Trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui”

Chiều ngày 23-4-2025, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra khai mạc trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui”. Trưng bày chuyên đề là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Các đại biểu tham quan triển lãm – Cổng TTĐT Bộ VHTTDL

 

Tới dự lễ khai mạc có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương…

Với hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” giới thiệu tới công chúng về hành trình vinh quang đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi huy hoàng, non sông thu về một mối. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Phát biểu tại trưng bày, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui”, giúp công chúng hiểu thêm về ý nghĩa, tầm vóc và giá trị thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 trong lịch sử dân tộc. Qua đó, khơi dậy hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần bồi đắp niềm tin của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Trưng bày chuyên đề “Đất nước trọn niềm vui” gồm 3 phần:

Phần I: Khát vọng hòa bình, giới thiệu những bức ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về các mốc sự kiện của đất nước: đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Theo tinh thần Hiệp định, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc và sẽ thống nhất bằng một cuộc Tổng tuyển cử tự do vào tháng 7-1956; đế quốc Mỹ đã ra sức phá hoại Hiệp định, từng bước leo thang xâm lược Việt Nam. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết không thỏa hiệp, quyết tâm đấu tranh để thống nhất đất nước, đạt được một nền hòa bình thật sự. Giữa lúc cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Cả nước đã biến đau thương thành sức mạnh, liên tiếp giành được nhiều thắng lợi quân sự, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Từ Hiệp định này, quân Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cuộc kháng chiến.

Phần II: Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giới thiệu những bức ảnh, tài liệu, hiện vật về các mốc sự kiện quan trọng: Sau Hiệp định Paris, Mỹ và chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa vẫn ngoan cố, không thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết. Ngược lại, ta kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được tiến hành. Ngày 30-4-1975, sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”, quân và dân ta đã đập tan bộ máy ngụy quyền do Mỹ dựng lên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Phần III: Việt Nam - vươn tới những tầm cao, giới thiệu những bức ảnh, tài liệu, hiện vật về thời kỳ mới của dân tộc như trong 10 năm đầu sau khi đất nước hòa bình, thống nhất: Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn, lòng tin của Nhân dân bị xói mòn vào đầu những năm 1980. Đường lối Đổi mới được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12-1986 đề ra đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Đổi mới đã làm thay đổi bộ mặt, vị thế của đất nước, kinh tế tăng trưởng, văn hóa phát triển, xã hội ngày càng trở nên năng động và có bước chuyển mình kỳ diệu. Sự chuyển đổi đã giải phóng lực lượng sản xuất, khơi dậy và phát huy được nguồn lực của các thành phần kinh tế, mở ra cơ hội phát triển cho các ngành nghề - lĩnh vực, cơ hội làm giàu cho mỗi người Việt Nam, vì sự phồn vinh của đất nước.

Trưng bày chuyên đề mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh kéo dài đến 10-8-2025.

Các tài liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm - Ảnh: Tuệ Sam

 

TUỆ SAM

 

 

 

;