Phát triển du lịch sinh thái ở Thung Nham, Ninh Bình

Du lịch ở Thung Nham có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Những năm qua, nguồn tài nguyên thiên nhiên này được ngành du lịch của tỉnh khai thác để phát triển du lịch. Việc khai thác hiệu quả du lịch sinh thái góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu du lịch của tỉnh, có thể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững du lịch ở Ninh Bình trong thời kỳ hội nhập.

1. Tài nguyên phát triển du lịch ở Thung Nham

Khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, cách trung tâm thành phố Ninh Bình 10km. Thung Nham là nơi tiếp giáp giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp đều thuộc tỉnh Ninh Bình.

Thung Nham có hệ sinh thái rừng ngập nước tự nhiên với diện tích khoảng 334,2ha, trong đó có 19ha rừng nguyên sinh. Vườn chim Thung Nham là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim khác nhau, trong đó có một số loài chim đã được ghi vào sách đỏ như: cốc đế nhỏ, giang sen…; có 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú và 8 loài bò sát cùng một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện tính đa dạng sinh học cần được bảo tồn và phát triển. Theo kết quả điều tra của Viện Điều tra Quy hoạch rừng (FIPI) và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình có 577 loài thảm thực vật bậc cao, 10 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Thung Nham nằm trong khu rừng đặc dụng của huyện Hoa Lư với địa hình đá vôi trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của miền Bắc Việt Nam. Vùng đá vôi nổi lên nằm xen kẽ với các khe suối có nước thường xuyên và các thung lũng ngập nước theo mùa. Độ cao tuyệt đối của vùng từ 10 - 281m. 

Vào thế TK X, Hoa Lư được chọn là kinh đô của Việt Nam, tiếp tục phát triển cho đến thời Tiền Lê. Nơi đây có nhiều hang động đá tự nhiên như: hang Bụt, động Ba Cô, động Tiên Cá, Thủy Cung… thung lũng tình yêu, miệt vườn, rừng nguyên sinh… là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cuối hạ đầu thu là thời điểm lý tưởng nhất để du khách thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên nguyên sơ tuyệt đẹp của chốn non nước hữu tình này. Từ Thung Nham, du khách cũng có thể đến các điểm thăm quan khác như: Tam Cốc, Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm, khu du lịch Tràng An…

Tài nguyên du lịch tự nhiên ở Thung Nham còn mới mẻ, hoang sơ và nguyên vẹn, chưa có sự tác động của con người. Môi trường sinh thái trong lành, chưa bị ô nhiễm về nguồn nước và không khí, thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái tự nhiên.

Tài nguyên du lịch nhân văn của Thung Nham được hình thành trên nền tảng lịch sử của mảnh đất cố đô Hoa Lư, các tài nguyên này bao gồm di tích lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, làng nghề thủ công truyền thống, những giá trị văn hóa phi vật thể và món ăn, đặc sản… Tất cả đều thể hiện bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của người dân Thung Nham nói riêng, người dân Ninh Bình nói chung.

Làng nghề thủ công truyền thống của huyện Hoa Lư có từ lâu đời cách đây khoảng 700 năm, nổi tiếng nhất là nghề thêu ren Ninh Hải. Trước đây, thêu ren là sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong dịp lễ tết, hiện nay đã mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định được thương hiệu riêng của làng nghề.

Ẩm thực của huyện Hoa Lư nổi tiếng với các món ăn như: tái dê Hoa Lư, nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), mắm tép gia viễn… Tất cả đều tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương.

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất ở Thung Nham mới chỉ dừng lại ở việc đầu tư, xây dựng các nhà nghỉ resort với 15 dãy nhà sàn gỗ được trang bị đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt, có sức chứa từ 45 - 55 người trong một nhà sàn, kiến trúc có sự kết hợp độc đáo giữa cảnh quan thiên nhiên và phong cảnh hiện đại để khi du khách đến đây sẽ cảm thấy, gần gũi với thiên nhiên hơn, góp phần vào việc phát triển du lịch sinh thái gắn liền với việc bảo vệ môi trường tự nhiên.

Về phương tiện đi lại ở khu du lịch Thung Nham rất thuận lợi, cách quốc lộ 1A 7km về phía đông, cách Hà Nội hơn 90km về phía nam, nằm trong tam giác tăng trưởng du lịch đồng bằng sông Hồng, chỉ mất khoảng 2 giờ đi bằng ô tô là du khách đã có mặt ở khu du lịch Thung Nham. Trong một ngày, du khách có thể tham quan được hết các điểm trong khu du lịch bởi chúng cách nhau không xa, vừa có thể đi bộ, vừa ngắm cảnh để cảm nhận một cách trọn vẹn nét đẹp của thiên nhiên.

2. Thực trạng phát triển du lịch ở Thung Nham

Thung Nham được công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh đầu tư và khai thác từ năm 2003. Trong thời gian qua, việc khai thác phát triển du lịch sinh thái ở Thung Nham đã đạt được một số thuận lợi, bên cạnh đó còn có những khó khăn, cơ hội và thách thức nhất định.

Thung Nham là điểm du lịch có nhiều lợi thế phát triển phát triển hơn các điểm du lịch khác về: vị trí địa lý thuận lợi; tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, thích hợp với việc phát triển nhiều sản phẩm du lịch sinh thái; nơi đây tập trung nhiều nguồn tài nguyên du lịch nhân văn tiêu biểu cho du lịch ở Ninh Bình; có nguồn lao động dồi dào, môi trường tự nhiên chưa bị ô nhiễm, môi trường xã hội thân thiện, an ninh trật tự được đảm bảo; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật được đầu tư xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn du lịch sinh thái. Đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hoàn thiện, khách du lịch ít có cơ hội tiêu dùng các dịch vụ khác. Kinh nghiệm quản lý, tổ chức phát triển du lịch của các đơn vị chủ quản còn nhiều bất cập, vì vậy, hoạt động du lịch còn mang tính chất tự phát, chưa đa dạng được các sản phẩm du lịch, các chương trình hoạt động cụ thể nên hiệu quả du lịch còn hạn chế. Đội ngũ lao động có độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, có sự phân chia giới tính chủ yếu là lao động nữ không được đào tạo qua trường lớp nên thiếu tính chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm làm việc. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở Thung Nham chưa được quan tâm đúng mức.

Du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng và ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội; du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình; du lịch sinh thái là một trong hai loại hình du lịch làm nên sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, trong đó Thung Nham là khu du lịch trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch này; thu nhập và thời gian nhàn rỗi của người dân ngày càng cao; được sự quan tâm đầu tư của chính phủ, của tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.

Phát triển du lịch nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức như: phải đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo tồn tài nguyên du lịch sinh thái nơi đây; khó khăn trong việc thu hút cộng đồng dân cư địa phương tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào hoạt động du lịch; phải cạnh tranh với các điểm du lịch sinh thái khác trong tỉnh như: Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long…; phần lớn khách đi tham quan trong ngày, khó khăn trong việc thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm.

Để phát triển du lịch sinh thái ở Thung Nham trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Phải có những cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cụ thể và đồng bộ, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của khu du lịch sinh thái Thung Nham trong hoạt động phát triển du lịch.

Cần đưa ra chiến lược kêu gọi vốn đầu tư để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng cho khu du lịch Thung Nham, vừa khai thác nguồn vốn trong nước và huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Phát triển du lịch sinh thái gắn liền với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bằng cách thường xuyên theo dõi, đánh giá tác động môi trường của dự án, chú ý đến khả năng chịu tải của khu du lịch, tránh gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến đời sống của các loài động, thực vật trên cạn cũng như thủy sinh trong khu vực.

Phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bên cạnh đó cần thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và thực hiện được mục tiêu bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa bản địa.

Tăng cường hoạt động quảng bá, tiếp thị để đưa hình ảnh của Thung Nham đến với đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Việc khai thác những tiềm năng sẵn có, với định hướng lâu dài và nhiều giải pháp đồng bộ tạo điều kiện để phát triển du lịch sinh thái ở Thung Nham, Ninh Bình. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương trong xu thế phát triển chung của du lịch đồng bằng sông Hồng.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyến

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;