Hoạt động canh tác nương rẫy của người Mường ở Cẩm Lương

     1. Về người Mường xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa

     Cẩm Lương là vùng đất có con người cư trú từ buổi bình minh của lịch sử từ hàng nghìn năm trước đây. Thời thuộc Hán (TK I - X), vùng đất này thuộc huyện Đô Lung, sau ghép vào huyện Vô Biên. Thời Tề (479 - 505) tách khỏi Đô Lung, đổi là Cát Lung. Thời Đinh, Lê, Lý thuộc đất Cửu Long Man. Từ đầu TK XIX trở về sau bắt đầu có thêm bộ phận người Mường và một số tỉnh miền Bắc di cư vào do những biến thiên của lịch sử. Sau năm 1954, đặc biệt là từ năm 1963 có thêm bộ phận người Kinh di cư lên miền núi xây dựng đất nước theo chủ trương, chính sách của Đảng.

     Người Mường ở xã Cẩm Lương được cấu thành ít nhất từ ba dòng chính. “Thứ nhất là người Mường từ tỉnh Hòa Bình di dân vào... đất Thanh Hóa hầu hết gồm các tộc hệ ở đất Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động là các Mường lớn của bà con Hòa Bình. Thứ hai là người Việt hóa, hoặc Thái hóa. Thứ ba, đáng chú ý nhất và cũng là cái lõi của vùng Mường xứ Thanh, là tộc Mường bản địa, tính bản địa của một bộ phận đáng kể này không pha tạp, không lẫn lộn vào hai dòng trên từ tiếng nói, trang phục của bộ nữ phục” (1).

     Xét trên phương diện giao lưu kinh tế (mà từ đó sẽ ảnh hưởng tới văn hóa) thì dân tộc Mường tiếp xúc nhiều với dân tộc Kinh. Đó cũng chính là cơ hội để hai dân tộc học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Từ nhận diện về đặc điểm dân số, chúng tôi thấy được phần nào đặc trưng sắc thái văn hóa của dân tộc dưới các dạng: văn hóa sản xuất (hoạt động mưu sinh), văn hóa sinh hoạt (ăn, mặc, ở...), hệ thống phong tục tập quán…

     Như vậy, người Mường ở xã Cẩm Lương có lịch sử phát triển từ lâu đời, với bề dày lịch sử đã giúp nhân dân nơi đây có đủ thời gian để tích tụ truyền thống văn hóa với những giá trị đã được đúc kết lại tạo nên bản sắc, bên cạnh đó cũng không ngừng được hội tụ, giao lưu với nền văn hóa mới để làm phong phú hơn nền văn hóa của quê hương mình.

     2. Quy trình canh tác nương rẫy

     Ngoài sản xuất ruộng nước, người Mường còn làm nương rẫy, làm vườn, khai thác những khoảng đất ven bờ suối mà có độ dốc không giữ được nước để trồng lúa, tận dụng trồng các loại hoa màu ngắn ngày. Đây chỉ là những nghề phụ mà người dân tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập.

     Theo thông tin thu thập từ 143 hộ dân được phỏng vấn tại 6 thôn tại xã Cẩm Lương, kinh nghiệm truyền thống của người Mường trong chọn địa điểm làm nương là chọn các khu vực rừng tốt, cây to, cỏ mọc dày, đất không quá dốc đứng. Một số hộ chọn đất làm nương theo tiêu chí: phía trên khoảng đất chọn làm nương có rừng nhiều cây, tốt nhất là cây to, phía trên dốc đứng, để mưa chảy trôi đất ở trên xuống nương, giúp nương thêm màu mỡ. Tránh khoảng đất có nhiều cỏ gianh, cỏ chó đẻ, vì đây là các khoảng đất xấu, trồng không ăn được. Một số hộ cho biết kinh nghiệm chọn nương phụ thuộc vào đất, nếu đất có màu cát, sỏi thì không chọn, chọn loại đất có màu đen, “đất nhiều thịt”, không chọn vùng núi đá. Người chọn địa điểm làm nương thường là đàn ông. Như vậy, tiêu chí chung khi chọn đất làm nương là: mặt đất tương đối bằng phẳng, có nhiều cây, đặc biệt cây to, đất màu đen, ít có cát sỏi, tránh vùng núi đá.

     Nương là đất khai thác được từ các thung lũng ven chân núi, trong rừng hoặc trên đồi. Đó là tập quán du canh của người Mường nơi đây. Ban đầu có thể do họ đi qua khu đất đó và thấy ưng mắt bởi địa hình đẹp, đất tốt mà tiến hành khai thác. Có thể vào những lúc nông nhàn, khi đã chọn được khoảng rừng ưng ý, người ta chặt toàn bộ cây cối ở đó ngả xuống phơi như vậy khoảng 20 đến 30 ngày cho cây khô. Những cây có thể mang về làm củi sẽ được thu gom và để riêng sang một góc. Sau đó, họ sẽ vơ vét sạch thành một đường biên xung quanh khoảnh đất vừa phát để một khoảng trống ngăn cách với đám cây, mục đích là để khi đốt lửa sẽ không lan qua được chỗ trống đó để khỏi gây cháy rừng. Sau khi khoảnh rừng vừa phát cây đã khô, chọn một ngày nắng to khoảng từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, người dân châm lửa đốt rồi ở lại trông chờ lửa cháy, họ không bỏ về khi lửa chưa cháy hết vì họ sợ có một sơ suất nào đó sẽ làm đám cháy lan xa. Khi cây cháy hết sẽ sinh ra một lượng tro rất lớn được tận dụng như một loại phân cho đất. Tiếp đó, họ vơ vét lại một lần nữa để dọn sạch khoảng đất vừa đốt sao cho có thể gieo trồng được. Hình thức canh tác này của người Mường nơi đây có phần giống với đồng bào ở Tây Nguyên qua ngòi bút của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi: “Canh tác, họ làm rẫy theo lối hỏa canh: đốt rừng rồi dùng gậy chọc lỗ mà tra hạt trên đất rừng đã trụi cây... Họ chưa biết bón phân, tro đốt rừng là phân tự nhiên của họ. Sau vài ba năm canh tác trên mảnh đất đã khai phá bằng lửa họ phải chuyển qua khai phá một mảnh khác, khi đất cũ đã bạc màu... Họ không khai phá một cách bừa bãi, để rừng tuyệt diệt, mà phát rừng để sống, nhưng vẫn chờ cho rừng tái sinh, vẫn nuôi dưỡng rừng, vì tiêu diệt rừng đồng nghĩa với tự tiêu diệt mình...” (2). Có lẽ đó cũng là một thích nghi với điều kiện tự nhiên, hay nói cách khác môi trường tự nhiên đã chi phối lối ứng xử của người Mường nơi đây, hình thành cách làm thế nào để sống, để sinh tồn.

 

Phụ nữ Mường làm ruộng -  Ảnh: Du lịch Tây Bắc
 

     Thường sau khi trời cho được một trận mưa, vào khoảng tháng Hai, tháng Ba, khi đó đất ẩm, người ta dùng cây gậy đã vót nhọn chọc lỗ xuống đất để gieo hạt giống, đó là phương thức chọc lỗ gieo hạt khoảng năm đến bảy hạt.

     Về phương thức canh tác nương rẫy, từ xa xưa người Mường đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Nói về chọn giống lúa tục ngữ so sánh: Trên rẫy tỉa lúa xể, lúa mòng/ Dưới ruộng lúa vong, lúa gié. Lúa xể là cách gọi một loại lúa nếp, lúa mòng là lúa tẻ, hạt dẻo thơm, cả hai giống lúa này đều chịu hạn rất tốt, vì vậy nó thích hợp với điều kiện canh tác nương rẫy vốn nắng mưa hoàn toàn nhờ trời vì điều kiện địa hình không thể gánh nước từ suối tưới cho cây.

     Về phương thức làm đất trồng lúa rẫy với lúa nước nó hoàn toàn khác nhau. Trong rẫy không cày bừa, thậm chí còn không cuốc kỹ thuật gieo hạt là chọc lỗ, tra hạt. Nam giới đi trước chọc lỗ, phụ nữ đi sau tra hạt, lấp đất. Giống lúa không được ngâm và ủ tới mức lên mầm mới mang gieo như lúa nước mà gieo trực tiếp vào lỗ, không cả bón phân, tưới nước, khi hạt lúa đã bỏ vào lòng đất thì người Mường nơi đây mặc cho nó tự sinh trưởng. Thông tin thu thập được khi điều tra giải thích nguyên nhân của cách làm này như sau: Đây là cách làm chống lãng phí, tránh chim, sóc ăn hạt, tiết kiệm lao động, không phải mất công tỉa bớt cây con đi, vừa để đảm bảo cây đủ khoảng cách xa nhau để sinh trưởng. Thông thường, mật độ chọc lỗ, tra hạt là 25-30 lỗ/m2, mỗi lỗ 5-6 hạt. Chỉ khi cây đã mọc cao khoảng 20cm người ta mới tiến hành làm cỏ và có thể xới đất lên một chút cho nó tơi xốp (nếu đó là khoảng ruộng bằng phẳng), nếu đám rẫy có độ dốc thì tuyệt đối chỉ chọc lỗ tra hạt vì nếu xới đất lên nó sẽ bị xói mòn và trôi mất, thậm chí cây lúa có thể bị bật gốc. Đó cũng là phương thức canh tác nương rẫy phù hợp với địa hình của người Mường nơi đây.

     Điều tra thực tế của chúng tôi tại xã Cẩm Lương được các cụ cao niên cho biết ngoài trồng lúa nương, người Mường còn trồng ngô và sắn. Đối với trồng ngô thì có hai loại ngô nếp và ngô tẻ. Ngô nếp hạt to, ăn dẻo và trồng được cả hai vụ. Ngô tẻ có màu vàng, cây cao, lá to, ăn hơi khô. Loại ngô này thường ít bị sâu bệnh. Khi trồng ngô, người ta chọc lỗ và gieo khoảng hai đến ba hạt là đủ. Người Mường cũng giống như các dân tộc khác rất chú ý tới khâu chọn giống. “Ngô được chọn làm giống bắp phải to, hạt mẩy đều, không có sâu bệnh” (3). Sau khi lựa chọn trong số ngô nhà mình những bắp ngô giống vừa ý, người Mường để riêng, bóc hết lớp bẹ bên ngoài, phơi nắng cho khô, sau đó buộc 5 - 6 bắp thành một bó đem treo hoặc gác lên sàn bếp. Số ngô còn lại sau khi được phơi khô cũng được bó thành từng bó cất trong bồ hoặc treo trên xà nhà và khi sử dụng thì đồng bào mới tách hạt ra khỏi bắp.

     Đối với cây sắn được trồng từ tháng 2 đến tháng 11 mới cho thu hoạch, người Mường trồng sắn chủ yếu trên các nương đồi có độ dốc tương đối lớn. Đây là những đám nương đã trở nên cằn cỗi sau khi trồng các loại cây thực phẩm. Hai loại sắn được trồng phổ biến là sắn trắng và sắn đỏ nhưng từ những năm 1990, đồng bào dùng giống sắn cao sản. Ưu điểm của giống sắn này là củ chắc hơn, ra củ nhiều hơn, phơi không héo như sắn truyền thống. Sắn được trồng vào tháng Giêng, sau khi ăn Tết xong, đồng bào tiến hành dọn nương cuốc hố trồng sắn, mỗi luống trồng sắn được đánh cao từ 25-30cm, rộng khoảng 40-45cm, hố trồng có độ sâu từ 10-15cm chạy thẳng theo mạch luống. Mỗi hố cách nhau khoảng 30-35cm. Cũng giống như khoai lang, sắn được trồng bằng thân (cành), giống được giữ từ vụ trước, sau khi thu hoạch sắn về, người ta trộn những cây có thân to, mắt dày, không bị sâu bệnh. Số cây giống này được bó riêng, để nơi râm mát. Trước khi trồng khoảng 20 ngày, người ta đem vùi gốc xuống đất sâu 30-35cm cho thân sắn tươi trở lại. Đến ngày trồng, cây sắn được cắt thành từng đoạn có chiều dài trung bình khoảng 18 - 22cm. Sau khi cắt, sắn được trồng ngay xuống đất để hạn chế sự mất nhựa, tạo điều kiện cho mầm cây phát triển. Hom được trồng nghiêng theo chiều luống tạo thành góc 20o. So với các cây lương thực khác, sắn có ưu điểm là chịu hạn rất tốt, ít bị sâu bệnh và không phải chăm sóc nhiều. Thông thường, sau khi trồng hai hoặc ba tháng, người ta xới cỏ, vụn luống gốc cho cao hơn để kích thích quá trình tạo củ.

     Trước kia, xuất phát từ nhu cầu tự túc về cái mặc, hầu như các hộ gia đình người Mường ở Cẩm Lương cũng đều có một mảnh nương để trồng bông lấy sợi dệt vải. Bông là loại cây kén đất cho nên phải trồng ở những nơi đất đai tương đối màu mỡ. Việc trồng bông bao giờ cũng được tiến hành vào ngày tốt và đa số phải là người nào được sinh ra trong những năm đẹp (như năm con rồng, năm con trâu, năm con gà) sẽ gieo trước vài ba hốc bông để lấy may. Từ tháng 5 âm lịch, người Mường bắt đầu thu hoạch bông, sau đó phơi khô, rồi cán bông, kéo sợi xe tơ dệt vải.

     Hiện nay, người dân ở đây không trồng bông nữa, một phần do ngành dệt đã mai một, mặt khác nhu cầu mà cây bông đem lại về kinh tế không cao. Các loại vải được bày bán nhiều mẫu mã, giá cả lại hợp lý nên được người dân ưa chuộng.

     Ngoài lúa nước, người Mường ở Cẩm Lương còn trồng nhiều loại cây khác trên nương rẫy cũng như các loại cây hoa màu trên các bãi soi dọc theo các bờ sông hoặc những những chân ruộng cao không đủ nước để cấy lúa. Có khá nhiều loại cây được trồng trên đất khô chủ yếu là các loại cây hoa màu như ngô, khoai, đậu, lạc... Ngô bao gồm ngô nếp và ngô tẻ, cũng được trồng từ 1 - 2 vụ (vụ chiêm và vụ hè thu). Vụ chiêm từ tháng 2 đến tháng 5 còn vụ hè thu từ tháng 6 trở đi. Đồng bào còn trồng xen đậu tương với ngô không những để tận dụng đất đai mà còn để đất thêm màu mỡ. Cùng với đậu tương thì đậu xanh, đậu đen cũng được chú ý trồng gắn liền với việc làm bánh và chế biến món ăn. Các loại khoai như khoai lang, khoai sọ cũng được trồng nhiều vừa dùng để ăn nhất là lúc giáp hạt và dùng để chăn nuôi.

     Theo truyền thống, người Mường chỉ luân canh cây trồng trong vòng 3 năm, được gọi tên thành 3 vụ. Sau 3 năm, hoặc 4 đến 5 năm, đất nương được bỏ hóa để tự phục hồi. Các khoảng nương này đã được công nhận là có chủ nên không ai trong bản, mường tranh sử dụng khi đến thời gian canh tác lại, dù chưa canh tác. Thời gian bỏ hóa thấp hơn là 3 năm, cao nhất là 15 năm. Từ đó có thể thấy, một gia đình nông dân Mường chỉ cần 4 khoảnh nương luân chuyển đã khép kín trong chu kỳ 12 năm.

     3. Những ưu điểm của hoạt động canh tác nương rẫy của người Mường xã Cẩm Lương

     Kết quả phân tích tài liệu và điều tra, khảo sát thực tế cho thấy, hệ canh tác nương rẫy của người Mường đã thể hiện nhiều mặt tích cực trong quản lý, bảo vệ đất. Các hệ canh tác này hoàn toàn phù hợp với điều kiện môi trường kinh tế - xã hội của cộng đồng vào thời điểm đó. Với quan điểm đề cao sở hữu cộng đồng, các nguồn tài nguyên rừng, đất, nước đã được quản lý, bảo vệ hợp lý và sử dụng khá bền vững:

     Đối với tài nguyên rừng: cách làm nương không phát đối trên đỉnh vừa có tác dụng duy trì cho nương rẫy “một chiếu mũ” che mưa nắng vừa giữ được rừng ở những điểm trọng yếu. Việc duy trì, khai thác các khu rừng già, các khu rừng cộng đồng... đã đảm bảo cho không gian sống của cộng đồng luôn được che phủ với độ che phủ an toàn.

     Đối với tài nguyên nước, tài nguyên đất: khi còn canh tác nương rẫy theo phương thức truyền thống, xói mòn, rửa trôi ở mức độ thấp hơn và đất chậm bị thoái hóa hơn. Sau thời gian bỏ hóa, chất lượng đất được phục hồi khá tốt, có thể canh tác cho năng suất ổn định gần như khi mới phát đốt. Luân canh, xen canh cũng là cách sử dụng đất hợp lý. Trong điều kiện địa phương, đó là biện pháp bảo vệ, cải tạo đất hiệu quả. Dưới sự che chắn của rừng, đất và nước cũng được bảo vệ. Dễ nhận thấy nhất là đất luôn được bổ sung chất dinh dưỡng từ lá cây, từ các loại động vật rừng, ít bị xói mòn, rửa trôi, khả năng phục hồi nhanh.

     Quá trình phát triển du lịch đã lấy đi một bộ phận dân cư không làm nông nghiệp nữa sẽ để mất dần những kinh nghiệm sản xuất. Sự thay đổi xã hội và gia đình đã làm gián đoạn việc truyền thụ, tiếp nhận và lưu giữ kiến thức bản địa từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng. Nhiều kiến thức truyền thống đã mai một trong quá trình hội nhập và xu thế phát triển chung. Nhiều người bên ngoài cộng đồng coi kỹ thuật truyền thống là lạc hậu, văn hóa tộc người mang tính mê muội... Đây là những nguyên nhân dẫn đến kiến thức bản địa trong canh tác nương rẫy của người Mường đã mai một nhiều từ năm 1954 trở lại đây.

_____________

1. Vương Anh, Đặc trưng văn hóa Mường Thanh Hóa, trong Kỷ yếu Văn hóa dân tộc Mường, Sở Văn hóa Thông tin, Hội Văn hóa các dân tộc Hòa Bình xb, 1995, tr.208 - 218.

2. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.549.

3. Đặng Thị Nhuần – Dương Quỳnh Phương, Tri thức bản địa của dân tộc Dao khu vực miền núi phía Bắc trong việc lựa chọn đất đai, địa hình canh tác và hệ thống cây trồng, Tạp chí Khoa học Đại học sư phạm TP.HCM, số 44, 2013, tr.179.

 

Tác giả: Nguyễn Đình Thảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 417, tháng 3-2019

 

;