“Món ngon bản Thái” là chủ đề về ẩm thực của tỉnh Thái Nguyên được mang đến Lễ hội Văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế lần thứ I- năm 2024 tại Hà Giang. Với những tâm huyết của nghệ nhân, các món ăn trở lên mới lạ, hấp dẫn nhưng vẫn mang đậm nét bản sắc dân tộc. Các món ăn của tỉnh Thái Nguyên đã giành giải Nhì tại Lễ hội năm nay.
Tại Lễ hội, các nghệ nhân tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu hai món ăn tinh hoa của núi rừng Tây Bắc, đó là món gà Mông hầm sâm cung bảo và miến tỏi đen xào với thịt chim bồ câu.
Chị Nguyễn Thị Bình đang giới thiệu các món ăn
Giới thiệu về các món ăn, chị Nguyễn Thị Bình cho biết: “Món gà Mông hầm sâm cung bảo là món ăn bổ dưỡng, được chế biến kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo cảm giác mới mẻ cho người thưởng thức”.
Gà Mông hay còn gọi là gà Mông đen, gà Mèo hay gà xương đen có nguồn gốc ở miền núi phía Bắc. Gà Mông đen thường có ba màu lông chủ đạo là hoa mơ, trắng và đen đậm. Trong số đó, lông đen đậm và hoa mơ chiếm đa số, trong khi những con gà có lông trắng được người Mông coi trọng và coi chúng như bảo vật, không bao giờ bán. Gà Mông có xương đen, thịt đen, mào mắt tai lưỡi và nội tạng đều một màu đen tuyền. Chúng được người dân nuôi thả trên đồi tự nhiên để chúng tự săn tìm thức ăn. Vì sinh sống ở vùng cao là chủ yếu nên có da dày giòn, thịt gà Mông cũng săn chắc nhưng không dai và ít mỡ, là một trong những giống gà đặc sản của núi rừng Tây Bắc.
Gà Mông hầm sâm là một trong những món đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ. Món ăn này đã có từ xa xưa, được sử dụng qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc. Món gà hầm sâm này chỉ được sử dụng trong những dịp lễ quan trọng trong năm. Đặc biệt, gà Mông còn được xem là loại thực phẩm bổ dưỡng, hay một loại thuốc quý trong dân gian để chăm sóc, tẩm bổ sức khỏe, hỗ trợ người bị suy nhược, giúp người dùng tăng cường sinh lực.
Món gà Mông hầm sâm cung bảo
Để chế biến ra món gà Mông hầm sâm cung bảo, cần có các nguyên liệu như: 1 con gà, sâm, muối tinh, rượu trắng, bột tiêu, bột nêm. Sau khi gà Mông được làm sạch và bỏ móng, nội tạng rồi trụng qua nước sôi, cùng sâm, gia vị vừa đủ cho vào nồi, đổ nước ngập qua mặt nguyên liệu. Đầu tiên là đun ở lửa mạnh khoảng 30 phút, rồi chuyển sang lửa liu riu đến khi thịt nhừ đều khoảng 2-3 giờ là được.
Món ăn gà Mông hầm sâm cung bảo đặc biệt tốt cho người mắc bệnh tiểu đường và tim mạch, vì hàm lượng cholesterol trong thịt gà đen Mông rất thấp. Khi thưởng thức vị thịt gà Mông có độ ngọt và mùi vị thơm ngon hấp dẫn. Chính vì vậy, món gà Mông hầm sâm được nhiều người yêu thích và sử dụng.
Món miến tỏi đen xào chim câu
Bên cạnh đó là món miến tỏi đen xào chim câu, đặc biệt miến tỏi đen là sản phẩm OCOP tiêu chuẩn quốc gia được đánh giá 5 sao. Đây cũng là một trong những món tinh hoa của tỉnh Thái Nguyên. Theo chị Nguyễn Thị Bình, miến tỏi đen được sản xuất từ 70% miến dong và 30% từ tỏi đen, là món ăn tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với những người có bệnh về huyết áp, đau dạ dày, mệt mỏi.
Để có món miến đen xào chim câu thơm ngon, hấp dẫn, cần ngâm miến cho mềm, mộc nhĩ ngâm nở rồi thái sợi, rau răm rửa sạch thái nhỏ. Chim bồ câu làm sạch băm thật nhỏ. Tiếp theo, cho một ít dầu ăn vào chảo, thêm hành khô băm nhỏ vào xào thơm rồi đổ thịt chim bồ câu vào đảo cho tơi. Sau đó, cho miến tỏi đen đã ngâm mềm vào chảo chim xào đều, thêm mộc nhĩ vào đảo qua, nêm thêm hạt nêm, dầu hào, đảo đều cho đến khi nguyên liệu chín và ngấm gia vị. Cuối cùng là rắc hành, răm, đảo chung là hoàn thành món ăn.
Miến tỏi đen gồm hai thành phần, miến dong tốt cho tiêu hóa, còn tỏi đen tốt cho sức khỏe. Sau khi chế biến, món miến không hề có mùi tỏi, mà sợi miến dai, dẻo, có độ ngậy, chính vì thế không chỉ người lớn yêu thích mà còn hấp dẫn các bạn nhỏ.
Món ăn tráng miệng đặc sắc có tên panna cotta sa đông y (hay còn là panna cotta sâm Đồng Hỷ)
Cũng trong Lễ hội Văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế, các nghệ nhân tỉnh Thái Nguyên còn giới thiệu món ăn tráng miệng đặc sắc có tên panna cotta sa đông y (hay còn là panna cotta sâm Đồng Hỷ). Món ăn với nguyên liệu từ đường, sữa và bột dược liệu đông y đã được đánh giá cao, yêu thích khi thưởng thức.
Bên cạnh việc chia sẻ về các món ăn được mang đến Lễ hội năm nay, chị Nguyễn Thị Bình cũng mong muốn thông qua Lễ hội, nghệ nhân của các tỉnh, được giao lưu, học hỏi. Đồng thời, giới thiệu những nét văn hóa, món ăn đặc sắc của các đồng bào dân tộc đến với người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Bài, ảnh: NGỌC BÍCH