Phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững và xanh

1. Tư duy phát triển bền vững và xanh trong phát triển du lịch

Du lịch là ngành kinh tế gắn chặt với các nguồn lực tự nhiên, thậm chí phụ thuộc vào tiềm năng tự nhiên như cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, địa hình, địa mạo, đa dạng sinh học… Phát triển bền vững được hiểu một cách cụ thể là phát triển kết hợp hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội với mục tiêu bảo vệ tài nguyên và môi trường. Phát triển xanh, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Khái niệm phát triển xanh, tăng trưởng xanh không thay thế khái niệm phát triển bền vững mà là cách thức thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh tài nguyên và môi trường (1). Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa: tăng trưởng xanh là đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn đảm bảo rằng tự nhiên vẫn có đủ năng lực cung cấp các nguồn lực sản xuất và vẫn duy trì môi trường sống. Trong phát triển xanh, tăng trưởng xanh thì tài nguyên và môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Chính vì vậy mà trong quản lý phát triển đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn yêu cầu các cấp, các ngành cần luôn chú ý quán triệt tư duy phát triển bền vững và xanh trong mọi quyết định quản lý phát triển.

Trong phát triển du lịch hiện nay người ta ngày càng hướng nhiều tới phát triển du lịch bền vững và du lịch sinh thái. Phát triển du lịch bền vững và du lịch sinh thái được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và được thể chế hóa trong Luật Du lịch (2017) của nước ta. Để phát triển du lịch bền vững cần có tư duy phát triển bền vững và xanh. Nói một cách ngắn gọn và đơn giản, tư duy phát triển bền vững và xanh là lấy tài nguyên thiên nhiên và môi trường làm nền tảng để đáp ứng nhu cầu phát triển cho mọi thế hệ hiện tại và tương lai.

Tài nguyên và môi trường tự nhiên là tài  nguyên, tài sản, nguồn lực quan trọng hàng đầu cho phát triển du lịch. Trong quản lý môi trường người ta thường nói tới năng lực tải hay khả năng tiếp nhận hoặc sức chứa của môi trường là để thể hiện sự quan tâm, chú ý tới giới hạn đối với khai thác, sử dụng tự nhiên. Trong khoa học quản lý môi trường và trong quản lý phát triển du lịch, khái niệm năng lực tải của môi trường được hiểu là khả năng mà môi trường có thể cung cấp (tài nguyên du lịch) và tiếp nhận (chất thải) cho mục tiêu phát triển (du lịch), mà không làm tổn hại tới các giá trị môi trường tự nhiên. Nói đơn giản hơn thì năng lực tải của môi trường trong quản lý phát triển du lịch là sức chứa của môi trường tự nhiên đối với các hoạt động phát triển du lịch. Năng lực tải hay sức chứa này là có giới hạn đối với mỗi địa bàn, mỗi khu, điểm du lịch. Tiếc rằng trong một thời gian dài phát du lịch, nước ta đã không hoặc rất ít chú ý tới bảo vệ, củng cố, phát triển nền tảng tự nhiên cho phát triển bền vững cả về vai trò của tài nguyên, môi trường tự nhiên như là tài sản, nguồn lực phát triển quan trọng hàng đầu và cả về tính giới hạn đối với khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường. Hệ quả là mặc dù các chỉ số phát triển du lịch về kinh tế là ấn tượng với mức tăng trưởng du lịch trên 20%/năm trong thời gian dài, nhưng tài nguyên du lịch tự nhiên lại diễn biến theo chiều hướng xấu đi do cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại, ô nhiễm, suy thoái, suy giảm chất lượng các thành phần môi trường, đe dọa trực tiếp tới phát triển tiếp tục của hoạt động du lịch.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương và yêu cầu có sự thay đổi căn bản, toàn diện tư duy phát triển, từ tư duy kinh tế trước, môi trường sau sang tư duy không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Đây chính là tư duy của phát triển bền vững và xanh phát triển du lịch phải dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên như là yếu tố hàng đầu.

Tư duy phát triển bền vững và xanh cần được thể hiện cả trong loại hình du lịch còn mới mẻ và đang được quan tâm phát triển ở nước ta là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Trong đó, du lịch cộng đồng, về bản chất, cũng là du lịch sinh thái, chỉ khác là do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng được khuyến khích phát triển nhằm mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Nếu so với các vùng miền khác của đất nước, du lịch cộng đồng vùng miền núi đa dân tộc có những lợi thế vượt trội gắn với đặc thù vùng như đa dạng cảnh quan thiên nhiên, sinh học, văn hóa… cùng với đa dạng lối sống, phong tục, tập quán của con người.

2. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững và xanh

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30-12-2011 xác định các vùng du lịch, trong đó vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Tây Bắc là vùng có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Sự đa dạng về văn hóa dân tộc và cảnh quan tự nhiên, khí hậu của vùng rừng núi cùng với nhiều địa chỉ lịch sử quốc gia nổi tiếng hội tụ ở vùng Tây Bắc đã tạo ra những tiền đề ít vùng có cho phát triển du lịch cộng đồng.

Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc không tách rời khỏi bức tranh tổng thể của phát triển du lịch nói chung của vùng. Những năm qua, du lịch cộng đồng đã được quan tâm phát triển ở tất cả các tỉnh trong vùng, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội địa phương và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân tại chỗ. Nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách như Sa Pa (Lào Cai), bản Dền (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Theo tổng kết của các địa phương có hoạt động du lịch cộng đồng, thì các điểm du lịch cộng đồng có tỷ lệ nghèo thấp hơn nhiều so với các địa bàn khác, diện mạo nông thôn, đô thị cũng cũng có nhiều đổi thay hơn. Các điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch. Số hộ nghèo ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) chiếm 25%, trong khi ở các điểm du lịch cộng đồng, số hộ nghèo chỉ chiếm từ 8 - 11% (số liệu năm 2012) (1). Ở một số nơi phát triển du lịch cộng đồng như Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai)… các hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động này, bình quân từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng (2).

Sự gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới giúp cho loại hình du lịch này có chỗ dựa vững chắc. Nhiều địa phương đưa phát triển du lịch cộng đồng thành trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1728/QĐ-UBND ngày 4-7-2016 xác định: trọng tâm của quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu là phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; tại Hà Giang, tháng 4-2014, UBND huyện Vị Xuyên đã phê duyệt Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Bang, xã Đạo Đức. Sau 2 năm triển khai thực hiện, thôn cơ bản đã hoàn thành các hạng mục, đủ điều kiện để đón khách tham quan, lưu trú. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm… Bản Bang hôm nay có một diện mạo rất mới, đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, có hệ thống đèn chiếu sáng tại trung tâm thôn (3); ở Lào Cai, tỉnh đã phê duyệt dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020, qua đó, đầu tư xây dựng mô hình thí điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van, huyện Sa Pa. Theo đó, đến năm 2020, điểm du lịch cộng đồng tại xã Tả Van về cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nông thôn mới, trở thành các điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước. Bên cạnh đó còn là mô hình mẫu để lan tỏa triển khai diện rộng trên địa bàn tỉnh đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (4).

Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng Tây Bắc cũng có những khó khăn, bất cập chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của loại hình du lịch này. Nguyên nhân chủ quan của thực trạng này đến từ phía chính sách và quản lý nhà nước và từ phía cộng đồng cũng như sự phối hợp giữa các bên liên quan (nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch). Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ phía cơ sở hạ tầng giao thông kết nối điểm du lịch cộng đồng với các tour du lịch.

Về chính sách và quản lý, còn thiếu những quy định cụ thể khuyến khích, hỗ trợ phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng ở các vùng nước ta nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng. Hiện tại, mới chỉ có chủ trương, giải pháp chính sách chung về phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch (quốc gia, vùng, khu du lịch) nhưng còn thiếu những quy định và hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện. Thí dụ, quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014 tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2050/QĐ-TTg ngày 12-11-2014, trong đó xác định: đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay), nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số và ưu tiên phát triển mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về chính sách, cơ chế thể hiện sự ưu tiên. Ngay bản thân phía cơ quan quản lý địa phương (thường là cấp huyện, xã) cũng còn thiếu hiểu biết về du lịch cộng đồng để có thể cụ thể hóa chủ trương chung cũng như hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể người dân tại chỗ phát triển du lịch cộng đồng.

Về phía cộng đồng, do hoạt động du lịch còn mới mẻ đối với cuộc sống và sinh kế của người dân vùng núi nên sự bỡ ngỡ, ít hiểu biết, ít kinh nghiệm cũng như thiếu vốn đầu tư khi tiếp cận với hoạt động này là khó khăn cho phát triển loại hình du lịch này.

Về phía doanh nghiệp du lịch, sự thiếu thốn về cung cấp các dịch vụ du lịch cộng đồng dưới hình thức lưu trú tại nhà dân (homestay) làm họ không nhiệt tình và quan tâm nhiều tới phát triển hình thức du lịch cộng đồng, trong đó có kết nối, phối hợp, hỗ trợ đầu tư khai thác các tiềm năng. Đồng thời, sự hạn chế về cung cấp các dịch vụ du lịch lưu trú tại nhà dân cũng làm giảm hứng thú của khách du lịch (trong nước, quốc tế) ở lại lâu. Điều tra xã hội học đối với khách du lịch tới vùng Tây Bắc do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện vào tháng 12-2014 cho thấy có tới 65% - 75% du khách quốc tế không muốn trở lại các điểm du lịch cộng đồng (5) với lý do chủ yếu là dịch vụ được cung cấp đơn điệu, rập khuôn…

Về cơ sở hạ tầng giao thông, do vị trí địa lý ở vùng núi, điều kiện giao thông còn khó khăn, nên việc kết nối điểm du lịch cộng đồng với các hình thức du lịch khác trong và ngoài vùng còn nhiều hạn chế.

3. Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững và xanh

Du lịch nói chung, trong đó có du lịch cộng đồng, được định hướng phát triển theo hướng bền vững và xanh. Trong phát triển du lịch tính chất xanh gắn với bền vững thể hiện sự nhấn mạnh vào nền tảng tự nhiên. Sự bền vững và xanh của du lịch cộng đồng phụ thuộc vào 3 nhân tố chính: tài nguyên du lịch, cộng đồng và quản lý gắn kết 2 nhân tố trên. Do vậy, các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững và xanh cần nhằm vào duy trì, gìn giữ, bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch để có thể khai thác, sử dụng lâu dài, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng nơi làm du lịch. Trong phát triển du lịch cộng đồng thì cộng đồng là nhân tố chủ thể trung tâm, tài nguyên du lịch là nhân tố nền tảng tự nhiên và quản lý là nhân tố liên kết, đảm bảo duy trì bền vững nền tảng tự nhiên cho chủ thể trung tâm khai thác, sử dụng lâu dài. Vì vậy, các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc theo hướng bền vững và xanh trong thời gian tới cần dựa trên những quan điểm phát triển du lịch đã xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được cụ thể hóa cho du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch cộng đồng vùng miền núi, dân tộc

Giải pháp này dựa trên cơ sở chủ trương và chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với các vùng miền núi và các dân tộc thiểu số. Cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch cộng đồng vùng miền núi, dân tộc cần bao gồm 2 nội dung cơ bản: một là, khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng vùng miền núi, dân tộc; hai là, củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông miền núi. Trong đó, cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích và hỗ trợ bao gồm cả các ưu tiên đầu tư của Nhà nước và các ưu đãi thu hút đầu tư của doanh nghiệp du lịch. Còn về củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông miền núi, trước hết tập trung cho những điểm du lịch cộng đồng đang phát triển tốt và có quy hoạch như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)…

Tăng cường truyền thông, cung cấp hiểu biết, kiến thức và đào tạo kỹ năng cần thiết về du lịch cộng đồng cho người dân tộc

Du lịch cộng đồng đối với các dân tộc vùng Tây Bắc còn mới mẻ nên cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo, tập huấn phù hợp với người dân vùng miền núi, thậm chí hướng dẫn cầm tay chỉ việc cho người dân. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt là cách làm có hiệu quả. Các tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với người dân tộc thiểu số cũng là cách thức phổ biến    kiến thức, kỹ năng về du lịch lưu trú tại nhà   (homestay). Kinh nghiệm đáng chú ý của tỉnh Lào Cai trong phát triển du lịch cộng đồng là phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội biên soạn tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho người dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng gồm các nội dung về cách vệ sinh, trang trí nhà cửa, đón khách, giao tiếp với khách, cách chế biến một số món ăn đơn giản du khách thường yêu cầu. Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn cách quản lý tiền thu được từ kinh doanh du lịch để có thể tái đầu tư.

Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông miền núi

Cơ sở hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc chủ yếu là đường bộ với tình trạng các tuyến quốc lộ vẫn tồn tại còn yếu, sạt lở, ách tắc về mùa mưa lũ, chất lượng mặt đường còn thấp, cấp hạng kỹ thuật của một số tuyến vẫn thấp so với quy hoạch. Hệ thống đường bộ là loại hình giao thông chủ yếu của vùng nhưng chưa được xây dựng kết nối liên hoàn. Hệ thống đường vành đai chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Chỉ tiêu kỹ thuật giữa các cung, tuyến đường, giữa đường với cầu, phà còn quá chênh lệch. Có thể nói, nếu không có kết nối giao thông tới các điểm du lịch cộng đồng thì khó có thể phát triển loại hình du lịch này ở vùng Tây Bắc.

Gắn kết công cuộc xây dựng nông thôn mới vùng miền núi với phát triển du lịch cộng đồng

Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay với mục đích là thay đổi căn bản diện mạo của nông thôn, trong đó người dân có cuộc sống văn minh, hiện đại, đời sống ấm no, hạnh phúc, môi trường sống trong lành. Du lịch cộng đồng là hoạt động kinh tế và nếu được quản lý tốt sẽ phát triển theo hướng bền vững, xanh, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản vùng Tây Bắc. Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, xanh nên được coi là một giải pháp cần được chú ý trong xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc, nhằm bổ sung sắc thái phát triển mới cho diện mạo nông thôn vùng miền núi, đóng góp vào sự bền vững và xanh cho diện mạo mới này.

Chia sẻ hài hòa lợi ích giữa cộng đồng làm du lịch và doanh nghiệp du lịch

Hoạt động kinh tế thị trường, về bản chất, liên quan tới tìm kiếm lợi ích kinh tế. Du lịch cộng đồng là hoạt động kinh doanh nên để phát triển bền vững nó cần được đảm bảo bằng lợi ích kinh tế. Người dân vùng Tây Bắc nhìn chung là còn kém nhạy bén với kinh tế thị trường, do vậy, trong hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là có liên quan tới các bên liên quan khác (doanh nghiệp du lịch, khách du lịch chẳng hạn) họ thường được chia sẻ phần lợi ích kinh tế ít hơn so với công sức họ bỏ ra. Do vậy, cần có sự hỗ trợ cần thiết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước để chia sẻ công bằng lợi ích giữa cộng đồng làm du lịch và doanh nghiệp du lịch thông qua ban hành quy định cơ chế chia sẻ lợi ích.

Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững và xanh là chủ trương và giải pháp phát triển trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phát triển xanh cũng chính là phát triển bền vững với sự nhấn mạnh, đặt trọng tâm vào bảo vệ, giữ gìn nền tảng tự nhiên cho phát triển. Tư duy này cần được vận dụng, thể hiện trong phát triển du lịch cộng đồng thông qua sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng nơi làm du lịch, cụ thể là bảo vệ tài nguyên du lịch cộng đồng bởi chính cộng đồng địa phương. Và để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững và xanh cần có những giải pháp đồng bộ nhằm vào cả ba chủ thể là Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp làm du lịch, đảm bảo chia sẻ hài hòa, công bằng lợi ích của các bên liên quan cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông miền núi như là điều kiện tiên quyết kết nối khách du lịch với điểm du lịch cộng đồng.

_______________

1, 5. tapchicongsan.org.vn.

2. vietnamtourism.gov.vn.

3. sxd.hagiang.gov.vn.

4. baolaocai.vn.

 

Tác giả: Nguyễn Danh Ngà - Lê Thanh Hà

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 - 2018

;