Rực rỡ sắc màu trang phục các dân tộc huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

Nằm trong chuỗi các sự kiện Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai 2025, tối 23-4, tại Quảng trường huyện Mèo Vạc, đã diễn ra Lễ công nhận cây di sản Việt Nam và Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc dành cho học sinh THCS, THPT huyện Mèo Vạc.

Tại chương trình, Ban Tổ chức đã công bố quyết định và đón nhận danh hiệu “Cây Di sản Việt Nam” cho 4 cây cổ thụ gồm: 1 cây Gạo, 2 cây Đa và 1 cây Nhội. Đây là những cây cổ thụ đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của mảnh đất địa đầu Tổ quốc – thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Tiết mục nghệ thuật chào mừng tại chương trình

Tiếp nối là phần trình diễn trang phục truyền thống của các em học sinh dân tộc. Trước đó vào ngày 22-4, các em học sinh đến từ 12 trường THCS, THPT của huyện Mèo Vạc đã bước vào cuộc thi. Hội thi là dịp để các em học sinh được thể hiện những nét văn hóa truyền thống qua những bộ trang phục ấn tượng của mình, góp phần khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, ý thức gìn giữ di sản, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường, quảng bá văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc.

Trong màn trình diễn, các em học sinh đã mang đến cho người xem, du khách những bộ trang phục đặc trưng của các dân tộc với những sắc màu rực rỡ. Đó là trang phục của người Lô Lô được may và thêu hết sức cầu kỳ. Áo nữ là loại ngắn, cổ tròn, tay dài, gấu áo vừa chạm cạp quần. Thân trước và thân sau của áo trang trí các mảng màu hình tam giác, ghép lại với nhau thành các khối hình vuông. Vạt trước của áo có hai đường trang trí lớn dọc theo nẹp áo. Quần là quần ống lửng, trang trí nhiều mảng hoa văn chạy vòng quanh trục ống quần; trang phục của nam giới Lô Lô có màu chàm là chủ đạo, áo cánh ngắn lưng, quần ống rộng may từ vải bông nhuộm chàm, trên đầu nam và nữ giới cuốn một chiếc khăn dài, có tua rua màu, đính cườm hoặc quả bông nhỏ.

Hay bộ trang phục của người Tày không quá cầu kỳ nhưng vẫn mang đến vẻ thanh lịch, giản dị và trang nhã. Phụ nữ Tày thường mặc áo dài năm thân màu chàm, dáng suông, không có nhiều họa tiết trang trí. Điểm nhấn trên bộ trang phục là chiếc khăn đội đầu màu đen hoặc xanh đậm, giúp tôn lên nét mộc mạc mà duyên dáng của người phụ nữ. Ngoài ra, họ còn thắt thêm một chiếc đai vải để tạo sự gọn gàng và hài hòa. Vào các dịp lễ hội, người Tày vẫn gìn giữ và tự hào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống.

Duyên dáng với trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Cao Lan gồm áo và váy mang vẻ đẹp mộc mạc, đơn giản, song có nhiều nét đặc trưng riêng. Áo của nữ giới người Cao Lan có độ dài đến gối, thân áo được phối các màu đỏ, nâu, hồng... với màu xanh chàm, đen; Váy dài đến bắp chân, được ghép từ năm miếng vải. Cạp váy thường nhỏ hơn gấu váy, bên trong luồn chỉ màu để buộc. Đi liền với váy là thắt lưng, được dệt rất cầu kỳ, đẹp mắt với nhiều hình hoa văn phối các màu xen kẽ…

Trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Pà Thẻn, thần lửa là vị thần thiêng liêng của dân tộc. Xuất phát từ quan niệm đó, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ làm màu sắc chủ đạo. Đặc biệt, trang phục phụ nữ được làm khá kỳ công, gồm: váy, áo, khăn đội đầu, thắt lưng… Với bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, những phụ nữ dân tộc Pà Thẻn đã làm nên bộ trang phục rực rỡ và độc đáo, thể hiện vẻ đẹp đặc trưng và rực rỡ.

Phần thi trình diễn năng khiếu của học sinh các trường THCS, THPT ở huyện Mèo Vạc

Là dân tộc chiếm số đông tại Mèo Vạc, trang phục của người dân tộc Mông chủ yếu được làm từ vải lanh, dệt thủ công, trong đó cây lanh do chính người dân trồng. Vải lanh không chỉ bền mà còn rất thoáng mát, phù hợp với khí hậu lạnh giá của vùng núi, giúp người dân dễ sinh hoạt, làm việc nương rẫy.

Trang phục của phụ nữ người Mông Hoa (hay còn gọi là Mông Lềnh) rực rỡ và sặc sỡ với nhiều gam màu tươi sáng như đỏ, xanh lá cây, vàng. Trang phục của họ có nhiều lớp, từ áo khoác ngắn, váy dài, tạp dề đến khăn quấn đầu, tất cả đều thêu hoa văn phức tạp, tỉ mỉ. Trang phục nam đơn giản hơn nữ, gồm áo, quần, thắt lưng và mũ. Áo cổ tròn, không may vai, xẻ tà hai bên hông, cúc vải truyền thống, có túi hai bên. Màu chủ đạo là chàm hoặc đen...

Đan xen trong phần trình diễn trang phục, các em học sinh THCS, THPT thuộc huyện Mèo Vạc đã mang đến cho người xem những thanh âm của nhạc cụ truyền thống và điệu múa độc đáo của các dân tộc vùng đất này. Trong đó là phần trình diễn múa khèn, hòa tấu âm nhạc, hát then đàn tính… đã mang đến nhiều ấn tượng đối với khán giả và du khách.

Ban Tổ chức trao giải cho đại diện các trường tham gia Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc huyện Mèo Vạc năm 2025

Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, dân tộc Tày, đến từ trường THCS xã Yên Sơn chia sẻ sau buổi trình diễn: “Chúng em rất vinh dự khi được tham gia Hội thi, đặc biệt là được tham gia tiết mục năng khiếu hát và đàn Tính. Đây là một trong những âm nhạc đặc trưng của đồng bào Tày chúng em, chính vì thế em thấy vui khi được giới thiệu với những người bạn và các dân tộc khác về nét văn hóa này. Để tham gia tiết mục, em đã phải học và tập khá lâu từ các nghệ nhân trong xã. Rất may là em đã hoàn thành tốt phần thi của mình. Thông qua tiết mục và chương trình em càng hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo của dân tộc chúng em. Đồng thời em cũng được giao lưu, học hỏi về trình diễn văn hóa với các bạn của nhiều trường trong huyện Mèo Vạc”.  

Kết thúc Hội thi trình diễn trang phục các dân tộc huyện Mèo Vạc năm 2025, Ban Tổ chức đã trao: 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 6 giải Triển vọng; 2 giải Phụ (Trang phục đẹp và thuyết trình hay nhất; Năng khiếu hay nhất).

 BÍCH NGỌC, HỒNG VÂN - Ảnh: TUẤN MINH

;