Sức sống của trò chơi dân gian

Nói trò chơi dân gian là để phân biệt với trò chơi nơi cung đình đài các, cũng như nói nhà tranh là để phân biệt với nhà ngói, nhà lợp tôn… Trò chơi cung đình chỉ xuất hiện khi có các vương triều, còn trò chơi dân gian đã có từ xa xưa, từ khi có con người quần tụ. Các trò chơi dân gian lúc đầu chắc hãy còn đơn giản lắm, rồi cuộc sống ngày càng phát triển, trò chơi cũng ngày càng phong phú hơn. Các trò chơi dân gian tồn tại đến bây giờ thì khó mà kể cho tường tận từ tên gọi, cách chơi, luật chơi…

 

Không gian các trò chơi dân gian trải dài từ nông thôn đến thành thị, từ miền miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây… Có trò chơi dân gian ngoài trời (đánh đu, ném còn, đánh quay, thi thả diều…); trò chơi diễn ra trên sông nước (bơi thuyền…); trò chơi diễn ra trong  nhà (đánh tam cúc, cờ tướng); trò chơi diễn ra ngoài sân (thi nhảy dây, rồng rắn, bịt mắt bắt dê…).

Về thời gian các trò chơi này trải dài từ quá khứ, hiện hữu trong cuộc sống hôm nay và sẽ còn mãi đến mai sau… Trò chơi thuộc loại xưa nhất có lẽ là trò chơi đánh đáo, đánh chắt, đánh khăng, chơi gụ… của trẻ em; trò đấu vật, vật cù…của người lớn.

Có trò chơi diễn ra hằng ngày, có trò chơi chỉ xuất hiện trong dịp Tết, trong các lễ hội (như chơi đánh đu, đấu vật, chọi trâu, thi nấu cơm, thi bắt cá dưới ao, thi bắt vịt trong vườn…).

Đối tượng người chơi thì rất đa dạng. Có trò chơi chỉ dành cho trẻ em (chơi ô ăn quan, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, chi chi chành chành, dung dăng dung dẻ…). Có trò chơi dành cho người lớn (chơi cờ tướng…). Có trò chơi dành cho các bậc thâm nho (chơi câu đối…). Nghĩa là  từ trẻ nhỏ đến các cụ già, từ người có học đến người chưa biết chữ, từ người ở vùng núi cao đến người vùng sông nước, từ thành thị đến nông thôn... đều có thể tổ chức trò chơi phù hợp với mình. Ngoài những trò chơi chung của cả nước, thì các dân tộc ít người có trò chơi đặc trưng riêng của dân tộc mình. Người Thái có trò chơi ném còn, người Cơ Tu chơi ném vòng, người H’mông thi ném lao, người Tày có trò chơi tó cối, người Mường có trò chơi đè kha…

Cái hay của trò chơi dân gian là không cần phải chuẩn bị gì nhiều, có khi chỉ cần có một góc sân, một góc giường (chơi đánh bài), một sợi dây (chơi nhảy dây), mấy cái que ngắn (chơi đánh chắt). Nghĩa là có thể bày ra các trò chơi từ các vật dụng có sẵn quanh ta.

Số lượng người chơi rất đa dạng. Có khi chỉ có một mình cũng có thể làm một trò chơi. Trường hợp này được nhà thơ Trần Đăng Khoa viết trong bài thơ Đánh tam cúc: “Bố vào lò gạch/ Mẹ ra đồng cày/ Anh đi công tác/Chị săn máy bay/ Cả nhà vắng hết/ Chỉ còn bé Giang…”. Khi chỉ còn một mình, chẳng còn ai chơi với nữa thì… “Bé đánh tam cúc/ Với con mèo khoang…”. Nghĩa là đánh tam cúc một mình. Có trò chơi cần hai người (đánh đáo, đánh cờ tướng, đấu vật), có trò chơi cần nhiều người (kéo co, bơi…)

Tác dụng của trò chơi dân gian là mua vui giải trí. Mà không phải chỉ có thế. Nhiều trò chơi vừa góp phần rèn luyện sức khoẻ vừa rèn luyện trí thông minh, nhất là đối với trẻ em. Ý thức điều này nên các trường mầm non đã tổ chức rất nhiều trò chơi cho các cháu theo tinh thần chơi mà học, học mà chơi rất có hiệu quả.

Ngày xưa, trong điều kiện thiếu thốn về vật chất và tinh thần, trò chơi dân gian là niềm vui giúp người dân quê vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay xã hội phát triển, biết bao trò chơi hiện đại đã thu hút giới trẻ… Tuy nhiên, trò chơi dân gian như chưa bị lãng quên. Đâu đó trong các ngõ quê, các trẻ nhỏ còn chơi trò này trò kia đấy thôi. Còn khi Tết đến xuân về thì khỏi phải nói, già trẻ gái trai đều rạo rực, thích thú với các trò chơi đánh đu, cờ tướng, đấu vật, đua thuyền…

Biết thế, nhưng sao vẫn cứ bâng khuâng… một mai trò chơi dân gian của muôn năm cũ sẽ đi về đâu?

 

NGUYỄN XUÂN CHÂU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

 

;