Về Ma Coong nghe tiếng trống gọi Xuân

Giữa điệp trùng Trường Sơn hùng vĩ, bên những nếp nhà xinh xắn của đồng bào dân tộc Ma Coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) không khí của mùa xuân như rộn rã, tưng bừng hơn khi nơi nơi trên các bản làng bà con đang tất bật chuẩn bị cho mùa lễ hội Đập trống năm nay.

Lễ hội Đập trống lễ hội truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Ma Coong, mỗi năm chỉ diễn ra một lần duy nhất vào đêm trăng sáng nhất của tháng Giêng (đó là đêm 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm). Tiếng trống dập dìu gọi mùa Xuân đến, tiếng trống vang xa xua đuổi những đen đủi, tà ma của năm cũ và mang đến những điều thiện lành, may mắn cho năm mới; tiếng trống mang theo ước vọng của đồng bào Ma Coong cầu mong Giàng phù hộ cho một năm có được sức khỏe, cầu mong cho núi rừng cho thật nhiều con thú, cây măng, suối khe có nhiều cá, tôm, lúa ngô đầy bồ để cuộc sống no đủ quanh năm không phải lo tới cái đói đeo bám lấy bản làng vào những ngày giáp hạt. Đó chính là ý nghĩa của lễ hội vốn đã tồn tại hàng trăm năm qua, cũng chính là lời ước nguyện của đồng bào MaCoong khi mùa Xuân đến.

Với người Ma Coong, lễ hội Đập trống là nét sinh hoạt tâm linh, tính ngưỡng đặc biệt quan trọng trong đời sống tin thần của đồng bào trên dãy trường Sơn. Đồng bào Ma Coong quan niệm rằng năm mới là lúc đất trời giao hòa, con người cùng chung nhịp đập với thiên nhiên, cho nên tiếng trống rộn ràng sẽ xua đuổi hết những điều xui xẻo, mang đến niềm vui, may mắn cho bản làng. Khi tổ chức lễ hội Đập trống, đồng bào Ma Coong chuẩn bị rất chu đáo, công kỹ ở tất cả các khâu với tâm lý hết sức thành kính và tâm trạng vô cùng mong chờ nhanh chóng đến ngày diễn ra lễ hội để cả bản làng cùng dập dịu trong tiếng trống và điệu múa nhịp nhàng. Điều quan trọng nhất đó chính là công đoạn chuẩn bị trống cho lễ hội. Theo phong tục, để chuẩn bị chiếc trống cho đêm hội, những người con khỏe mạnh nhất của bản làng Ma Coong sẽ lên rừng chọn cây chí - cúp(một loại cây thuốc quý có cấu tạo khá đặc biệt với thân cây bị rỗng ruột sống trong rừng già Trường Sơn) để dùng làm tang trống. Tang trống này sẽ được dùng năm này sang năm khác, đời này sang đời khác cho đến khi nào hỏng thì mới xin Giàng được làm Tang trống mới nhờ đó đã tránh được việc sử dụng lãng phí những thân gỗ quý của núi rừng và bảo vệ được nguồn tài nguyên cho thế hệ sau. Chính vì thế mà theo lời chủ đất Đinh Xon có những tang trống được dùng trong thời gian rất dài, có những Tang trống được sử dụng hàng chục năm. Da dùng bịt trống là da của con bò to, khỏe nhất bản được mổ trước đó nữa năm rồi gác bộ da đó lên giàn bếp để khi dùng làm trống nó sẽ tạo được tiếng trống trầm hơn, vang hơn. Trai bản lấy tấm da đó bịt lên tang trống rồi dùng dây mây già néo chặt lại bằng những chốt tre mộng già.

Cùng với việc chuẩn bị trống cho phần hội rộn vang trong đêm trăng mùa xuân thì phần linh thiêng nhất, quan trọng nhất được người Ma Coong chuẩn bị tỷ mỷ đó chính là chuẩn bị mâm cơn và các lễ vật để cúng Giàng. Trên hương án trong đêm lễ hội có các mâm cơm cúng Giàng, mỗi mâm cơn bao gồm: một líp xôi, một con gà, một ít măng rừng, hoa chuối, ngọn mây, ngọn đoác (được lấy từ núi cấm) và cá suối ( cũng được bắt lên từ suối cấm) và các sản vật của núi rừng. Trước mỗi mâm cơm là một ché rượu cần được nấu bằng men lá rừng thơm lừng và bồ nước suối trong mát. Mùa lễ hội năm nay càng thêm đủ đầy, ấm cúng hơn khi cả 18 bản trên địa bàn xã Thượng Trạch đã cùng với Chủ đất chuẩn bị các lễ vật dâng lên Giàng trông đêm hội.

Sau thời gian chuẩn bị, Lễ hội được chính thức bắt đầu lúc trời chuyển tối, khi ánh trăng huyễn hoặc giữa đại ngàn Trường Sơn cùng lòng người hướng về lễ hội. Mở đầu lễ hội là phần cúng Giàng bằng tiếng Ma Coong của Chủ đất để xin dâng lên Giàng những lễ vật của núi rừng Ma Coong, báo cáo với Giàng tình hình đời sống năm qua và cầu xin Giàng phù hộ cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, đời sống no đủ. Lúc nghi lễ cúng Giàng được hoàn tất thì cũng vào khoảng nửa đêm, lúc này đến phần hội. Đêm Cà Roòng, dưới ánh trăng huyễn hoặc của Rằm tháng Giêng, trong cái không khí lành lạnh của tiết trời những ngày đầu xuân nhưng lòng người tại lễ hội đập trống lại rộn vang, ấm áp lạ thường khi tham gia vào cuộc đập trống hân hoan được chờ đợi suốt cả một năm trời.

Tiếng trống rộn vang, dặt dìu theo điệu nhạc nhẹ nhàng, bay bổng hòa quyện vào núi rừng Ma Coong, hòa vào lòng người đắm say theo hội và tiếng trống mang theo sự nhẹ nhàng, ý tứ mà nồng hậu, đắm say của chính những người đánh trống. Khác với tiếng cồng, tiếng chiêng với âm vang lớn, có sự dứt khoát trong động tác của đồng bào tây nguyên được những bàn tay rắn chắc của những người đàn ông tạo ra thì tiếng trống của người Ma Ccoong lại ngân vang dìu dặt để quyện lòng người vào đất trời để cùng đắm say trong không khí của lễ hội. Hơn thế nữa, trong khi đập trống người đập trống còn kết hợp cả những động tác múa chân rất độc đáo và mềm mại tương ứng với từng nhịp trống được phát ra. Để đợi đến lượt mình được đập trống, mọi người cùng múa các điệu múa Ma Coong truyền thống thể hiện ước nguyện được Giàng phù hộ cho được một năm mới mùa mang tươi tốt no đủ hơn. Khi múa, đòi hỏi người múa phải khéo léo điều khiển đôi bàn tay của mình chụm lại và hướng của các ngón tay vòng xuống như hình dáng của nhánh lúa trĩu hạt lại được kết hợp với những bước chân uyển chuyễn quyện vào tiếng trống nhưng phải đưa hướng di chuyển của đôi chân từ ngoài vào trong với ước mong lúa sẽ trĩu bông cá tôm về đầy sông suối. Cứ như thế tiếng trống và điệu múa đã tạo nên sức hút đặc biệt đưa mọi người có mặt tại lễ hội xích lại gần nhau, cùng nhau hòa chung vào tiếng trống và điệu múa dập dìu của đồng bào Ma Coong cho đến khi nào trống vỡ.

Ngày nay cứ mỗi độ tháng Giêng về, núi rừng MaCoong thêm rộn rã sắc xuân với những đoàn khách thập phương nô nức hướng về miền biên cương để trẩy hội. Giờ đây, lễ hội Đập trống không chỉ còn là điểm hẹn riêng của đồng bào dân tộc Ma Coong nữa mà còn là điểm hẹn của đồng bào các dân tộc anh em. Chúng ta tham gia lễ hội Đập trống để được sống trong không khí lễ hội vẹn nguyên nhất để được hiểu các giá trị văn hóa quý báu của ông cha từ ngàn xưa được bảo tồn và phát triển qua lễ hội đập trống của đồng bào dân tộc Ma Coong. Dưới ánh trăng huyền ảo của ngày xuân, tiếng trống Ma Coong vang vọng khắp đại ngàn Trường Sơn như đánh thức đất trời, khơi dậy mạch nguồn của sự sống, gọi một mùa xuân mới đầy hứng khởi và nhiều thắng lợi mới.

 

LÊ HỮU LỢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 561, tháng 2-2024

;