Quý I/2024: Hoạt động văn học, nghệ thuật đạt nhiều kết quả khích lệ

Chiều ngày 5-4-2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn học, nghệ thuật (VHNT) và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương - Quý I/2024.

Chủ trì Hội nghị có: PGS, TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, lãnh đạo các Hội VHNT Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Hội nghị giao ban định kỳ được tổ chức tại trụ sở Bộ VHTTDL, 51 Ngô Quyền, Hà Nội

Diễn ra nhiều hoạt động VHNT thiết thực trong 3 tháng đầu năm

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt, báo cáo sơ lược kết quả đạt được trong Quý I/2024 cho biết: “Trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm, các hoạt động VHNT do Liên hiệp và các hội tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Liên hiệp và các Hội đã tích cực triển khai tổng kết 10 năm Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; xây dựng kế hoạch, đề án tổng kết 50 năm hoạt động VHNT sau ngày đất nước thống nhất; tham gia tích cực vào cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Báo chí, truyền thông, mạng internet tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, góp phần chuyển tải các hoạt động, tác phẩm, tác giả, sáng tác mới về VHNT cũng được tăng cường đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể.

Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Nguyễn Minh Nhựt trình bày Báo cáo

Hoạt động lý luận, phê bình VHNT được Liên hiệp và các Hội quan tâm, chú trọng. Hội đồng Lý luận phê bình do Liên hiệp thành lập đi vào hoạt động ổn định, tham gia tích cực, hiệu quả, vào công tác phản biện, xét giải thưởng, triển khai các đề tài, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, VHNT trên cả nước được tăng cường. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động VHNT tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển của VHNT Việt Nam, đáp ứng nhu cầu giải trí, đem lại những lợi ích kinh tế, xã hội, góp phần tuyên truyền, quảng bá VHNT Việt Nam ra thế giới”.

Phim sử dụng ngân sách Nhà nước có doanh thu đạt 20,8 tỷ sau gần 3 tháng công chiều

Trong báo cáo chuyên đề “Sản xuất, phổ biến phim có sử dụng ngân sách Nhà nước cần được tiếp tục xây dựng chính sách”, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) Lý Phương Dung nhấn mạnh: Việc phát hành, phổ biến phim được quy định trong Luật và các văn bản dưới Luật chủ yếu quy định về các hình thức phổ biến phim, các cơ sở điện ảnh hoạt động phổ biến phim; các quy định về việc phổ biển phim... chưa quy định cụ thế đối với việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước hay phim nhập, phim sản xuất bằng nguồn xã hội hóa kết hợp ngân sách Nhà nước”.

Bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội nghị

Theo chia sẻ của bà Lý Phương Dung, Bộ VHTTDL đã phê duyệt kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sử dụng ngân sách Nhà nước, trong đó có Đào, phở và piano được phát phổ biến tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ ngày mồng 1 Tết Giáp Thìn (2024). Doanh thu tính đến hiện tại của phim đạt khoảng 20,8 tỷ đồng (sau gần 3 tháng). Nhiều nhà phát hành, cụm rạp nhận phổ biến phim và hoàn lại toàn bộ doanh thu từ bán vé cho Nhà nước.

Bà cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến: Kết hợp sản xuất phim giữa nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa; Phát hành, phổ biến phim nói chung, trong đó chú trọng phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách Nhà nước (bao gồm cả sản xuất phim kết hợp nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước); Quy định nguồn ngân sách cấp cho công tác quảng bá, phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, chúng ta đang thiếu nguồn tài chính cho việc quảng cáo phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh việc phổ biến phim tại rạp, ông cũng mong muốn các kênh truyền hình dành thời lượng để phổ biến, giới thiệu các bộ phim này rộng rãi hơn.

Tạo chuyển biến tích cực cho các hoạt động VHNT thời gian tới

PGS, TS Đỗ Hồng Quân mong muốn sẽ có biện pháp sớm nhất để anh em văn nghệ sĩ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ

Chia sẻ thêm về hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết: “Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đang chuẩn bị một cuộc hành hương Qua miền Tây Bắc về với Điện Biên, đây là cuộc biểu dương lực lượng, tập hợp ý chí, tình cảm của anh em văn nghệ sĩ, đến với Điện Biên tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các thế hệ chiến sĩ đã hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong đó có buổi giao lưu văn nghệ với nhân dân thành phố Điện Biên Phủ (tối 18-4) và Hội thảo khoa học (sáng 19-4) về đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ vào chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và nhìn lại 70 năm các hoạt động VHNT về đề tài Điện Biên Phủ được phản ánh trong các loại hình VHNT…”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao những hoạt động VHNT thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cơ chế, nguồn lực, những với sự nỗ lực của lãnh đạo các hội, sự phối hợp giữa các hội, ban, ngành đã tạo ra được không khí phấn khởi, có nhiều kết quả đáng ghi nhận.  

Thứ trưởng hy vọng, thời gian tới, các hoạt động văn học, nghệ thuật dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước sẽ diễn ra tốt đẹp (ngày Giải phóng miền Nam 30-4, Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, sinh nhật Bác 19-5…). Các hội cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có kế hoạch cụ thể để phân bổ nguồn kinh phí hợp lý, phối hợp với nhau sao cho các hoạt động diễn ra có ý nghĩa, hiệu quả.

Các hoạt động VHNT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tiêu biểu là  phiên họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về phát triển công nghiệp văn hóa diễn ra vào cuối năm 2023. Để lan tỏa được văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, và bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống trong nước, cần có kế hoạch ngắn hạn và chiến lược dài hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sĩ cần tiếp tục cố gắng, truyền cảm hứng cho các hội viên cùng nỗ lực sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng, đóng góp cho nền VHNT nước nhà.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;