Nhiều hoạt động tháng 8 hấp dẫn tại Làng VH-DL các dân tộc VN

Từ ngày 1/8 - 31/8/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây , Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” bên cạnh các hoạt động truyền thống.

Theo Ban tổ chức, đây là những hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa, tạo sân chơi cuối mùa hè cho các em học sinh. Đặc biệt, đây cũng là môi trường, sân chơi cho thanh thiếu niên, các hiệp hội, câu lạc bộ, học sinh, sinh viên các trường với các hoạt động giao lưu, trải nghiệm hấp dẫn trong những ngày cuối hè, chuẩn bị bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động hằng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Biểu diễn cồng chiêng trong tái hiện lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na - Ảnh tư liệu của Tuấn Minh

Hoạt động tháng 8 với sự tham gia của khoảng hơn 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày của các nhóm cộng đồng dân tộc: Tày, Nùng (Thái Nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). BTC huy động thêm khoảng 20-25 nghệ nhân đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông từ ngày 20 - 21/8/2022.

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động sự kiện tháng 8 với chủ đề “Em yêu làng em” sẽ diễn ra Chương trình dân ca dân vũ “Buôn làng vào hội” của đồng bào dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tiết mục dân ca dân vũ ca ngợi đất nước, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Bên cạnh đó, giới thiệu điệu múa Tung tung ya yá (còn gọi là “vũ điệu dâng trời”) là một trong những nghệ thuật không thể thiếu được trong sinh hoạt tinh thần của người Cơ Tu. Múa tung tung (múa nam) và múa ya yá (múa nữ) là hai điệu múa thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao, đã trở thành nét nổi bật trong văn hóa của người dân tộc Cơ Tu.

Lễ hội A Riêu Aza (mừng lúa mới) của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế cũng sẽ được tái hiện trong tháng 8 này. Lễ Aza của đồng bào Cơ Tu lưu giữ những tình cảm tốt đẹp, gắn bó, sẻ chia cùng nhau trong mỗi làng bản, cộng đồng, mở ra một chu kỳ nông nghiệp mới. Sau một mùa vụ mới, lễ Aza lại diễn ra rộn ràng trên các bản làng của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống ở Tây Thừa Thiên Huế.

Đến với các hoạt động tháng 8 này tại Ngôi nhà chung, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc, tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội... cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống.

Với Chương trình “Thiếu nhi với nét văn hóa truyền thống các dân tộc”, du khách sẽ được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc: ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông, tó má lẹ của dân tộc Thái… đi cà kheo, đánh quay, kéo co…

Vào những ngày cuối tuần sẽ giới thiệu ẩm thực địa phương, các trò chơi dân gian truyền thống của các cộng đồng gợi nhớ hình ảnh mùa hè, tăng cường các hoạt động trải nghiệm tương tác tìm hiểu về văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng: Thổi Đinh Năm hát ay ray, thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ tre nứa, điệu múa chuông, múa xòe…

Dịp này, BTC cũng tăng cường hoạt động giới thiệu, truyền dạy về nhạc cụ truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...; chương trình du lịch theo gói sản phẩm để du khách trải nghiệm tại không gian Khu các làng dân tộc.

Không những vậy, du khách còn được trực tiếp trải nghiệm các hoat động hằng ngày thú vị khác diễn ra tại không gian các làng dân tộc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer. Trong đó, có: tái hiện cuộc sống hằng ngày, tăng cường các hoạt động giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đoàn, phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; tạo không gian, nội dung hoạt động gắn liền với những trải nghiệm mùa hè cũng như trưng bày giới thiệu những hình ảnh về gia đình tại mỗi làng dân tộc; giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc; thao tác, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc…; phục vụ du khách tham quan tuyến điểm; trò chơi dân gian: nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ...

NGÔ HUYỀN

;