Ngôi đền thờ Hùng Vương ở bản Tày

Từ lâu, trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, ngôi đền là chốn linh thiêng thờ phụng Vua Hùng, nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Sự độc đáo của ngôi đền chính là sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng giữa miền xuôi và miền ngược, kết tinh những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là đền Pịt thuộc bản Tày Pịt, xã Lương Sơn (Bảo Yên - Lào Cai).

Từ khi đền được thành lập đến nay, không có sự thay đổi về tên gọi. Theo Lý lịch đền Pịt cũng như lời kể của các bậc cao niên trong xã thì thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), Thổ ty Đại Đồng (Yên Bình) tàn ác âm mưu cát cứ một địa phương, anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Công Mật nổi dậy giết Thổ ty Đại Đồng. Vua Lê Chiêu Tông cho anh em họ Vũ xây dựng căn cứ tại tổng Lương Sơn, lấy tên là Thành “Nghị Lang”, còn được gọi “Phủ Bầu” hay “Thành Bầu” thuộc thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên). Thời kỳ này, nhân dân có đời sống tương đối ổn định, ấm no.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa thất bại, nhiều tàn quân đã chạy dạt sang Việt Nam. Trong đó, nhóm tàn quân do Lưu Vĩnh Phúc đứng đầu đã kéo về Lục Yên và thành lập quân Cờ Đen. Để nuôi sống tàn quân, chúng ra lệnh cho các chức dịch địa phương phải nộp lương thực, thực phẩm, bắt thanh niên trai tráng xung vào đội quân của chúng. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Đến năm 1872, giặc Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh cầm đầu kéo từ Vân Nam sang Lào Cai. Một cuộc chiến khốc liệt giữa quân Cờ Đen và quân Cờ Vàng đã khiến nhân dân trong vùng rơi vào cảnh vô cùng bi thảm. Giặc cỏ vùng biên giới chưa yên thì năm 1885, thực dân Pháp đánh các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đó trở đi, dân tộc ta rơi vào cảnh lầm than, nước mất nhà tan, nhân dân vô tội chịu nhiều tầng áp bức bóc lột.

Dưới nhiều tầng áp bức bóc lột kéo dài từ những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đời sống nhân dân các dân tộc ở Lương Sơn vô vùng tăm tối. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người cần một điểm tựa về tâm linh. Sau nhiều lần nhờ các vị cao nhân kiếm tìm thì những người có uy tín trong cộng đồng người Tày ở Bản Pịt đã quyết định rước chân nhang thờ vua Hùng Vương ở Bạch Hạc, Phú Thọ về thờ tại đền. 

Từ khi rước chân nhang thờ các Vua Hùng về thờ, đời sống người dân thôn Pịt, xã Lương Sơn đã được nâng đỡ, động viên về mặt tinh thần. Việc thờ cúng Vua Hùng cùng với sơn thần, thổ địa của làng được duy trì suốt từ thời gian đó cho đến ngày nay. Đền Pịt tọa lạc trên mảnh đất rộng trên 4000 m2, vị trí thoáng, phía trước là 2 bậc sân rộng khoảng 300 m2, nền của di tích cao hơn mặt sân 50cm, cây cối và những thửa ruộng bậc thang bao quanh tạo nên khung cảnh hữu tình. Hiện nay đền Pịt là ngôi nhà gỗ 1 gian chính giữa và 2 chái được làm bằng gỗ, vật liệu còn rất tốt, yếu tố kỹ thuật đạt thẩm mỹ cơ bản. Đền hướng chính Đông. Trong đền có một bát hương cổ, toàn bộ nền đá, vết tích dựng đền vẫn còn.

Gian chính giữa với 1 ban thờ lớn, ba bát hương là nơi thờ tự của các vị Vua Hùng và những vị thánh trong dân gian, tạo nên sự hài hòa cân đối cho không gian ngôi đền. Bát hương chính giữa cao hơn hẳn thờ các vị vua Hùng, bát hương bên trái nhìn từ cửa vào thờ vị thần chủ của vùng người Tày gọi là Đông Căm, bên phải là bát hương thờ thần làng người Tày gọi là phi sân, các vị thần sông, thổ địa, long thần nói chung. Hằng năm, lễ cúng đền Pịt được tổ chức 2 lần trong năm. Lần thứ nhất diễn ra vào ngày mồng 3 tháng Giêng (âm lịch). Lần thứ hai, diễn ra vào ngày 15 tháng 7 (âm lịch). Ngày nay, với người dân thôn Pịt, lễ  cúng vào ngày mồng 3 tháng Giêng là tiệc chính to nhất trong năm.

Sáng mồng 3 tháng Giêng, gia đình chủ cúng và làng bản cùng nhau làm mâm dâng cúng. Chủ cúng chọn được giờ tốt, sẽ bắt đầu mang trống, chiêng, bê mâm lễ vật dâng cúng mang ra ngoài đền. Người mang lễ vật là các trai tân trong làng. Nhà thầy cúng cũng chuẩn bị 2 mâm cơm mang ra đền. Ngoài ra, có một mâm chung của cả bản và các mâm của từng gia đình trong dòng họ. Đến giờ lành đã định, sau 3 hồi trống, chiêng, thầy cúng đứng trước mâm, bắt đầu hành lễ. Cúng xong, tất cả mọi người tham dự quỳ lạy thần linh. Trong khi mọi người quỳ lạy, thầy cúng khấn cầu theo: “Cầu thần phù hộ cho cả bản bình an, làm ăn phát đạt”. Thầy cúng xin âm dương, khi hương tàn thì hạ lễ. Thầy cúng rót 3 lần rượu, sau đó hóa vàng. 

Nhiều năm trước đây, đến ngày hội của đền vào tháng Giêng, các chị em phụ nữ thường làm một mâm quả còn, én. Kết thúc phần nghi lễ cúng và thụ lộc, các cụ đến một mảnh ruộng để ném còn vòng, chơi én, đánh quay... Tất cả mọi người nam nữ, già trẻ đều nô nức, phấn khởi, tinh thần thăng hoa chuẩn bị một năm mới với nhiều hân hoan. Các quả còn, khi chơi xong sẽ được giữ tại gia đình nhà thầy cúng đến năm sau, khi làm cái mới, mới hóa cái cũ.

Với những giá trị nhiều mặt, đền Pịt đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Đền Pịt xã Lương Sơn là địa chỉ tâm linh, không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, ngôi đền gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngôi đền là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Tày - Việt. Đền Pịt là điểm nhấn tâm linh trong lộ trình phát triển du lịch tâm linh của địa phương. 

Tác giả: Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021

 

;