Phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo ở Hà Nội từ những giá trị văn hóa

Du lịch sáng tạo là hình thức mới của du lịch văn hóa, tạo cho du khách những cơ hội trải nghiệm một cách chủ động vào các hoạt động sáng tạo của địa phương. Hình thức du lịch này nhấn mạnh sự kết nối, tương tác giữa du khách và văn hóa, đặc biệt với cư dân bản địa. Đặc trưng của du lịch sáng tạo là nâng cao nhận thức, học hỏi những kinh nghiệm sống mới mẻ, tiếp cận tri thức độc đáo của cư dân bản địa. Với bề dày lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm, Hà Nội có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch sáng tạo.

1. Tài nguyên để phát triển du lịch sáng tạo của Hà Nội

Hà Nội có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo nhờ tài nguyên du lịch phong phú với các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực hấp dẫn, thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Bên cạnh đó, Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin phát triển nhanh cũng giúp du khách dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới của xã hội, đồng thời tạo cơ hội cho du lịch sáng tạo phát triển.

Các nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch sáng tạo của Hà Nội. Hà Nội có hơn 100 nghề thủ công truyền thống, trong đó, nhiều làng nghề vẫn còn lưu giữ được và hoạt động mang tính chuyên nghiệp, cho phép du khách trực tiếp học hỏi như: làng rèn dao kéo Đa Sỹ, làng gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ, mây tre đan Phú Vinh, thêu ren Quất Động, làng nón Chuông, làng kim hoàn Định Công, làng hoa Tây Tựu… Du khách tìm đến với các làng nghề Hà Nội không chỉ thăm quan, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào công đoạn sản xuất tạo ra sản phẩm, từ đó học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng và tạo ra sản phẩm sáng tạo của chính bản thân mình.

Trong phát triển du lịch, ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần, mà đã trở thành mục đích của các chuyến hành trình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã thành công trong việc tổ chức các chương trình du lịch ẩm thực tại điểm đến. Ẩm thực Hà Nội mang trong mình nét riêng có, bình dị, giản đơn nhưng vẫn thanh tao và tinh tế với nhiều món ăn nổi tiếng như phở, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả Hàng Mành, chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng, giò chả Ước Lễ, kem Tràng Tiền... Bên cạnh việc được thưởng thức hương vị món ăn, nghệ thuật chế biến món ăn cũng được khách du lịch sáng tạo đánh giá rất cao.

Nghệ thuật dân gian là một phần quan trọng trong nền văn hóa của một dân tộc. Các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống (chèo, tuồng, cải lương, ca trù, rối nước, dân ca…) là nguồn tài nguyên độc đáo để phát triển du lịch sáng tạo ở Hà Nội. Bên cạnh việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, việc nghiên cứu chuyên sâu, hay hòa mình vào những không gian trình diễn để có sự trải nghiệm và thực hành cùng các nghệ nhân cũng làm cho du khách khám phá được khả năng sáng tạo của chính bản thân mình.

Ngoài ra, còn có thể kể đến nhiều nguồn tài nguyên để phát triển du lịch sáng tạo như: hội họa, điêu khắc, sáng tác văn học, thiết kế xây dựng, thiết kế đồ họa, quay phim… Những nguồn tài nguyên này được đặt trong một môi trường sáng tạo rất thân thiện, gần gũi với du khách như các làng nghề, các câu lạc bộ; với nguồn nhân lực sáng tạo là các nghệ nhân dân gian, những người thợ lành nghề như là các giáo viên hướng dẫn, truyền dạy cho du khách kiến thức, kỹ năng từ đó giúp họ tự tạo ra được các sản phẩm sáng tạo của chính mình.

Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Hà Nội góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với các địa phương khác; bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch; phát triển thương hiệu du lịch.

2. Phương hướng phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo tại Hà Nội

Trong thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng xây dựng những chương trình du lịch sáng tạo như: một ngày làm nông dân ở làng cổ Đường Lâm, một ngày làm thợ thủ công truyền thống ở làng gốm Bát Tràng, dệt lụa ở Vạn Phúc… đưa du khách quốc tế về các làng quê ngoại thành Hà Nội để trải nghiệm cuộc sống nông thôn Việt Nam. Nhưng đây mới chỉ là những sản phẩm du lịch dừng ở mức trải nghiệm thông thường, buộc du khách phải vận động, thích nghi với hoàn cảnh mới và phần nào khám phá khả năng của bản thân. Những sản phẩm này phát triển manh mún và tự phát nên bộc lộ nhiều hạn chế: vẫn chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm; còn hiện tượng đẩy giá cao đối với khách nước ngoài; chèo kéo khách, bán phá giá… tạo nên một diện mạo không chuyên nghiệp của du lịch Hà Nội; các hộ gia đình làm du lịch tự phát, hoạt động tự do nên tính bền vững kém, gây bất ổn cho thị trường; chương trình du lịch vẫn chưa chú trọng tới yếu tố tuyên truyền văn hóa, các “lớp học” vẫn chưa cung cấp những thông tin sâu về nghề cũng như văn hóa làng nghề. Điểm tựa quan trọng nhất của du lịch sáng tạo là con người, nhưng con người ở các điểm làm du lịch sáng tạo chưa ý thức được vai trò “sứ giả văn hóa”, họ thường đơn thuần chỉ bán sản phẩm, dịch vụ, chưa biết cách lôi cuốn, tạo nên sự hài lòng của khách hàng.

Du lịch sáng tạo đòi hỏi nhiều hơn ở du khách khi tham gia vào các chương trình. Nói cách khác, khách du lịch chính là một phần cấu thành của sản phẩm du lịch sáng tạo thông qua sự tương tác, nỗ lực học hỏi của họ. Tham gia du lịch sáng tạo, du khách phải thực sự đam mê tìm hiểu và khám phá, có khả năng thích nghi và hòa nhập với môi trường mới, có thái độ tôn trọng với những giá trị riêng biệt tại điểm đến, có khi phải tốn những khoản chi phí cao hơn nhiều lần so với du lịch thông thường. Đổi lại, du khách cũng nhận về cho mình rất nhiều điều thông qua những trải nghiệm.

Để phát huy những tài nguyên du lịch sáng tạo của Hà Nội, người làm du lịch cần chú ý một số vấn đề:

Cần xác định, phân đoạn kỹ từng đối tượng khách hướng tới loại hình du lịch sáng tạo trong từng thị trường trọng điểm của Hà Nội với những nhu cầu, sở thích, mong muốn, thói quen riêng. Từ đó, Hà Nội xác định các loại hình sản phẩm du lịch sáng tạo chính thị trường cần. Du lịch sáng tạo cảm xúc, là những sản phẩm khai thác đặc tính thẩm mỹ phi vật thể thông qua các giác quan như màu sắc, âm thanh, ánh sáng, tiếng động… của những loại hình nghệ thuật truyền thống. Những nhân tố này sẽ tạo nên một vùng cảm xúc mạnh mẽ đối với du khách và mang đến cho họ cảm hứng sáng tạo mới trong nghệ thuật. Du lịch sáng tạo ẩm thực, tạo cho khách có cơ hội thưởng thức, tìm hiểu kỹ thuật chế biến những món ăn đặc sản truyền thống, từ đó sáng tạo ra những món ăn mới phù hợp với văn hóa và đất nước của mình thông qua những kiến thức về nguyên liệu đã thu nhận được trong chuyến đi. Du lịch sáng tạo nghề thủ công truyền thống, tạo cơ hội cho khách được giao lưu với các nghệ nhân, học hỏi kỹ thuật chế tác, trải nghiệm cách làm và tự mình bồi đắp thêm những kỹ năng, kiến thức mới cho bản thân, phát triển được khả năng sáng tạo của chính mình khi tự tay làm ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Du lịch sáng tạo gắn với nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho khách có cơ hội trải nghiệm khám phá cuộc sống của những vùng quê nông thôn nơi họ đến, từ đó có thêm những kiến thức về nghề nông. Ngoài ra, còn có du lịch sáng tạo trong việc cho khách học hỏi và thực hiện những bộ phim ngắn, phim tài liệu gắn với Hà Nội; sử dụng máy ảnh để sáng tác ra những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật gắn liền với các cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội; khám phá âm nhạc đường phố; tìm hiểu kiến thức qua hệ thống bảo tàng; học hỏi kỹ thuật pha chế cafe Hà Nội…

Du lịch sáng tạo mang đầy đủ đặc tính của hoạt động du lịch thông thường song lại có thêm những tiêu chuẩn riêng khi triển khai, tùy thuộc vào loại hình cụ thể. Cho dù là hành trình của một cá nhân, hay chương trình được tổ chức bài bản, các sản phẩm du lịch sáng tạo đều hướng đến đảm bảo tiêu chuẩn quan trọng là làm giàu thêm tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống nhờ quá trình tiếp cận và hội nhập tích cực nhất. Thiết kế sản phẩm du lịch sáng tạo cho Hà Nội cần phải lưu ý đến việc thiết kế và sắp xếp các loại kết hợp tương tác giữa bên cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng bằng một quá trình và phương pháp sáng tạo. Thực hiện những chương trình du lịch sáng tạo có thể chỉ phục vụ một người khách, hay một nhóm khách rất ít người; không cần đi quá nhiều điểm đến mà dừng lại ở một điểm theo nhu cầu học hỏi sáng tạo của họ, ưu tiên cho những nhu cầu cá nhân của khách ở mức độ cao nhất. Việc này đòi hỏi sự tìm tòi để cải tiến những giá trị trên cơ sở hiểu biết kỹ lưỡng những trải nghiệm mà thị trường thực sự mong muốn. Khi phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo cho Hà Nội, cần đảm bảo tính đa chiều, chú ý kết hợp các yếu tố cảm quan, các yếu tố tạo cảm xúc, yếu tố nhận thức, yếu tố thực dụng, yếu tố về lối sống và các thành phần có tính quan hệ. Mức độ sáng tạo được thể hiện ở các dịch vụ tổ chức cho khách, sự tương tác với cộng đồng dân cư bản địa.

Để xây dựng được sản phẩm du lịch sáng tạo, Hà Nội cần xác định những trải nghiệm dự kiến có thể hình thành sản phẩm du lịch, các giác quan có thể kích thích, các câu chuyện có thể hình thành, nhiều đối tác có thể tham gia mang đến trải nghiệm, những gì khách du lịch có thể học hỏi được và sẽ học hỏi như thế nào trong quá trình tương tác hình thành sản phẩm du lịch sáng tạo. Một kinh nghiệm nữa trong việc xây dựng sản phẩm sáng tạo là việc hoạch định cam kết với các đối tác và xác định giới hạn cho những trải nghiệm để thực hiện được một sản phẩm sáng tạo.

Tiềm năng du lịch sáng tạo của Hà Nội là rất lớn. Hướng đi gợi mở cho du lịch Hà Nội đó là xây dựng “thành phố sáng tạo”; phát triển những “không gian sáng tạo”; xây dựng phong trào “du lịch sáng tạo” để kích thích sự thay đổi tư duy, chiến lược kinh doanh của ngành du lịch văn hóa. Và hơn nữa, rất cần sự nhiệt tình sáng tạo của chính những người làm du lịch. Tiếp tục nhân rộng và tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo mới, bên cạnh việc duy trì tốt những sản phẩm cũ đã nhận được sự phản hồi tích cực của du khách quốc tế.

Du lịch sáng tạo đã không còn là hình thức mới lạ, mà đang dần trở thành sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách trong xu hướng du lịch hiện nay. Nếu chú trọng đón đầu xu hướng bằng sự đầu tư khai thác tốt, đưa ra các sản phẩm sáng tạo độc đáo hấp dẫn, chắc chắn cơ hội phát triển du lịch cho Hà Nội sẽ rất lớn, điều này càng có ý nghĩa khi Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo thế giới.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Trịnh Lê Anh, Trần Thùy Linh, Phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo ở Việt Nam, vtr.org.vn.

3. Hương Chi, Tạo đột phá bằng sản phẩm du lịch sáng tạo, nhandan.com.vn.

4. Trần Anh Dũng, Văn hóa: một toa thuốc đặc trị cho ngành du lịch, itdr.org.vn.

5. Phạm Quang Hưng, Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo, vtr.org.vn.

6. Rossitza Ohridska-Olson and Stanislav Ivanov, Creative Tourism Business Model and its Application in Bulgaria, researchgate.net, 2010.

7. Richards & Raymond Creative tourism ATLAS News, academia.edu, 2000.

Tác giả: Ma Quỳnh Hương

Nguồn: Tạp chí VHNT số 427, tháng 1-2020

;