Tóm tắt: Thị trấn Sa Pa được hình thành và phát triển dưới thời Pháp thuộc từ năm 1903. Kể từ đó cho đến nay, Sa Pa đã trở thành điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Du lịch đã làm thay đổi mọi mặt biến Sa Pa trở thành một đô thị hiện đại, điều này đồng nghĩa với sự biến đổi của cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh kế của đồng bào dân tộc, chủ yếu là người Mông, Dao. Những không gian văn hóa chợ tình, bản làng, làng nghề... đã biến đổi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đưa ra vài gợi ý cho việc khôi phục những không gian văn hóa của người Mông, trong đó có chợ tình Sa Pa từ kinh nghiệm làm du lịch của các làng trên hồ Inle ở Myanmar mà tác giả đã trực tiếp đi điền dã và ghi chép.
Từ khóa: Sa Pa, chợ tình, hồ Inle Myanmar, bảo tồn và khai thác.
Abstract: Sapa town was formed and developed during the French colonial period, starting in 1903. Since then, Sapa has become an attractive destination for both domestic and international tourists. Tourism has transformed all aspects of the town, turning Sapa into a modern city. This transformation has resulted in changes to the natural landscape and the livelihood environment of ethnic minorities, primarily the Hmong and Dao people. Cultural spaces such as love markets, villages, and craft villages have also changed. In this article, the authors aim to provide suggestions for restoring the cultural spaces of the Hmong people, including the Sapa love market, drawing from the tourism experiences of villages on Inle Lake in Myanmar, where the authors conducted firsthand fieldwork and research.
Keywords: Sapa, love market, Inle lake, conservation, exploitation.
Những ngôi đền/chùa trên mặt hồ Inle (Myanmar) - Ảnh: dep.com.vn
1. Tổng quan về du lịch trên hồ Inle ở Myanmar
Đất nước Myanmar có diện tích khoảng 678.500km2, nằm trong khu vực có môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa với khoảng 49% diện tích đất nước được bao phủ bởi rừng và có nhiều hồ nước lớn, giàu khoáng sản, đá quý.
Trong giai đoạn đầu những năm 2010, Myanmar được coi là điểm đến du lịch hấp dẫn với những địa danh và di sản văn hóa nổi tiếng như: Bagan - vùng kinh đô cũ của Myanmar nơi có những đền tháp Phật giáo dày đặc và sự hoang sơ đến kỳ diệu, Mandalay là thành phố lớn thứ 2 của Myanmar với những ngôi chùa dát vàng đã tồn tại hàng nghìn năm tuổi... Đặc biệt, phải kể đến điểm du lịch lòng hồ Inle, cách thủ đô Yangon 600km. Inle là một trong 2 hồ nước lớn của Myanmar, nổi danh về sự đa dạng sinh học, đặc biệt là có rất nhiều loài chim và cá. Vì thế, hồ nước ngọt Inle đã được UNESCO ghi nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cư dân sống trên lòng hồ Inle trong những ngôi nhà bè, những nếp nhà và vật liệu xây dựng đơn sơ, đó là sự quần cư của một số dân tộc ít người như: dân tộc Intha, nhóm dân tộc Shan, Taungyo, Pa-O, Danu, Kayah, Danaw và Banar. Sự đa dạng những nhóm dân tộc ít người đem đến cho lòng hồ trở thành một cộng đồng đa văn hóa, có môi trường sinh kế sinh động với nhiều nghề truyền thống khác nhau.
Nghề cuốn thuốc lá thủ công: thuốc lá cuốn ở đây có tên gọi là Cherot, được coi là sản vật quý của người dân Myanmar. Người dân coi thuốc lá Cherot như một vị thuốc dùng để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt trên lòng hồ. Công việc chế biến từ nguyên liệu đến cuốn thuốc chủ yếu do phụ nữ làm. Cộng đồng dân cư sống trên lòng hồ thưa thớt cho nên những gia đình cuốn thuốc đều làm việc tại chính ngôi nhà của mình.
Làng In Paw Khone với nghề dệt vải tơ sen: người dân nơi đây trồng rất nhiều sen, khác với phần lớn những làng dệt truyền thống bằng sợi bông hoặc tơ tằm, làng In Paw Khone dệt vải từ sợi tơ được lấy từ thân cây sen nên làng được gọi là “làng Lotus”. Thân cây sen khi trưởng thành được bẻ ngang thân bằng tay, khi kéo ra có những sợi tơ nhỏ li ti, người thợ se lại thành sợi dệt các loại vải khác nhau.
Làng của người dân tộc Padaung: họ nổi tiếng với tập tục đeo vòng cổ nên còn được gọi là người cổ dài Kayan. Phụ nữ Padaung có tập tục lâu đời là đeo nhiều vòng bằng đồng lên cổ. Những đứa trẻ từ 2-5 tuổi được đeo chiếc vòng cổ đầu tiên, với chu kỳ khoảng 4 năm đeo chiếc vòng tiếp theo và số lượng vòng tăng dần. Những chiếc vòng được đeo suốt trong mọi hoạt động hằng ngày mà không tháo ra. Việc đeo vòng được xem như một nghi lễ linh thiêng, với quan niệm cổ càng dài càng đẹp. Làng của người dân tộc Padaung cũng có nghề dệt vải, các công đoạn dệt thủ công vẫn còn giữ được nguyên vẹn.
Nghề đánh bắt cá (chài lưới) trên hồ Inle: chủ yếu do những người đàn ông thực hiện. Với kỹ thuật đánh bắt cá bằng cách kẹp phần chân của họ lại trong lồng, chiếc lồng này được nâng lên và hạ xuống nước. Lồng đánh bắt cá tuy mỏng, nhưng đủ để làm cá không thoát ra ngoài được. Chiếc thuyền xoay thành hình vòng tròn, đập mái chèo của họ xuống nước để phân tán cá vào các hàng lưới có sẵn.
Khi đến với đất nước Myanmar, khách du lịch sẽ cảm thấy ngỡ ngàng bởi sự mộc mạc, đơn giản đến thuần khiết của người dân nơi đây. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao ở một đất nước vẫn còn những biểu hiện lạc hậu nhưng hấp dẫn, trở thành điểm đến của khách du lịch quốc tế. Những nghề thủ công vẫn tồn tại và phát triển... Chúng tôi nhận thấy, Chính phủ Myanmar rất coi trọng chính sách phát triển du lịch bền vững, đảm bảo đời sống của người dân địa phương trực tiếp làm du lịch và giữ gìn, bảo vệ tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa. Phát triển du lịch dựa trên hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển. Hệ thống nhà hàng, khách sạn đã hình thành bên ngoài những điểm đến du lịch văn hóa, không hòa trộn hay phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa. Chính phủ Myanmar xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với đặc trưng của ngành Du lịch mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Myanmar có thuận lợi bởi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, vì thế họ rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên thường trú của các nước tại Myanmar.
Sản phẩm du lịch đặc thù ở đất nước Myanmar nói chung và trên hồ Inle nói riêng chính là phát triển sản phẩm du lịch bền vững, mọi làng nghề được giữ nguyên môi trường sinh kế của cộng đồng các dân tộc và những quy trình sản xuất thủ công chính là sản phẩm du lịch chứ không phải những sản phẩm thủ công mà người dân làm ra. Khi du khách đến tham quan làng nghề thì người dân sẽ lao động, sản xuất theo quy trình, du khách được chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình đó và phải trả phí dịch vụ đã tính trong vé tour hoặc tiền tip.
Chiến lược phát triển du lịch bền vững của Myanmar đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân cũng như Chính phủ mà vẫn giữ được những giá trị gốc của hệ thống di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Myanmar. Sản phẩm du lịch của Myanmar chính là những hình ảnh về môi trường sinh kế do chính người dân bản địa lao động và sản xuất.
2. Thuận lợi và khó khăn trong công tác bảo tồn, khai thác chợ tình Sa Pa
Thuận lợi
Sa Pa là một vùng đất có lịch sử lâu đời, được thiên nhiên ưu đãi, đây cũng là nơi cư trú của nhiều dân tộc ít người như: Mông, Dao, Giáy... tạo nên sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa.
Sa Pa là điểm đến du lịch hấp dẫn trong nhiều năm qua, đặc biệt từ sau khi có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng đi vào hoạt động, lượng du khách đến với Sa Pa rất đông, với lượng khách đều đặn suốt 4 mùa trong năm.
Chợ tình Sa Pa đã có từ lâu đời nên việc bảo tồn, khai thác sẽ thuận lợi về mặt tư liệu, con người và không gian. Con người cụ thể là đồng bào dân tộc Mông, Dao… họ là chủ thể văn hóa của chợ tình, vì vậy, họ có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa ở Sa Pa nói chung và chợ tình nói riêng.
Khó khăn
Sự biến đổi văn hóa mạnh mẽ của một thị trấn vùng cao giờ đã trở thành một thị xã sầm uất và điểm đến du lịch quá tải. Vì vậy, không gian tổ chức chợ tình cần có diện tích lớn, phù hợp với nhu cầu của du khách.
Nhu cầu về sản phẩm du lịch của du khách ngày càng nhiều và đa dạng nên không gian chợ tình cần đa dạng các loại hình văn hóa nghệ thuật. Cần có kế hoạch đào tạo nhân lực lâu dài, gắn bó và có thu nhập ổn định.
Không gian chợ tình cần có diện tích đủ rộng, gần nơi sinh hoạt và lao động của người dân bản địa. Với yêu cầu này, chính quyền sẽ gặp khó khăn trong việc quy hoạch và khoanh vùng văn hóa.
3. Giải pháp bảo tồn và khai thác chợ tình ở Sa Pa
Qua kết quả thu được từ thực tế phát triển du lịch bền vững trên hồ Inle ở Myanmar, tác giả lựa chọn đề xuất một số giải pháp có thể áp dụng cho phát triển du lịch bền vững ở thị xã Sa Pa, trong đó có hoạt động văn hóa chợ tình Sa Pa.
Chợ tình là nét đẹp văn hóa không chỉ ở Sa Pa mà còn có ở nhiều nơi ở khu vực Tây Bắc có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang, chợ tình Mộc Châu. Chợ tình ở Sa Pa vốn hình thành từ lâu, chủ yếu có sự tham gia của dân tộc Mông. Chợ là hoạt động trao đổi hàng hóa, buôn bán, giao lưu, dần dần nhu cầu của con người thay đổi và trở thành nơi trai gái làm quen, hẹn hò, giao duyên… và cái tên chợ tình được hình thành. Tên gọi là “chợ” nhưng nhiều năm qua, các phiên chợ hầu như không còn hoạt động buôn bán mà chủ yếu là nơi hẹn hò của những cặp đôi, những bạn trẻ có tình cảm, tìm hiểu nhau, nhiều cặp đôi đã nên vợ thành chồng. Thời gian sinh hoạt của chợ tình Sa Pa là vào tối thứ 7 hằng tuần tại khu vực trung tâm thị trấn. Những giá trị văn hóa độc đáo của chợ tình Sa Pa cùng với sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Sa Pa trong những năm qua đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.
Từ sức hút của điểm đến du lịch và sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như con người nơi đây đã dẫn đến sự mai một của những giá trị văn hóa bản địa, trong đó có không gian sinh hoạt văn hóa chợ tình Sa Pa. Quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch quá nhanh đã phá vỡ môi trường sinh kế truyền thống của đồng bào dân tộc Mông và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự mai một của chợ tình Sa Pa.
Một vài gợi ý cho công tác bảo tồn và khai thác chợ tình Sa Pa nhằm quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc gắn với thương hiệu du lịch Sa Pa:
Một là, bảo tồn và khai thác chợ tình Sapa phải gắn với phát triển du lịch bền vững, trước tiên cần vận dụng từ khái niệm được nêu ra trong khoản 14 điều 3 Luật Du lịch năm 2017: Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Trong những năm qua, du lịch Sa Pa phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi những không gian văn hóa trước đây, trong đó có không gian sinh hoạt văn hóa chợ tình của đồng bào các dân tộc thiểu số đang bị mất đi, từ đó các hoạt động của chợ tình Sa Pa cũng bị mai một.
Sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tinh thần trở thành một nhu cầu tất yếu, điều này sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho công tác tổ chức về mặt nội dung của các cơ quan quản lý nhà nước và nguồn nhân lực tổ chức các hoạt động của chợ tình Sa Pa, nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể văn hóa. Vì vậy, công tác bảo tồn và khai thác chợ tình Sa Pa cần được khôi phục và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững, cần có chiến lược quy hoạch, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa có trọng tâm, xác định giá trị cốt lõi của chợ tình là gì. Đồng thời, tăng cường liên kết không gian văn hóa chợ tình ở trung tâm thị trấn Sa Pa với các bản làng vùng ven, đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân và đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Hai là, địa điểm tổ chức chợ tình có thể lựa chọn nhiều địa điểm khác nhau nhằm mục đích đa dạng không gian văn hóa và giảm tải cho một địa điểm như trước đây. Đề xuất 2 nơi tổ chức chợ tình: Trung tâm thị trấn, khu vực quảng trường trước mặt nhà thờ đá Sa Pa. Đây là địa điểm có không gian rộng rãi nên trước đây vẫn thường xuyên diễn ra những phiên chợ tình, những khu vực xung quanh tập trung nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch; lựa chọn một vài bản làng vùng ven để tổ chức chợ tình như: bản Cát Cát, Sìn Chải hay Tả Van. Những bản làng là nơi tập trung sinh sống của phần lớn dân tộc bản địa và không gian văn hóa của đồng bào dân tộc vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Những không gian này rất thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ như: người tổ chức, người tham gia (chủ yếu là đồng bào dân tộc), phát huy giá trị một số nghề thủ cộng đồng thời tạo thu nhập cho người đồng bào dân tộc.
Ba là, tổ chức nội dung hoạt động của chợ tình Sa Pa từ nhu cầu truyền thống vốn có của người dân, là nơi giao duyên, gặp gỡ, nhảy múa, hát ca. Tham gia chợ tình hay việc hẹn hò đã trở thành nét đẹp truyền thống của người đồng bào dân tộc ở Sa Pa, cần tái tạo không gian văn hóa phù hợp để đồng bào có động lực tự nguyện tham gia như một nhu cầu tinh thần tất yếu.
Bốn là, xây dựng nội dung hoạt động của chợ tình như một không gian văn hóa định kỳ. Chủ thể văn hóa của chợ tình Sa Pa chính là đồng bào dân tộc Mông, Dao, để đảm bảo họ tham gia một cách tự nguyện, thường xuyên, thì cần xây dựng cơ chế đối để họ tham gia như một công việc được hưởng lương hằng tháng, đảm bảo cuộc sống sinh kế cho người dân tại bản làng diễn ra chợ tình.
Năm là, xác định việc bảo tồn và khai thác chợ tình Sa Pa, gồm 2 công việc cơ bản:
Tái tạo không gian tổ chức chợ, tạo dựng những hoạt động văn hóa bổ sung nhằm tăng hàm lượng văn hóa trong hoạt động của chợ tình. Cụ thể, có những gian hàng bán những mặt hàng thủ công, quà lưu niệm (thay bằng bà con giao bán tự do như ngày nay); tổ chức những trò chơi dân gian để khách du lịch cùng được tham gia; tổ chức các hoạt động văn nghệ...
Tạo dựng không gian chợ tình như một lễ hội trong tuần ở địa phương. Những căn cứ để bảo tồn khai thác chợ tình Sa Pa: cần xây dựng kịch bản như một hoạt động trình diễn giao duyên, hẹn hò, bắt vợ… nhân sự tham gia là người dân tộc hoặc những nghệ sĩ, nghệ nhân của địa phương, khi họ tham gia sẽ nhận được một khoản lương phù hợp để đảm bảm cuộc sống cơ bản (ngân sách được trích từ chính nguồn thu vé tham quan du lịch của du khách). Diễn xướng những hoạt động văn hóa dân gian của địa phương nhằm mục đích: giải trí, liên kết cộng đồng, khẳng định và thể hiện vai trò cá nhân, tìm kiếm, đề cao và tôn vinh nhân tài, khích lệ, động viên, cổ vũ quần chúng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút khách tham quan, phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, với hoạt động của chợ tình có thể tổ chức thêm những trò chơi dân gian mang tính mô phỏng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt xã hội đã xảy ra trong quá khứ và hiện tại. Lựa chọn những trò chơi có tính dân gian, bản địa, dân tộc cao nhằm gắn bó, đoàn kết, cố kết cộng đồng.
Hằng năm, cần có những buổi tọa đàm khoa học, hội thảo khoa học và lấy ý kiến chuyên gia về chuyên môn, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch văn hóa chợ tình Sa Pa cho phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của xã hội.
Kết luận
Công tác bảo tồn và khai thác chợ tình Sa Pa hiện nay và trong tương lai có thể học hỏi kinh nghiệm làm du lịch từ Myanmar và một số nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… Những không gian văn hóa tái tạo ở một số nước trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn chính là dựa vào sự tái hiện và phát huy giá trị không gian văn hóa truyền thống của dân tộc họ. Những ý tưởng sáng tạo này đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Hướng phát triển các giá trị văn hóa trong tương lai sẽ đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp cho sự phát triển nói chung về kinh tế, xã hội của đất nước ngày càng giàu mạnh và hùng cường.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thị Giang, Quản lý di tích - Danh thắng trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2020.
2. Ghé thăm khu làng tuyệt đẹp tại hồ Inle ở Myanmar, ivivu.com, 9-9-2020.
3. Hành trình khám phá hồ Inle Myanmar đầy thú vị, traveloka.com, 16-5-2023.
Ngày Tòa soạn nhận bài: 18-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 17-2-2025; Ngày duyệt đăng: 26-2-2025.
TS PHẠM THỊ HẢI YẾN - PHẠM LÊ TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025