho tập ba được ra mắt khán giả. Như vậy thì vở diễn có nguy cơ bị “đắp chiếu”.
Bài thơ Là mình bằng chữ Hán tác giả Tào Mạt tặng cho GS.TS Đinh Tiến Dũng
Nghe phong thanh đứa con của mình có khả năng không được công diễn, Tào Mạt rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí, có lúc hoảng loạn, như người mắc bệnh thần kinh. Lúc ấy vợ chồng nghệ sĩ Chèo sống trong căn hộ tập thể ở phố Lý Nam Đế, gần đó là nhà GS Đinh Xuân Dũng. Hai người thi thoảng vẫn sang nhà nhau chơi, gặp bữa thì cùng nhau ngồi vui, có gì ăn nấy, không hề khách sáo. Giai đoạn này vì buồn chán và lo âu nên Tào Mạt thường sang nhà bạn Dũng nói chuyện hàng giờ và có khi ở lại ăn bữa cơm. Nhiều hôm, đang ăn, Tào Mạt bỗng nói: “Để tớ hát chèo cho cô chú nghe nhé”. Thế là, ông hát và múa hầu như tất cả các làn điệu chèo một cách say sưa, như trên đời không còn gì khác ngoài những lời ca, điệu vũ. Bình thường, ai cũng biết Tào Mạt mê chèo. Chuyện một nghệ sĩ chèo hát trước mặt bạn bè cũng không có gì khác lạ. Song, lúc ấy cả hai vợ chồng GS Dũng đều ngạc nhiên trước sự “lên đồng” nhiệt huyết đến bất ngờ của người anh, người bạn thân. Tào Mạt còn nói: “Khi hát, người nghệ sĩ phải lấy hơi từ dạ dày lên, chứ không được hát từ cuống họng”.
Trong những ngày đó, Tào Mạt hát và múa đến mấy chục làn điệu chèo trong tâm trạng của một người không bình thường. Nhiều lúc, GS Dũng phải dừng ông lại vì thấy ông hát và diễn quá say mê trong khi sức khỏe có hạn, sợ chuyện không may xảy ra. Tào Mạt vừa hát vừa múa và trong ánh mắt, cử chỉ của ông có cái gì đó rất khác thường khiến GS Đinh Xuân Dũng nhớ mãi. Dù nhiều năm nghiên cứu về văn chương và nghệ thuật, nhưng GS Dũng cũng không biết phải gọi tên thế nào cho đúng. “Chỉ biết, đó là một tình yêu, rất lạ, lạ lắm” - GS Dũng hồi tưởng. Vợ GS Đinh Xuân Dũng là PGS văn học nên rất hiểu và quý trọng người nghệ sĩ đặc biệt này. Đến nay, đã mấy chục năm trôi qua, ông vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt của người bạn nghệ sĩ. Sau đó, bỗng dưng Tào Mạt đổ bệnh nặng.
NSND Ngọc Viễn vai hề hoạn - nhân vật độc đáo mà tác giả Tào Mạt rất tâm huyết trong tập 3 bộ chèo Bài ca giữ nước
Trở lại vở chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp, đó không chỉ là tâm huyết của tác giả Tào Mạt, mà cũng là mồ hôi của cả ê kíp dàn dựng và các diễn viên. Đồng chí Thuyên lúc đó là Đoàn trưởng Đoàn chèo Tổng Cục hậu cần khi đó nói với GS Đinh Xuân Dũng là rất muốn sửa chữa để vở chèo được ra mắt khán giả cho trọn vẹn bộ 3 Bài ca giữ nước. Mọi người bàn nhau cùng tìm cách sửa chữa. “Lúc ấy, tôi làm việc với người họa sĩ của vở diễn, tên anh là Tùng. Anh ấy thân thiết và hiểu Tào Mạt đến từng chân tơ kẽ tóc” - GS Đinh Xuân Dũng nhớ lại. GS Đinh Xuân Dũng và họa sĩ Tùng qua lại trao đổi với nhau một cách âm thầm, lặng lẽ để sửa chữa kịch bản tập 3. Sửa đến đâu, đưa xuống Đoàn chèo đến đó để các nghệ sĩ kín đáo tập luyện. Trong quá trình sửa chữa, không ai tiết lộ cho cha đẻ của vở diễn là Tào Mạt biết.
Trong vòng từ một đến hai tháng, vở diễn đã được gọt giũa chỉn chu, song vẫn giữ được ý tưởng sâu sắc của kịch bản chèo. Khi diễn báo cáo để Cục Tuyên huấn tổng duyệt, mọi người thấy “không còn gì để chê” nên đồng ý cho công diễn. Vở Lý Nhân Tông kế nghiệp được chọn tham dự Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Lúc ấy, GS Dũng là Phó trưởng phòng văn nghệ Cục Tuyên huấn đã chọn hai vở để dự thi: Lý Nhân Tông kế nghiệp (Bài ca giữ nước tập 3 của Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần) và Chiến sĩ của Đoàn Kịch nói Quân đội.
Khi đoàn lên đường vào Nghệ An tham gia hội diễn thì tác giả Tào Mạt đang ốm, phải nghỉ dưỡng bệnh ở Nam Định. “Chúng tôi đang ngồi trên ô tô vào Nghệ An dự Hội diễn thì thấy xa xa một bóng dáng gầy gò, đứng ra chặn đường. Đến gần thì mọi người nhận ra, đó chính là Tào Mạt. Tào Mạt ôm anh Thuyên và tôi rất chặt. Đôi mắt đẫm nước, anh nói: Vở này là con đẻ của mình nhưng là con nuôi của Dũng. Mọi cái tớ giao hết lại cho Dũng và Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in cảnh ấy” - GS Đinh Xuân Dũng hồi tưởng.
GS, TS Đinh Xuân Dũng trao tặng thư viện sách
GS,TS Đinh Xuân Dũng đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với hoạt động văn học, văn hóa nghệ thuật. Ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Những cuốn sách do ông viết: Đọc và nghĩ, Tìm về cội nguồn Hồ Chí Minh, Chăm lo bồi đắp, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội cụ Hồ”, Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển, Vang vọng lời nước non… được người làm nghề và độc giả đánh giá cao.
Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1985, Lý Nhân Tông kế nghiệp gây tiếng vang lớn, một cơn sóng trào trong giới làm chèo nói riêng và sân khấu nói chung. Tất cả thành viên Hội đồng giám khảo đều nhất trí cho điểm 10. Chiếc huy chương “vàng mười” đã đền đáp xứng đáng cho mồ hôi, nước mắt của tác giả Tào Mạt và các nghệ sĩ trong ê kíp sáng tạo. Theo GS Dũng, về sau trong quá trình diễn đi diễn lại nhiều lần thì các diễn viên đã diễn lại bản cũ của Tào Mạt, chỉ lược bỏ những chi tiết bị cho là gai góc.
Thành công đến, cũng là lúc Tào Mạt trở bệnh nặng, phải điều trị tại Bệnh viện 108. Lúc này, ông đã được phong danh hiệu NSND và được tặng thưởng Huân chương lao động. GS Đinh Xuân Dũng đã đề nghị với Thượng tướng Lê Khả Phiêu, khi đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh - Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị đến tận giường bệnh trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và huân chương Lao động cho Tào Mạt.
GS Đinh Xuân Dũng vẫn thương nhớ người anh, người bạn giản dị, yêu người, yêu nghề vì theo ông, cuộc đời Tào Mạt không chỉ lạ, mà còn phải chịu quá nhiều nỗi đau. Trong lúc đang ốm thập tử nhất sinh ở bệnh viện thì bỗng dưng mọi người biết tin con trai của Tào Mạt đi công tác về thăm bố nhưng đến gần sân bay Nội Bài thì gặp tai nạn, qua đời. Vợ Tào Mạt sang gặp GS Dũng nhờ giữ kín và thông báo để không ai được cho Tào Mạt biết tin đau buồn này. Vì thế, những lúc mê man, thi thoảng Tào Mạt có hỏi về con trai và thắc mắc tại sao con không vào thăm cha. Mỗi lần như vậy, mọi người đều trả lời: “Cháu đi công tác chưa về”.
Người nghệ sĩ đau ốm nhận danh hiệu NSND và huân chương mà không hề được biết, người con trai đã bỏ mình đi trước rồi. “Chúng tôi trao quà cho anh mà trong lòng cảm thấy xót xa vô cùng. Tôi thương anh Tào Mạt lắm” - GS Dũng kể lại. Không lâu sau đó, người nghệ sĩ đa tài trút hơi thở cuối cùng để lại niềm tiếc thương vô hạn cho biết bao bạn bè, đồng nghiệp. Mọi người cũng chụp một tấm ảnh kỷ niệm giây phút trao danh hiệu và huân chương cho Tào Mạt. Tấm ảnh đó, GS Dũng vẫn treo trong nhà. Tuy nhiên, khi Đài Truyền hình đến làm phim tài liệu về ông, đã mượn tấm ảnh làm tư liệu và bây giờ vẫn chưa trả.
Sinh thời, Tào Mạt rất quý bạn Dũng. Một điều đặc biệt là ông luôn hướng GS Dũng - lúc đó là cán bộ phòng Văn hóa văn nghệ trở thành một người lãnh đạo lĩnh vực văn nghệ trong quân đội. Tào Mạt viết một bài thơ bằng tiếng Hán mang tên Là mình, rồi dịch ra tiếng Việt để tặng bạn Dũng.
Chữ viết của Tào Mạt rất đẹp, thơ cũng hay. GS Dũng đã đóng khung bài thơ để nhắc mình cần cố gắng. Ông được biết, ngày nhỏ Tào Mạt đi ở đợ cho một ông chủ rất giỏi tiếng Hán và đã học lỏm từ chủ nhà. “Anh Mạt không đến trường lớp mà viết được nét chữ thảo đẹp như thế này thì đúng là con người tài hoa” - GS Dũng nhận xét. Tào Mạt khuyên Đinh Xuân Dũng hãy đam mê và tự tin vào chính mình trên con đường đã chọn, đừng sợ bất cứ một điều gì vì ông biết một người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ thì phải chịu nhiều va đập, xử lý nhiều vấn đề không hề đơn giản như mọi người nghĩ.
Với GS Đinh Xuân Dũng, Tào Mạt là con người bản lĩnh và sâu sắc. Bằng tác phẩm của mình, người nghệ sĩ muốn đi đến cùng sự thực cuộc sống, dùng Chèo để nói hết niềm vui, nỗi đau, số phận và khát vọng của con người từ xưa đến nay.
Cảnh trong vở chèo Bài ca giữ nước
NHẬT HUY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024