Người lặng lẽ đi tìm ngọc

Tôi dùng cụm từ này để nói về một con người đã dành 20 năm sau khi đã nghỉ hưu để kiếm tìm, sưu tầm, nghiên cứu và động viên các cụ cao niên hoạt động trong lĩnh vực văn hoá dân gian. Đó là ông Nguyễn Tiến Vinh 80 tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí và Người cao tuổi xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nguyên Giám đốc công ty Điện ảnh - Băng hình tỉnh Phú Thọ.

Ông Nguyễn Tiến Vinh (trong cùng bên phải) và nhóm các cụ dịch minh chuông chùa Long Khánh, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba
 

Quê ông ở khu 3 xã Chí Tiên, một vùng quê trù phú, êm đềm bên dòng sông Thao giàu bản sắc văn hóa trung du với nhiều câu chuyện thần thoại, cổ tích, những câu phương ngôn lột tả những nét đặc sắc tính cách con người, cách ứng xử đậm chất nhân văn, đặc biệt là nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm từ thời Hai Bà Trưng. Quê hương đã hun đúc cho ông tình yêu và niềm say mê các giá trị văn hóa mà các thế hệ đi trước để lại mà hôm nay như ông tâm sự mình như người “thiếu nợ” quê hương, cần phải làm một cái gì đó thiết thực để báo đền lại nơi chôn nhau cắt rốn. Từ suy nghĩ đó nên ngay khi nghỉ chế độ ông tích cực tham gia vào Câu lạc bộ Hưu trí và Người cao tuổi xã. Trước đây, khi còn đang công tác ở ngành Văn hóa Thông tin, ông đã có thơ, truyện ngắn, bài viết đăng báo nên được các cụ giới thiệu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ. Ông đã không phụ lòng tin của mọi người. Câu lạc bộ nơi ông làm Chủ nhiệm thành lập trước đó hơn 7 năm với trên 30 hội viên nghỉ hưu và người cao tuổi, đã có một số hoạt động tích cực như sáng tác thơ ca, tập dưỡng sinh, trồng cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh, một số hội viên có thơ được xuất bản. CLB trước đó có một số bài hát, bài nghiên cứu văn nghệ dân gian của một số cụ được in trong tập san Văn hóa Thông tin của Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ, điều này là nguồn động lực để ông cố gắng trong nhiệm vụ mới của mình. Ông chủ trương duy trì thường xuyên nếp sinh hoạt ở CLB nhưng cần phải đi sâu vào một, hai chuyên đề để mỗi kỳ sinh hoạt, hội viên luận bàn, trao đổi... tạo sự thoải mái và niềm cảm hứng, qua đó phát huy được khả năng của mỗi người. Nhận thấy vùng quê Chí Tiên có rất nhiều phong tục tập quán hay, nhiều giá trị văn nghệ dân gian khá độc đáo mà từ trước đến nay chưa cá nhân hay tổ chức nào ghi chép, đánh giá thấu đáo, có chăng thỉnh thoảng cũng có tác giả điểm qua đôi chút, ông đưa ra bàn trong Ban chủ nhiệm chuyên đề này và được mọi người đồng tình hưởng ứng. Vùng quê ông từ thời Hậu Lê đã được nhà nước phong kiến đặt làm huyện đường, các cụ cao niên xưa truyền lại đây là nơi “địa linh, nhân kiệt”, vẫn truyền tụng câu “Đàn anh Chí Chủ”, “Chùa So, Bụt Chủa”, có nhiều ngôi đình thờ các vị Thần hoàng làng được các đời vua phong sắc, đặc biệt có đền Du Yến thờ bà Nguyễn Thị Hạnh “Trưởng lĩnh tiền quân” lỗi lạc của Hai Bà Trưng hiện còn lưu giữ 18 đạo sắc phong của các đời vua phong bà là Quốc Mẫu, ngôi đền đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ở Chí Tiên, lễ hội đền Du Yến là lễ hội trang trọng nhất, đông vui nhất, tiếp đến là lễ hội đình Chí Chủ, lễ hội “Giằng búa vật trâu”, một trò diễn luyện và khao quân của Đào Tướng quân, một vị được thờ làm Thành hoàng làng ở đình làng Bến. Cụ Đỗ Áo, Hà Khắc Vỹ, Hà Văn Khúc đã có bài viết về lễ hội này; cụ Nguyễn Văn Đằng viết về làng Văn Chỉ, cụ Hà Vũ Khúc có bài nghiên cứu về ngôi chùa Long Khánh. Ông Nguyễn Tiến Vinh đã có 3 bài viết nghiên cứu giới thiệu các di tích lịch sử ở Chí Tiên, 1 bài về nữ tướng tài ba Nguyễn Thị Hạnh và đền Du Yến, sáng tác 15 bài thơ trong đó có những bài rất sâu lắng, mang nhiều xúc cảm như bài Thiếu nợ quê hương, Hương sơn động. Ngoài ra, cụ còn sưu tầm, ghi chép nhiều ca dao tục ngữ, phương ngôn trong kho tàng văn hoá dân gian ở địa phương. Trong không khí say mê nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian, các hội viên tiếp tục có các bài viết về sự tích vùng quê Chí Tiên, những cây cầu, những địa danh bình dị mà rất đỗi thân thương nơi đây.

Có thể nói, chính những thành quả này đã làm sống lại những giá trị tưởng chừng đã bị bụi thời gian che phủ. Trong các buổi sinh hoạt tại chi hội, các cụ đọc cho nhau nghe những bài viết mới để cùng chia sẻ. Vốn có tay nghề chụp ảnh được đào tạo những năm công tác trong ngành điện ảnh, ông Nguyễn Tiến Vinh đã dày công chụp nhiều bức ảnh về sắc phong còn lưu giữ ở một số đình, đền trong xã Chí Tiên, kiến trúc chùa Long Khánh đăng kèm bài trên báo, trên tập san của địa phương. Điều này thôi thúc ông quyết tâm tìm cách dịch bài minh văn trên quả chuông chùa Long Khánh được đúc vào năm 1683. Bởi ông hiểu đây không chỉ nói về những người quyên góp đúc chuông, mà còn là những nội dung sâu sắc, ẩn chứa những giá trị đạo đức, tình cảm của người dân với linh vật của ngôi chùa có nhiều giá trị nghệ thuật và kiến trúc này. Bắt tay vào dịch minh văn trên quả chuông lớn được đúc cách đây hơn 300 năm, lại trải qua thời gian chiến tranh, quả chuông có lúc được sử dụng làm kẻng báo động khi có máy bay địch, ông và các cộng sự mới thấy hết được sự thử thách lòng kiên trì, phương pháp khoa học trong cách tiếp cận với các con chữ khắc trên quả chuông. Cả 4 mặt chuông có 3.374 chữ còn đọc được trên tổng số hơn 3.604 chữ khắc trên mặt chuông mà phải viết đi viết lại ba bốn lần, người đọc, người soát kiểm tra trước sau mới biết là bao nhiêu công sức các cụ đã bỏ ra. Cụ Đỗ Văn Áo năm đó đã 89 tuổi song cụ vẫn miệt mài chăm chỉ dịch từng chữ, những chữ còn gây ra cách hiểu khác nhau, cụ thức đêm tra lại kỹ càng, ngày hôm sau trao đổi lại với cụ Lê Đình Hiểu vốn là giảng viên Hán văn Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã nghỉ hưu và các ông có hiểu biết về lĩnh vực có liên quan để thống nhất. Trong điều kiện ở thời điểm đó không điện thoại di động, các cụ nhà cách nhau mấy quả đồi, rồi những ngày mưa đường trơn trượt đi lại rất vất vả… nhiều khó khăn không thể kể hết nhưng các cụ quyết tâm làm bằng được.

Trải qua 3 tháng ròng, việc dịch chữ Hán Nôm trên quả chuông mới hoàn thành. Đó là lòng quyết tâm, ý chí bền bỉ của các cụ cao tuổi xã Chí Tiên, toàn dịch giả không chuyên, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, họ đã cùng chung sức, đồng lòng với ông Nguyễn Tiến Vinh hoàn thành một công việc rất có ý nghĩa cho các thế hệ sau. Lời nhắn gửi trên quả chuông cũng chính là thông điệp giàu ý nghĩa: “Nay đúc quả chuông lớn, cũng là việc phúc, việc thiện nên làm, để lại dấu ấn cho nhân dân xã nhà và cũng là tiếng thơm trong thiên hạ. Thật đúng là năng tích thiện thì thiện đến nhà, năng tích phúc thì phúc tại gia” hay như: “Thôn hai Bến Tây con người nơi đây từ trước tới nay vốn cần cù, siêng năng, hiền lành đã làm nhiều việc thiện nên hưởng nhiều tài vật, phúc lành”. Đó là những viên ngọc quý trong kho tàng văn nghệ dân gian mà ông Vinh cùng với các cụ cao tuổi trong Câu lạc bộ Hưu trí và Người cao tuổi Chí Tiên đã cần mẫn tìm ra. Cùng với thời gian và sự đồng hành mang tính động viên, đôn đốc vì kế hoạch công việc đặt ra của Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nguyễn Tiến Vinh, khá nhiều hội viên có những bài viết: Lễ hội đền Du Yến, Những chiếc giếng làng Chí Chủ xưa, Ngôi đình làng Sóng, Chùa Long Khánh, Nguyễn Thị Hạnh - vị nữ tướng lỗi lạc của Hai Bà Trưng, Làng Đò và giếng làng Đò, diễn ca Ngọc Loan công chúa… được in trên Báo Phú Thọ, tập san Văn hóa, thể thao, du lịch Phú Thọ, sách Văn nghệ dân gian huyện Thanh Ba. Đây là những gợi ý rất hay và có cơ sở để ông Nguyễn Tiến Vinh nảy ra ý định biên tập, xuất bản cuốn văn, thơ, nhạc của câu lạc bộ mà đến thời điểm đó, chưa có đơn vị nào trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nghĩ ra. Năm 2011, ông ấp ủ xuất bản 1 cuốn sách, đây là món quà thiết thực kỷ niệm 15 năm ngày thành lập CLB, chắc chắn nó có tác động nhất định đến phong trào văn hóa văn nghệ của xã Chí Tiên lúc này đang phát triển. Người cao tuổi cũng mong muốn mình được góp công sức trí tuệ để lưu lại cho con cháu. Ông mang việc này ra bàn trong Ban Chủ nhiệm, được 100% ý kiến ủng hộ, kinh phí làm sách được xác định xã hội hóa là chính, xã ủng hộ 1 phần mang tính động viên, khích lệ. Thế là ông bắt tay thành lập ban biên tập xây dựng kế hoạch xuất bản sách, tiêu chí lựa chọn, sưu tầm, chọn lọc bài đăng, thành lập ban Tài chính lo kinh phí in sách, phát hành… Ông tâm sự: lúc đầu hăng hái lắm, chỉ sau khi bắt tay làm mới thấy quá nhiều khó khăn và nhiều việc không tên xuất hiện, song đã hạ quyết tâm rồi thì khó mấy cũng tìm cách gỡ và thực hiện cho kỳ được. Tên gọi cuốn sách là Nắng chiều quê gồm 5 phần; phần 1 gồm bài viết về lễ hội, đình làng, các giá trị văn nghệ dân gian vùng quê Chí Tiên, Chùa Long Khánh, bản dịch minh văn chuông chùa Long Khánh. Phần 2 là thơ; phần 3 là âm nhạc, câu đối; phần 4 là phụ bản ảnh; phần 5 là lời nói đầu, mục lục, danh sách người hảo tâm ủng hộ CLB. Nói thì dễ nhưng trên thực tế nó cũng mất nhiều thời gian để định hình. Có thể nói là từ những viên ngọc còn rất thô ráp, ông Nguyễn Tiến Vinh cùng các cụ, các ông trong Ban chủ nhiệm CLB đã mài giũa cho ra đời những sản phẩm giá trị. Sau khi tập 1 Nắng chiều quê được xuất bản, ông Vinh đưa cuốn sách đến cụ Nguyễn Khắc Xương, một trong những “cây đa, cây đề” của làng văn hóa dân gian vùng đất Tổ xin ý kiến đánh giá. Sau chuyến đi, ông nhận được nhiều ý kiến nhận xét quý báu, những lời động viên, cổ vũ, khích lệ rất sâu sắc, giúp ông ấp ủ, thai nghén tập 2 cuốn sách. Trong thời gian này, Đảng ủy, UBND xã Chí Tiên chủ trương biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn 1945 - 2017, ông Nguyễn Tiến Vinh và 2 cụ trong CLB được mời tham gia Ban sưu tầm, biên soạn tư liệu. Có thể nói, bằng tinh thần làm việc cẩn trọng, khoa học, trách nhiệm, ông Vinh và các cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, một phần đáng kể tư liệu mà các ông cung cấp được đưa vào sử dụng để biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã. Được sự khen ngợi, góp ý chân thành của những người con quê hương, ông Nguyễn Tiến Vinh và các cụ trong ban biên tập tiếp tục xuất bản cuốn Nắng chiều quê tập 2 vào năm 2016. Với chất lượng bài tuyển chọn tốt hơn, độ phản ánh cũng chuyên sâu hơn, số lượng in 250 cuốn sách đã gây ấn tượng sâu sắc với bạn đọc. Trong tập 2 có các bài nghiên cứu, khảo luận về câu phương ngôn “Đàn anh Chí Chủ” với góc nhìn đa chiều, những kiến giải tương đối thỏa đáng xung quanh nội dung câu phương ngôn và một số bài giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa các di tích nổi tiếng của Chí Tiên. Lần xuất bản thứ hai, ông cùng các cộng sự có nhiều kinh nghiệm cũng như các trải nghiệm hơn cuốn Nắng chiều quê tập 1. Sự lan tỏa của cuốn sách không chỉ ở trong xã mà còn đến cả những người con Chí Tiên đang học tập công tác, sinh sống ở TP. HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Một buổi sinh hoạt tại CLB Hưu trí và Người cao tuổi xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba

 

Hiện tại, ông Nguyễn Tiến Vinh và các cụ trong Câu lạc bộ người Hưu trí và Cao tuổi xã Chí Tiên vẫn lặng lẽ, cần mẫn tìm những hạt ngọc văn hóa dân gian trong kho tàng đồ sộ đang còn lưu giữ trên quê hương ông. Đó cũng chính là công việc thường ngày, vừa tạo niềm vui cho tuổi già, vừa tăng cường tiếp cận thông tin, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc. Câu lạc bộ đã có kế hoạch xuất bản cuốn Nắng chiều quê tập 3 vào năm 2025. Nhiều năm qua, bằng sự tuyên truyền thông qua các công trình nghiên cứu, các cuốn sách được xuất bản, sự hoạt động liên tục có sức lan toả của CLB, nhiều người đã biết đến vùng quê Chí Tiên không chỉ có lễ hội đền Du Yến hấp dẫn mà còn biết đến nhiều địa danh du lịch được kết nối với nhiều di tích, danh thắng của huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ trên vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Ở tuổi 80 “tà tà bóng ngả về Tây”, ông luôn cảm thấy mình được quê hương ưu ái: “Đồng làng cho bát cơm thơm, nồi canh chua  mát những hôm chiều hè”, hay “Mái trường làng những tháng năm, sắc hoa phượng đỏ in đằm tuổi thơ” mà ông đã thổ lộ tiếng lòng qua bài thơ  rất giàu cảm xúc: Thiếu nợ quê hương đăng trong Nắng chiều quê. Ông luôn tự nhủ mình phải làm một việc gì đó để tri ân quê hương. Trong xã hội hiện đại, trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống, nếu không có những con người làm công việc vén bụi thời gian, trả lại những giá trị đích thực của văn nghệ dân gian đã chìm lấp thì chỉ một thời gian nữa thôi nó dễ bị quên lãng. Nói không quá lời, họ chính là những người lặng lẽ, cần mẫn đi tìm ngọc, những giá trị đích thực nối quá khứ với đời sống hiện tại và đó cũng chính là cái hồn cốt của làng quê trung du.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

 

;