Liên tục trên các số từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2019, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã mở chuyên mục Diễn đàn “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia sôi nổi của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, nhà báo… tập trung vào các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức lối sống, đời sống văn hóa; Di sản văn hóa; Văn học nghệ thuật; Giao lưu văn hóa với thế giới; Thể chế và thiết chế văn hóa.
Hơn 20 bài viết được đăng tải dưới các góc độ khác nhau đã nhận định: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trong 10 năm qua đã tạo sự chuyển biến về diện mạo đời sống văn hóa nước ta, mà trước hết, đó là nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa trong phát triển. Quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội ; văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế và xã hội đã được lan tỏa. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương về văn hóa. Nhìn chung , 10 năm qua, đạo đức xã hội và lối sống giữ được sự ổn định, nhiều gương người tốt, việc tốt xuất hiện. Tại nhiều địa phương như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nghệ An… đã phát huy tốt các mô hình dòng họ văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng tại các địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư, xây dựng. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được quan tâm, nguồn tài nguyên di sản văn hóa dồi dào đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch trong những năm gần đây khi ngành du lịch đã về đích trước mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Văn học nghệ thuật và các phương tiện thông tin đại chúng đã có những bước phát triển, bám sát hơi thở cuộc sống, có tác động tích cực trong việc xây dựng và góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống con người.
Trong khi đó, ở các ngành công nghiệp văn hóa, đã xuất hiện những mô hình mới được thử nghiệm, với nhiều không gian sáng tạo. Ngành điện ảnh đã có những bước tiến đáng khích lệ về tăng trưởng doanh thu, số lượng phòng chiếu, thực hiện hiệu quả về chủ trương xã hội hóa. Các ý kiến cũng ghi nhận những nỗ lực về giao lưu văn hóa đối ngoại, góp phần nâng cao hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam và quảng bá du lịch.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình thực hiện chiến lược vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: trước hết đó là tình trạng xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống, môi trường văn hóa chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Nhiều giá trị truyền thống, lối sống tốt đẹp của dân tộc bị mai một. Tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng. Xảy ra tình trạng lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng của người dân để trục lợi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch đất cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; thư viện ở miền núi phia Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn thiếu thốn. Di sản văn hóa vật thể ở nhiều nơi còn bị hư hại, xâm phạm. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ý thức rõ được vị trí, vai trò của ngành công nghiệp văn hóa do đó chưa có chính sách cụ thể để phát triển các ngành này. Luật Điện ảnh, hành lang pháp lý của hoạt động xuất bản… vẫn còn những bất cập. Văn học nghệ thuật thiếu những tác phẩm hay, tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của người đọc. Công tác thông tin đại chúng về văn hóa vẫn còn những hạn chế. Hoạt động giao lưu văn hóa chưa khai thác hết tiềm năng văn hóa dân tộc.
Để Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được hoàn thiện, các ý kiến đã đề xuất: Trong chiến lược tới đây cần xác định rõ có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành chức năng chứ không chỉ một mình ngành VHTTDL. Cần thiết có sự vào cuộc của các Bộ có liên quan như: Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài chính… Mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần được thiết kế căn cứ vào việc nghiên cứu sự biến đổi hệ giá trị với những phẩm chất của văn hóa - văn minh công nghiệp và đô thị. Cần thể chế hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với điều kiện cụ thể của từng ngành, nghề, địa phương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa cơ sở, di sản văn hóa, điện ảnh, xuất bản... Cần kiên trì và thận trọng trong bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhà nước cần tăng cường xây dựng cơ chế đặc thù, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đặt hàng các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh...; cải thiện chế độ nhuận bút cho các nhà văn. Chú trọng vai trò của truyền thông đại chúng trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Đề xuất thành lập Trung Việt Nam học ở một số nước trọng điểm, khu vực. Nhà nước đầu tư thích đáng cho việc sưu tầm, tuyển chọn, xuất bản các công trình tiêu biểu của văn hóa Việt Nam ra thế giới...
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các tác giả trong nửa năm qua. Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin khép lại Diễn đàn “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển đến văn hóa đến năm 2020” tại đây và xin mời quý bạn đọc tham gia “Diễn đàn văn hóa ứng xử” bắt đầu từ tạp chí số này trên trang 46.
TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019