OSCAR 2014: BẤT NGỜ KỲ DIỆU NHẤT

 

Tiếp theo Tình yêu, phim tiếng Pháp của đạo diễn Áo lừng danh sinh năm 1942 Michael Haneke, Cành cọ vàng 2012, phim tiếng Anh vừa đoạt Oscar 2014 Mười hai năm nô lệ, của nghệ sĩ da đen xứ sở sương mù, Steve Queen, sinh năm 1969, khẳng định đầy phấn khởi tiến trình không thể đảo ngược của nghệ thuật thứ bảy thế giới: trở lại chính mình. Cũng như Tình yêu hai năm trước, hiện giờ Mười hai năm nô lệ hầu chỉ được khen ngợi không tiếc lời, từ mọi diễn đàn và cộng đồng xã hội, với sự đồng thuận cao của giới chuyên môn và công chúng. Đáng kinh ngạc, Mười hai năm nô lệ không hẹn mà nên, bổ sung đắc địa cho Tình yêu về cảm nhận toàn diện đối với cõi đời tưởng mỗi ngày một rối ren và tắc tị. Hai kiệt tác điện ảnh đề cập hai mặt của vấn đề cốt tử, đó là chiều hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người: sự bao dung bao giờ cũng chiến thắng.

         Chuyện thật cuộc đời như mới được phát hiện

Salomon Northup, sinh năm 1808 ở Minerva, tỉnh Essex, bang New York, Hoa Kỳ. Cha ông vốn là một nô lệ da đen gốc Phi, thời trẻ phục dịch trong gia đình Northup, một sĩ quan tiến bộ, được lấy họ của chủ nô và được phóng thích theo di chúc của ông chủ. Được tự do rồi, cha mới kết hôn và sinh được ông. Cha nỗ lực rất nhiều trong canh tác và trau dồi kiến thức văn hóa xã hội để không thua kém người da trắng trong vùng. Cha mẹ được đối xử hầu như hoàn toàn bình đẳng với người da trắng… Điều ấy tác động tích cực tới Salomon Northup, tạo đà cho ông trở thành một con người phát triển tận độ và được mọi người quý mến, cảm phục. Dịp lễ Giáng sinh năm 1828, ông xây tổ ấm với một cô gái, cũng lai Âu - Phi - Mỹ, cũng tự do như mẹ ông vậy. Ông có ba con, hai gái, một trai. Noi gương cha, ông hết sức học hỏi, chăm chỉ lao động, phát huy tối đa khả năng của mình. Hạnh phúc thoát khỏi phận nô lệ truyền kiếp thôi thúc vợ chồng ông làm việc cạt lực để các con được sống đủ đầy và thoải mái. Ông làm nhiều nghề, nghề nào cũng giỏi, từ trồng trọt chăn nuôi, qua dựng khung nhà, tới chở gỗ bằng bè trên sông nước xoáy. Ngoài ra, ông là một tay vĩ cầm thiện nghệ, nên thường được mời biểu diễn nơi hội hè và các khách sạn. Vợ ông là một đầu bếp cự phách, đáng lẽ có thể suốt đời sống kiêu hãnh với niềm vui ẩm thực mang lại cho chồng, cho con, cho người được bà phục vụ. Thời ấy, một phụ nữ da màu không dễ được mời vào các khách sạn nấu ăn. Bà được hưởng vinh hạnh ấy…

Nhưng rồi tai họa bỗng đâu ập xuống đầu bà. Tháng 4-1841, hai người đàn ông da trắng tự xưng là nghệ sĩ, tiếp cận S.Northup tại chỗ ông đang làm việc. Họ tỏ rõ vô cùng thán phục tài năng violon điêu luyện của ông, lấy làm tiếc rằng tài năng đấy chưa được bộ lộ xứng tầm. Họ rủ ông đến New York tham gia một loạt buổi diễn. Tưởng không lâu sẽ về, ông vui vẻ theo họ, không báo cho vợ. Tới nơi, họ bảo phải chờ ít bữa, và ngỏ ý muốn ông cộng tác với đoàn xiếc lưu động mà họ là thành viên và được hưởng nhiều ưu đãi. Họ ứng cho ông một món thù lao, chi cả tiền tàu xe khứ hồi. Đến thủ phủ Washington, họ đầu độc ông bằng ma túy, rồi bán ông cho một người buôn nô lệ. Ông bị đổi tên, bị coi là một nô lệ, bị cưỡng bức về miền nam Mỹ, nơi do việc trồng bông bùng phát mạnh mẽ, rất cần nhân công khỏe mạnh. Từ đó, trong 12 năm dài, ông qua tay nhiều chủ, mỗi người một tính nết, một cách cư xử với nô lệ mà họ coi như con vật và mặc sức tận dụng. Như mọi nô lệ khác, ông phải chịu đựng đủ loại đòn roi, sỉ nhục, và đau đớn. Song nhờ thạo việc và tài lẻ, ông mới vượt qua được những hiểm nguy có thể làm mất mạng. Dù muốn dù không, sự lương thiện và ứng xử văn hóa của ông cũng khiến ông bị ghen tức và trả thù. Chủ này bán ông cho chủ khác để trả nợ, chủ kia vô cớ đánh ông và toan giết ông vì thú tính, chủ nữa không cho phép ông thương cảm một nữ đồng cảnh bị ông ta biến thành nô lệ tình dục ê chề tủi hổ… Cần ghi nhận sự tỉnh táo khôn ngoan của S.Northup. Khi một chủ định giết ông, ông đã chống lại, để bảo toàn tính mạng. Suy cho cùng, ông không bị tiêu diệt, ấy là do lòng tốt hay công lý vô hình nhưng vô địch của đồng loại. Ví dụ, khi một tên chủ truy bức ông, một người đã nhắc tên chủ rằng ông là vật thế nợ, tên này đành từ bỏ ý đồ.

Ngay từ đầu, biết mình bị bắt cóc bán làm nô lệ, trên đường thủy tới nơi nào không rõ, ông đã viết thư cho vợ, nhờ bằng được một thủy thủ chuyển giúp. Song do không có nơi đến cụ thể, gia đình không sao cứu được ông. Cho đến cuối năm 1852, một người thợ mộc làm thuê nay đây mai đó đến trang trại trồng bông, nơi ông đang bị bóc lột thậm tệ. Nhận rõ sự phúc hậu của người lao động tự do, ông đã thổ lộ bí mật đời mình, rồi viết một thư cho con ông chủ cha mình, Henry Northup, một luật sư chính trực. Người thợ không sợ liên lụy, nghĩa là có thể bị từ hình, không những chuyển bức thư của ông, mà còn viết nhiều thư khác cho các cấp có trách nhiệm, yêu cầu họ can thiệp để trả tự do cho S.Northup. Vị luật sư khả kính phối hợp với một số quan chức và thượng nghị sĩ Mỹ tới tận hiện trường, xác minh sự thật qua nhiều rắc rối, chẳng hạn tên thật của S.Northup không hề được biết tới ở nơi này. Ngày 4-1-1853, bốn tháng sau cuộc gặp gỡ với người thợ Canada nhân đức, người này không ký tên trong các bức thư, nên không hề hấn gì, người đã biết mùi tự do được trở lại làm người, quay về với gia đình. Ông khởi kiện hai kẻ giả danh nghệ sĩ. Tòa án địa phương nơi ông làm nô lệ bác đơn của ông vì người da đen không có quyền kiện người da trắng. Ông không bỏ cuộc, nên về sau hai tên buôn người cũng bị tòa cấp cao hơn khởi tố. Song tòa án dùng dằng mãi vẫn không xử và hai năm nữa, tức 1857, vụ án vĩnh viễn chìm xuồng!

Bộ hồi ức có một không hai ghi lại chân thực đời nô lệ thảm khốc

Thực tế vụ án nô lệ đại cục lại đang nóng dần trên đất Mỹ. Năm 1850, quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật, theo đó, việc tố giác một nô lệ chạy trốn là nghĩa vụ công dân. Dư luận không hẳn đồng tình. Năm sau, trên tờ Kỷ nguyên dân tộc (The natinal era) xuất hiện truyện dài kỳ Túp lều bác Tôm của nữ văn sĩ Henriet Beecher-Stowe (1811-1896), phê phán chế độ nô lệ, bênh vực và đòi quyền sống cho hàng triệu nạn nhân của nó. Cuốn sách (ra mắt 1852), một kiệt tác kinh điển, tác động sâu sắc tới cuộc đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ. Chiến trường ác liệt nhất của cuộc đấu tranh đó là cuộc nồi da nấu thịt (1861-1865), bùng nổ là do các bang miền nam muốn duy trì chế độ nô lệ để thu được nhiều lời nhất từ việc trồng bông định hướng xuất khẩu đang phát triển mạnh mẽ. Khi phe phù chủ nô thất bại, lãnh tụ của cuốc chiến tranh Nam Bắc Mỹ đó, tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ Abraham Lincolt 1809-1865) tuyên bố rằng Chính người đàn bà trẻ (tác giả Túp lều bác Tôm) đã thắng trong cuộc chiến tranh này!”.

Trong chừng mực nhất định, S.Northup cũng được hưởng vinh quang hy hữu ấy. Từ hoạt động xã hội của ông sau khi thoát khỏi địa ngục, và từ bộ hồi ký Mười hai năm nô lệ, từng được nhiều chính khách và những nhà đấu tranh bãi bỏ chế nộ lệ tham chiếu rất nhiều trước và trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Mỹ. Về hoạt động xã hội, ông tranh thủ mọi thời cơ có được, để đi nói chuyện nhiều nơi, dĩ nhiên về sự tàn bạo và phi lý của chế độ nô lệ. Ở bắc Mỹ, ông đã thuyết trình khoảng 25 buổi như vậy. Có lần, ở Canada, ông đã bị buộc phải ngừng lời. Từ 1857, ông mất tích. Nhiều đồn đoán nối tiếp nhau suốt từ bấy đến giờ. Hai giả thiết nổi lên, hoặc ông bị bắt trở lại làm nô lệ, hoặc ông đã bị thủ tiêu. Cái chết bí ẩn của ông, phụ họa vụ ám sát Abraham Lincolt, là một nhắc nhở nữa cho cái giá phải trả để giành lại quyền làm người cho mọi sinh linh trên thế giới này.

Được trả tự do tháng 1-1853, S.Northup đã cho công bố tập hồi ký Mười hai năm nô lệ của ông cuối năm ấy, không bao lâu sau Túp lều bác Tôm. Bộ hồi ký chấn động dư luận bấy giờ. Nó kể lại chi tiết cuộc sống thường nhật, chế độ ăn uống, điều kiện lao động cơ cực tột độ của nô lệ, quan hệ quá bất công và vô nhân đạo giữa họ và chủ, cách truy bắt man rợ những nô lệ chạy trốn…Nhân vật chính, một người tự do bị lừa biến thành nô lệ, vô tình minh họa sinh động bất tận cho khát khao xóa bỏ chế độ nô dịch con người quá bạo tàn và ô nhục. Người thật việc thật đã chinh phục người đọc không sao tả xiết. Có những chi tiết mà các văn sĩ giàu óc tưởng tượng cũng không viết nổi. Chẳng hạn, về đêm, chủ nô lại bắt nô lệ khiêu vũ và la hét tập thể. Hoặc lời ăn tiếng nói của nô lệ, nhiều tiếng lóng và thổ ngữ hôm nay không sao tìm lại được… Trong vài tuần, 8.000 bản in lần đầu, một kỷ lục hiếm thấy, bán hết veo. Mấy năm tiếp theo, bộ sách được tái bản liên tục, cho tới 1856, số bản tiêu thụ đã là 30.000, kỷ lục xuất bản khó tin thời bấy giờ! Sau chiến tranh nam bắc, bộ hồi ký vẫn được in đi in lại. Song gần 100 năm tiếp theo, nó bị quên lãng. Một chuyện cổ tích đã ra đời, khơi dậy giá trị lịch sử to lớn của nó. Ấy là việc nhà sử học Sue Eatkin thuở nhỏ đã được thấy một bản in đầu tiên của bộ hồi ký của một bạn học, được gia đình cậu ta giữ hầu nguyên vẹn suốt gần một thế kỷ… Eatkin đã cùng một đồng nghiệp bỏ công lần lại hành trình của S.Northup, thu thập tài liệu, từ đơn ông kiện hai kẻ bịp mình, hồ sơ vụ án, giấy ông bị bán làm nô lệ, cho tới bản chứng nhận được giải phóng của người cha,… Năm 1968, hai nhà sử học đã cho tái bản bộ Mười hai năm nô lệ, kèm theo chú giải và phân tích của mình. Từ đó, bộ sách tái sinh, và được các học giả và sinh viên sử dụng rộng rãi trong học tập và nghiên cứu. Nó không chìm đi trong dòng văn học nô lệ hành tinh, ngược lại, vẫn hết sức độc đáo và hấp dẫn. Nó được âm nhạc, sân khấu, truyền hình và điện ảnh khai thác chủ yếu về tình người và chất nhân văn, như những tác phẩm văn chương hàng đầu.

Nô lệ vẫn là một vấn đề thời sự nóng bỏng

Stave Macqueen đi vào điện ảnh chưa lâu. Hai phim đầu của anh, Đói, 2008, và Nhục, 2011, đã khẳng định một phong cách mới, theo chủ nghĩa cổ điển khắc nghiệt. Anh không chạy theo thời thượng, mà chuyên tâm vào những vấn đề chí cốt. Nô lệ là một vấn đề như vậy. Là người da đen, anh không thể không suy tư về than phận xiết bao khổ ải của dân da màu, và từ lâu, nung nấu một bộ phim về đề tài này, song loay hoay mãi vẫn không viết được một câu chuyện như mong đợi. Vợ anh biết ý, mách anh bộ hồi ký của S.Northup. Bộ sách khiến anh sững sờ. Nó mở ra những điều anh vẫn đớn đau và trăn trở: ngược đãi và hạ nhục con người, nghiện hút, bạo dâm, hãm hiếp phụ nữ, lao động cưỡng bức, tra tấn, tìm niềm vui trong thú tính và bạo tàn, gia đình ly tán, phân biệt đẳng cấp, nạn mù chữ cố hữu… Anh bèn cậy nhờ nhà biên kịch John Ridley chuyển thể. Chuyện của hồi ký được giữ hầu như nguyên vẹn, một đôi thêm thắt, như người tình một chủ nô, đều được tính toán cẩn thận. Anh quyết tâm dựng lại thật đúng bối cảnh nam Mỹ bấy giờ, chú ý đặc biệt đến thổ ngữ, trang phục, âm nhạc, với những chuyên gia thứ thiệt được mời và nhiệt thành tận lực với anh. Phần lớn phim được quay ở vùng ngày xưa S.Northup từng bị đày đọa. Phim được làm xong sau 7 tuần, kinh phí 20 triệu USD. Cuối 8-2013, bộ phim Mười hai năm nô lệ của anh ra mắt lần đầu tiên tại liên hoan phim Telluride, Hoa Kỳ. Nó lập tức được đón chào nồng nhiệt. Từ đó, nó lần hồi chinh phục cả thế giới dưới nhiều dạng thức khác nhau. Không khó đoán, nó lần lượt dành được những vinh quang điện ảnh danh giá nhất, Quả cầu vàng, BAFTA, Oscar.

Nó thuộc nhóm những tác phẩm văn nghệ tinh hoa tuyệt đỉnh, kết hợp nhuần nhuyễn hoàn cảnh và nhân vật, làm nổi bật bản chất hiện thực được đề cập. Hoàn cảnh đây là hiện thực khách quan, bộc lộ chất phản khoa học và không thể chấp nhận. Trong đó, một cá nhân được coi là người, mặc sức làm bất cứ chuyện gì dù đểu cáng và dã man đến đâu; số đông chỉ là thú vật, phải vắt kiệt sức lực và mở rộng tối đa sự nhẫn nhịn, để cung phụng mọi thứ, vật chất và tinh thần, cho chủ, thực chất chỉ như con thú đầu đàn tự phong. Con thú đầu đàn coi mồ hôi nước mắt, rên xiết hay quằn quại, cũng như mạng sống của số đông mà nó được cai quản là sở hữu và hạnh phúc của riêng nó. Sự phản nhân văn và phi lý nhớp nhúa ấy của chế độ nô lệ ghìm giữ cộng đồng trong tập tính bầy đàn, đẩy lùi con người về thời nguyên thủy, biến con người thành con vật hoang dã. Mưu đồ tự phát ấy đã không áp đảo được tính người vẫn tồn tại bền vững trong mọi cá nhân dù riêng lẻ và mọi cộng đồng dù tạm bợ. Chất người vô địch này thăng hoa mạnh mẽ trong phim Mười hai năm nô lệ, tập trung ở nhân vật chính, S.Northup. Anh đã tự khẳng định tư cách bằng hành động, chứ không bằng lời lẽ mùi mẫn, vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, quyết chí vượt lên số phận, bảo vệ được cuộc sống và nhân phẩm của mình. Anh quyết làm người, chứ không chịu bị tước đoạt giá trị cao cả ấy. Nhân vật người nô lệ điển hình là hồn cốt của sức vang động của bộ phim. Cuộc chiến đấu cho các quyền làm người của anh minh họa sâu sắc cho tiến trình đi tới một xã hội tốt đẹp, tương xứng với tầm vóc con người.

Mười hai năm nô lệ nhắc nhở nhói đau về một hiện trạng nhức nhối của nhân loại hiện tại. Ấy là sự tồn tại dai dẳng và rộng khắp của sự nô dịch con người, dưới vô số chiêu bài chói sáng. Khi nhận Oscar phim hay nhất cho tác phẩm của mình, Stave Macqueen nói rằng anh xin tặng giải thưởng cho 21 triệu người nô lệ trên toàn cầu. Thực ra đấy là nô lệ lộ rõ, ở một số quốc gia. Ước tính thế giới hiện vẫn còn khoảng 200 triệu nô lệ trưởng thành và 300 triệu nô lệ trẻ em. Họ là nạn nhân của hệ thống buôn người, cưỡng bức lao động, bán dâm, chém giết đồng loại…, hiển nhiên vì lợi ích của các nhóm lạm dụng được quyền lực và sơ hở muôn màu của pháp luật và lòng tốt của nhân dân lao động. Bất ngờ kỳ diệu nhất của mùa Oscar năm nay là sự thức tỉnh đĩnh đạc của sứ mệnh đích thực của nghệ thuật. Ông Montel William, chủ của Hãng Fox Searchlight, phát hành bộ phim, vừa trả lời phỏng vấn: “Mười hai năm nô lệ là một trong những bộ phim đáng chú nhất mấy năm nay. Tôi vinh hạnh kết hợp được Fox Searchlight và Hội giám hiệu toàn Liên bang nhằm tăng cường tột độ tiềm năng giáo dục của kiệt tác điện ảnh này... Khi Hollywood đạt tới trình độ hoàn mỹ nhất của nó, sức mạnh của các phim mẫu mực có thể biến thành những công cụ giáo dục cực kỳ hiệu quả. (Mười hai năm nô lệ) soi tỏ một cách độc nhất vô nhị một giai đoạn nhục nhã của lịch sử nước Mỹ; và làm như vậy, bộ phim khơi gợi trong các học sinh sinh viên chúng ta khát vọng không lặp lại sai lầm của quá khứ; bộ phim đồng thời thôi thúc tất cả các cháu ước mơ tới một tương lai tốt đẹp hơn. Hội giám hiệu toàn Liên bang sẽ phân phát tác phẩm (bộ hồi ký và bộ phim) tới mọi thành viên của mình, khuyến khích họ đưa chúng vào chương trình giảng dạy…”. Là đạo diễn da đen đầu tiên được nhận Oscar, Stave Macqueen không giấu diếm xúc động của mình: “Từ khi đọc Mười hai năm nô lệ, tôi đã da diết mong nó đến với các bạn trẻ đang đi học. Nay mong mỏi đó đã được hiện thực hóa, Hãng phim Fox Searchlight và Hội giám hiệu Liên bang Hoa Kỳ sắp chia sẻ (tâm tư nguyện vọng) của Salomon Northup với thế hệ người học đang ngồi trên ghế nhà trường…”. Phim và sách sẽ tới tay học sinh sinh viên Mỹ dịp khai giảng vào tháng 9 tới…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Nguyễn Hương Quỳnh

;