Nhìn lại 20 năm thực hiện công ước 2003 của UNESCO

Ngày 26-12, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sở VHTT Hà Nội tổ chức Hội thảo “20 năm bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam: từ UNESCO đến cộng đồng”.

Tham dự Hội thảo có: PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội; ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL); Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; cùng các nhà nghiên cứu, người thực hành di sản văn hóa Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo khoa học “20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam: Từ UNESCO đến cộng đồng” nhằm góp phần đánh giá việc thực hiện Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua; liên hệ với Luật Di sản văn hóa; chỉ ra sự tác động của Công ước đối với công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Kết quả thực hiện Công ước năm 2003 của UNESCO trong 20 năm qua

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết, cách đây 20 năm, tại phiên họp lần thứ 32 tại Paris (Cộng hòa Pháp) từ ngày 29-9 đến 17-10-2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể - Văn bản mang tính pháp lý quốc tế và là sự cam kết của các quốc gia thành viên về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 5-9-2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước, trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này, và đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước. Tinh thần của Công ước đã bước đầu vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở nước ta, với những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo

Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đầu tiên trong số 181 quốc gia thành viên của Công ước tính đến thời điểm này, tổ chức kỷ niệm 20 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực từ Trung ương tới các địa phương liên quan trong năm 2023.

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm 40 điều, ra đời đã 20 năm, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhưng chưa một lần sửa đổi, bổ sung. Điều đó chứng tỏ tính đúng đắn của Công ước, giá trị lý luận và thực tiễn của Công ước vẫn giữ nguyên và vẫn phù hợp với thời đại chúng ta.

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 là văn bản đề cập khá toàn diện các khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có một nội dung đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò của cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 đã khẳng định: “các cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”; khẳng định “sự cần thiết phải nâng cao nhận thức đối với thế hệ trẻ về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và việc bảo vệ chúng”, khẳng định: “Vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể là yếu tố đưa nhân loại xích lại gần nhau hơn và đảm bảo sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa mọi người”.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Nông Quốc Thành phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Nông Quốc Thành cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, liên quan mật thiết tới hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Với các di sản văn hóa phi vật thể đã trình và được UNESCO ghi danh vào các Danh sách, thực hiện cam kết, Bộ VHTTDL đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Cụ thể là, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tính đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau.

Theo ông Nông Quốc Thành, đến nay, qua công tác kiểm kê, đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. 534 Di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các Danh sách (bao gồm 13 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp), phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố. 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 131 Nghệ nhân nhân dân và 1.750 Nghệ nhân ưu tú.

TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng cần mở rộng quy định xét tặng NNND, NNƯT đối với các nghệ nhân trẻ tài năng

Cần mở rộng quy định xét tặng NNND, NNƯT đối với nghệ nhân trẻ tuổi tài năng

Nhấn mạnh về chính sách đối với người thực hành, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, TS Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa của UNESCO là các tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội, nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, tập quán truyền khẩu và tri thức dân gian… Di sản là do con người sáng tạo ra, được trao truyền từ đời này sang đời khác, gắn với những cộng đồng hoặc nhóm người mà họ coi đó là những giá trị của chính họ, là dấu hiệu mà chúng ta gọi là bản sắc để phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác. Mỗi cộng đồng có đời sống văn hóa, có những sáng tạo liên tục trong thực hành và vì thế văn hóa là một thế giới đa dạng, đa sắc đầy ắp những giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Di sản văn hóa luôn được duy trì trong đời sống của mỗi cộng đồng, được tái sáng tạo, nâng niu gìn giữ và truyền lại cho đời sau. Những giá trị đó là động lực, là tiềm năng của đời sống cộng đồng, quốc gia và dân tộc.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Sau 3 đợt phong tặng vào các năm 2015, 2019, 2022, có 1.881 nghệ nhân trên các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã được phong tặng danh hiệu, trong đó 1.750 NNƯT và 131 NNND.

Theo TS Lê Thị Minh Lý, di sản văn hóa phi vật thể là con người, là đa dạng văn hóa không thể so sánh và xếp hạng. Nghị định quy định về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cần thêm điều khoản để xét các trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ nhân trẻ tuổi có tài năng xuất sắc. Đối tượng này cần khuyến khích bởi vì họ có năng lực sáng tạo, truyền dạy và góp phần tích cực vào phát triển bền vững. Đối với các nghệ nhân thuộc lĩnh vực “nghề thủ công truyền thống” và “tri thức dân gian” (chữa bệnh) cần có quy định cụ thể để không chồng chéo với việc xét tặng của Bộ Công Thương và Bộ Y tế. Cần có thêm điều khoản về việc hủy hoặc rút lại các danh hiệu trong trường hợp các cá nhân vi phạm các luật khác và Luật Di sản văn hóa. Ngoài các danh hiệu phong tặng các chủ thể/nghệ nhân có công trong việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể, chưa có các hình thức khen thưởng khác cho những người có thành tích lớn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, như nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, sáng tạo…

Kinh nghiệm về thực hiện Công ước 2003 của UNESCO

Chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để Hát Xoan Phú Thọ - từ Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, TS Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 24-11-2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua Quyết định số 6.COM.8.23 ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ngay sau khi Hát Xoan được UNESCO ghi danh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực cùng cộng đồng quyết tâm thực hiện cam kết bảo vệ di sản Hát Xoan trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020) và được Thủ tướng chính phủ Việt Nam phê duyệt. Tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan giai đoạn 5 năm và từng năm với những biện pháp cụ thể như: tiến hành kiểm kê cập nhật và tư liệu hóa các bài bản Hát Xoan; chăm lo bồi dưỡng nghệ nhân và đào tạo các nghệ nhân kế cận, ban hành chính sách hỗ trợ nghệ nhân; tổ chức các hoạt động truyền dạy trong các phường Xoan gốc và trong cộng đồng; phục hồi không gian văn hóa và các tục lệ nghi thức liên quan đến thực hành hát Xoan của cộng đồng; tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thực cộng đồng về giá trị của di sản hát Xoan, đưa Hát Xoan vào trong nhà trường để tạo không gian lan tỏa đến thế hệ trẻ…

TS Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ chia sẻ kinh nghiệm về Hát Xoan từ Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp chuyển sang Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

“Những nỗ lực và các biện pháp bảo tồn của tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO ghi nhận, được coi là trường hợp điển hình, là kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong bảo vệ các di sản trong tình trạng khẩn cấp trên thế giới. Chính vì vậy, ngày 8-12-2017, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua Quyết định số 12.COM.11.C đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”- TS Nguyễn Đắc Thủy cho biết.

Chia sẻ về vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, NNƯT Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết, tín ngưỡng thờ mẫu là một tập quán xã hội, một hình thức tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp của người Việt. Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian có lịch sử lâu đời và là bản sắc Việt. Ngày nay Đạo Mẫu trở thành di sản bởi sức sống, giá trị văn hóa, tính cộng đồng mạnh mẽ trong thực hành, trao truyền và phát huy giá trị… Việc UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2016 đã đem đến cho Đạo Mẫu những cơ hội mới, nhận thức mới và trách nhiệm của mỗi nghệ nhân...

NNƯT Nguyễn Tiến Nghĩa chia sẻ về vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ mẫu

Ông Nguyễn Tiến Nghĩa cho rằng, việc nhà nước phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho các ông bà Đồng là thước đo đánh giá những đóng góp của họ trong hoạt động thực hành tín ngưỡng và bảo vệ di sản. Sau ba đợt phong tặng 2016, 2019 và 2022, có nhiều người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần có đánh giá kỹ càng hơn trong việc xét tặng một cách xứng đáng để mỗi nghệ nhân thực sự là tấm gương phản chiếu những điều tốt đẹp của Đạo Mẫu, của cộng đồng chứ không phải là sự đua tranh về danh hiệu và lợi ích cá nhân...

NGỌC BÍCH - Ảnh: HỒNG VÂN

;