Nghĩa cử cao đẹp của nhóm giáo viên nội trú ở chùa Đức Sơn - Huế

Khiêm tốn, kiệm lời, không muốn nói về mình là cảm nhận chung khi chúng tôi gặp nhóm giáo viên nội trú ở trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn (thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế).

Nhóm phối hợp với Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi chùa Đức Sơn tổ chức sinh nhật tập thể cho 150 cháu
 

Thành viên của nhóm có người đang công tác, giảng dạy tại các trường học trên địa bàn xã Thủy Bằng và thành phố Huế, có người đã nghỉ hưu. Nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng nhân ái, hạnh nguyện sẻ chia, luôn đồng hành cùng Ni trưởng Thích Nữ Minh Tú để nuôi dạy một “đội quân” hơn 150 em ở đây. Nhóm có 11 thành viên thường trực, trong đó có giáo viên đến với các em mới vài ba năm, có giáo viên đã gắn bó với trung tâm từ thuở mới “khai thiên, lập địa”. Điển hình như cô giáo Hồ Thị Hoài, sinh năm 1952 “bén duyên” với trẻ mồ côi ở đây hơn 30 năm. Cô giáo Trần Thị Quế Phương, 75 tuổi, ở Lịch Đợi (Phường Đúc, thành phố Huế) hằng ngày vẫn ung dung trên chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi trên các cung đường đến trung tâm để trao truyền kiến thức cho các em bất hạnh ở nơi này. Để có kinh phí giúp đỡ các em, cùng nhà chùa tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại, sinh nhật…, nhóm giáo viên nội trú đóng góp kinh phí 20.000 đồng -50.000 đồng/người/tháng tùy điều kiện của từng người. Đồng thời, các cô còn vận động bạn bè, người thân cùng tham gia với số lượng gần 200 người. Trong số kinh phí thu gom được, quý cô hỗ trợ một phần cho các cháu mồ côi chùa Đức Sơn, phần thì hỗ trợ 2 nhà dưỡng lão ở chùa Tịnh Đức và Diệu Viên (thành phố Huế). Để rồi “nhiều tay vỗ nên kiêu” ấy truyền hơi ấm, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các cháu vượt qua những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống thường nhật, phấn đấu trở thành người công dân lương thiện cho quê hương, đất nước. Cô giáo Hoài - người gắn bó lâu nhất với trung tâm, trong nhiều năm nay đã vận động một người bạn ở Mỹ tài trợ kinh phí, hiện vật như sách vở, cặp học sinh, áo quần, giày dép…với tổng kinh phí từ 1.000-1.500 USD/năm. Nhóm giáo viên nội trú là “cánh tay” nối dài của trung tâm. Các cô không chỉ tham gia giảng dạy, truyền thụ kiến thức, mà còn giúp nhà chùa quản lý, hướng dẫn, chăm sóc các em trong mỗi lần đi tham quan, dã ngoại. Cứ định kỳ vào cuối tháng 12 âm lịch hằng năm, Cô nhi viện Đức Sơn tổ chức sinh nhật tập thể cho các em. Mùa hè tổ chức cắm trại ở khu du lịch suối nước nóng Thanh Tân, đồi Thiên An… nhằm giúp các em gần gũi biết yêu quý và giữ gìn thiên nhiên, qua đó cũng rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ mồ côi ở đây - vốn bị thiệt thòi nhiều so với trẻ em đồng trang lứa. Đến dự sinh nhật tập thể hơn 150 em ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Đức Sơn mới thấy các em háo hức cắt bánh kem, phá cỗ, đa phần bày tỏ niềm phấn khích với sự kiện trọng đại này. Nhìn khuôn mặt các cháu rạng ngời, tràn ngập niềm hân hoan, vui sướng, hạnh phúc bao nhiêu, chúng tôi càng thán phục bấy nhiêu hoạt động của nhóm giáo viên nội trú, quý cô đã chia sẻ từng miếng cơm, tấm áo và cả sự vỗ về, an ủi, khích lệ. Có điều, các cô không những chắt chiu, gom góp tài trợ cho các em của cải vật chất, mà quan trọng hơn là tình yêu thương vô bờ, sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc hoàn cảnh của từng em. Những ánh mắt non nớt, tiếng cười nói thơ ngây của các em đã thật sự làm lay động trái tim các “kỹ sư tâm hồn”, là động lực thôi thúc nhóm càng nỗ lực nhiều hơn, tranh thủ nội lực, phát huy ngoại lực mạnh hơn nguồn tài chính trong điều kiện tốt nhất để dành cho các em.

Khi tâm đã động, chí đã quyết thì vấn đề còn lại là cùng nhau chung sức, chung lòng, cùng nhau hành động với phương châm: “Hãy dành những gì tốt nhất cho các cháu mồ côi, bất hạnh”. Tiêu biểu, như cô Thu Sương đã vận động cả gia đình ở Hoa Kỳ “tiếp lửa” cho tập thể các cháu càng thêm vững bước tiến đến tương lai.

Thông qua cuộc vận động, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp nhân dân, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh, phát triển. Cô giáo Hoài chia sẻ: “Cách đây 35 năm, cơ sở vật chất của Trung tâm còn khó khăn, thiếu thốn mọi bề, tôi phải dạy một lúc 5 lớp (lớp ghép). Tuy cuộc sống vất vả nhưng vì tình thương con trẻ, để bù đắp một phần thiệt thòi, mất mát của các em nên tôi gắn bó với trung tâm cho đến ngày nay”. Nhiều cô giáo trong nhóm, mặc dù bộn bề việc trường, việc nhà nhưng vẫn sắp xếp thời gian đến với các em, xem các em như một phần máu thịt của mình. Mặc cho cuộc sống trôi theo quy luật vô thường của tạo hóa, các cô vẫn đêm ngày âm thầm trao truyền cho các em tình thương và kiến thức, tiếp cho các cháu niềm tin mãnh liệt về sự chiến thắng chính bản thân mình. Nhiều em mồ côi xuất thân từ trung tâm này nay đã trở thành nhân tài của quê hương, đất nước. Điển hình như em Hồ Cù Thiện Quy đã tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và có việc làm ổn định. Em Nguyễn Phú tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế, hiện công tác ở Ngân hàng Sacombank (chi nhánh Huế). Em Hồ Xuân Thiệc (dân tộc Vân Kiều, Quảng Trị) đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế và đang công tác ở Bệnh viện đa khoa Cần Thơ. Em Nguyễn Văn Hai, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và đang làm việc cho một công ty TNHH sản xuất giống cây trồng ở  TP.HCM…

Ngày lại ngày, các cô là những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận chống giặc dốt, góp phần xoa dịu nỗi đau bất hạnh của các cháu ở Cô nhi viện Đức Sơn-Huế. Lúc chia tay, các cô không quên nhắn nhủ: “Anh viết ít thôi, những việc làm của chị em tôi chỉ là những hạt cát thôi mà!” Vâng, chính những việc làm, những tấm gương bình dị mà cao quý ấy đã có hiệu ứng tích cực đến xã hội, cộng đồng, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp, hướng thiện và nhân văn hơn.

 

VÕ VĂN DẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

;