NHẬN DIỆN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NGƯỜI THÁI THANH HÓA

        Ng­ười Thái Thanh Hóa là một bộ phận của ng­ười Thái Việt Nam, gắn với cộng đồng Thái Tây Bắc, Nghệ An và Lào, sống tập trung ở các huyện miền núi phía tây Thanh Hóa như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Th­ước, Lang Chánh, Th­ường Xuân, Nh­ư Xuân, Như­ Thanh và một bộ phận nhỏ sống xen kẽ các huyện đồng bằng như­ ở Tĩnh Gia, Thọ Xuân. Trong thành phần các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, người Thái đứng thứ hai về dân số (sau người Mường), nhưng lại giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phòng thủ đất nước. Địa bàn cư trú của họ chạy dọc theo hành lang phía tây, vùng phên dậu, đồng thời cũng là vùng giao lưu và tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người Thái, Mường, Mông, Dao,...

Dưới góc độ địa lý học tộc người, có thể nhận thấy, tuy là một tộc thống nhất nhưng người Thái ở Việt Nam có sự khác biệt địa phương khá rõ nét. Cho đến nay, việc nghiên cứu về người Thái Thanh Hóa vẫn đang là một hướng mở. Nhận xét về vấn đề này, Lê Sỹ Giáo đã có ý kiến: “Mấy chục năm vừa qua, giới dân tộc học Việt Nam đã tập trung nghiên cứu nhiều vấn đề về khối cư dân nói ngôn ngữ Thái - Tày và đã thu được những kết quả đáng mừng. Các công trình đã được công bố, nói riêng về người Thái, chủ yếu là tập trung vào khối Thái vùng Tây Bắc. Trong khi đó, ở miền núi Bắc Trung Bộ, mà cụ thể là hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thì còn chưa được chú ý thích đáng. Có thể nói đây là một mảng trống lớn mà chừng nào chưa lấp được nó thì chừng đó chúng ta vẫn chưa có được cái nhìn toàn cảnh bức tranh về người Thái Việt Nam một cách đầy đủ”(1). Vì lẽ đó, việc nhận diện văn hóa phi vật thể của người Thái Thanh Hóa sẽ góp phần vào việc nhận diện toàn cảnh người Thái Thanh Hóa cũng như người Thái Việt Nam.

 

1. Vài nét khái quát chung

         Người Thái Thanh Hóa có nguồn gốc lịch sử gắn bó lâu đời với quê hương Thanh Hóa. Đến trước cách mạng tháng Tám 1945, ở miền núi Thanh Hóa đã hình thành 40 mường của người Thái (Quan Hóa 7 mường, Mường Lát 7 mường, Quan Sơn 6 mường, Bá Thước 4 mường, Lang Chánh 4 mường, Thường Xuân 9 mường, Như Xuân 3 mường), trong đó có bốn mường lớn là mường Ca Da ở Quan Hóa. mường Khoòng ở Bá Thước, mường Chiềng Vạn ở Thường Xuân, mường Đèng ở Lang Chánh (2). Căn cứ vào cách ăn mặc, ngôn ngữ và nguồn gốc lịch sử tộc người, các nhà nghiên cứu đã chia người Thái Thanh Hóa thành hai nhóm chính là Thái đen (Tày Đăm), Thái trắng (Tày Dọ) (3). Nhóm Thái đen chiếm đa số, sinh sống tập trung ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh. Nhóm Thái trắng tập trung ở huyện Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh và một bộ phận nhỏ ở một số bản thuộc huyện Triệu Sơn, Tĩnh Gia. Người Thái Thanh Hóa không phân biệt Thái đen hay Thái trắng, họ thường gọi nhau theo địa danh mường bản, nơi cư trú, như mường Đèng, mường Ca Da, mường Khoòng, mường Ký...

Cộng đồng người Thái Thanh Hóa đ­ược hình thành từ các nguồn là có bộ phận đã ở đây từ lâu đời, có bộ phận ngư­ời Thái đen, Thái trắng từ Tây Bắc xuống, từ Lào sang và sau này có cả người Mường, người Kinh hòa nhập vào. Địa bàn cư trú của họ vừa tập trung ở một số vùng như trên, vừa sống tiếp giáp, xen kẽ, hòa đồng với ngư­ời Mư­ờng (chủ yếu là người Mường trong), người Việt (Kinh) cả trên phương diện địa lý, đời sống vật chất, tinh thần, hôn nhân và có sự giao l­ưu với ng­ười Lào, ng­ười Khơ mú, gần đây có thêm ng­ười Dao, ng­ười Hoa, ng­ười Mông. Do sự gắn bó lâu dài trong quá trình định cư và mối quan hệ lịch sử lâu đời với cộng đồng các dân tộc, văn hóa Thái Thanh Hóa trong quá trình phát triển đã hình thành nhiều sắc thái địa phương, không hoàn toàn giống Thái Tây Bắc, Nghệ An, hay Lào. Trên cái nhìn tổng thể, mặt văn hóa của ng­ười Thái Thanh Hóa có một vài nét nổi bật như sau:

Văn hóa Thái Thanh Hóa vừa giữ gìn đư­ợc những nét chung nhất của cộng đồng ng­ười Thái Việt Nam và ng­ười Tày - Thái cổ Việt Nam, vừa hình thành bản sắc địa ph­ương về cả hình thức thể hiện, ngôn ngữ và nội dung gắn với lịch sử, địa danh của vùng đất Thanh Hóa.

Văn hóa ngư­ời Thái Thanh Hóa có sự giao thoa, hòa quyện với văn hóa Mường - Việt ở Thanh Hóa, trực tiếp là nhóm M­ường trong (người Mường ở Thanh Hóa gọi bộ phận những người Mường di cư ở Hòa Bình vào là người Mường ngoài). Do quá trình hòa nhập đã diễn ra hàng nghìn năm, cho nên hầu hết các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa vật chất và tinh thần của ng­ười Thái và ngư­ời M­ường Thanh Hóa có nhiều nét tư­ơng tự nhau, không phân biệt đ­ược nguồn gốc từ Mư­ờng hay từ Thái. Ví dụ nh­ư: tập quán canh tác ruộng n­ước, n­ương rẫy, ẩm thực, nhà ở, thuốc nam, y phục, tín ng­ưỡng, lễ tục, thiết chế bản mư­ờng, nhạc cụ,... Riêng tiếng nói và chữ viết thì ít lẫn lộn. Người Thái có chữ viết, nhưng chữ Thái Thanh Hóa có kiểu văn tự truyền thống mang tính địa phương. Cũng giống như chữ Thái Tây Bắc, chữ Thái Thanh Hóa là một loại chữ ghi âm, ghép vần, viết theo hàng ngang, từ trái sang phải, dùng chữ để thay dấu thanh. Bộ chữ có 18 cặp phụ âm (gọi là ), 14 nguyên âm (gọi là mai) và một số ký tự viết tắt, vần sẵn cùng gọi là hoặc mai. Kiểu văn tự truyền thống chữ Thái Thanh Hóa có khả năng ghi chép đầy đủ tiếng Thái cổ và có sự linh hoạt về thanh điệu phù hợp với thổ ngữ của địa phương. So với chữ Thái đen (đã được dùng làm chữ Thái chung khu vực Tây Bắc), chữ Thái Thanh Hóa còn giữ được đặc trưng chữ Thái cổ là chữ cái mang tính hình tượng. Hình nét (mẫu tự) lấy từ hình tượng của sự vật, hiện tượng cùng tên với chữ cái. Chẳng hạn, mai ca lấy hình tượng con quạ, mai ke lấy hình tượng con pom ke (kỳ nhông), mai kia lấy hình tượng của dơi... Đặc điểm này giúp cho người học chữ Thái dễ nhớ vì gắn với tư duy hình tượng.

Trong tiềm thức của mình, ngư­ời Thái Thanh Hóa có những ký ức về văn hóa Chăm, Lào, được thể hiện thông qua một số tác phẩm như truyện thơ U Thềm, truyện thơ Tư Mã Hai Đào,... được lưu truyền phổ biến trên các vùng người Thái Thanh Hóa, nhất là ở các vùng tiếp giáp với Lào như Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát,... Có thể, đây là điều mờ nhạt đối với người Thái Tây Bắc.

         Như vậy, tổng hợp trên nhiều phương diện, có thể nói rằng, xét về mặt hình thức thì ng­ười Thái Thanh Hóa có nhiều nét gần gũi ngư­ời M­ường Thanh Hóa hơn là Thái Tây Bắc. Ng­uời M­ường Thanh Hóa gần gũi ngư­ời Thái hơn người Mường Hòa Bình, Phú Thọ. Cho nên, có thể nói “sự gần gũi Thái - Mường”(4) là một trong những nét nổi bật khá rõ trong văn hóa của người Thái Thanh Hóa.

          2. Một số dạng thức văn hóa phi vật thể mang tính đại diện của người Thái Thanh Hóa

Văn hóa phi vật thể là một cách phân loại với đối tượng văn hóa, mà bên cạnh nó là văn hóa vật thể. Có thể kể ra một số dạng thức chính của văn hóa phi vật thể như: các loại hình văn hóa ngôn từ truyền miệng như truyện kể, sử thi, truyện thơ, tục ngữ, dân ca..., các hình thức nghi lễ, phong tục tập quán, lễ hội..., các hình thức diễn xướng và trình diễn, các tri thức dân gian,... Văn hóa phi vật thể của người Thái Thanh Hóa khá phong phú đa dạng. Từ thực tế sưu tầm, nghiên cứu của nhiều người đi trước, chúng tôi xin nêu một số dạng thức văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn địa phương của người Thái Thanh Hóa.

Trong lĩnh vực phong tục tập quán tín ng­ưỡng, lễ tục phải kể đến mo đám tang. Mo đám tang của người Thái Thanh Hóa chia làm nhiều b­ước, mỗi bư­ớc có một thủ tục và một bài ca riêng. Đám tang của người Thái ở các vùng Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Th­ước, Lang Chánh... Thầy mo thường có các bài: Hó pu hắp mò (đặt trầu đón r­ước mo), Chắm tảy (cúng ma mo), Hấm khuồng (đuổi ma tà khỏi nhà), Khấu mảy (nhập quan tài), Pộc pàng (khai cuộc), Toi ắm óc mò (kể về ma mo), Xơ chua khoai (cúng trâu làm thịt), Xơ pau ngai (cúng bữa trưa, tối), Toi ặm óc nặm đin (kể về đẻ đất đẻ n­ước), Toi ặm óc cân tài (kể về cuộc đời ngư­ời chết), Toi ắm óc mạy (kể cây gỗ quan tài), Nóp xứa mạy (ca ngợi áo quan), Mò khấn phả (mo lên trời), Khài bóc (đưa hồn người chết đi chơi chợ bán hoa), Nung âm ti (đưa hồn về bàn thờ tổ tiên).

Lời mo Thái Thanh Hóa xưa kia đư­ợc chép lại bằng sách chữ Thái (Xư­ mo), hiện nay không còn giữ lại được đầy đủ.

Các lễ tục, đáng chú ý là lễ mừng lúa mới (thời xa xư­a tổ chức vào trung tuần tháng mười); tục thờ thần lửa tổ chức vào tháng giêng, tục cầu mư­a (gọi là ủa lúm ủa lang, có nơi gọi là ù lúm, ù lang),... Ngoài ra còn có các lễ tục làm vía, bao gồm các loại: vía sau sinh đẻ cho trẻ sơ sinh chóng lớn, vía trước khi đi xa gia đình cầu không bị mất lạc vía đi vào đám đông, vía sau ốm đau, vía sau tai nạn tức gọi vía không nằm lại nơi tai nạn, vía khi lấy vợ, lấy chồng nhằm để vía vợ chồng cùng chung sống trọn đời, vía mang thai, vía sau công tác xa trở về, gọi vía về nhà cùng sum họp gia đình, không lang thang ở những nơi người ấy đã từng sống, anh em gặp nhau hay sắp đi xa xa nhau buộc chỉ cổ tay cho nhau, con cháu cầu sức khỏe cho ông bà - mỗi người con từ vợ chồng con cả đến vợ chồng con út đều làm vía cho ông bà nội ngoại nhằm đáp đền công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ hai bên nội ngoại, vía sau khi người trong gia đình mất, không cho vía người thân trong gia đình theo vía người đã mất... Trước đây, có một tập quán làm vía của dòng họ Phạm ở m­ường Ca Da và họ Lò Khăm ở bên Lào, tổ chức tại biên giới trên địa phận Tén Tằn huyện Mường Lát, cứ ba năm tổ chức gặp gỡ giữa hai họ một lần để trao đổi tâm tư­ tình cảm, cầu phúc cho nhau và vui chơi giải trí. Vật thờ cúng phải là trâu trắng.

Lễ hội ở các bản mường thường gắn liền với việc thờ những ng­ười có công khai phá, sáng lập ra bản m­ường và những nhân vật lịch sử gắn với người Thái Thanh Hóa. Tr­ước đây, các lễ hội lớn cuốn hút không chỉ người dân trong bản mường mà cả những mường lân cận như lễ hội mường Ca Da (thờ Lò Khăm Ban), m­ường Mìn (thờ Tư Mã Hai Đào), mư­ờng Chiềng Vạn thờ Cầm Bá Thư­ớc,...

Trò diễn dân gian nổi bật là kin chiêng bóoc mạy. Đây là một loại hình trò diễn xung quanh cây hoa và chĩnh r­ượu cần với mục đích cầu chúc sức khỏe và tạ ơn thần chữa bệnh. Đây là một trò diễn dân gian mang tính chất văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng dân cư dân tộc Thái, đã xuất hiện và tồn tại từ lâu đời trên các vùng của người Thái Thanh Hóa. Người chủ xướng là một phụ nữ làm nghề cúng vía. Bất đắc dĩ không tìm được một người phụ nữ xứng đáng mới phải thay một người nam. Hàng năm, cứ vào dịp Boóc mạ nở lộc tháng hai, Hoa vông quệt dài đuôi én, năm mới đến là người Thái tổ chức ngày tết hoa lá đầu năm, gọi là kin chiêng boóc mạy. Cái tết này mở đầu cho một năm làm ăn, cày cấy, cây cối đâm lộc, nảy chồi, sinh hoa kết quả. Nơi diễn ra trò diễn là một nhà sàn rộng, gian giữa đặt một cây hoa nhân tạo, sặc sỡ đủ màu. Cây hoa được chia làm hai phần, phần trên cùng có hướng chỉ thiên, tượng trưng cho tính chất đàn ông, gọi là cho đáng, phần dưới gồm những cành hoa lá, hình nộm cày bừa, chim, cá... tượng trưng cho tính chất đàn bà. Ở các khe giữa giắt cần treo những quả trứng gà luộc, những chiếc rọ bằng sợi tơ gọi là trống trứng và trống tơ. Trò diễn bắt đầu từ những bài ca nghi lễ rồi đến các điệu nhảy ngắm lợn, dọn cơm, uống rượu cần, tiếp đến là các trò mô phỏng cuộc sống lao động sản xuất như dắt trâu, chăn vịt, xúc cá, hái nấm, lấy ong, dệt vải... Kin chiêng bóoc mạy của người Thái Thanh Hóa được nâng cấp lên cả số l­ượng ng­ười tham gia và số lư­ợng các trò, trở thành phần chá (vùng Thường Xuân gọi là cá sa, xằng khàn).

Tục uống r­ượu cần của người Thái Thanh Hóa trở thành một hình thức giao l­ưu văn hóa có bài bản, thể hiện sự khôn khéo trong ứng xử, thông qua lời đối đáp, hát khặp, cầu khấn theo một trình tự: xin mở rượu, cúng ma nhà, mời khách, xin phép uống, cảm ơn chủ, lời chám thả n­ước, khặp xin chối từ, chào ra về...

Văn học dân gian của người Thái Thanh Hóa đặt trong nguồn mạch chung của văn học dân gian dân tộc Thái ở Việt Nam là một di sản khá phong phú vừa có tính loại hình chung, vừa có phẩm chất đặc thù địa phương.

Ngư­ời Tháiaá nh­ trò Xuân Phả ở Thọ Xuân, ích cầu chúc sức khỏe và tạ ơn thần chữa bệnh, thực tế đây là một trò vui, có nhiều mô típ na ná Tây Bắc có chuyện khổng lồ Ải Lậc Cậc, người Thái Thanh Hóa có Ải Pu Té m­ường Khoòng, Lung Quan Khà ở m­ường Ký. Các truyện thơ Khăm Panh, U Thềm, Tư­ Mã Hai Đào,... phổ biến ở các vùng người Thái Thanh Hóa.

Thơ ca dân gian có khặp, xét về nội dung thì có nhiều điểm t­ương ứng với thơ ca dân gian Thái Tây Bắc, nhưng về phư­ơng diện ngôn ngữ và cách diễn đạt thì có nhiều điểm khác, vì tiếng Thái ở vùng Sơn La, Yên Bái, Điện Biên phát âm cao, thấp trái ng­ược với tiếng Thái Thanh Hóa. Người Thái Thanh Hóa có các làn điệu khắp ơi còn gọi là yếu đu lăm ne, khắp xón xéo (ỏn ẻn), khắp xòn láy, khắp xư... Trong đó khắp yếu đu lăm ne là đặc thù riêng của Thái Thanh Hóa (5).

Tục ngữ Thái Thanh Hóa là một kho trí tuệ về cái khôn cái khéo của người Thái. Điểm đáng lưu ý là người Thái Thanh Hóa tập hợp các câu tục ngữ theo chủ đề thành những bài học luân lý gọi là xứ xón cân (sách dạy ng­ười) như­ một số bài: căn dặn con cái làm ng­ười, căn dặn dân làng giữ gìn thuần phong mỹ tục...

Âm nhạc dân gian Thái Thanh Hóa nhộn nhịp nhất là khua luống, trống chiêng, bóng bu; êm dịu có khèn bè, tha thiết có pí một,... Đến vùng người Thái Thanh Hóa vào sáng sớm, buổi chiều tà hay những đêm trăng thanh, chúng ta được thưởng thức những bản nhạc không lời với âm thanh nhịp nhàng, khoan thai, rộn ràng, cũng có lúc dồn dập của nhịp điệu khua luống. Khua luống có tự bao giờ không rõ, nhưng đến nay tuy không bảo lưu đầy đủ, nhiều nơi người Thái Thanh Hóa làm gạo không còn giã cối, luống hoặc cối giã bằng, sức nước chảy vào mảng mà đưa vào máy xát, nhưng nhiều bản của người Thái Thanh Hóa vẫn không vắng tiếng nhạc khua luống trong những đám cưới, lợp nhà mới, trong những ngày hội vui của bản làng.

Tóm lại, trong hầu hết các lĩnh vực thuộc văn hóa phi vật thể của người Thái Thanh Hóa đều có những nét sắc thái riêng. Đó là những giá trị đặc sắc góp phần làm phong phú thêm những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa nói riêng và văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung.

_______________

1, 2, 3, 4. Lê Sĩ Giáo, Lần tìm cội nguồn lịch sử của người Thái Thanh Hóa, Tạp chí Dân tộc học, số 2-1991.

            5. Vương Anh, Tiếp cận văn hóa bản Thái xứ Thanh, Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa, 2001.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 313, tháng 7-2010

Tác giả : Mai Thị Hồng Hải

;