Những hương vị văn hóa trong “Hà Nội băm sáu phố phường”

Tuổi thơ của những đứa trẻ như chúng ta đều được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những cuốn sách. Vì đôi khi trong những cuốn sách như gói gọn cả gia đình, cả quê hương. Hà Nội là chốn thân thương tôi gửi trọn cả tuổi thanh xuân. Khi nhắc đến những cuốn sách với ý nghĩa tương tự như thế, tôi không thể nào quên được Hà Nội băm sáu phố phường, một tuyệt phẩm được dệt nên bởi những lời văn nhẹ nhàng, tinh tế, bởi một óc quan sát tài tình của nhà văn Thạch Lam.

Hà Nội băm sáu phố phường hợp tuyển những câu chuyện về phố, phường, về đời sống dân sinh, về các món ăn và sự gắn bó của nghệ thuật ẩm thực với đời sống văn hóa xã hội của người Hà Nội thanh lịch. Thạch Lam, với thiên bút ký này, đã đưa ta đi qua các phố phường cổ xưa để tìm lại vóc dáng, hương vị của Thăng Long - Hà Nội; để xao xuyến với những dáng nét phố, dáng phường; để thỏa nỗi đam mê với những món ăn, thức quà chỉ riêng nơi đây mới có...

Hương vị văn hóa phố phường Hà Nội

Xưa nay, phố phường Hà Nội, thực hay mơ, đều hiển hiện với một dáng vẻ riêng có. “Hà Nội xưa hiện ra ở nhiều góc cạnh cùng các đặc trưng riêng, tạo nên sức quyến rũ lạ kỳ, níu chân bất cứ vị khách nào lại qua. Đó là những mái nhà cổ kính khoác lên mình lối kiến trúc độc đáo, dáng vẻ quanh co nhưng rất đỗi mềm mại của những con phố quen thuộc, là nét văn hóa ẩm thực tinh tế... giữa không gian êm ả, thanh bình, rộn rã mà trầm mặc (1). “Phố phường Hà Nội giờ đây đã trở nên Âu hóa... Để tìm kiếm những giá trị văn hóa còn vương vấn lại giữa phố thị xa hoa, hẳn Thạch Lam phải dụng công tìm hiểu và huy động bằng hết sự nhạy cảm trong các giác quan... Thạch Lam tiến sâu vào các con ngõ nhỏ, khuất lấp giữa cái bề thế xa hoa. Và chính ở đây, diện vẻ của một Hà Nội ngàn năm tuổi - thật may mắn - vẫn còn được bảo tồn... Thạch Lam truy hồi quá khứ từ những dấu vết còn vương của một thời đã cách xa. Chạm vào những điều bé nhỏ như ngọn cỏ trên mảnh tường Ô Quan Chưởng mà dường như cả một miền ký ức hiện lên với diện vẻ thanh bình nhất. Thạch Lam gợi về hình ảnh phố thị quá khứ, cũng tìm lại cho độc giả văn hóa xóm giềng nồng nàn đậm đà phong vị Hà Nội: gắn bó bền chặt trong sự ý nhị, tinh tế và toát lên chất văn chương phong nhã hào hoa của người Hà Nội muôn năm cũ” (2).

Theo Thạch Lam: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác… ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông thấy cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây”. Tôi cũng như nhà văn Thạch Lam, sống trong lòng Thủ đô Hà Nội, luôn ẩn chứa trong lòng một sự lưu luyến gì đặc biệt lắm, không kể được bằng lời. Sự lưu luyến, sức hút đặc biệt ấy còn thể hiện rõ nét hơn ở những người rời xa Hà Nội.

Hương vị văn hóa ẩm thực Hà Nội

Hà Nội có cái thú vị rất riêng, chẳng thể lẫn vào đâu được, cái thú riêng ấy là gì thì tự những người tới Hà Nội phải tìm thấy nó, mà dấu ấn sâu sắc nhất là khi được nếm thử hương vị của Hà Nội.

Phải chăng, thứ lưu giữ văn hóa đậm sâu nhất, ngoài những nét riêng phố phường, ngoài nét gia phong thanh lịch... vẫn là ẩm thực Hà Nội. “Thạch Lam dồn hết tâm sức vào ngòi bút để phác thảo bức tranh ẩm thực Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX với nhiều tầng lớp, màu sắc, hình dạng. Ông trải nghiệm văn hóa ẩm thực ở những nơi bình dị hơn cả: các quán xá nhỏ bé, những gánh quà rong. Thạch Lam có một lòng tin sâu đậm vào sức mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa của hàng quà rong Hà Nội (3).

Lời văn của Thạch Lam đưa tôi đi tựa như một nhà bộ hành tùy hứng, tản mạn qua những con phố cổ kính rêu phong, đậm chất Hà Nội, đậm chất phương Đông. Nhẹ nhàng xuất hiện trước mắt tôi là vô vàn biển hàng mời gọi. Những chiếc biển hàng xưa chẳng cầu kỳ như bây giờ, chỉ đơn giản là tên cửa hàng viết tay điểm thêm vài chữ tiếng Pháp hay tiếng Tàu, vừa để thể hiện rõ sự du nhập mãnh liệt của văn hóa phương Tây vào đất Thủ đô, cũng vừa để làm nổi bật lên cái phong phú, đa dạng của vùng đất tụ hội bốn phương này. Nhưng những chiếc biển hàng ấy cũng đâu thể nói lên được sự ngon dở trên từng món ăn.

Thưởng thức món ăn của Hà Nội xưa cũ, không phải là chỉ rẽ qua những nhà hàng sang trọng rồi về, mà còn là sự rong ruổi trên từng con phố. Vì chiếc đĩa sứ sang trọng quý phái đâu thể nâng niu, gìn giữ hết những món quà dân dã của Hà Nội. Muốn ăn ngon ở Hà Nội, phải theo bước chân của Thạch Lam đi lân la ngoài phố phường, đâu chỉ vài chục phút, mà phải là hàng giờ, thậm chí thâu đêm suốt sáng. Vì những thứ tinh túy nhất đâu phải dễ dàng tìm ra, vì những hương vị ẩm thực riêng có nhất đâu phải dễ dàng nhận thấy…

Thạch Lam đưa ta rẽ qua những hàng, mà cũng chưa chắc được gọi là hàng, vì đơn giản những của ngon vật lạ ở Hà Nội là ở dưới vai, trên chiếc đòn gánh của mấy anh chị bán hàng rong hết. Thạch Lam kể: “Mỗi giờ là một thứ quà rong khác nhau, ăn quà cũng là một nghệ thuật, ăn đúng cái giờ ấy và chọn đúng người bán hàng ấy, mới là người sành ăn”. Nhà văn còn chỉ ta cách thưởng thức, cách nâng niu tận hưởng hương vị của món ăn để có thể cảm nhận được hết cái chất “Hà Nội” trong đó.

Những tiếng rao lẳng lặng vọng vào trong đêm, những tiếng bước chân lê thê đượm sự mỏi mệt, nhưng chính những tiếng rao ấy, những bước chân ấy, phải chăng là những lời ru của ẩm thực mỗi đêm khuya?

Quà Hà Nội, một món quà thần kỳ mà chỉ cần gọi tên thôi cũng khiến người phương khác thèm muốn. Hà Nội, khi chỉ gói gọn trong đêm, chén trà đặc nóng hôi hổi thổi bừng lên mặt ăn kèm với miếng bánh khảo bột đầy môi. Hay Hà Nội cũng chỉ là bát bún chả, bát phở đậm đà điểm vài cọng rau thơm buổi sớm. Hà Nội cũng “thôn quê” lắm qua cái ngon của món xôi nếp với hương thơm nồng nàn bởi mỡ, hành khiến người ăn nhớ mãi. Hay, Hà Nội đơn giản là một thức quà đầy thanh tao của lúa non (còn gọi là cốm). Thạch Lam nói rằng: “ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ”. Ăn như thế mới có thể thấy trong hương vị cốm cái mùi thơm phức của lúa mới. Để thấy trong màu xanh của cốm cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc, thêm vào cái vị thơm ngát của lá sen ướp lấy từng hạt cốm, cũng như để giữ lại cái ấm áp của những ngày hạ trên hồ. Khi mở gói cốm, hãy mở từ từ, nhè nhẹ “từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào. Một vẻ đẹp tự nhiên, trong lành, đẹp đến “thần tiên”, lý tưởng" (4).

Hà Nội cũng như bao thành phố khác... mà sao khi nhắc đến, người ta lại dường như cảm nhận được cái sức hút mê hồn của món ăn trên đầu lưỡi? Vì món ăn Hà Nội riêng biệt lắm, hòa trộn giữa cái hương cổ xưa và nét đẹp của thời đại, để sáng tạo ra những món ăn mang mùi vị chẳng đâu có được. Tác giả là một nhà văn mà sao có thể biết rõ ngọn ngành về cách làm món ăn, biết được cách tận hưởng chúng? Phải chăng Thạch Lam còn có một tài năng khác? Đầu bếp chăng? Nhưng tất cả là nhờ một tình yêu Hà Nội, khiến nhà văn có một sự rung động mãnh liệt về vị giác, để một khi thưởng thức món ăn thì chẳng tài nào quên được, mà có lẽ cũng chẳng muốn quên.

Hương vị văn hóa tình yêu Hà Nội

Thạch Lam từng viết: “Hà Nội đẹp bởi con người nơi đây đẹp với cốt cách lạ lùng. Biết bao nghệ thuật trong một bức tranh nhỏ nhưng tinh tế. Và đến được với nghệ thuật ấy không phải chỉ có tài, mà còn phải có lòng yêu, yêu thành thực, yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng của những đời bé bỏng, nghĩa là yêu Hà Nội, vì những cái bé bỏng ấy tức là tất cả Hà Nội” (5). Và, nói như nhà văn Băng Sơn: “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa... Hà Nội có cái gì là tôi có cái đấy...” (Hà Nội rong ruổi quẩn quanh). Cũng chính vì yêu Hà Nội đến như thế, nên bất kỳ thứ gì thuộc về Hà Nội, đối với tôi, chúng đều đáng để tự hào. Từ cách cầm đũa, cầm thìa, đến cách thưởng thức một món ăn, thưởng thức cái đẹp ẩm thực, đều vang lên một nét văn hóa độc đáo của người Hà thành... Hà Nội băm sáu phố phường chứa đựng cái hơi thở cổ kính rêu phong của một Hà Nội đã xa giờ chỉ còn lại là những kỷ niệm trong tâm tưởng mỗi người. Cuốn sách tựa như một chuyến đi mà bất kỳ ai cũng hằng mong ước để thỏa mãn cái vị giác khi đến đất Kinh Kỳ. Thạch Lam là một người con của Thủ đô, có đôi chút tự phụ và khó tính, với những lời nhận xét đầy ngẫu hứng bằng lời văn chưa bao giờ xưa cũ.

Hà Nội băm sáu phố phường, với hai mươi mốt bài ký nhỏ như hai mươi mốt bức họa đầy màu sắc, đầy hoài niệm, đã dựng nên hình bóng và hương vị Hà Nội xưa. Nhà văn tôn vinh việc thưởng thức món ăn, tạo ra một nét đẹp mãi vẹn nguyên trong văn hóa người Hà Thành. Bằng thể văn tùy bút đầy tinh tế, cuốn sách cho chúng ta thưởng thức những hương vị văn hóa không dễ lẫn của Thăng Long - Hà Nội. Và ở phía khác, cuốn sách cũng gợi nhắc cho chúng ta rằng, trong văn chương, từng có một Hà Nội xinh đẹp, hiền hòa và đậm đà hương vị như thế!

 _______________

1. Giới thiệu cuốn sách: Hà Nội băm sáu phố phường, thcschumanhtrinh.edu.vn, 18-1-2017.

2, 4. Đặng Tương Như, Hà Nội băm sáu phố phường và nhà văn Thạch Lam, nhavanhanoi.vn, 12-8-2021

3. Lê Đỗ Tuấn Hùng, Những giá trị Hà Nội còn mãi trong Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, nguvan.hnue.edu.vn, 13-10-2020.

5. Gia Hạ, Tình Hà Nội đằm thắm trong Hà Nội băm sáu phố phường, Zingnews.vn, 16-10-2016.

 

ĐẶNG QUỲNH ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

;