Quản lý lễ hội tại các di tích thờ Dương Tự Minh ở Thái Nguyên

     ​​​​​​​Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương, là một nhân vật thời Lý, có đóng góp lớn trong việc duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Di tích lịch sử thờ ông ở Thái Nguyên có số lượng lớn, phong phú về loại hình, phân bố đều tại các địa bàn trong tỉnh, trong đó các di tích nghệ thuật gắn với tôn giáo chiếm số lượng lớn. Ngày nay, nhiều di tích thờ Dương Tự Minh còn duy trì lễ hội truyền thống, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, là thời gian nông nhàn, có điều kiện để giao lưu văn hóa…

 

     1. Khái quát một số lễ hội thờ Dương Tự Minh ở Thái Nguyên

     Lễ hội đền Đuổm (huyện Phú Lương) và đình Phương Độ (huyện Phú Bình) là hai lễ hội lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Phần lễ cơ bản giống nhau, riêng phần hội có đôi chút khác biệt vì không gian tổ chức ở hai vùng khác nhau. Sự tương đồng của lễ hội tại các di tích này được thể hiện ở một số nghi lễ như đại tế, rước kiệu và một số trò chơi dân gian. Các lễ lớn trong năm như lễ hạ điền thường tổ chức vào đầu mùa cày cấy để cầu các vị thành hoàng, thần tự nhiên, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ thượng điền tổ chức vào cuối mùa gặt mang ý nghĩa cảm tạ ơn thần đã cho mùa màng bội thu.

     Lễ hội đền Đuổm tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng - tương truyền đó là ngày sinh của Dương Tự Minh. Phần lễ tập trung vào phần rước kiệu thánh và hình thức tế lễ. Phần hội có các trò chơi tung còn, đấu vật, các phường hát, phường trò..., các tốp nam thanh nữ tú trong vùng và các địa hạt lân cận đến dự hội hát sli, hát lượn, hát ví…

     Đền Phương Độ mở hội vào ngày đại lễ rằm tháng Giêng, ngày mùng 4-4 và mùng 10-10 (âm lịch). Lễ hội diễn ra trong không gian giáp với vùng đồng bằng và đặc biệt, giáp với vùng Kinh Bắc xưa, cho nên chịu ảnh hưởng văn hóa của vùng Kinh Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Hội làng vẫn được tổ chức theo lối truyền thống, có rước kiệu, múa lân, tế lễ, vật, chọi gà… và vui chơi văn nghệ.

     Lễ hội đình Hộ Lệnh được tổ chức ngày 4 tháng Giêng, làm lễ cầu phúc, cầu tài, mở hội đầu xuân. Ngày 2 - 2 âm lịch thường tổ chức lễ lên lão làng cho các nam giới từ 50 - 60 tuổi. Họ góp gạo, thịt, tiền làm lễ cúng thành hoàng để cầu mong trường thọ..., mời dân làng tới dự lễ. Ngày hội lớn nhất hằng năm tổ chức vào ngày 30 - 10 âm lịch. Dân làng tuổi từ 50 trở xuống tập trung đóng góp theo lệ làng, mang đến đình mời các cụ từ 50 tuổi trở lên, đến đình tổ chức hội hằng năm: lễ lão ăn mày làng.

     Lễ hội xuân ở các đình Xuân La, Cầu Muối diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng, đình An Châu vào mùng 7 tháng Giêng; đình Đông, đình Phi Long, đình An Mỹ, đình làng Nguyễn, đình Hoa Sơn tổ chức mùng 8 tháng Giêng, còn gọi là lễ kỳ phúc đầu xuân; lễ hội đình Lũ Yên vào mùng 10 tháng Giêng; lễ hội đình Lộng, đình Úc Kỳ, đình Hà Châu vào 15 tháng Giêng…

     Đại lễ mùa thu của các đình Xuân La, Phương Độ, Lộng, Đoài… vào mùng 10 - 10; đình An Châu vào ngày 12 - 10; đình Hộ Lệnh vào ngày 30 - 10 âm lịch…

     Dưới đây, xin nêu diễn trình cơ bản của lễ hội tại các di tích thờ Dương Tự Minh:

     Lễ cáo yết: chủ tế hành lễ xin phép các vị thần cho dân làng được mở hội theo thông lệ hằng năm. Thành phần tham gia lễ cáo yết gồm những người trong Ban Khánh tiết và Ban Tổ chức lễ hội.

     Lễ tỉnh sinh: là lễ dâng vật cúng thành hoàng làng. Vật cúng (trâu, bò, lợn) được lựa chọn cẩn thận (con đực, không thiến) và chăn dắt chu đáo. Trước khi hành lễ, vật cúng được tắm rửa sạch sẽ và đưa đến giữa sân đình. Sau một tuần hương, con vật được đem ra chọc tiết, lấy bát tiết cùng nhúm lông đặt lên ban thờ để cúng thánh (lễ này được gọi là tế mao huyết).

     Lễ mộc dục (tắm long ngai, bài vị): thường diễn ra vào đêm, chủ tế và một số thành viên trong Ban Khánh tiết lấy nước (ở giữa dòng sông, hoặc tại giếng đình) pha với rượu trắng đựng trong chóe có buộc dải lụa đỏ, dùng khăn lau bài vị. Sau đó lau lại bằng nước ngũ vị hương, rồi đưa lại vị trí cũ và làm lễ an vị.

     Lễ rước: “Rước cũng là một nghi lễ thiêng có ở các lễ hội, nhất là vào dịp chính hội, thể hiện sự nghênh tiếp thần linh, phô diễn sức mạnh của cộng đồng…” (1). Đám rước của các di tích và lễ hội thờ Dương Tự Minh trên địa bàn huyện Phú Bình có tính chất khác với đám rước của lễ hội đền Đuổm. Lễ hội đền Đuổm là đám rước phát du, nghĩa là rước Thánh đi du ngoạn nơi cảnh cũ. Ở huyện Phú Bình thường là rước phụng nghênh hồi đình, nghĩa là rước thần vị từ nghè về đình - nơi tiến hành trọng lễ và là trung tâm của lễ hội ở làng xã. Có nhiều sự lý giải về rước phụng nghênh hồi đình này, theo như dân làng Xuân La thì rước bát hương thờ Diên Bình và Thiều Dung công chúa từ nghè về đình, để hai bà cùng xem hội, dự hưởng lễ vật cùng chồng. Dân làng Phương Độ cũng rước bát hương thờ quan văn, quan võ từ nghè trên và nghè dưới về đình, với mục đích để các vị thần ở nghè, miếu xem hội và hưởng lễ vật cùng thành hoàng... Ngoài rước phụng nghênh hồi đình, còn có rước thần vị từ đình ra nghè để tế (đình An Châu, đình Đông…); hoặc rước sắc từ nghè về đình (đình Đoài, đình Nga My, đình Úc Kỳ…). Lễ rước thành hoàng tới các nghè, miếu hay chùa chỉ diễn ra khi sắc phong của thành hoàng được để ở chùa, miếu, nghè hoặc điếm, còn sắc phong để ở đình không thấy rước sắc như vậy.

     Trình tự đám rước: Đám rước là một hình thức biểu đạt, biểu trưng, đề cao sự tôn kính và thể hiện sự trang nghiêm, long trọng của việc thờ Dương Tự Minh. Đám rước có sự tham gia đông đảo của dân làng và khách thập phương. Đi đầu mỗi đoàn rước là những nam thanh niên cầm cờ thần, cờ Tổ quốc, cờ hội, tiếp đến là đội trống chiêng, rồi đến các chàng trai rước lỗ bộ, bát bửu và biển đề chữ (Hán) “Tĩnh túc” (giữ yên lặng, cung kính) và “Hồi tỵ” (tránh đường). Theo sau là phường bát âm, đội múa sinh tiền, đội thanh niên nam khiêng kiệu Thánh. Sau kiệu Thánh là Ban Tổ chức và Ban Khánh tiết, rồi đến các lão ông, lão bà và dân làng.

     Nghi thức tế lễ: được quy định rất nghiêm ngặt, tổ chức chặt chẽ, huy động nhiều người cùng phối hợp thực hiện. Trước nhất là chủ tế, hai bồi tế; Đông xướng, Tây xướng, các chấp sự (là người phục vụ cho chủ tế việc dâng hương, rượu trong khi tế). Những người trong ban tế ăn mặc theo quy cách riêng: chủ tế mặc áo dài đỏ, những người còn lại trong ban tế mặc áo dài xanh, mũ có dải, đi giày vải hoặc nhung. Gần đây, đội tế nữ quan thường mặc áo dài vàng (hồng), quần trắng, thắt đai đỏ, khăn dây đỏ quấn trên đầu. Các bồi tế đứng sau chủ tế, các chấp sự chia làm hai nhóm đứng bên phải và trái chủ tế. Đông xướng, Tây xướng đứng hai bên mặt hướng vào chủ tế. Mọi hành động của người hành lễ nhất nhất phải tuân theo lời của Đông xướng và Tây xướng… Trong cuộc tế, nhạc tế chủ yếu chỉ dùng trống, chiêng, những lúc dâng rượu, đốt văn tế, đều phải cử nhạc. Chúc văn sau khi đọc phải đốt ngay trước ban thờ. Sau khi tế xong thì dân làng và khách thập phương vào lễ thánh.

     Các bát hương, thần vị hoặc sắc phong… được thờ qua đêm tại đình. Sáng hôm sau làm lễ tế giã. Sau đó rước phụng giá hoàn cung: rước bát hương, thần vị hoặc sắc phong… từ đình về nghè hoặc ngược lại.

     2. Thực trạng quản lý lễ hội

     Nhận thấy những giá trị, ý nghĩa, vai trò to lớn của những loại hình di sản văn hóa, Sở VHTTDL cũng như tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm tới công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích và lễ hội. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa được giao trực tiếp cho ngành văn hóa mà cơ quan chủ quản cấp tỉnh là Sở VHTTDL với nhiều phòng ban chức năng khác nhau. Các di tích quốc gia, cấp tỉnh đã được giao cho UBND cấp huyện quản lý theo Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cấp huyện có các cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin… tại các di tích thờ cũng thành lập ban quản lý riêng. Chính quyền, hội người cao tuổi thuộc các làng, xã phối hợp cùng với ngành văn hóa, đứng ra thành lập các ban quản lý di tích và chịu sự quản lý trực tiếp của UBND xã.

     Công tác quản lý còn một số tồn tại, đặc biệt là trong quản lý các di sản văn hóa phi vật thể. Cán bộ quản lý văn hóa địa phương gần như không phải là những chuyên gia hiểu biết sâu về những lĩnh vực của di sản phi vật thể. Do di sản phi vật thể thuộc nhiều loại hình đòi hỏi phải có chuyên gia riêng cho từng loại hình như: nghệ thuật, lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi dân gian… việc nắm bắt hiểu biết giá trị các loại hình này đòi hỏi cán bộ văn hóa phải được đào tạo rất kỹ. Chính vì vậy, việc quản lý các di sản văn hóa phi vật thể gần như được thả nổi.

     Do những điều kiện khách quan và chủ quan, thực tế hiện nay, việc phát huy giá trị các di tích còn chưa thực sự hiệu quả. Di tích chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Trên địa bàn huyện Phú Bình, hiện có đình Phương Độ, Hộ Lệnh, Xuân La, Cầu Muối… mới đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, về hình thức và nội dung tổ chức khai thác du lịch còn đơn giản. Vấn đề thu hút khách đến với di tích, thông qua di tích tìm hiểu về kiến trúc, nhân vật được thờ, phong tục tập quán của người dân bản địa còn rất hiếm.

     3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa trong lễ hội thờ Dương Tự Minh

     Trải qua những biến đổi lịch sử, những thăng trầm trong đời sống xã hội, lễ hội thờ Dương Tự Minh vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu. Dựa trên những giá trị văn hóa ấy, việc phát huy các giá trị của di tích đã có một điểm tựa bền vững, công việc hàng đầu là phải có giải pháp bảo tồn các giá trị di sản văn hóa chứa trong nó.

     Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, đầu tư trí tuệ và công sức cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nâng cao trách nhiệm, phối kết hợp đồng bộ các lực lượng, đầu tư cần thiết và có phương pháp trong công tác bảo tồn.

     Xây dựng đề án đánh giá, phân loại, nhận diện thực trạng, quy mô, tiềm năng của lễ hội. Điều tra, sưu tầm, ghi chép về nội dung các sự kiện, hiện vật có liên quan, những tri thức tổ chức, các trò chơi dân gian... Khuyến khích sự tham gia đóng góp của nhân dân về vật chất cũng như những sáng tạo văn hóa, văn nghệ vào hoạt động lễ hội. Hướng dẫn các hoạt động quản lý di tích, tạo mối quan hệ chặt chẽ trong quản lý di tích và lễ hội. Cần nghiên cứu một cách khoa học, có những biện pháp thích hợp khôi phục một số nghi thức truyền thống trong lễ hội (văn tế, phương pháp hành lễ, rước kiệu...); khôi phục và phát triển các trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống, các cuộc thi tài năng và các môn thể thao dân tộc… Bởi, các trò chơi là cốt lõi, căn bản làm nên sắc thái riêng biệt của từng lễ hội.

     Thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến về nội dung, giá trị các di tích. Sản xuất những chương trình, ấn phẩm, in tờ gấp, sách báo có nội dung phong phú để tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị du lịch một cách đặc sắc, thích hợp với du khách.

     Xây dựng và gắn di tích với các tuyến tham quan du lịch. Như vậy, di tích là đối tượng của du lịch và du lịch là một trong những cách để di tích phát huy giá trị của mình một cách hiệu quả.

     4. Kết luận

     Mang đặc trưng nguyên hợp của văn hóa dân gian, truyền thuyết và lễ hội luôn gắn bó hữu cơ với nhau. Cả truyền thuyết và lễ hội đều có chung mục đích là tái hiện hình tượng người anh hùng, ca ngợi công đức của họ và khơi dậy truyền thống dân tộc. Nhân dân đến lễ hội với niềm tin, niềm vui và hy vọng cho bản thân cũng như cho cộng đồng. Chính sự cộng cảm thiêng liêng ấy đã góp phần tạo nên sức sống trường tồn cho lễ hội và cũng có nghĩa là tạo nên sức sống trường tồn cho truyền thuyết dân gian.

     Công việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, lễ hội có quan hệ chặt chẽ với nhau. Bảo tồn để gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống. Khai thác phát huy giá trị nhằm đưa những di sản ấy đến với mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức của mọi người. Việc khai thác và phát huy giá trị của di tích và lễ hội cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mà hiệu quả nhất là đưa hệ thống di tích vào phục vụ sự nghiệp phát triển du lịch. Bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích và lễ hội thờ Dương Tự Minh đòi hỏi có nhiều giải pháp đồng bộ với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự kết hợp của các ngành liên quan, sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân.

_____________

     1. Dương Văn Sáu, Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2004, tr.120.

 

Tác giả: Đỗ Quang Đại

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019

 

;